Những nữ kiến trúc sư có sức ảnh hưởng nhất trong lịch sử

Cuộc đời và sự nghiệp của những nữ kiến trúc sư tài ba có sức ảnh hưởng từ xưa đến nay đã làm thay đổi định kiến “kiến trúc là lĩnh vực của nam giới”.

Giành quyền bình đẳng giới là cuộc đấu tranh được diễn ra từ rất sớm trong lịch sử ở nhiều lĩnh vực để phụ nữ có thể có tiếng nói và thể hiện được khả năng của bản thân nhiều hơn những trách nhiệm nội trợ. Với kiến trúc, từ thế kỉ 17 đến nay đã xuất hiện những nữ kiến trúc sư tài năng và bản lĩnh đã để lại những thành tựu mang dấu ấn riêng. Hơn thế nữa, họ chính là nguồn cảm hứng về sự kiên trì, quyết tâm và gan góc cho những người phụ nữ ở thế hệ sau dấn thân vào ngành kiến tạo này.

Elizabeth Lady Wilbraham (1632–1705)

Elizabeth Lady Wilbraham được xem là nữ kiến ​​trúc sư đầu tiên của Vương quốc Anh và là người bảo trợ chính cho nhiều công trình kiến ​​trúc vào thế kỷ 17. Sinh ra trong một gia đình quý tộc, sau đó kết hôn với Thomas Wilbraham – người thừa kế tước vị nam tước, bà có nhiều cơ hội để tham quan, nghiên cứu nền kiến trúc châu Âu đồ sộ và gặp gỡ các kiến ​​trúc sư quan trọng trên khắp lục địa. 

chan dung Elizabeth Lady Wilbraham

Chân dung Elizabeth Lady Wilbraham | Ảnh: Bridgeman Images

Tuy nhiên, việc gán cho Lady Wilbraham danh xưng nữ kiến ​​trúc sư đầu tiên vẫn còn hơi khiên cưỡng bởi không có bằng chứng rõ ràng nào về việc bà trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng các dự án. Nhà sử học John Millar – người đã dành hơn 50 năm nghiên cứu về Elizabeth Lady Wilbraham, cũng chỉ có thể đưa ra những tuyên bố mang tính suy đoán vì không đủ tài liệu để chứng minh. 

Mặc dù chưa rõ tính hợp pháp của vai trò kiến ​​trúc sư nhưng rõ ràng Lady Wilbraham rất quan tâm đến lĩnh vực kiến trúc và là người bảo trợ chính cho nhiều công trình, trong đó có ngôi nhà của gia đình Staffordshire, Weston Hall, nơi sở hữu các chi tiết kiến ​​​​trúc đặc sắc và tiêu biểu.

nha tho cong trinh ton giao

Nhà thờ St Paul’s Cathedral do Lady Wilbraham làm người bảo trợ công trình | Ảnh: St Paul’s Cathedral

Marion Mahony Griffin (1871–1961)

Sinh năm 1871 tại Chicago, Marion Mahony Griffin là một trong những nữ kiến ​​trúc sư được cấp phép đầu tiên trên thế giới. Bà theo học và tốt nghiệp chuyên ngành kiến trúc tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) vào năm 1894. Sau khi tốt nghiệp, Marion dành phần lớn thời gian đầu sự nghiệp của mình để làm việc cho Frank Lloyd Wright – một kiến trúc sư lỗi lạc người Mỹ với hơn 1.000 công trình di sản. Tại đây, bà được trau dồi và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi phong cách kiến trúc Prairie của Frank, góp phần mở rộng American Prairie School ở Hoa Kỳ, Ấn Độ và Úc. 

