Nuôi cá cảnh là hoạt động được ưa chuộng trên khắp thế giới bởi việc quan sát chuyển động tự do của những loài cá mang lại hiệu quả giảm lo âu và trạng thái căng thẳng thần kinh cho con người. Tuy nhiên, do cuộc sống quá bận rộn, người nuôi cá cảnh thường không có nhiều thời gian để nghiên cứu phương pháp nuôi và chăm sóc bể cá đúng cách, dẫn đến tình trạng sức khỏe của cá đi xuống, dễ mắc phải những căn bệnh lạ. Cùng ELLE Decoration tìm hiểu những vấn đề thường gặp khi nuôi cá trong hồ thủy sinh và phương án xử lý hợp lý nhất.
Kích thước và chất lượng của bể cá, bộ lọc và đồ trang trí
Nhiều người lầm tưởng kích thước bể cá nhỏ là lựa chọn lý tưởng khi mới bắt đầu vì họ sẽ có thể dễ dàng chăm sóc cá và tốn ít công vệ sinh. Nhưng thực tế, bể nhỏ gây ra tình trạng thiếu ổn định về môi trường nước nhanh chóng đến mức bạn không kịp xử lý khi nhận ra. Vì vậy, bể cá lớn an toàn hơn cả với sức chứa lý tưởng từ 75-200 lít.
Bên cạnh đó, hệ thống lọc cũng nên được đầu tư xứng đáng, phù hợp với dung tích của bể. Tuy nhiên, với những bể có cá săn mồi lớn, cá tạo ra lượng chất thải lớn hoặc quá nhiều cá, bạn nên trang bị bộ lọc lớn hơn hoặc nhiều bộ lọc để mang đến hiệu quả làm sạch tốt nhất. Ngoài ra, bể cá của bạn còn cần có độ che phủ tốt bằng đồ trang trí, giúp cung cấp nơi ẩn náu, giảm căng thẳng, tăng cường hoạt động và cải thiện màu sắc.
Khả năng thích nghi sinh học và đặc tính loài
Một trong những thói quen chung của người mới chơi cá cảnh là mua cá cùng ngày với bể cá. Một bể cá mới cần có thời gian để có được sự cân bằng sinh học vì vi khuẩn lọc nước chỉ xuất hiện sau khi bể đã vận hành từ 2 đến 3 ngày. Việc đột ngột thả cá vào sẽ làm cho chất thải tăng lên quá nhanh, khiến cho nồng độ amoniac và nitrit lên đến mức nguy hiểm, trong khi cá là loài động vật thích nghi với những chất này rất chậm, thường không có dấu hiệu khó chịu cho đến khi quá muộn. Thế nên, trước khi thả vào những con cá đầu tiên, bạn cần kiểm tra nước trong bể có thật sự an toàn hay không.
Cũng giống như những loài sinh vật khác, cá có tập tính đặc trưng theo loài, ví dụ như: nhiều loài sau khi trưởng thành sẽ có kích thước rất lớn, một số loài có tính lãnh thổ và sẽ trở nên hung dữ khi phải sống chung bể với các loài cá khác. Vì thế, trước khi mua những giống cá mới, bạn cần tìm hiểu thật kỹ để đảm bảo chúng tương thích với nhau và môi trường nước có sẵn. Ngoài ra, bạn cần cung cấp thức ăn thích hợp cho từng loại cá.
Không giống như nhiều người lầm tưởng, cá vẫn cần có thời gian nghỉ ngơi vào những thời điểm nhất định trong ngày. Thế nên, ánh sáng liên tục sẽ gây căng thẳng cho cá, góp phần thúc đẩy sự phát triển của tảo độc hại. Đèn hẹn giờ là giải pháp lý tưởng cho chu kỳ ánh sáng ổn định.
Vấn đề vệ sinh
Một môi trường sạch sẽ và ổn định sẽ giúp cho đàn cá sinh trưởng tốt. Tuy nhiên, việc làm sạch quá mức sẽ phá vỡ sự cân bằng sinh học mong manh. Bạn cần tránh chà xát đồ trang trí, khuấy, hút bụi sỏi hoặc làm sạch bộ lọc khi không thực sự cần thiết vì điều này có thể tiêu diệt vi khuẩn có lợi. Nếu bộ lọc của bạn thường xuyên bị tắc nghẽn và cần vệ sinh, đồng nghĩa với kích thước của bộ lọc đang quá nhỏ so với bể cá của bạn hoặc bạn đang cho cá ăn quá nhiều.
Việc thay nước quá thường xuyên cũng có thể dẫn đến sự tích tụ các chất ô nhiễm như nitrat và photphat, đồng thời làm giảm độ pH và độ kiềm tự nhiên của nước, gây ra tình trạng suy giảm sức đề kháng, khiến cho cá dễ mắc bệnh hơn. Tần suất lý tưởng để thay nước là một tuần/lần với 10% nước trong bể hai tuần/lần với 25% nước để đảm bảo nước không mất thời gian quá lâu để xây dựng lại sự cân bằng sinh học.
Thực hiện: Thùy Như | Theo: Aqueon | Ảnh: Tư liệu
Xem thêm
Hồ thủy sinh – Thủy cung sinh động
Chậu hoa và những điều kiện cần cho cây trồng trong nhà khoẻ đẹp