Chậu hoa và những điều kiện cần cho cây trồng trong nhà khoẻ đẹp

Với thị trường chậu cảnh đa dạng như hiện nay, bên cạnh việc lựa chọn theo sở thích và gu thẩm mỹ, bạn cũng cần cân nhắc đến những yếu tố khác như: kích thước, vật liệu…

Trồng cây trong nhà là một trong những cách thức trang trí nội thất phổ biến, giúp tô điểm không gian và thanh lọc không khí. Tuy nhiên, do điều kiện nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng trong nhà khác với môi trường tự nhiên, bạn cần lưu ý một số điểm khi lựa chọn chậu hoa, chậu cây để vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, vừa giúp cây trồng được sinh trưởng khoẻ mạnh. 

Kích thước phù hợp

Kích thước chậu ảnh hưởng khá nhiều đến tổng quan nội thất cũng như điều kiện phát triển của cây. Bạn có thể ước lượng kích thước chậu dựa vào chiều cao của cây và bề rộng của tán. Thân cây càng to, càng cao thì chậu càng phải sâu. Tuy nhiên, những cây có gốc to nhưng thấp nên trồng trong chậu bẹt, nông lòng. Đường kính của chậu bằng 2/3 chiều cao của cây hoặc bằng chiều trải rộng của tán lá.

Ngoài ra, có một phương pháp đo lường chính xác hơn là nếu cây trồng của bạn có đường kính bầu rễ từ 25cm trở xuống thì hãy tăng kích thước chậu lên 3-5cm (tương ứng với đường kính chậu rơi vào khoảng 28-30cm). Đối với những cây lớn hơn 25cm, cần tăng kích thước chậu lên 6-8cm. 

Nhìn chung, cây cảnh không nên trồng vĩnh viễn ở trong một chậu mà cần thay đổi khi bộ rễ của cây đã phát triển đầy đủ. Do đó, bạn nên tính toán trước độ tăng trưởng của bộ rễ và chọn chậu để cây được sống ổn định trong ít nhất 2-3 năm. Ví dụ, những loại cây như: lan quân tử, hoa trường thọ, kim ngân… thích hợp để trồng trong chậu nhỏ còn cây bàng cảnh, cây kim tiền lại phù hợp với chậu lớn. 

cay trong trong nha chau hoa

Ảnh: Tư liệu

noi that cay trong trong nha

Ảnh: Tria Giovani

Vật liệu thích hợp với cây trồng

Ngoại trừ kích thước, vật liệu của chậu cũng là một yếu tố đáng quan tâm. Trước đây, đất sét là lựa chọn phổ biến bởi giá thành rẻ, chắc và kết cấu xốp. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các phân tử đất sét khiến cho nước dễ thấm qua, bay hơi nhanh và tạo thành lớp vỏ màu trắng do sự tích tụ khoáng chất, rất khó làm sạch. Vì thế, chậu đất sét chỉ phù hợp với cây trồng lớn như xương rồng, dương xỉ hay dứa cảnh… 

chau hoa cay canh trong nha

Ảnh: Tư liệu

Hiện nay, với nhu cầu về thẩm mỹ ngày càng cao, chậu làm bằng nhựa, thủy tinh hoặc gốm sứ chiếm ưu thế bởi kiểu dáng và màu sắc đa dạng. Những chậu hoa gốm xinh xắn sẽ rất phù hợp để trồng các loài hoa như: đỗ quyên, ngũ gia bì vàng… Trong khi đó, chậu thủy tinh lại là ngôi nhà tuyệt vời dành cho phong lan hoặc những loại cây có thể sinh trưởng trong sỏi. 

chau hoa sen da cay trong trong nha

Ảnh: Tư liệu

Chú ý đến thoát nước

Độ ẩm là điểm cần thiết khi trồng cây trong chậu, nhưng quá nhiều độ ẩm và ngập úng lại đe doạ sự sống của cây trồng. Hãy đảm bảo rằng chậu mà bạn lựa chọn có lỗ thoát nước để đất không bị ướt quá lâu sau khi tưới, bởi lượng nước dư thừa có thể làm cho rễ cây bị úng và chết. Đồng thời, lỗ thoát nước còn tạo điều kiện cho oxy đi đến rễ cây, giúp cây phát triển nhanh hơn, đạt hiệu suất làm sạch không khí tối đa. 

Nếu yêu thích một chậu hoa đẹp nhưng không có lỗ thoát nước thì bạn có thể xem nó như vật trang trí bên ngoài, đặt chậu nhỏ hơn, có lỗ thoát nước ở bên trong. Với cách này, bạn nên dành thời gian kiểm tra và đổ phần nước thừa hàng tuần để cây trồng có thể phát triển tốt cùng độ ẩm ổn định. 

chau hoa cay trong trong nha

Ảnh: Tư liệu

Giải pháp cho vấn đề vệ sinh 

Ngoài việc tưới nước, bón phân thì làm sạch chậu hoa cũng là một công việc cần lưu ý nhằm tiêu diệt vi khuẩn và ngăn ngừa bệnh tật cho cây. Tùy vào vật liệu tạo thành chậu mà cách thức vệ sinh cũng khác nhau. 

Với chậu đất sét bị mốc trắng, bạn có thể loại bỏ bằng miếng giẻ chùi bằng kim loại hoặc bàn chải lông cứng nhúng trong dung dịch giấm và nước. Nếu lớp vỏ quá dày, trước tiên, hãy chà bằng giẻ kim loại. Sau đó, ngâm chậu trong dung dịch thuốc tẩy với tỉ lệ: 1 phần thuốc tẩy + 9 phần nước trong 20 phút để tiêu diệt vi khuẩn, nấm hoặc trứng côn trùng gây hại. 

chau hoa cay trong trong nha ve sinh

Ảnh: Tư liệu

Chậu bằng nhựa, gốm sứ và thủy tinh dễ dàng vệ sinh hơn bằng cách lau với nước xà phòng ấm. Tuy nhiên, nếu muốn tăng cường hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn, bạn có thể ngâm chậu trong dung dịch thuốc tẩy với tỉ lệ như chậu đất sét ở phía trên.

Thực hiện: Thuỳ Như 


Xem thêm

5 sai lầm tai hại về cây trồng trong không gian sống 

10 Loại cây trồng trong nhà thanh lọc không khí tốt nhất cho phòng ngủ

15 loại cây trồng trong nhà tắm giúp thanh lọc không khí