Tết về mở hội bài Chòi

Điệu hô thai nhịp nhàng trong ký ức thổn thức của những người con miền Trung nắng gió. Khi mỗi độ Tết đến Xuân về, người miền Trung lại tưng bừng mở hội bài Chòi. Tuy chỉ là một thú vui dân dã nhưng bài Chòi là tập hợp của tính nhạc, thi ca, sân khấu, diễn xuất,… được gìn giữ qua bao thế hệ, qua bao tháng năm.

Bài Chòi ngày Tết – Chảy trôi về miền ký ức

“Lắng lặng mà nghe

Lắng lặng mà nghe

Tôi hô con bài

Con gì nó ra đây…”

Tôi nhớ những năm tháng ấu thơ, ngồi cạnh mẹ nghe điệu hô thai ngẫu hứng và dí dỏm, ngóng chờ những thẻ bài được xướng tên, mê mải chẳng thèm ngó ngàng thời gian. Hơn cả một thú vui của Tết, bài Chòi là một dòng chảy nhẹ trôi trong ký ức của những người miền Trung, lẳng lặng nhưng không ngừng. Người ta bộn bề với nhiều tất bận, cuốn theo những cái thú mới lạ nhưng khi dần nghe mùi Tết bảng lảng nơi đầu mũi, câu hô thai, tiếng nhạc dìu dặt, rộn ràng, thẻ bài tre va nhau lạch cạch, mái chòi lợp lá xám vàng năm tháng của hội bài Chòi lại dấy lên trong tâm tưởng. 

Một hội bài Chòi cũng thực giản đơn, chỉ gồm những thẻ bài, anh chị Hiệu (người cầm trịch cuộc chơi, xướng tên các thẻ bài), dàn nhạc, tầm 10 mái chòi lá xếp hàng lối hoặc biến thể để thuận tiện đôi lúc chỉ cần những tấm chiếu đơn bạc. Ấy vậy mà thú chơi ấy lại có sức mê đắm chi lạ:

“Rủ nhau đi hội Bài chòi

Để cho con khóc tới lòi rún ra.”

(con bài Chín rún)

bai choi le hoi tet van hoa di san

Anh chị Hiệu chìm đắm trong điệu hô thai.

Để hiểu được cái thú của bài Chòi, phải được một lần thử chơi, ngồi nghe hô thai. Sức hút của bài Chòi đầu tiên đến từ cái tính trò chơi, mà lại còn là một trò chơi may rủi, đỏ đen. Phàm điều gì được ấn định vào trò chơi, cũng kích thích, cũng khơi dậy bản tính cạnh tranh của con người. Tính cạnh tranh và hiếu thắng trong bài Chòi còn được cấp số nhân một cách khéo léo lên nhiều bởi sự trì hoãn, những điệu hô thai tung tẩy kéo dài, người ta nghe nhạc chạy vòng quanh, mải miết, thẻ bài mãi vẫn còn ở điểm cuối câu hát, tự hỏi vận may có rớt trúng mình, ruột gan cứ nóng lên từng hồi. 

Nhưng người miền Trung đùa rằng, đố ai có thể tán gia bại sản khi chơi bài Chòi. Vì cái phần đỏ đen ấy cũng chỉ là bức nền giữ chân người chơi nghe cuộc diễn xướng, những câu hát hò khoan của anh chị Hiệu hàng giờ liền. Bài Chòi không phải là một canh bạc đỏ đen, sát phạt, bài Chòi là một thú Tết đầy thi ca của người miền Trung, là cái cớ để người lớn gặp gỡ; để trai gái tán tỉnh, hò hẹn; để trẻ nhỏ khoe áo mới, phong lì xì rực đỏ,… Hồi mõ dài lần ba, khi đã có người đủ ba con bài trên thẻ khớp với những lá được hô thai, báo hiệu kết thúc một hội bài Chòi, nhưng người chơi vẫn chẳng chịu rời đi, câu hát dí dỏm giữa không khí náo nhiệt ngày Tết khiến lòng người háo hức, rộn rã mãi.

bai choi le hoi ngay tet van hoa di san

Toàn cảnh một hội bài Chòi.

Bài Chòi – Thú chơi độc đáo khó phân rõ nguồn gốc

Để truy xuất ngọn ngành điểm bắt đầu thật không dễ dàng, đặc biệt với một thú chơi đậm tính dân gian thuộc về cộng đồng mà cho đến nay, vẫn chưa tìm thấy văn bản nào ghi lại nguồn gốc ra đời của nghệ thuật bài Chòi. Các vị cao niên, những người đã dõi theo từng câu hát suốt tuổi trẻ đồ rằng trò chơi đối đáp trên chòi này hình như bắt nguồn từ cách thức giao lưu văn nghệ nơi nương rẫy của những di dân thời mở cõi, dần dà qua tháng năm, qua những con người mà được đắp bồi thành như bây giờ. Người dân xứ Nẫu, Bình Định luôn tự hào tin rằng thủ phủ Hoài Nhơn thời Chúa Nguyễn quê mình là cái nôi của nghệ thuật bài Chòi cổ. Tích xưa kể lại như vầy, đầu thế kỷ XVII, nhân sĩ tài ba Đào Duy Từ xuất thân từ gia đình nghệ thuật, chán chường cảnh khinh bạc của Chúa Trịnh mà hướng về phương Nam, để chứng tỏ tài năng, phò giúp Chúa Nguyễn trong sự cai quản giang sơn. Cũng tại Ngụ làng Tùng Châu, phủ Hoài Nhơn này, cụ Đào Duy Từ truyền cho dân lối hát bài Chòi. Trong mỗi lần mở hội bài Chòi, người dân Hoài Nhơn vẫn chiêm bái vị danh nhân đem đến cho họ thú chơi này. 

