Giải cứu thế giới với Design

Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ sự kiện Ngày Trái đất hướng đến tương lai bền vững. Dẫu vậy hành tinh của chúng ta vẫn đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Tương lai phụ thuộc vào cách chúng ta tiêu thụ và sản xuất mỗi ngày. Vậy các NTK với ý thức về sinh thái học đang góp phần giải cứu thế giới như thế nào?

Năm 2020 đánh dấu kỷ niệm 50 năm Ngày Trái đất. Cuộc biểu tình rầm rộ tại Mỹ ngày 22/4/1970 đã khơi dậy một phong trào quốc tế, dẫn đến việc thông qua đạo luật về môi trường trên toàn cầu. NTK, nhà văn, nhà tiên phong trong lĩnh vực xã hội và bền vững Victor Papanek đã phác thảo những giải pháp có thể đóng góp cho nỗ lực môi trường trong tác phẩm Design for the Real World xuất bản năm 1971 – một trong những đầu sách thiết kế phổ biến nhất trên thế giới. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp về khí hậu, NTK khắp mọi nơi tìm cách sử dụng các vật liệu và quy trình mang tính tái tạo, sản xuất ra những sản phẩm phù hợp với nền kinh tế tuần hoàn để từ đó xác định lại giá trị thẩm mỹ cho tương lai.

KIẾN TRÚC BỀN VỮNG

Thực tiễn xây dựng kém chất lượng và các tòa nhà thiếu hiệu quả là nguồn thải carbon hàng đầu, đòi hỏi KTS và nhà xây dựng có trách nhiệm phải suy nghĩ lại cách lựa chọn vật liệu cũng như phương pháp xây dựng. Ở Anh, Practice Architecture đã cho xây dựng một ngôi nhà thân thiện với môi trường từ những cây gai dầu mọc trên những cánh đồng xung quanh địa điểm công trình. Họ đã sử dụng một hỗn hợp từ cây gai dầu, vôi và nước để xây nên những bức tường, sau đó trộn sợi lấy từ thân cây với nhựa phế thải để tạo ra lớp phủ bề mặt. Ngôi nhà gai dầu được tạo ra trong thời điểm ý thức bền vững cần được nâng cao nhưng phương pháp này thực chất lại là một trong những kỹ thuật cổ xưa, có từ thời La Mã cổ đại. Gỗ, vật liệu xây dựng lâu đời khác mang tính thời đại vì sự bền vững, đặc biệt là gỗ nhiều lớp (CLT) được tạo nên bằng cách dán các lớp gỗ lại với nhau. Thế kỷ XXI có thể được định nghĩa bởi các tòa cao ốc chọc trời bằng gỗ như Mjøstårnet thiết kế bởi Voll Arkitekter tại Brumunddal, Na Uy theo đúng cách mà những tòa cao ốc bằng thép và bê tông được xây dựng trong thế kỷ XX. Tại khu vực Scandinavia, công ty kiến trúc Henning Larsen đã cộng tác cùng nhiều kỹ sư môi trường, nhà sinh thái học cho bản đề xuất quy hoạch khu phố hoàn toàn bằng gỗ ở Copenhagen.

design 1

Gỗ bần. NTK Toni Grilo thuộc thương hiệu Blackcork sử dụng gỗ bần đen bền vững để tạo nên sản phẩm nội thất tinh xảo.

design 2

Gỗ nhiều lớp đang được sử dụng như một sự thay thế bền vững cho nhà ở, như ngôi nhà CLT ở Seattle được xây dựng bởi KTS Susan Jones.

design 3

Cây gai dầu. Đối với “Flathouse”, Practice Architecture ở Anh đã sử dụng hỗn hợp từ cây gai dầu, vôi, nước để xây những bức tường hay trộn nhựa thải nông nghiệp với sợi thân gai dầu làm lớp phủ ngoại thất.

VẬT LIỆU THÂN THIỆN VÀ GIẢM THIỂU RÁC THẢI

Các nhà nghiên cứu trên thế giới đang phát triển loại vật liệu xây dựng thân thiện hơn. Một nhóm thuộc trường Đại học Colorado, Boulder, Mỹ đang nghiên cứu loại bê tông mới có thể tự sản sinh. Nhóm khác tại Viện công nghệ Hoàng gia Melbourne (Royal Melbourne Institute of Technology) ở Úc đã tìm ra cách sử dụng sáng tạo cho những mẩu tàn thuốc bằng cách bổ sung chúng vào gạch, nhờ đó gạch tiêu tốn ít hơn 58% năng lượng cần thiết cho quá trình nung truyền thống.

