Vườn nhà – Trải nghiệm không biên giới của kiến trúc

Khu vực sinh hoạt của con người trong những căn nhà cổ miền Nam Việt Nam không khép lại trước những bức tường và ngạch cửa mà được mở ra và tràn vào thiên nhiên thênh thang tỏa hơi mát vào nhà. Cảm nhận trên hoàn toàn khác với ngày nay, khi xây dựng những ngôi nhà với biên giới rạch ròi với tự nhiên, chúng ta tách khí hậu trong căn nhà ra ngoài câu chuyện của mùa màng và vườn tược.

Trong khuôn viên nhà cổ miền Nam, vườn và nhà cổ hoà quyện vào nhau, mái nhà thâm thấp tỏa dần xuống bên những chậu cây, tạo nên một phối cảnh thống nhất không có cảm giác đứt gãy về thị giác hay cảm quan với thiên nhiên. Khác với những khu vực khác, vườn của miền Nam giàu tính chất nhiệt đới hơn khi cho phép cây cối tự do phát triển và chấp nhận sự sinh sôi theo đặc tính riêng của từng loài. Vì thế, vào mùa Xuân, từ hàng hiên của một căn nhà cổ, người ta từng thực sự được thấy sự sống dậy của cây cối, thực vật trở nên tươi tốt hơn và hoa nở rực sáng hơn. Dĩ nhiên, những căn nhà cổ vẫn có các quyết định ‘sắp xếp’ cây cối, như trồng những cây có dáng đẹp vào chậu, chọn lọc vị trí cho các giống cây sống gần ao và loài cây cho bóng mát và trái ngọt hay những luống rau thơm, nhưng họ thường không cố gắng loại trừ những giống cây hoa có duyên mọc lên trong khu vườn của họ.

vuon nha go mien nam chanh trung binh duong

Ảnh: Tản Mạn Kiến Trúc

Vào dịp Tết, cây cối cũng trở thành những vị khách được đón tiếp nồng hậu. Người ta ít có cảm giác cây cối là những đối tượng kỳ lạ bị tách bỏ khỏi cảnh quan đất đai và nhốt vào phòng kín. Lý do thứ nhất là bởi xưa kia, những chậu hoa vạn thọ, mào gà, được ưu ái với màu vàng và đỏ sẫm rất hợp với màu gỗ truyền thống. Lý do thứ hai chính sự đón chào những chậu hoa của gia chủ ngay khi tiếng chuông xe ngựa chở chúng đến, một nhóm sẽ xúm nhau đón những chậu hoa quý vào vườn và chăm sóc ngay, nhóm còn lại sẽ nhanh chóng mở hệ cửa ’ thượng song hạ bản’ nặng nề đóng chặt gần suốt cả năm để chào mừng những đóa hoa rực rỡ. Khi mở tung hay tháo rời hệ cửa gỗ nặng ấy, mặt trước nhà sẽ trở thành một khoảng không mở tràn vào thế giới cây cỏ, và gia chủ sẽ sắp đặt các chậu hoa vàng ươm ấy đầy mặt tiền nhà, hoa tràn khắp lối dẫn vào khu vườn, và thậm chí là hoa xuyên vào khắp gian ‘nhà trước’ và nở tươi trên các chiếc bình của những ban thờ trang nghiêm. Với những căn nhà cổ xây gần chợ và bến sông, sắc hoa ngày Tết còn nở rộ từ ngay trên mặt nước, nơi những con thuyền buôn hoa và hoa mới vào khắp chợ ở những căn shophouse trước cả khi chúng được chuyển vào vườn nhà… tổng thể tạo ra một quang cảnh thống nhất về cây cối, về sự đón rước mùa Xuân. 