Nếu tiếp cận theo hình thức độc đáo là những chòi lợp lá, tên gọi bài Chòi lại có một diễn giải khác. Vào đoạn thú dữ hoành hành, quấy nhiễu cuộc sống bình yên của dân lành, những thanh niên trai tráng đã xung phong dựng chòi ở ven rừng canh gác, đánh trống báo hiệu, hô lớn để đuổi đi. Giữa những lúc canh chừng, những câu hát, câu hò ngẫu hứng được xướng lên để khỏa đi sự buồn chán, kết hợp các lá bài để tăng sự hứng thú. Từ từ mà trở thành một trò chơi phổ biến ở khu vực miền Trung Bộ Việt Nam (ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Đà Nẵng). Tập sách “Voici quelques pièces Hat Bai Choi tireés du Phong trao Can Vuong”, G. L. Bouvier xuất bản năm 1902 có viết: “Bài Chòi được hình thành và phát triển sau những năm 1470 Nam tiến, người Việt ra sức khẩn hoang từ vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cho tới Bình Thuận, đặc biệt đã thành công trong việc xây dựng kinh tế, văn hóa và đời sống vùng châu thổ ở Bình Định và Phú Yên rất phì nhiêu…”

​Còn đi theo cách thức dựa trên các thẻ bài mà phân định, các nhà nghiên cứu cho rằng bài Chòi là một sản phẩm của giao lưu văn hóa với các nước lân cận. Bài để chơi phổ biến là bộ Bài Tới gồm 33 lá được in/ vẽ trên giấy, dán lên các thẻ tre, mỗi thẻ gồm ba con bài không trùng lặp nhau. Theo học giả Huỳnh Tịnh Paulus của trong “Đại Nam Quốc âm tự vi” (1896) đã định nghĩa: “thứ bài bắt cặp, ai bắt cặp trước thì gọi là tới, nghĩa là đến trước, rồi cũng được ăn tiền”. Một bộ bài Tới gồm 3 pho là pho Văn, pho Vạn và pho Sách. Tên gọi của các lá bài xen kẽ và lẫn lộn giữa chữ Hán và chữ Nôm như pho Văn gồm ông Ấm, bánh hai, ba bụng, tứ tượng, ngũ ruột, sáu ghe, bảy liễu, tám miểng, chín cu, chín gối. Pho vạn: bạch huê, nhứt trò, nhì bí, tam quăng, tứ móc, ngũ trợt, lục chạng, thất vung, bát bồng, cửu điều. Pho sách: Thái Tử, nhứt nọc, nhì nghèo, ba gà, tứ sách, năm dụm, sáu bưởng, bảy thưa, tám dừng, cửu chùa. Mỗi pho có 10 lá, vì phải có 33 lá nên thêm vào 3 lá: ông ầm đen, tử cẳng đen và cửu điều đen cho đủ bài chơi. Một vài tên gọi, cơ cấu bài, đồ án hình họa của bài Tới khá tương ứng với bộ bài Diệp Tử hay bài Đông Quan (Trung Hoa). Mối quan hệ của bài Tới và bài Tụ Tam – Tổ Tôm ở phía Bắc cũng có khá nhiều tương đồng. 

bai choi le hoi van hoa di san

Thẻ bài cho người chơi.

bai choi le hoi van hoa di san

Thẻ bài và lá cờ đánh dấu trúng một lá bài.

bai choi van hoa di san le hoi

Bộ bài tới.