Các NTK nội thất đang hướng sử dụng các vật liệu xanh đã được thử nghiệm để tạo nên sản phẩm và đồ vật trong nhà ở (như gỗ bần, tre, dừa, nầm, rong biển, phân bò tái chế và nhiều loại khác tùy thuộc vào địa điểm, sở thích hay đặc tính phong phú của từng địa phương). Nhiều NTK cũng đang xem xét lại từng bước trong quy trình sáng tạo, sản xuất để tìm ra phương pháp loại bỏ chất thải. Bộ đôi thiết kế tại Paris, Natacha Poutoux và Sacha Hourcade đã đưa ra lựa chọn thân thiện hơn cho các đồ vật gia dụng thường được làm từ nhựa như máy làm ẩm bằng thủy tinh màu có hình dáng giống bình hoa hay hệ thống công nghệ điện tử bằng gốm.

Bền vững xã hội. BST len lông cừu và thảm lụa nhân tạo đầy màu sắc của Matteo Cibic lấy cảm hứng từ kiến trúc, màu sắc, tranh cổ và bóng đổ công trình mà ông quan sát thấy tại Rajasthan trong chuyến thăm Jaipur Rugs, một doanh nghiệp gia đình Ấn Độ đào tạo cộng đồng nghèo tại nông thôn để làm việc. Mạng lưới cơ sở sáng tạo này bao gồm 40.000 nghệ nhân trên 600 ngôi làng định hình mô hình kinh doanh bền vững và tạo nên môi trường hòa nhập xã hội.

Vật liệu bền vững. GREENKISS là thương hiệu thiết kế sinh thái mới được thành lập bởi NTK Hubert de Malherbe và Thierry Lemaire, Paolo Castelli sử dụng các loại vật liệu có khả năng tái tạo, thu hồi, sản xuất trên nguyên tắc đạo đức. Các sản phẩm của họ bao gồm đồ nội thất với chân gỗ tần bì, đệm cao su thân thiện chứa tinh dầu, tấm lót tự nhiên, dây đay.

Không rác thải. NTK người Bỉ Daan De Wit đã phát triển kỹ thuật biến một lượng nhỏ gỗ veneer thành các vật thể hình nón rỗng, cắt thành nhiều lớp đồng tâm và lắp ráp thủ công để tạo ra sản phẩm nội thất cùng nhiều vật dụng khác với lượng chất thải bằng không.

Tái chế carton. Studio Graypants có trụ sở tại Seattle đã sử dụng carton tái chế để tạo ra Scraplights, loại đèn treo điêu khắc được lắp ráp thủ công sử dụng chất kết dính cũng như lớp phủ chống cháy không độc hại.

Thiết kế tuần hoàn. Carton tái chế là nguồn nguyên liệu chính cho cabin xây dựng ngoài trời tại Amsterdam, Hà Lan (công trình đạt giải thưởng Red Dot Award). Dự án thiết kế tuần hoàn cho phép công trình tự duy trì nhờ một công cụ sáng tạo giữ vững cấu trúc cabin bằng 24 lớp bìa cứng kết nối với nhau bằng keo dính thân thiện môi trường.

 

CHẬT LIỆU CŨ, TƯƠNG LAI MỚI

Vincent Grégoire, một “thợ săn xu hướng” thuộc NellyRodi tại Paris cho rằng thế hệ trẻ ngày nay quan tâm nhiều đến sản xuất địa phương và quay trở về với các sản phẩm thủ công, những câu chuyện xã hội hay cá nhân mạnh mẽ phi thường. Họ chấp nhận lối sống bền vững, nơi mà những vật dụng sáng bóng không còn hấp dẫn nữa. Họ bắt đầu thích chia sẻ, giao dịch và mua đồ cũ để tạo ra vòng đời thứ hai cho chúng. Trong mắt những người trẻ ấy, mọi thứ đều có thể design thành một điều gì khác thật tốt đẹp.

design 7

Nhựa dẻo. Bộ đôi thiết kế người Pháp Natacha Poutoux và Sacha Hourcade, người đạt giải “Rising Talent Awards” tại Maison & Objet 2020, giới thiệu BST đồ gia dụng không nhựa. Một máy làm ẩm bằng thủy tinh màu trông giống như bình hoa.

Bộ phận tản nhiệt dạng treo làm từ gạch đất nung.

Trước tình trạng khẩn cấp về khí hậu,
NTK khắp mọi nơi tìm cách tái sử dụng vật liệu,
thay đổi quy trình sản xuất
sao cho phù hợp với nền kinh tế tuần hoàn
để từ đó xác định lại giá trị thẩm mỹ cho tương lai.

design 8

Đối với các NTK, việc tái chế và nâng cấp nguồn cung cấp chất thải sau tiêu dùng là điểm xuất phát thích hợp. BST Ibiza của Eugeni Quitllet thiết kế cho thương hiệu nội thất Vondom Outdoor được làm từ 100% chai nhựa tái chế thu thập ở khu vực Địa Trung Hải quanh Tây Ban Nha.

