Thần tiên sánh với phàm trần

Thần tiên hạ giới xuống phàm trần, con người nhân gian vui đùa cùng linh vật thiêng liêng như Rồng, Nghê, Phượng, ranh giới nghìn trùng giữa cõi tiên và cõi thế không còn khoảng cách. Tất cả hội tụ trong không gian chung là đình làng cổ, tạo thành các mảng trang trí đầy sinh động. Trong mỹ thuật dân gian Việt, chỉ đình làng mới hiện hữu một phong cách trang trí tự do, hồn nhiên, phiêu linh đến thế.

Bên cạnh những mảng chạm về muông thú – linh thú, hình ảnh con người trong đời sống, hình ảnh thần tiên trong tâm thức của cư dân bản địa ở các đình làng cổ cũng được đưa vào trang trí trên kiến trúc đình. Điều thú vị khi quan sát những mảng chạm ấy, có thể thấy rõ những khát vọng, ước mong, cả những hình ảnh miêu tả cuộc sống dân gian trong xã hội đương thời. Tất cả đều mang vẻ đẹp chung là niềm hân hoan, vui tươi, sung túc, no đủ.

thần tiên 1

Mảng chạm hai đô vật đang vào sới vật ở đình làng Hạ Hiệp.

thần tiên 2

Tiên giáng thế trên kiến trúc đình Ngọc Phúc.

thần tiên 3

Một keo vật đầy gay cấn trong mảng chạm ở đình Hương Canh.

thần tiên 4

Luyện tập võ nghệ, một hoạt cảnh đậm yếu tố dân gian ở đình Hương Canh.

Hình ảnh trai làng cởi trần đóng khố, miệt mài vần nhau trên sới vật ở đình Hạ Hiệp, Hương Canh hẳn gợi về những ngày hội làng đầy sôi động. Mảng chạm các đấu sĩ đang hăng say luyện tập binh đao ở đình Hương Canh cho thấy người xưa thấm đẫm tinh thần “dựng nước – giữ nước”, bảo vệ non sông gấm vóc qua từng thời kỳ lịch sử. Trong kho tàng trang trí ấy, mỗi ngôi đình mang một kiểu thức hoàn toàn khác biệt, tùy thuộc tay nghề hiệp thợ trong làng, hoặc từ các làng lân cận cùng tham gia dựng đình. Yếu tố đa dạng và không khuôn thức ấy đã để lại cho đời những mảng chạm kỳ diệu.

thần tiên 5

Bất đối xứng, phi tỷ lệ, nhưng các mảng chạm trang trí đình làng cổ rất có hồn, sắc thái biểu cảm cao.

thần tiên 6

Mảng chạm mang điển tích “Mả táng hàm rồng” ở đình Hạ Hiệp.

HOẠT CẠNH CON NGƯỜI, THẦN TIÊN TRONG TRANG TRÍ KIẾN TRÚC ĐÌNH LÀNG GỬI GẮM VỀ KHÁT VỌNG, ƯỚC MONG CUỘC SỐNG HẠNH PHÚC, AN NHIÊN, VUI THÚ NHƯ CHỐN BỒNG LAI TRONG TƯỞNG TƯỢNG NGƯỜI PHÀM.

thần tiên 7

Nhìn chung trong đường nét đục chạm hình nhân, từ người thường đến thần tiên nơi đình làng, không có tỷ lệ chuẩn mực mà chỉ ước lệ, gợi hình bằng khối, nét. Cũng có những mảng chạm liên hoàn, tượng hình trụ tròn liền kề, hoặc các lối chạm bong kênh, tách lớp sống động, phô diễn kỹ thuật chế tác đỉnh cao của nghệ thuật chạm khắc dân gian. Các mảng chạm chủ yếu ở các vị trí như vì nóc, vì nách, ván lá gió, kẻ, bảy, đầu dư, cánh gà… và tùy vào không gian trang trí, hiệp thợ dựng đình sẽ thể hiện những đề tài rất ngẫu hứng. Đó có thể là hình tượng Nghê đứng cạnh voi có người cưỡi trên đó như ở đình Kim Hoàng. Nhìn vào mảng trang trí này, tính tỷ lệ bị phá vỡ hoàn toàn, người được thể hiện ngang bằng voi.