chan dung nu kien truc su Marion Mahony Griffin

Chân dung Marion Mahony Griffin | Ảnh: Pioneering Woman of American Architecture

Mặc dù tài năng của Marion không thực sự được đánh giá cao khi bà còn sống nhưng giờ đây, bà được nhớ đến như một trong những người có nét vẽ vĩ đại nhất lịch sử kiến ​​trúc với các công trình tiêu biểu: Fishwick House ở Úc hay nhà riêng của ông hoàng ngành công nghiệp ô tô Henry Ford ở Michigan. Những bản vẽ của bà cũng đã truyền cảm hứng cho các kiến trúc sư nổi tiếng sau này như Mies van der Rohe hay Le Corbusier.

nha co dien cong trinh tieu bieu

Nhà Ward W. Willits | Ảnh: Wikimedia

Julia Morgan (1872-1957)

Đi từ việc là người phụ nữ đầu tiên được nhận vào chương trình kiến ​​trúc danh giá tại Beaux-Arts de Paris đến việc trở thành nữ kiến ​​trúc sư đầu tiên được cấp phép ở California, Julia Morgan hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu người tiên phong. Vào thời điểm mà hầu hết các kiến ​​trúc sư nữ đều kết hợp làm việc cùng với chồng, Julia đã mở công ty riêng và thiết kế hơn 700 tòa nhà trong suốt sự nghiệp ấn tượng của mình.

chan dung  Julia Morgan

Chân dung của Julia Morgan | Ảnh: Kennedy Library Online Archive, California Polytechnic State University

Julia Morgan cũng đi đầu trong việc sử dụng bê tông cốt thép, một loại vật liệu đã được chứng minh vừa có hiệu quả kháng chấn vượt trội, vừa mang tính thẩm mỹ cao. Bà chủ động tiếp nhận phong trào Arts and Crafts, sử dụng nhiều sản phẩm gốm để trang trí cho các công trình. “Ở trong các thiết kế của Julia, ta luôn có thể tìm thấy sự dung hòa giữa cổ điển và đổi mới.” Dự án thành công nhất mà bà từng thực hiện là lâu đài Hearst của tài phiệt ngành xuất bản William Randolph Hearst ở San Simeon. Năm 2014, sau khi đã qua đời gần 5 thập kỷ, những đóng góp của Julia Morgan tiếp tục được ghi nhận và xem trọng qua việc Viện Kiến trúc sư Hoa Kỳ truy tặng Huy chương Vàng AIA danh giá cho bà. 

lau dai hearst kien truc co dien

Lâu đài Hearst được lên ý tưởng và xây dựng trong gần 30 năm. | Ảnh: Josve05a

Elisabeth Whitworth Scott (1898–1972)

Có thể nói, kiến trúc đến với Elisabeth Whitworth Scott như sứ mệnh được sắp đặt khi bà sinh ra trong một gia đình có những thành tựu đáng ngưỡng mộ ở lĩnh vực này. Vào giai đoạn phát triển cực thịnh của kiến trúc châu Âu, các công trình của gia đình Scott xuất hiện ở khắp nơi trên đất nước Anh. Người chú vĩ đại của bà, George Gilbert Scott – người sáng lập Watts & Co., đã thiết kế khách sạn Midland tại ga St Pancras ở London, người anh họ thứ hai Giles Gilbert Scott thiết kế nhà máy điện Battersea nổi tiếng. Trong khi, bà cũng bắt đầu sự nghiệp của mình bằng việc chiến thắng một cuộc thi kiến ​​trúc quốc tế với công trình Nhà hát tưởng niệm Shakespeare ở Stratford-upon-Avon. 

chan dung nu kien truc su Elisabeth Whitworth Scott

Chân dung Elisabeth Whitworth Scott | Ảnh: Wikipedia

cong trinh kien truc nha hat ho nuoc

Nhà hát tưởng niệm Shakespeare | Ảnh: Wikipedia

Jane Drew (1911–1996)

Ngay từ khi còn nhỏ, Jane Drew đã bộc lộ tài năng và niềm say mê đối với kiến ​​trúc khi dành phần lớn thời gian để xây dựng các mô hình bằng gạch và gỗ. Sau khi trưởng thành, Jane theo học tại Trường Hiệp hội Kiến trúc ở London, nơi bà gặp gỡ người bạn đời và cũng là người ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư duy quy hoạch thị trấn và xây dựng công trình nhiệt đới theo Chủ nghĩa Hiện đại của bà – Maxwell Fry.