tet shophouse cho mien nam binh duong

Ảnh: Tản Mạn Kiến Trúc

cho hoa thuyen hoa ngay tet

Ảnh: Tản Mạn Kiến Trúc

Vào dịp Tết, gian ‘nhà trước’ được dùng cho khách quý, cho lễ nghi cúng ông bà hay thắp hương tưởng nhớ dòng tộc, nên những sinh hoạt thân mật hơn thường được làm ngay ngoài hàng hiên hay ‘nhà sau’, là những nơi luôn rộng cửa đan hòa với vườn tược. Hàng hiên thường có bộ bàn ghế để tiếp xóm giềng, để gia đình đàn hát hay gói bánh tét bởi ngay khi gói xong, họ sẽ mang ra ‘bếp phụ’ thường được dựng ngay sân trước nhà. ‘Bếp phụ’ để nấu bánh ngay ngoài vườn cũng hé lộ ký ức về sự quây quần và xem Tết là ngày lễ để chia sẻ cùng nhau qua đêm dài nấu bánh, cũng như để tự thân trải nghiệm sự thay đổi khí trời vào đêm giao thừa. ‘Bếp’ như thế linh hoạt, không bị giới hạn trong một căn phòng, bếp lửa nồng nàn mang chức năng sưởi ấm cho không gian ngoài vườn, cũng như chức năng giao lưu thân tình. 

Trong khi đó, ‘nhà sau’ thường là bếp chính để các bà, các chị trổ tài nấu những mâm cỗ phức tạp và tao nhã, cũng như để tiện chạy ra ngay vườn sau hái lá chuối gói bánh, kiếm ít rau tươi về nấu. Vườn như thế vừa là quỹ không gian chung để sử dụng, không gian sinh hoạt chung vui và cũng là khu vực để dự trữ về nguồn nguyên liệu thực phẩm. Do đó, để hiểu không gian mừng Tết đến của một căn nhà cổ, không thể tách đời sống sinh hoạt ra khỏi khu vườn và chỉ nói về không gian trong nhà. 

vuon nha go mien nam ngay tet

Ảnh: Tản Mạn Kiến Trúc

vuon nha go mien nam tet

Ảnh: Tản Mạn Kiến Trúc

Ngay cả sự tôn kính với cõi thiêng liêng của người miền Nam trong những ban thờ dịp Tết cũng không giới hạn chỉ trong gian thờ của căn nhà. Vào dịp Tết, nhang hương và sự kính lễ sẽ được dâng lên nơi ban thờ Trời cùng ban thờ Đất hay ông tà ngoài vườn, sau đó là ban thờ trong gian chính của tổ tiên và các vị thần bảo trợ cho gia đình, rồi thắp cho cả những ngôi mộ của tổ tiên nằm ngay ở vườn sau. Như thế, cõi sống và cõi chết, thiêng và phàm ở miền Nam lan tràn tràn qua vườn trước, tràn vào nhà, tràn tận khu vườn sau, tạo nên cảm giác thân thuộc và gần gũi cho cả con người lẫn những đối tượng được tôn kính.

nha go ban tho nghi le tho cung mien nam

Ảnh: Tản Mạn Kiến Trúc

Rất khó để kể về mùa Tết của một căn nhà cổ nếu tách rời đời sống sinh hoạt của con người với khu vườn, giữa sự trang trí trong nội thất với những chậu hoa rực rỡ lan tràn trong khu vườn. Vì dường như không có giới hạn giữa không gian vườn và không gian trong nhà, đời sống của người miền Nam xưa có lối sinh hoạt mở ra cả hàng hiên rộng rãi và khu vườn tươi tốt, Tản Mạn Kiến Trúc gọi cảm giác này là “Sinh hoạt nối dài”. Đó là một đời sống mà con người không chỉ tìm kiếm những giải pháp cho những nhu cầu thực dụng, mà có lẽ còn tìm giải pháp cho sự đàn hòa với tự nhiên và cõi linh thiêng. 

Thực hiện: Vương An Nguyên (thuộc nhóm Tản Mạn Kiến Trúc)


Xem thêm

Mái ngói trong kiến trúc Việt xưa

“Tản mạn kiến trúc Nam Bộ” – biên khảo kiến trúc của nhóm cây viết trẻ

Phương Đông qua chiếc gương soi