Nghệ sĩ gấp giấy Origami Nguyễn Hùng Cường: Bài ca của giấy

Với Cường, Origami giống như một thứ ngôn ngữ giúp anh kết nối với thế giới xung quanh. Những mô hình giấy tinh tế và cầu kỳ là cách Cường chia sẻ với mọi người vẻ đẹp của những thứ mà anh không thể diễn đạt bằng lời hay tranh vẽ.

Có đứa trẻ nào chưa từng mê mẩn những chiếc thuyền, máy bay, hạc giấy khi còn thơ bé? Thế nhưng, với Nguyễn Hùng Cường, trò chơi gấp giấy thuở nhỏ đã sớm trở thành niềm đam mê cả đời khi anh được bố mẹ mua cho cuốn sách Origami đầu tiên năm 1997. Chú bé Cường, khi ấy mới 8 tuổi, như được mời bước vào một thế giới mới, nơi tất cả mọi thứ đều có thể tạo ra từ một mảnh giấy vuông không cắt. “Với tôi, đó giống như phép thuật vậy”, Cường chia sẻ. Bằng niềm say mê bất tận, Cường cố gắng tìm và gấp theo nhiều sách Origami nhất có thể. Đến năm 10 tuổi, Cường bắt đầu tự sáng tạo mẫu mới như một lẽ tất yếu, vì không còn gì trong sách để anh học theo nữa.

Nghệ sĩ gấp giấy Origami Nguyễn Hùng Cường 1

Nghệ sĩ gấp giấy Origami Nguyễn Hùng Cường

Nghệ sĩ gấp giấy Origami Nguyễn Hùng Cường 2

Nghệ sĩ gấp giấy Origami Nguyễn Hùng Cường 3

Tác phẩm Fly High, Dreamers! được trưng bày tại triển lãm Paper Heroes tại bảo tàng Jaffa, Israel.

Nghệ sĩ gấp giấy Nguyễn Hùng Cường 1

Mẫu bọ Cyriopalus 3.5 được cải tiến từ thiết kế năm 2005, gấp bằng giấy Dó Liệt nhuộm nâu.

“Có nhiều cách khác nhau để tạo ra một mẫu Origami mới, nhưng quan trọng nhất vẫn là liên tục thử-sai và thực hành thật nhiều. Khi tạo ra một mẫu nào đó, tôi thường chỉ dừng lại khi không thể làm cho nó tốt hơn”. Quá trình sáng tạo một mẫu gấp mới của Cường thường chia làm 3 giai đoạn: lên ý tưởng, thiết kế và gấp mẫu hoàn thành. Trong đó, công đoạn thiết kế, gấp nháp tốn rất nhiều thời gian và cũng là công đoạn khó nhằn nhất, thậm chí, có lúc Cường phải quay lại từ đầu để thiết kế theo một hướng hoàn toàn khác. Mỗi mẫu gấp mới sẽ phải trải qua khoảng 20-30 bản nháp mới đi đến một kết quả “tạm được”, chính vì vậy mà Cường thường mất 1-2 tháng để hoàn thiện một mẫu Origami hoàn toàn mới. Không có gì ngạc nhiên khi Cường chỉ sở hữu hơn 200 mẫu Origami với hơn 25 năm gấp giấy, nhưng có thể nói, mỗi mẫu Origami của Cường đều là một tuyệt tác hàm chứa rất nhiều nỗ lực.

Là người tiên phong sử dụng giấy Dó để thực hành Origami, từ năm 2009 đến nay, Cường đã liên tục thử nghiệm để tối ưu hóa chất liệu giấy thủ công truyền thống Việt Nam cho môn nghệ thuật độc đáo này. Giấy Dó khá dễ mua và có nhiều độ dày-mỏng khác nhau để lựa chọn, nhưng lại khó gấp vì rất mềm. Cường đã tham khảo các tác giả Origami khác trên thế
giới để tìm ra phương pháp phết keo loãng lên giấy. Khi khô, tờ giấy trở nên bền dai hơn, giữ nếp tốt hơn và dễ tạo hình hơn.

Nghệ sĩ gấp giấy Origami Nguyễn Hùng Cường 4

Mẫu Chim cánh cụt.

Nghệ sĩ gấp giấy Nguyễn Hùng Cường 2

Mẫu Chim Lạc trên giấy Dó, lấy cảm hứng từ hình ảnh chim lạc trên trống đồng.