XÃ HỘI BỀN VỮNG CHO MỌI NGƯỜI

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến cộng đồng người nghèo, phụ nữ và người da màu nhiều nhất. Xây dựng một tương lai lành mạnh, bền vững về mặt xã hội không nên chỉ dành cho người giàu có. Một ngôi nhà sang trọng mang tính bền vững và không gian thương mại thiết kế bởi Deepak Chopra cho Delos có khả năng theo dõi mức độ lọc không khí thông qua ứng dụng điện thoại thông minh và hệ thống điều chỉnh mặt sàn. Ngay cả trong quy định về công trình xanh, chỉ duy nhất International Living Future Institute Living Building Challenge đặt ra tiêu chí công bằng xã hội. Để xây dựng một thế giới tốt hơn cho mọi người, các NTK phải đưa tính bền vững xã hội vào mô hình kinh doanh, tạo ra ý nghĩa và tầm ảnh hưởng ở mọi cấp bậc, hạng mục. Một tổ chức từ thiện quốc tế của trang thương mại điện tử Label Emmaüs ở Pháp hiện đang cho thuê vật dụng nội thất và đồ trang trí cũ để sử dụng trong các hội chợ thương mại cũng như hội nghị, nơi thường xuyên tạo ra lượng chất thải lớn.

DESIGN TƯƠNG LAI

Hiện nay, thế hệ các NTK mới nổi ngày càng rút ra khỏi ranh giới nghệ thuật, khoa học, công nghệ để thử nghiệm, sáng tạo nhằm tìm ra vùng đất khá viễn tưởng. NTK trẻ người Pháp Samuel Tomatis đã làm việc cùng các nhà khoa học, nhà sinh học, sinh thái học để biến rong biển thành sản phẩm nội thất, thiết bị chiếu sáng, bát đĩa và đồ dệt may sinh học.

NTK SẼ ĐI ĐẦU TRONG VIỆC ĐƯA RA GIẢI PHÁP
SÁNG TẠO, TRUYỀN CẢM HỨNG CHO NHỮNG LỐI SỐNG VĂN MINH,

ĐÓ CŨNG LÀ SỨ MỆNH CỦA DESIGN.

design 9

Không khí trong lành. Dự án Smog Free Project của NTK Daan Roosegaarde bao gồm tòa tháp Smog Free Tower cao 7 mét sử dụng công nghệ ion hóa để triệt tiêu lượng khói thải ra không khí.

Bộ đôi NTK người Hà Lan Maartje Dros và Eric Klarenbeek đã tạo ra những sản phẩm cao cấp xứng đáng được đưa vào viện bảo tàng như chiếc ghế được tạo nên bởi loại sợi có nguồn gốc từ nấm. Nhà sinh vật học kiêm NTK người Pháp Marie-Sarah Adenis đang phát triển loại thuốc nhuộm sinh thái làm từ vi khuẩn dùng thay thế thuốc nhuộm độc hại vẫn thường sử dụng trong dệt may hiện nay.

Một số NTK đang sử dụng sự sáng tạo để cụ thế hóa trí tưởng tượng, tăng nhận thức về vấn đề khí hậu. NTK nổi tiếng người Hà Lan, Daan Roosegaarde là tác giả của dự án Waterlicht sử dụng đèn LED mô phỏng lại những trận lụt, cho người xem cái nhìn rõ nét về mực nước đang dâng cao. Một dự án khác của Daan cùng Cơ quan Vũ trụ châu Âu (European Space Agency) tạo ra phòng thí nghiệm xử lý chất thải không gian, thu giữ và chuyển hóa rác thải vũ trụ như bộ phận tên lửa, vệ tinh vỡ thành nhiều sản phẩm bền vững. Dự án khác mang tên Smog Free Project của Daan bao gồm tòa tháp Smog Free Tower cao 7 mét sử dụng công nghệ ion hóa để triệt tiêu lượng khói thải ra không khí.

Tảo. NTK người Pháp Samuel Tomatis làm việc với các nhà khoa học, nhà sinh học và sinh thái học để biến rong biển thành sản phẩm nội thất, thiết bị chiếu sáng, bát đĩa và đồ dệt may sinh học.

Mọi thế hệ đều nghĩ rằng họ sẽ là người cứu lấy địa cầu. Tuy nhiên thế hệ nào cũng có thể là niềm hy vọng cuối cùng của thế giới. Mong rằng vào Ngày Trái đất năm 2070, mọi công dân trên toàn cầu sẽ nhận được tất cả nguồn lực của con người tích lũy từ năm 2020 để bảo tồn và nuôi dưỡng hành tinh. Các NTK sẽ đi đầu trong việc đưa ra giải pháp sáng tạo, truyền cảm hứng cho những lối sống văn minh, và đó cũng là sứ mệnh của thiết kế.

design 10

Pha lê bền vững. Eric Klarenbeek và Maartje Dros thuộc Studio Klarenbeek & Dros là những người nhận giải thưởng Designers of the Future Award năm 2019 tại Design Miami về sản phẩm pha lê Swarovski in 3D lấy cảm hứng từ bối cảnh băng tan ở Bắc Cực.

Bài: Kristin Hohenadel | Chuyển ngữ: Đức Nguyên.


Xem thêm:

Prefabricated Pavilion – Không gian lắp ghép bền vững

Hệ thống đảo nhân tạo CPH-Ø1 tại Copenhagen