Giữa lưng chừng mây

Một phần của căn nhà này vốn đã rất quen thuộc với giới nghệ sĩ và kiến trúc. Tầm nhìn bao quát thung lũng ngát xanh của Tam Đảo và hồ bơi phản chiếu trời mây lững thững là nơi nhiều vị khách đã có dịp dừng chân để tận hưởng một kỳ nghỉ cuối tuần xa khỏi Hà Nội chật chội. ELLE Decoration có dịp tìm lại không gian này và khám phá cách mà nhà văn Nguyễn Quý Đức và chị Mai Phương bài trí cho khu nhà ở riêng của họ, lùi vào sau đầy tĩnh lặng, an nhiên.

Nơi chúng tôi tìm đến là căn nhà gỗ được cải tạo ba năm trước, trên nền một khối nhà vốn được khởi công năm 2007 và sau đó mở rộng ra thêm căn nhà dựng bằng đá với hồ bơi lớn phía trước. Lần này, nhà văn Nguyễn Quý Đức quyết định dựng thêm một gác gỗ lửng làm không gian làm việc và phòng ngủ. Với hệ trần nhà cao và vững chãi, cả không gian luôn chan hòa ánh sáng thiên nhiên. Mỗi tháng, anh và chị dành tầm 2 tuần lễ để nghỉ dưỡng và làm việc tại đây trong sự tĩnh lặng của thiên nhiên, trong khi vẫn có thể điều hành rất nhiều công việc ở Hà Nội và Hội An.

nhà 1

nhà 2

Khi bắt đầu thi công trên mảnh đất này, anh bảo mình đã “không phải nghĩ ngợi lâu” vì ý chính vẫn là làm sao thâu tóm và tận hưởng được vẻ đẹp của tầm nhìn ra núi, mây. Một gian nhà vuông vức giản dị và hài hòa, với không gian mở tối đa hướng ra khung cảnh phía trước để được sống gần nhất với thiên nhiên xung quanh. Nghe đơn giản là vậy, nhưng cũng không ít khó khăn đã nảy sinh trong quá trình: địa hình sườn đổi khá thử thách để làm phần khung, thời tiết miền núi khá khắc nghiệt khiến việc bảo dưỡng các dụng cụ và thiết bị vất vả hơn, và thợ xây nhà cho đến thời điểm ấy chỉ rặt quen xây… khách sạn chứ không quen cách làm vật liệu và bề mặt thô mộc như anh muốn thể hiện. Không ít lần anh phải vời cả vật liệu, thợ thuyền từ Hà Nội về Tam Đảo để làm cho đúng ý đồ không gian và chi tiết nhà mình.

nhà 3

Ở mọi góc nhà là những chăm chút tỉ mỉ mà giản dị, đem đến sức sống cho không gian.

Góp nhặt ký ức từ những không gian từng sống trước đây,
anh chị đem về căn nhà này những vật dụng, bàn ghế,
món trang trí dung dị nhưng giàu thẩm mỹ và có hồn,
được sắp đặt tinh tế trong một tổng thể giàu chất cảm.

nhà 4

Khoảng sân trời quý giá đem lại nguồn sáng cho căn bếp – một đặc quyền mà ít căn nhà thành phố nào có được.

nhà 5

Gian bếp xi măng trần nhưng vẫn rất ấm áp bởi những chi tiết tràn đầy phong cách sống cá nhân.

Từ đầu, nội thất căn nhà nằm trong chủ đích tái sử dụng mọi thứ đã gom góp từ lâu, không phí phạm, mua sắm gì thêm. Nhà có nhiều kỷ vật của những năm sống và đi lại ở nhiều nơi. Qua thời gian, anh càng nghiệm ra sự quý giá của một không gian giảm thiểu, sống vừa đủ tiện nghi để không bị rối trí. Anh tự nhận mình ảnh hưởng tinh thần kỷ luật của người Nhật, sống tự nhiên với cây cỏ, đá sỏi, nước… thiên nhiên. Có lẽ chính vì thế mà khu vực bếp ăn lại là góc có nhiều cảm hứng nhất trong không gian sống của anh chị.

Kín đáo và tĩnh lặng, giản dị mà nhiều nội hàm,
động và tĩnh đan xen –
không gian phòng khách được làm giàu cảm xúc
bằng lửa ấm và khói thơm.

Một bức tượng gỗ của Thái, bình trà Nhật mua của một người quen trong chợ, dao thìa giữ từ thời sống ở Mỹ, bát đĩa linh tinh. Một tấm gương hay cây đèn cổ tìm được ở Maroc. Từng món đồ trang trí anh chị gom nhặt giúp kể câu chuyện về đời sống giàu văn hóa và trải nghiệm.

nơi đây gói trọn được vẻ mộc mạc của chất liệu, sự góp nhặt rất ăn ý của những dụng cụ bếp núc lặng yên mà đầy sức sống. Một căn bếp xi măng xám nhưng lại vô cùng ấm cúng. Anh và chị đã sử dụng linh hoạt không gian này, cân bằng giữa chung và riêng. Khi có nhu cầu tập trung làm việc, mỗi người có một góc bàn riêng để chìm đắm trong tư tưởng của chính mình; khi có bạn bè đến thăm, phòng ăn và bếp lửa lại bập bùng tình thân. Hoặc giả tùy thời tiết (vốn cũng rất hay biến đổi trong ngày), họ có thể chọn đọc sách ở sân trong hoặc bể bơi. Diện tích đáng mơ ước của căn nhà cho phép anh chị toàn quyền sử dụng thời gian trong ngày của mình một cách thư thái và tự tại nhất.

Hài hòa giữa chung và riêng: Họ có thể tìm về góc làm việc riêng của mỗi người khi cần sự tập trung và suy nghĩ cho những dự án sắp tới.

Ngồi ở đâu trong nhà họ cũng có thể nhìn thấy nhau,
chia sẻ câu chuyện với nhau được
lúc nào cũng biết người kia đang làm gì.

Căn nhà của anh chị đều không có phòng kín, không có vách ngăn chia. Ngồi ở đâu họ cũng có thể nhìn thấy nhau, chia sẻ câu chuyện với nhau được – lúc nào cũng biết người kia đang làm gì. Không gian, ánh sáng, cửa, các tầng trên dưới đều có sự chan hòa, chia sẻ, tạo sự gần gũi ấm cúng nhưng cũng rất riêng tư. Cả hai cùng góp nhặt những món trang trí nội thất, đồ dùng trong gia đình để hoàn thành tổ ấm này. Khi ngồi quanh lò sưởi sưởi ấm, khi nướng cá, khi ngồi trước thềm uống trà cà phê; mùa Hè ngâm mình trong bể bơi nhìn ra núi – họ chia sẻ với nhau khoảng không trong và ngoài tâm hồn cũng ung dung như mây trời vậy.

Chú Ba và Moto là tên hai chú chó của anh chị, đã sống lâu ở Tam Đảo, hiện chỉ còn chú Ba – tính tình vừa nghịch vừa hiền lành. Moto từng là bạn nô đùa với bà cụ lúc mẹ anh còn sống. Chú Ba là bóng dáng quen thuộc, theo gót chân anh khắp nhà, anh ở đâu bạn ấy cũng nằm cạnh, rất đáng yêu.

Ảnh: Lê Lai | Bài: Đan Thanh.


Xem thêm:

Vẻ đẹp của sự tự nhiên & thư thái

Thương nhớ đồng quê