Wall house – Những bức “tường thở”

Tọa lạc trong khu đất vườn còn sót lại ở thành phố Biên Hòa, ven sông Đồng Nai, Wall house – ngôi nhà được định hình từ tám khối không gian riêng biệt, nằm xen kẽ, giao nhau ở khoảng chung và thở bằng những bức tường đặc biệt.

Theo nhiều nghiên cứu khoa học công bố trong thời gian gần đây, chất lượng khôg khí trong nhà ở thực chất lại ô nhiễm hơn so với lượng khói bụi bên ngoài. Một trong các nguyên nhân chính nằm ở cách xây dựng đóng kín, hạn chế nguồn lưu thông khí trời. Đó cũng là lý do mà không gian Wall house được thiết kế với trọng tâm xoay quanh những bức tường thở.

Wall house 1

Wall house 2

Wall house 3

Vị trí ven sông và có sẵn mảnh vườn lý tưởng, hai yếu tố hiện trạng đó là điểm mấu chốt mà KTS thiết kế đã ưu ái tận dụng, giữ lại gần như nguyên vẹn cảnh quan. Sau khi đã định hướng hoàn chỉnh bối cảnh xung quanh, phần kiến trúc của Wall house bắt đầu định hình với 8 khối không gian riêng biệt, xen kẽ và giao nhau ở khu vực chung. Tính đặc thù của công trình nằm ở những bức “tường thở”. “Tường thở” gồm hai yếu tố. Một là là hệ thống gạch lỗ quen thuộc nhưng ứng dụng giải pháp thi công khác với thông thường. Phần hổng của gạch được xếp ngược hướng, nhờ đó lỗ gạch trở thành miệng gió lưu thông không khí, đồng thời tối ưu hóa nguồn sáng đổ vào không gian nhưng vẫn bảo vệ ngôi nhà khỏi các tác nhân xấu bên ngoài môi trường. Phía sau tường gạch là khoảng sân vườn đóng vai trò màn chắn tiếp theo. Nhờ hai yếu tố cấu thành “tường thở” mà toàn bộ khu vực sinh hoạt bên trong trở nên trong lành, thư thái nhưng vẫn đảm bảo tính riêng tư, biệt lập.

Wall house 4

Công trình với khoảng vườn hiện trạng lý tưởng.

Wall house 5

Hệ thống tường thở giúp lưu thông không khí.

Wall house 6

Khoảng giếng trời lấy sáng tối ưu.

Tiếp nối hệ thống “tường thở”, không gian nội thất bên trong Wall house cũng tạo dựng theo xu hướng mở, các khu vực riêng tư được phân bổ theo phương dọc và ngang giúp tăng kết nối của các thành viên trong gia đình, xen lẫn khả năng lưu thông tự nhiên còn có nhiều khoảng giếng trời lấy sáng, vừa nuôi sống cây xanh vừa tạo điều kiên cho không khí trao đổi liên tục ở mọi ngõ ngách. Sự kết hợp này đã cân bằng nhiều yếu tố về môi trường sống, thói quen sinh hoạt và công năng vận hành của một ngôi nhà điển hình.

Wall house 7

Không gian đan xen đặc – rỗng.

Wall house 8

Wall house 9

Wall house 10

Không chỉ đáp ứng cuộc sống bằng giải pháp phân bổ kiến trúc, cách KTS tận dụng vật liệu gạch cháy (các sản phẩm lỗi trong quá trình sản xuất) cũng là tiêu chí đáp ứng được yêu cầu bền vững trong thiết kế hiện nay. Những nguồn cung tưởng chừng không thể sử dụng một lần nữa được sống lại dưới hình hài mới, tràn đầy sứng sống và thân thiện môi trường. Con người cũng vì vậy mà trở nên gần gũi hơn với thiên nhiên, đồng thời hình thành mối dây liên kết đặc biệt với không gian sống.

Địa điểm: Biên Hòa, Đồng Nai.
Diện tích khu đất: 1013,4 mét vuông.
Diện tích công trình: 207,7 mét vuông.
Năm hoàn thành: 2018.

Bài: Đức Nguyên | Ảnh: Hiroyuki Oki.


Xem thêm:

Không gian du mục của Neeti

Giữa lưng chừng mây