Mảng chạm đời sống sinh hoạt lao động sản xuất và vui chơi của người xưa ở đình Thổ Tang.

Người song hành, đùa giỡn cùng Nghê mẹ và Nghê con ở đình Vân Thị.

Hình tượng tiên nữ với đôi hoa tai duyên dáng ở đình Tây Đằng.

Con Nghê kế cận bề thế hơn cả voi và người. Ấy thế mà mảng chạm không hề lạc nhịp, thậm chí có phần chặt chẽ ở bố cục, phân mảng cao thấp rất hài hòa, che đi khuyết điểm thô kệch của xà nách, vì nóc, toát lên phong thái uy phong của người cưỡi voi. Hình tượng voi vui vẻ thuần phục cùng thần thái tinh anh của Nghê như đang mỉm cười trước nhân gian chốn đình làng.

DỰA TRÊN NÉT ĐỤC CHẠM, TRANG TRÍ ĐÌNH LÀNG, CÓ THỂ XÁC ĐỊNH ĐƯỢC NIÊN ĐẠI, VÙNG MIỀN, KHI TẢ THỰC, KHI CÁCH ĐIỆU ĐẾN HUYỀN HOẶC, HƯ ẢO, LÚC ĐẬM CHẤT ĐỜI Ở CÕI NHÂN GIAN.

Tiên giáng ở đình Ngọc Than với lối thể hiện chi tiết rất sống động.

Tiên – Rồng, cặp đôi quen thuộc trong trang trí kiến trúc đình làng cổ.

Tiên cưỡi rồng, với hàng đao mác dựng ngược, gợi cảm giác tốc độ của rồng từ tiên giới xuống cõi phàm.

Những hình tượng sánh đôi giữa phàm trần và linh thiêng thường gặp khác có người và rồng. Rồng trong chế độ phong kiến, chỉ tượng trưng cho minh quân, vua chúa, nhưng khi vào đình bỗng gần gũi, dân dã, thân thương hơn. Người nghệ nhân gửi gắm vào cặp đôi người – rồng những tích truyện thú vị, trong đó có “Mả táng hàm rồng”, được tìm thấy ở trang trí các đình như Thụy Phiêu, Hạ Hiệp… Ở tạo hình, để mang lại sự phân biệt dễ nhận giữa người và tiên, nghệ nhân trang trí thêm vào đôi cánh, hình tượng người đã trở thành tiên. Tiên khi đứng một mình, dang đôi cánh trong tư thế giáng, ngự trên cao không quan sát nhân tình thế thái vào ra chốn đình làng. Có khi tiên lại sánh đôi cùng rồng, lấy rồng làm vật cưỡi để chu du thiên hạ.

Tiếp cận những mảng chạm đề tài nhân vật, thần tiên, linh thú càng thấy ở trang trí kiến trúc đình làng Việt cổ những bất ngờ thú vị, không gặp lại ở bất kỳ kiểu thức trang trí nào khác trong mỹ thuật Việt từ xa xưa cho đến tận bây giờ.

NHIỀU CÔNG TRÌNH PHỤC VỤ MỤC ĐÍCH THỜ TỰ, TÍN NGƯỠNG, VĂN HÓA VIỆT SỬ DỤNG NÉT CHẠM GỖ TRONG TRANG TRÍ KIẾN TRÚC, NHƯNG CHỈ CÓ ĐÌNH LÀNG MỚI LÀ NƠI NGHỆ THUẬT NÀY TRỞ NÊN THĂNG HOA NHẤT.

Cũng là Tiên – Rồng, nhưng mỗi đình làng lại có lối thể hiện khác biệt. Đây là tiên ở đình Hoàng Xá.

Tiên – Rồng, có khi sánh đôi đơn lẻ như ở đình Giẽ Hạ, cũng có khi hợp bầy đông đúc như ở đình Yên Việt.


Bài: Nguyễn Đình | Ảnh: Hiếu Trần.


Xem thêm:

Kỳ quan Phồn thực từ những công trình Hindu

Theo dấu nữ thần sắc đẹp Lakshmi