Zaha Hadid – Nữ hoàng của những đường cong kiến trúc

Zaha Hadid không chỉ là một kiến trúc sư đại tài mà còn là một người phụ nữ phi thường. Sự ra đi đột ngột của bà vào ngày 31/1/2016 đã để lại tiếc nuối vô hạn cho những người say mê kiến trúc, đồng thời chính thức đặt dấu khép lại cho một sự nghiệp phi thường và đột phá. Bài viết đặc biệt này ELLE Decoration Việt Nam xin dành tặng để tri ân đến bà, nhà sáng tạo với tầm nhìn của tương lai.

Zaha Hadid được vinh danh như “Nữ hoàng của những đường cong kiến trúc” bởi khả năng lồng ghép những đường uốn lượn hết sức mềm mại, gợi cảm vào những công trình kiến trúc tưởng chừng như phải vuông vức, thô cứng. Bà đã thổi nét yêu kiều, duyên dáng nhưng cũng rất quyết đoán của người phụ nữ vào lĩnh vực từ trước đến nay luôn được thống trị bởi đàn ông.

Zaha Hadid là người Anh gốc Iraq, và cũng là người phụ nữ đầu tiên được trao giải thưởng Pritzker (2004). Sau khi nhận bằng cử nhân Toán học tại Đại học Hoa Kỳ ở Beirut (Liban), bà quyết định theo nghiệp Kiến trúc khi ghi danh vào trường Hiệp hội kiến trúc London. Ngay từ khi còn là một đứa trẻ, bà đã biết mình muốn trở thành kiến trúc sư. Một người bạn rất thân của cha bà cũng là một kiến trúc sư, và trong những lần sang thăm nhà, ông thường mang theo mô hình công trình của mình. Những mô hình, bản vẽ ấy đã khơi gợi trong cô bé 6 tuổi ý niệm đầu tiên về nghề nghiệp tương lai. Khi được tìm hiểu sâu về chuyên ngành, bà ngay lập tức bị cuốn hút vào khái niệm phân mảnh không gian và ý tưởng sáng tạo trừu tượng, điều lý giải cho những thiết kế có phần siêu thực của bà sau này.

Trung tâm Heydar Aliyev được xây dựng ở Baku, CH Azerbaijan với phần mái sà đặc trưng của Zaha Hadid. Công trình này đã trở thành biểu tượng mới về văn hóa và kiến trúc của cả nước nhờ sự độc đáo trong thiết kế, nổi bật giữa một rừng các tòa nhà theo phong cách kiến trúc Soviet cũ. Ảnh: Iwan Baan

Ảnh phải Bảo tàng Riverside (Glassgow, Scotland) được mô tả là một công trình nắm bắt vô cùng thành công trí tưởng tượng của con người. Thiết kế của tòa nhà được lấy cảm hứng từ dòng chảy nối giữa hai con sông Kelvin và Clyde, nơi bảo tàng được xây dựng. Một vẻ đẹp kiến trúc không chỉ thể hiện được câu chuyện phía sau nó mà còn là biểu tượng cho dòng chảy lịch sử!

Tondonia Winery Pavilion là công trình cải tạo để kỷ niệm 125 năm thành lập hãng rượu danh tiếng Rafael López de Heredia Tondonia Winery ở Tây Ban Nha. Với kết cấu kiến trúc hiện đại được xếp đặt ngay trước cửa xưởng rượu cổ đã hàng trăm năm tuổi, công trình này được xem như một chiếc cầu nối hoàn hảo giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.

Phong cách mà bà theo đuổi thuộc trường phái Kiến Trúc Giải Tỏa Kết Cấu, với những đường cong táo bạo, lộng lẫy. Phong cách đặc trưng của bà thể hiện rõ ở hình dáng uốn lượn sà của phần mái, khai thác triệt để các khía cạnh hình học và kiểu sắp xếp không gian phân mảnh. Khi bước vào trong, bạn sẽ thấy như mình đang ở một chiều không gian khác bởi những hiệu ứng kiến trúc mà bà tạo ra thật hết sức mới lạ và choáng ngợp.