Đi từ thú chơi ngày Tết đến di sản nghệ thuật

Không dừng lại ở một thú chơi giản đơn, giải trí vào dịp Tết, bài Chòi được thăng cấp thành một loại hình nghệ thuật tổng hợp âm nhạc, văn học dân gian, diễn xướng,… và cả hội họa. Vào ngày 7/12/2017, tại Phiên họp Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Người chơi bài Chòi không chỉ muốn vui, thử vận may với trò đỏ đen. Họ tìm đến bài Chòi để tấm tắc và thích thú với những câu hát, ca dao nương theo nhịp điệu, những thẻ bài có đồ án với nét hình rõ ràng, tinh gọn nhưng giàu sức gợi nằm gọn trong bàn tay,… Là một thú chơi dân dã, những chủ đề của các câu hô thai cũng đến từ trí tuệ tập thể, được đắp bồi bởi lối suy nghĩ, sinh hoạt của cộng đồng, đặc biệt là tầng lớp nông dân hồn hậu, chân chất. Vì vậy, âm hưởng của bài Chòi chính là niềm vui, niềm yêu sống, khát vọng phồn thực, mong cầu vạn vật sinh sôi, bên cạnh đó cũng ngầm ý phê phán, răn đe nhẹ nhàng thói hư xấu, sẻ chia những tâm tư rất đỗi dung dị ở đời. Lối hô thai kết hợp tính nhạc, cùng sự diễn xướng, ứng biến tài tình của các anh chị Hiệu khiến người chơi tham gia vào một sân khấu kịch nghệ nho nhỏ, đầy duyên dáng với nhiều lớp lang của nghệ thuật ngôn từ có vần, có điệu, của tích tuồng xưa kịch tính, hấp dẫn khơi dậy những ký ức thuở xưa in hằn trong tâm tưởng của người Việt.

“Một, anh để em ra,

Hai, anh để em ra,

Về em buôn, em bán

Em trả nợ bánh tráng,

Em trả nợ bánh xèo.

Còn dư, trả nợ thịt heo.

Anh đừng cầm em nữa,

Kẻo mang nghèo vào thân.”

(con bài Nhì nghèo)


“Làm thân con gái chẳng lo,

Sáng mai ngủ dậy, ra đo mặt trời,

Quần áo thì rách tả tơi,

Lấy rơm mà túm, mỗi nơi mỗi đùm.”

(con bài Ngũ trợt)

bai choi le tet le hoi van hoa di san

Sân khấu của một hội bài Chòi Hội An.

Điểm làm nên sự thu hút, bám rễ sâu vào tâm khảm những người con miền Trung chính là hệ thống mở trong cách thức hô hát, biểu diễn của bài Chòi tương thích với điểm cốt lõi của văn hóa Việt là đa dạng và cởi mở. Đi qua chiều kích của thời gian, bài Chòi thu nạp, thích ứng và tường tận với nếp sống và nếp nghĩ đa chiều của người dân. Câu hát, những làn điệu không chỉ nằm yên trong những lục bát, lục bát biến thể, song thất lục bát, thơ bốn câu, thơ năm câu,… cố hữu truyền đời mà tựa vào đời sống để nở bung, phái sinh phù hợp với thị hiếu đương thời. Không có sự cấm cản hay khu biệt trong phạm vi chủ đề, nội dung, bài Chòi đầy tính tự do và biến tấu trên cái nền chất liệu dân gian dồi dào sẵn có. Hệ thống mở của bài Chòi giúp các giá trị di sản văn hóa được lưu trữ và tiếp biến mới mẻ, thích nghi với thời đại. 

“Ngồi buồn nghĩ giận quân Tây,

Đem thân đi lính, xe dây buộc mình.

Phương trời, góc bể lênh đênh,

Biết người xưa có thấu tình cho chăng?”

(con bài Tám dây)

le hoi bai choi ngay tet di san van hoa

Khung cảnh hào hứng nhập hội bài Chòi.

Những giá trị truyền thống và hiện đại đan xen, hòa điệu nhuần nhuyễn cùng cách thức chơi thú vị, người tham dự không phải nặng gánh với các hô hào nhận thức và bảo tổn di sản văn hóa dân tộc, những tinh hoa từ ngàn đời vô thức thông qua những hô hát, những thẻ bài của bài Chòi được uyển chuyển, lưu loát mà thấm sâu vào tiềm thức. Di sản hay nghệ thuật ẩn tàng rất lớn dưới lớp áo của một trò chơi giản đơn, tưởng nặng mà hóa nhẹ thinh, tưởng khó lòng mà hóa dễ dàng, dòng di sản được lưu chuyển qua bao thế hệ, sâu sắc và kín đáo. 

bai choi van hoa di san ngay tet le hoi

Hội bài chòi.

Giờ đây bài Chòi không còn là thú vui nhất định phải có trong mỗi độ Tết đến, nhưng những nhịp hô lúc khoan thai, dìu dặt lúc rộn rã tinh nghịch luôn nằm gọn ghẽ trong tâm thức của những người con miền Trung dẫu bao vật đổi sao dời. Khi điệu hô thai văng vẳng vang lên, khi mai vàng đương lúc bung xòe thắm rực, khi áo quần xúng xính đẹp tươi, người ta lại mơ tìm về quê hương, xứ xở trong miền ký ức xa để nô nức dự hội bài Chòi:

“Bài chòi cứ đánh mà chơi

Dẫu mà để ruộng có tôi trông chừng

Tiết xuân thôn xóm tưng bừng

Kẻ chào thưa thím, người chào thưa anh

Mấy chú chạy hiệu thiệt lanh

Miệng hô, rút thẻ, loanh quanh chín chòi.”

Thực hiện: Saya Nguyễn | Ảnh: Tư liệu


Xem thêm

Phong vị Tết Á Đông

Đón Tết nay ngắm tranh Tết xưa

Cảm hứng một mùa xuân yêu thương