Nghệ sĩ thư pháp Đào Huy Hoàng: Miệt mài thư – bút

Luyện chữ đẹp như cuộc rong chơi, chế tác bút cũng là… chơi, cộng thêm một chút trải nghiệm cùng kỹ thuật, chất liệu… để rồi thành danh là thư pháp gia đẳng cấp quốc tế, là người chế tác bút sắt hàng đầu khu vực hiện nay. Đấy là Đào Huy Hoàng, một nghệ sĩ, một nhà sáng tạo, một người thợ làm bút lành nghề, là thầy dạy thư pháp cho hơn 6000 học trò khắp thế giới.

Từng chiêm ngưỡng qua các tác phẩm thư pháp chữ Latinh của Đào Huy Hoàng, bạn sẽ thấy ở đó những đường nét của kỹ thuật, phong cách, được đúc kết bài bản qua quá trình rèn luyện, mài dũa từ hơn 12 năm qua. Vào nghề với rất nhiều chữ “không”, bắt đầu là không đúng chuyên môn, bởi Đào Huy Hoàng xuất thân là “dân FTU” (Đại học Ngoại thương) với chuyên ngành Kinh tế – Quốc tế, nhưng lại chọn con chữ để phát triển nghề thư pháp (calligraphy). Những cái “không” tiếp theo là không trường lớp, không sách vở, không người hướng dẫn, không bạn bè cùng đam mê… nhưng Huy Hoàng vẫn quyết tâm đeo bám nghệ thuật viết chữ đẹp bằng hình thức tự học.

Nghệ sĩ Đào Huy Hoàng

Đào Huy Hoàng và bức tranh Hổ Nhâm Dần (2022), tác phẩm là sự kết hợp của thư pháp và hội họa.

Nghệ sĩ thư pháp Đào Huy Hoàng 1

Chữ viết tay vẫn còn nguyên sức mạnh và giá trị trong thời đại số hóa ngày nay.

Nghệ sĩ thư pháp Đào Huy Hoàng 2

Viết và viết, cho mình hay cho người, với Hoàng luôn là một niềm vui.

Kỹ thuật Urushi và khảm trai trong trang trí bút

Kỹ thuật Urushi và khảm trai trong trang trí bút do Huy Hoàng thực hiện

Hầu hết các nước có bảng chữ cái riêng, việt nam thuộc số ít quốc gia châu á sử dụng ký tự Latinh, nhưng ít người biết nguồn gốc của nó. Hầu hết các kiểu chữ chúng ta đọc thường ngày trong văn bản, sách báo, có nguồn gốc từ kiểu chữ Roman, với bề dày lịch sử hơn 2.000 năm tuổi.

Luyện chữ vào con đường chuyên nghiệp được hai năm, Huy Hoàng lại mày mò chuyện chế tác bút, với lý do cũng rất hy hữu: “Ban đầu tôi nghĩ chỉ làm chơi cho vui, nhưng trong chuyến sang Singapore giảng dạy thư pháp, có mang theo một số cây bút tự làm và mọi người hỏi mua, tôi bán với giá 50 USD một cái. Sau chuyến đi đó, tôi quyết định theo đuổi chuyên sâu ở lĩnh vực chế tác này”.

Nghệ sĩ thư pháp Đào Huy Hoàng 3

Nghệ sĩ thư pháp Đào Huy Hoàng 4

Viết thư pháp và chế tác bút đều cần tay nghề thủ công cao, càng tinh càng đẹp.

Công đoạn khảm trai trên bút

Công đoạn khảm trai trên bút theo yêu cầu của người sử dụng. Và bộ bút qua lối trang trí theo phong cách sơn mài Nhật Urushi.

Nghệ sĩ thư pháp Đào Huy Hoàng 5

Hướng đến tối giản, thể hiện vẻ đẹp nguyên bản của chữ viết là phong cách thư pháp của Đào Huy Hoàng.

Không chuyên môn, không kỹ thuật, tưởng là bất lợi, nhưng nhờ vậy mà Hoàng sản xuất bút trong tâm thế rất cởi mở, không gò ép vào khuôn thước, quy chuẩn bất kỳ lĩnh vực nào. Nhìn lại hành trình của 10 năm, Đào Huy Hoàng thống kê con số đáng nể: “Tôi làm đến hơn 9.000 cây bút rồi”. Hỏi tiếp Hoàng về mục tiêu riêng nghề bút, anh tâm sự: “Từng giai đoạn, tôi có những quan điểm thiết kế, chế tác khác nhau, tầm tuổi 25 – 26, tôi thích sự cầu kỳ, phô diễn kỹ thuật, bút dài ngoằng, đuôi bé tí như que tăm. Càng về sau, tôi hướng đến các chi tiết tối giản, nhưng khiến người ta phải ngắm nghía, chiêm nghiệm lâu, đặt trong 100 cây bút bên cạnh và ai cũng có thể cầm ra đúng cây bút đó”.

Thư pháp gia tự làm bút cho mình

“Thư pháp gia tự làm bút cho mình” – BST những cây bút mang kỹ thuật chế tác có độ khó cao.

Nghệ sĩ thư pháp Đào Huy Hoàng 6

Đào Huy Hoàng trong vai trò người thợ ở xưởng chế tác bút sắt.

Một cây bút chuẩn phải đáp ứng nhu cầu sử dụng

Một cây bút chuẩn, phải đáp ứng nhu cầu sử dụng, sau mới đến yếu tố thẩm mỹ, nghệ thuật.

Nghệ sĩ thư pháp Đào Huy Hoàng 7

Các công đoạn sản xuất phần quản bút đòi hỏi tính kỹ thuật, máy móc hỗ trợ và yếu tố thủ công cao.

Muốn tìm một cây bút ưng ý để luyện thư pháp, Đào Huy Hoàng đưa ra lời khuyên: “Với người mới bắt đầu, nên chọn kiểu chữ mình thích, hoặc thế mạnh mình có thể khai thác, rồi tìm mua ngòi bút có độ dẻo – cứng phù hợp. Kế đến là chọn bút thẳng hay bút nghiêng,
nên tìm mua những cây bút phổ thông, đơn giản bán ngoài tiệm, rèn luyện một thời gian đến khi nhận ra cây bút có vấn đề, lúc đó tìm mua cây bút tốt hơn, hoặc tìm đến người làm bút để chọn những cây bút phù hợp. Qua giai đoạn đó, cần cây bút đẹp, phù hợp với công việc, tham gia các sự kiện quan trọng… thì đặt hoặc chọn cây bút có yếu tố mỹ thuật, nghệ thuật để phục vụ trình diễn”. “Tạo hình một cây bút không khó, chỉ mất khoảng 30 phút là hoàn thiện, nhưng để cây bút hữu dụng, có tính mỹ thuật cao thì khó hơn rất nhiều”.

Bài và ảnh: Lam Phong


Xem thêm

Ấm trà – Chứa đựng tinh hoa nghệ thuật trà

Behalf Studio – Chơi cùng với chữ

Nghệ sĩ gấp giấy Origami Nguyễn Hùng Cường: Bài ca của giấy