Quán bar Como Agua: Cảm hứng từ tổ chim nhiệt đới

Được xây dựng từ vật liệu mang tính bền vững và nằm giữa nhiệt đới, quán bar Como Agua với kiến trúc trên cây độc đáo, mang lại không gian trải nghiệm thú vị.

Nằm trên vách đá Vagator, hướng tầm nhìn ra biển Bắc Goa, Ấn Độ, Como Agua là một điểm đến kết hợp giữa quán bar và nhà hàng, gây ấn tượng bởi thiết kế độc đáo, mang đậm dấu ấn của thiên nhiên với vật liệu tự nhiên đa dạng. Ý tưởng của công trình được khởi xướng bởi OTHERWORLDS, một đơn vị thiết kế đa ngành.

quan bar to chim cay nhiet doi

Quán bar trông như tổ chim khổng lồ nằm gọn trong khung cảnh thiên nhiên hoang dã.

Thiết kế của quán bar lấy cảm hứng từ các hình thức có sẵn trong môi trường tự nhiên. Nhóm thiết kế cho biết: “Chúng tôi bị thu hút bởi những chiếc tổ dệt của chim chích chòe. Đây là loài chim sống theo bầy, thường làm tổ và kiếm ăn cùng nhau. Chúng thu thập tất cả các loại vật liệu tự nhiên như cành cây, sợi và lá để kết thành một chiếc kén treo lủng lẳng trên cành cây.

quan bar to chim cay nhiet doi sinh dong

Đơn vị thiết kế đã kết hợp tre với cây bụi hoang dã Lantana Camara, tạo nên một tổng thể gợi sự liên tưởng đến việc thưởng thức bữa ăn trong một tổ chim khổng lồ, được bao bọc bởi khung cảnh nhiệt đới sinh động.

Mỗi loài chim đều có những cách dệt tổ khác nhau. Do đó, đơn vị thiết kế muốn khám phá trải nghiệm ăn uống trong và xung quanh tổ chim dệt. Giống như loài chim, nhóm thiết kế cũng đã khám phá khu rừng của dãy Ghats để thu thập cây Lantana hoang dã và kết chúng lại để tạo ra các cấu trúc công trình.

quan bar to chim cay bui nhiet doi

Không gian của quán bar tràn ngập những vật liệu được “săn tìm” kỹ càng bởi đội ngũ thiết kế.

Ở tầng trệt, một màng Lantana lượn sóng bao quanh quầy bar, quầy pizza và băng ghế gỗ. Hệ đèn thả ngoài trời được tạo hình như những chiếc tổ chim, củng cố vẻ đẹp tự nhiên trong ngôn ngữ thiết kế của công trình. 

cui cay xanh yen binh

Không gian tầng trệt trệt của quán bar.

den tran go Lantana to ong cau thang

Thiết kế đèn thả kết hợp hài hòa với kiến trúc của quán bar.

Tầng trên cùng của công trình có hai chiếc tổ lớn nằm xen kẽ những rặng dừa, nơi thực khách có thể ngồi thưởng thức bữa ăn trong lúc ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên có rừng, có biển xung quanh. Không gian được bố trí những chiếc bàn ăn làm từ gỗ địa phương, cùng băng ghế làm từ gỗ Matti.

cay xanh nhiet doi trung dong

Không gian tầng 2 khi được nhìn từ trên cao.

Vật liệu tự nhiên và tính bền vững cũng là một tiêu điểm quan trọng của công trình này, trong đó nổi bật nhất là thân cây Lantana. 

Lantana Camara được xếp hạng là một trong mười loài thực vật xâm lấn tồi tệ nhất thế giới, xâm chiếm hơn 40% dãy Ghats Tây, tương đương 13 triệu ha. Được đưa vào Ấn Độ như một cây cảnh vào đầu những năm 1800, chủ yếu bởi người Anh, Lantana đã lan ra khỏi vườn và chiếm đoạt toàn bộ hệ sinh thái thông qua nhiều giống lai khác nhau. Trong 200 năm kể từ khi xuất hiện, loài thực vật này đã phát triển thành dạng dây leo thân gỗ, leo lên tán cây, quấn lấy các cây khác bằng cách tạo thành một đám dày đặc và lan rộng trên sàn rừng như một loại cây bụi leo. Loại cây này chủ yếu được phân tán bởi chim ăn quả, khỉ, gấu,… nhưng cũng có khả năng mọc từ thân rễ và các mắt của nó. Điều này dẫn đến sự phát triển rộng rãi, ảnh hưởng cuối cùng đến đa dạng sinh học, sinh kế và sức khỏe của con người và động vật – từ việc thay thế các loài thực vật bản địa và giảm năng suất đồng cỏ do hình thành các đám dày đặc, cho đến việc khiến cộng đồng dân tộc bản địa gặp khó khăn trong việc tiếp cận rừng để lấy củ ăn được và củi.

Đối mặt với những thách thức này, đơn vị thiết kế đã đưa ra một giải pháp sáng tạo: sử dụng Lantana Camara làm vật liệu xây dựng. “Dự án thể hiện những phương pháp xây dựng tiên phong, sử dụng vật liệu sinh học và đồng thời nhấn mạnh vào việc loại bỏ, sử dụng và phục hồi Lantana”, kiến trúc sư trưởng Arko Saha chia sẻ.

quan bar go Lantana phong cach trung dong

Quán bar được làm từ các vật liệu tự nhiên, trong đó sử dụng chủ yếu là loài thực vật Lantana Camara.

Hoàn thiện thiết kế là tre, được cung cấp bởi công ty Bamboopecker có trụ sở tại Bangalore. Là loài thực vật bản địa, tre được sử dụng rộng rãi cho cấu trúc và xử lý mặt tiền. Nhóm thiết kế đã tái chế các mảnh gỗ địa phương để tạo ra mặt bàn bar và hoa văn mặt tiền tùy chỉnh. Đá Kota Ấn Độ dùng để lát sàn nhà nội thất, trong khi các phiến đá Kota lớn hơn với các màu sắc và độ bóng khác nhau được cắt thành những tấm mỏng để sử dụng cho sàn ngoài trời.

tre go Lantana binh yen gan gui

Việc sử dụng tre làm vật liệu thiết kế đã mang lại sự thoải mái và gần gũi cho không gian thư giãn này.

Thực hiện: Quốc Huy | Theo: Designboom | Ảnh: Fabien Charuau


Xem thêm:

Quán bar 4th Wall: Cảm hứng điện ảnh retro-futuristic

Nội thất ấn tượng tại quán bar đầu tiên của Moet & Hennessy

Khám phá quán bar dưới “vỏ bọc” hiệu cầm đồ