chan dung

Chân dung Jane Drew | Ảnh: Evening Standard

Từ năm 1944 – 1946, Jane Drew trở thành trợ lý cố vấn quy hoạch thị trấn cho bộ trưởng thường trú tại các thuộc địa Tây Phi của Anh. Sau đó, bà cùng chồng thành lập công ty Fry, Drew and Partners ở London, thực hiện vô số công trình quy hoạch quy mô lớn cho các nước nhiệt đới, trong đó, đại học Ibadan ở Nigeria là đại diện tiêu biểu nhất. Vào năm 1996, chỉ bảy tháng trước khi qua đời, Jane Drew nhận được Huân chương Xuất sắc nhất của Đế quốc Anh cấp bậc quý bà (DEB) – một huân chương được chấp thuận tại mười sáu vương quốc thuộc Khối thịnh vượng chung để tôn vinh những đóng góp to lớn vào nghệ thuật và khoa học của các cá nhân, tổ chức. 

cong trinh quy hoach nhiet doi

Công trình quy hoạch Trường học Mfantsipim | Ảnh: Fry, Drew and Partners

Lina Bo Bardi (1914–1992)

Dù hoạt động trong giai đoạn hiện đại, con người dần cởi bỏ quan niệm kiến trúc là lĩnh vực chỉ dành đàn ông nhưng Lina Bo Bardi vẫn gặp nhiều khó khăn trong suốt sự nghiệp của mình ở Brazil bởi bà vừa là phụ nữ vừa không phải người bản địa. 

Lina Bo Bardi, tên thật Ahillina Bo, là một kiến ​​trúc sư và nhà thiết kế tài năng người Ý tốt nghiệp trường Cao đẳng Kiến trúc Rome năm 1939. Những năm đầu sự nghiệp, bà theo đuổi Chủ nghĩa Dân túy kết hợp với Chủ nghĩa Hiện đại (Populism with Modernism) thông qua những công trình táo bạo, đầy góc cạnh. 

chan dung nu kien truc su

Chân dung Lina Bo Bardi | Ảnh: Issuu

Sau một chuyến du lịch Nam Phi cùng chồng, bà nhanh chóng bị thu hút bởi văn hóa bản địa Brazil và cách nó ảnh hưởng đến lối kiến trúc hiện đại khu vực. Vậy nên, năm 1946, Lina chuyển đến Brazil và cống hiến phần lớn cuộc đời của mình để phát huy tiềm năng văn hóa và xã hội trong kiến ​​trúc và thiết kế, với công trình đáng chú ý nhất là Bảo tàng Nghệ thuật São Paulo (MASP).

cong trinh cong cong

SESC Pompéia | Ảnh: ArchDaily

bao tang nghe thuat

Bảo tàng Nghệ thuật São Paulo (MASP) | Ảnh: ArchDaily

Norma Merrick Sklarek (1926-2012)

Được mệnh danh là Rosa Parks trong lĩnh vực kiến trúc – niềm tự hào và biểu tượng cho công cuộc chống phân biệt chủng tộc, Norma Merrick Sklarek là nữ kiến trúc sư Mỹ gốc Phi đầu tiên được cấp phép ở cả hai tiểu bang lớn California và New York. Đồng thời, bà cũng là người phụ nữ da màu đầu tiên trở thành thành viên chính thức của Viện Kiến trúc Hoa Kỳ (AIA). Trong suốt sự nghiệp của mình, sức sáng tạo của Norma không bị giới hạn bởi đường biên giới, từ Đại sứ quán Mỹ ở Tokyo, Nhật Bản cho đến Trung tâm Thiết kế Thái Bình Dương và Nhà ga số 1 tại sân bay Quốc tế Los Angeles. 