Nghệ sĩ gấp giấy Origami Nguyễn Hùng Cường 5

Mẫu Phật được gấp từ 3 tờ giấy vuông không cắt, 1 cho Phật, 2 cho hoa sen.

Nghệ sĩ gấp giấy Nguyễn Hùng Cường 3

Mẫu Mặt Hổ được thiết kế để mừng năm Dần.

Không chỉ vậy, Cường còn chủ động nhuộm màu lên giấy Dó để có thêm nhiều lựa chọn khác lạ mà không cần phụ thuộc vào màu có sẵn của giấy gấp thông thường. Gần đây, Cường còn thử nghiệm chất liệu giấy Dó Liệt, một loại giấy hiện được người dân Nghệ An sử dụng để gói bọc cá nhằm giữ cho thực phẩm tươi lâu hơn. Do có nguyên liệu và quy trình chế tạo khác biệt nên giấy Dó Liệt mỏng hơn và có kích thước lớn hơn, tình cờ phù hợp với nhu cầu của một mẫu gấp mới mà Cường đang thực hiện. Việc không ngừng mày mò, sáng tạo trên nền chất liệu truyền thống đã mang đến cho Cường cơ hội trải nghiệm các đặc tính mới của giấy và nâng cao kỹ thuật gấp Origami – vừa như là gấp, lại như là điêu khắc, biến ảo khôn lường.

Nghệ sĩ gấp giấy Nguyễn Hùng Cường 4

Mẫu rắn quấn đuôi bọ cạp được gấp từ một tờ giấy vuông không cắt.

Nghệ sĩ gấp giấy Origami Nguyễn Hùng Cường 6

Mẫu hoa Psychopsis Krameriana.

Nghệ sĩ gấp giấy Origami Nguyễn Hùng Cường 7

Cá mập trắng vĩ đại, mẫu gấp theo đơn đặt hàng.

Nghệ sĩ gấp giấy Nguyễn Hùng Cường 5

Hơn cả một loại ngôn ngữ cá nhân, gấp giấy cho phép Cường được chìm vào một trạng thái vừa thoải mái vừa tập trung, giống như cả thế giới chỉ còn một mình anh và tờ giấy, không còn lo nghĩ hay vướng bận về thế giới hỗn loạn xung quanh, chỉ đơn thuần tận hưởng, quan sát sự biến đổi của các nếp gấp và tập trung đạt được kết quả mà mình mong muốn. “Tôi nghĩ rằng, trong bất cứ lĩnh vực nào, việc làm vội vã luôn đem đến những kết quả không mong muốn. Với Origami, sự kiên nhẫn lại càng được thể hiện rõ. Bạn cần thực hiện những nếp gấp đầu tiên thật cẩn thận, chuẩn xác thì mới có thể dễ dàng tiến đến các bước gấp tiếp theo. Nếu như bạn có những bước gấp đầu tiên vội vã, xộc xệch, càng về sau, những lớp giấy chồng chất lên nhau sẽ càng xô lệch nhiều hơn, thậm chí khiến bạn nản lòng và bỏ cuộc”. Cường cho rằng, “sáng tạo chậm” là tìm ra điểm cân bằng, không quá vội vàng nhưng cũng đừng quá trì trệ. “Đôi lúc, ta cần dành thời gian để quan sát, cảm nhận những việc ta đang làm, để không bị cuốn vào những hoạt động tuần tự tiếp diễn một cách vô thức như một cỗ máy”. Và như thế, ta sống trọn vẹn hơn trong phút giây này.

NGUYỄN HÙNG CƯỜNG

Nghệ sĩ gấp giấy Origami

– Thạc sĩ kỹ thuật điện tử, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
– Á quân cuộc thi sáng tác Origami quốc tế về loài gấu mắt kính Nam Mỹ năm 2009.

– Xuất bản 3 cuốn sách hướng dẫn gấp giấy Origami cùng các bạn tại Hội Gấp giấy Origami Việt Nam, được phát hành tại Pháp.

Bài: Đoàn Trúc | Hình ảnh: NVCC


Xem thêm

POTR – Chậu cây giấy xếp origami

Không gian sống origami trên mặt trăng

Fold-chiếc đèn xếp tạo hình Origami