Zaha Hadid được xem là người góp công thay đổi bộ mặt kiến trúc hiện đại, là người có tầm nhìn và đề cao trải nghiệm nên các thiết kế của bà luôn mang định hướng về tương lai. Những hình khối, tỉ lệ của chúng mang hàm ý thúc đẩy xa hơn nữa cách tiếp cận, giải pháp sáng tạo cho công trình. Công trình của bà chưa bao giờ được xem là bình thường, bởi vẻ bề ngoài khác biệt và nổi bật của chúng tự thân đã là một lời tuyên bố mạnh mẽ, rằng đây là tác phẩm của Zaha Hadid chứ không thể ai khác.

Issam Fares Institute – American University of Beirut với những khung cửa sổ vạt chéo và khối nhà vững chãi, mang vẻ ngoài vô cùng phù hợp với không gian trang nghiêm của khuôn viên Đại học Beirut.

The Investcorp Building là một tòa nhà mang tầm nhìn của tương lai tọa lạc giữa vùng Oxford cổ kính của nước Anh. Mặt bên tòa nhà được bao bọc bởi thép không gỉ, dưới ánh mặt trời lấp lánh như gương, một công trình hướng về tương lai nhưng lại phản ánh dáng dấp của thực tại.

Eli & Edythe Broad Art Museum là công trình bảo tàng nghệ thuật thể hiện rõ niềm đam mê mà Zaha Hadid dành cho các khối hình học. Mang vẻ ngoài góc cạnh, đa diện với những lớp xếp nếp biểu trưng cho con đường dẫn lối từ quá khứ đến tương lai, và vai trò xuyên suốt của nghệ thuật trong đời sống con người.

Các công trình tiêu biểu nhất của Zaha Hadid gồm có Trung tâm Heydar Aliyev (đoạt giải Thiết kế của Năm 2014), Nhà hát Opera Quảng Châu (2010), Trung tâm thể thao dưới nước London (2011) và Bảo tàng Riverside (đoạt giải Micheletti cho Viện bảo tàng châu Âu). Và có lẽ câu nói thể hiện rõ nhất đặc trưng phong cách của bà chính là “có đến 360 độ để lựa chọn, sao cứ phải gắn liền mãi với một thứ?”.

Tuy có tài năng nổi trội và cá tính khác biệt là vậy, nhưng bà lại rất tin vào tinh thần hợp tác. Bởi bà cho rằng sự tập hợp của nhiều cái đầu lớn sẽ giúp nền kiến trúc tiến xa nhanh hơn, và khi ấy tất cả mọi người đều có lợi. Bà cũng cho rằng kiến trúc là một loại ngôn ngữ đặc thù ta không thể dạy dỗ, mà chỉ có thể truyền lại cảm hứng mà thôi. Vì vậy, trách nhiệm của người KTS là tạo ra những công trình giúp khơi gợi, truyền tải được thứ ngôn ngữ đó. Đó chính là những điều biến Zaha Hadid trở thành một anh hùng thiết kế, một người truyền lửa sẽ luôn được nhớ mãi về sau.

Dominion Office Building tọa lạc ngay giữa thủ đô Moscow, Nga. Thoạt trông bề ngoài thì công trình có vẻ vuông vức hơn phong cách thường thấy của Zaha Hadid. Nhưng khi tiến vào bên trong, người ta sẽ có cảm giác như đang lạc vào vùng không gian hư ảo của nghệ thuật trừu tượng.

Khu thể thao dưới nước phục vụ cho thế vận hội Olympics 2012 tại London là một trong những công trình gây ấn tượng nhất mà Zaha Hadid từng thực hiện, được lấy cảm hứng từ chuyển động uốn vòng của dòng nước nên hình dạng kết cấu trông hết sức uyển chuyển.

Vitra Fire Station là công trình đưa tên tuổi Zaha Hadid lên đỉnh cao với phần mái vót nhọn đầy thách thức.

Bài PHƯƠNG NGUYỄN