Linh vật rồng trong kiến trúc Việt Nam

Là hình tượng biểu trưng cho điểm hội tụ của thế giới vũ trụ và nhân sinh quan, rồng được xem là linh vật đứng đầu tứ linh và xuất hiện nhiều trong kiến trúc Việt Nam qua các thời đại.

Trong văn hóa các nước đồng văn, rồng là một trong tứ linh xuất hiện trong truyện cổ và tín ngưỡng dân gian. Theo truyền thuyết xa xưa, rồng là con của trời, có khả năng tạo mưa, mang lại mùa màng bội thu, khiến vạn vật phát triển, và ban phát sự tốt lành cho trần gian. Trong thời phong kiến, rồng là biểu tượng quyền lực của người đứng đầu một đất nước, vậy nên trên trang phục (long bào), ấn tín (ngọc tỷ), các đồ dùng của nhà vua đều khắc họa hình nét rồng bay. Thế nên ngoài xuất hiện nhiều trong kiến trúc đền đình, hình tượng rồng cũng được rất được vua chúa ưa chuộng trong các kiến trúc lăng tẩm, cung điện.

linh vat rong trang tri kien truc viet nam

Hình tượng rồng được trang trí trên nóc mái điện Kiến Trung với hình ảnh “Lưỡng long tranh châu”. Ảnh: Kinh Tế Nông Thôn

Thăng Long – nơi rồng xuất hiện, cũng là nơi vương triều Lý (1010-1125) xây dựng nhiều công trình kiến trúc hoàng thành, chùa, tháp, mở đầu cho nền độc lập tự chủ của Đại Việt. Duy trì gìn giữ những biểu tượng Rồng truyền thống vốn có lâu đời của dân tộc, các nghệ nhân thời Lý đã sáng tạo thêm vào linh vật rồng thông qua giao lưu văn hóa của nhà Hán và nhà Đường. Trong giai đoạn thời Lý – Trần, phong cách biểu hiện rồng nhất quán hoặc tập trung rõ đặc trưng (ở đầu và khúc uốn), với  các đường cong tròn nối nhau, các khúc trước lớn, các khúc sau nhỏ dần và kết thúc như đuôi rắn.

kien truc rong trang tri viet nam

Chạm khắc rồng xuất hiện trên thềm đá chùa Dạm. Ảnh: Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Ninh

Từ thời Nhà Lê sơ, Mạc đến thời Nguyễn, linh vật Rồng phát triển rực rỡ với nhiều tư thế đa dạng hơn. Trong thời Lê sơ, hình tượng rồng được phát triển trên cơ sở tiếp thu Rồng thời Trần, cơ bản vẫn giữ hình dáng thân uốn cứng cáp, to khoẻ, mào và sừng ở đầu trông dữ hơn. Đầu rồng to, có hai nhánh sừng nhô cao, mắt lồi, bờm mượt cuộn ra sau. Chân rồng chạm năm móng sắc nhọn, các hình xoắn trang trí bên thân rồng, kết hợp với mây đao lửa. Đó là mô típ trang trí điển hình mang đặc trưng thời Lê Sơ: hình tượng rồng trang nghiêm, râu bờm và sừng nổi cao dũng mãnh uy quyền.

linh vat rong cham tro kien truc viet nam

Đôi rồng uốn khúc bò từ trên nền thềm điện Lam Kinh, được chạm thêm hoa sen, hoa cúc, lá và mây xoắn cách điệu. Ảnh: Tư liệu

 

Kế thừa đặc điểm của rồng thời Lý – Trần và thời Lê sơ, rồng thời Mạc mang đặc điểm thân mập, uốn lượn đều đặn, bờm kéo dài uốn theo xuống nửa lưng, ngoài ra còn được nhân hóa và xuất hiện nhiều trong các kiến trúc đình, đền và trang trí trên bia đá.

chua dau thuong tin kien truc viet nam

Chạm trổ rồng trên nóc mái chùa Đậu Thường Tín. Ảnh: Tư liệu

Rồng thời Nguyễn mang theo vẻ uy nghi tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng và  được thể hiện ở nhiều tư thế, ẩn mình trong đám mây, hoặc ngậm chữ Thọ, hai rồng chầu mặt trời, chầu hoa cúc, chầu chữ Thọ… Phần lớn mình rồng không dài ngoằng mà uốn lượn vài lần với độ cong lớn. Đầu rồng to, sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra sau. Mắt rồng to, mũi sư tử, miệng há lộ răng nanh, trên lưng có tia, phân bố dài ngắn đều đặn. Râu rồng uốn sóng từ dưới mắt chìa ra cân xứng hai bên. Hình tượng rồng phổ biến thường là bốn móng, tuy nhiên khi dùng cho nhà vua sẽ có năm móng và được điêu khắc tinh xảo trong nhiều vật dụng hàng ngày của Hoàng gia. 

linh vat rong trang tri kien truc viet nam thoi nguyen

Là biểu tượng tượng trưng cho nền văn minh lúa nước, con rồng còn thể hiện cho quyền uy và sức mạnh trong thời Nguyễn. Ảnh: Tư liệu

Đặc sắc nhất khi nói về rồng thời Nguyễn đó chính là những mô típ thể hiện: Lưỡng long tranh châu, lưỡng long triều nhật, long hý thủy, hồi long, viên long, long truy, long phụng, long lân, long thọ, long vân khánh hội, trúc hóa long, cúc hóa long… được bắt gặp ở nhiều các di tích kiến trúc, các tác phẩm trang trí, nghệ thuật. 

kien truc den chua lang tam viet nam rong

Pháp lam trang trí rồng trên nóc điện Ngưng Hy, lăng Vua Đồng Khánh. Ảnh: T. Thành

ngai vang kien truc linh vat rong cung dien

Rồng xuất hiện trên ngai vàng – nơi thể hiện quyền lực của nhà vua. Ảnh: Nguyễn Do

Trong quan niệm người Việt Nam, rồng là một loài đã có từ rất lâu đời. Rồng trong cuộc sống hay biểu tượng trong mỹ thuật đều mang theo nhiều ý nghĩa tốt đẹp, là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tâm linh, cuộc sống và suy nghĩ của con người. Linh vật rồng đã hiện diện như một cơ thể sống tồn tại qua các tác phẩm nghệ thuật hay mỹ thuật dân dụng, góp phần không nhỏ vào niềm tin cội nguồn dân tộc.

Thực hiện: Vân Thảo


Xem thêm

Linh vật rồng Huế: Dấu ấn nghệ thuật xứ Huế kinh kỳ

Những mảng chạm linh thú trong đình làng Việt

Thần tiên sánh với phàm trần