chan dung nu kien truc su

Chân dung của Norma Merrick Sklarek | Ảnh: The modernist magazine

Năm 1985, bà hợp tác với Margot Siegel và Katherine Diamond để tạo ra Siegel Sklarek Diamond – công ty kiến trúc lớn nhất trong nước do phụ nữ làm chủ. Từ thời điểm đó đến nay, Norma Merrick Sklarek không chỉ được ca ngợi bởi năng lực kiến trúc xuất sắc mà còn vì sự ủng hộ của bà dành cho các nữ kiến trúc sư trong khu vực.

cong trinh kien truc hien dai

Trung tâm Commons-Courthouse | Ảnh: Gruen Associates

cong trinh tieu bieu guong

California Mart | Ảnh: Gruen Associates

Zaha Hadid (1950–2016)

Sẽ là một thiếu sót lớn nếu không đề cập đến Zaha Hadid trong danh sách những người phụ nữ thành công của lĩnh vực kiến trúc. Được mệnh danh là “Nữ hoàng của đường cong”, kiến trúc sư người Anh gốc Iraq Zaha Hadid nổi tiếng với quan điểm “Có 360 độ, vậy tại sao lại phải gắn chặt với một thứ?”. Bà đã tạo nên những tòa nhà có đường cong ấn tượng, độc đáo như: Nhà hát lớn Quảng Châu, Trung Quốc hay Trung tâm Heydar Aliyev ở Azerbaijan. 

chan dung

Chân dung của Zaha Hadid | Ảnh: Amazons Watch Magazine

Năm 2004, bà trở thành nữ kiến trúc sư đầu tiên trên thế giới được trao Giải thưởng Kiến trúc Pritzker. Ngoài ra, Zaha Hadid cũng nhận được nhiều giải thưởng danh giá khác, gồm: hai giải Stirling của Viện Kiến trúc sư Hoàng gia Anh, cấp bậc Chỉ huy của Đế quốc Anh do Nữ hoàng Elizabeth II phong tặng và Huy chương Vàng RIBA, giải thưởng kiến ​​trúc hàng đầu tại Anh. Sự ra đi đột ngột của bà vào năm 2016 đã để lại niềm tiếc thương vô hạn cho những người đam mê kiến trúc. Những công trình mà Zaha Hadid để lại là minh chứng mạnh mẽ cho tầm nhìn và sức sáng tạo vô tận của con người.

cong trinh kien truc doc dao duong cong

Nhà hát lớn Quảng Châu | Ảnh: Zaha Hadid Architects

duong cong an tuong

Trung tâm Heydar Aliyev | Ảnh: Iwan Baan

Kazuyo Sejima (1956 – hiện tại)

Năm 2010, nữ kiến trúc sư Nhật Bản Kazuyo Sejima trở thành người phụ nữ thứ 2 trên thế giới vinh dự nhận Giải thưởng Kiến trúc Pritzker (cùng với đồng nghiệp nam Ryue Nishizawa, người cùng bà thành lập công ty kiến trúc SANAA có trụ sở tại Tokyo).

chan dung

Chân dung Kazuyo Sejima | Ảnh: Columbia GSAPP

Sejima được biết đến với những tòa nhà theo chủ nghĩa hiện đại, tối giản, lấy cảm hứng từ di sản Nhật Bản mà bà theo đuổi. Không chỉ gói gọn những thiết kế của mình ở đất nước Mặt trời mọc, Kazuyo Sejima còn đưa tên tuổi của mình ra toàn thế giới, từ Hoa Kỳ đến Thụy Sĩ thông qua những tác phẩm đáng chú ý như Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Mới, New York hay Trung tâm học tập EPFL, Lausanne. 

bao tang guong

Bảo tàng Sumida Hokusai | Ảnh: Kakidai – Own work, CC BY-SA 4.0

Thực hiện: Thùy Như


Xem thêm: 

Muôn màu Iris Apfel

Beatrix Farrand: Cái nhìn nhạy cảm với cảnh quan và tình yêu thực vật

Elsie de Wolfe-Người phụ nữ tiên phong với sứ mệnh làm đẹp cho đời