Linh vật rồng Huế: Dấu ấn nghệ thuật xứ Huế kinh kỳ

Hiện lên đầy uy nghi nhưng không kém phần gần gũi, bình dị, rồng Huế được đơn vị thiết kế AGS Landscape tái hiện một cách khéo léo tạo nên không gian ấn tượng về mặt thị giác, dòng chảy xuôi theo cảnh xuân xứ kinh kỳ.

Hình tượng linh vật rồng luôn chiếm vị trí trung tâm trong các công trình kiến trúc cung đình Huế. Qua thời gian, rồng đã vượt khỏi chốn cung đình và hiện diện khắp nơi, trở thành một nét văn hóa, một biểu tượng nghệ thuật của mảnh đất Cố đô. Tại lễ hội Xuân Giáp Thìn 2024, rồng Huế hiện lên đầy mềm mại, uyển chuyển nhưng vẫn mang khí thế hiên ngang, ung dung tự tại như một biểu tượng của những ước mơ, khát vọng lớn lao trong một năm mới an lành.

linh vat rong tet giap thin

Nguồn: Lê Đình Hoàng

Rồng xuất hiện trong nghệ thuật thời Nguyễn đã đạt đến sự phong phú tối đa về đề tài, chất liệu và hình thức biểu đạt. Giữa muôn vàn tư liệu và cách tiếp cận linh thú đặc biệt này, đơn vị thiết kế đã đặc biệt đưa ra các tiêu chí cho linh vật Rồng Huế sau khi làm việc với các nhà sử học gạo cội, nghiên cứu hàng trăm tài liệu, gồm có: tỉ lệ thân; thế rồng bay; chất liệu và sự hài hòa với cảnh quan xung quanh. Tất cả nhằm khắc họa nên một linh vật với khí chất, linh hồn mạnh mẽ, mang khí thế một biểu tượng của thời kỳ mới, hoà quyện giữa truyền thống và đương đại, và đặc biệt là giữ được nét Việt Nam đặc trưng không pha trộn.

linh vat rong hue tet giap thin

Nguồn: Trần Đình Đức Hiếu

Thân rồng triều Nguyễn đặc biệt không quá dài mà uốn lượn vài lần với độ cong lớn, cũng không nhỏ và thuôn như rồng triều Lý. Vì vậy, linh vật rồng Huế được nghiên cứu rất nhiều về kết cấu để tạo ra được những đường uốn lượn mượt mà. Đôi rồng với 8 khúc uốn – con số tượng trưng cho sự thịnh vượng – vươn cao khỏi mặt đất, uyển chuyển ngước đầu về phía Bia Quốc Học như một sự tôn vinh đối với văn hóa và nghệ thuật kiến trúc cố đô. Với kết cấu phức tạp, để lột tả được thế rồng bay, linh vật sử dụng vật liệu mây tre mô phỏng những ngọn sóng, khéo léo giấu kết cấu sắt bên trong. Con rồng như đang đạp sóng vươn lên, hướng về trời cao, với đầu rồng “chuẩn Huế”: mắt rồng lộ to, mũi sư tử, miệng há lộ răng nanh sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra sau.

xuan giap thin mo hinh canh quan

Nguồn: Lê Đình Hoàng

Thế rồng cũng là một yếu tố quyết định thành bại của tạo hình linh vật. Rồng tại khu vực Đài phun nước Huế được lấy cảm hứng từ “Ấn Quốc gia tín bảo” với thế rồng bay lên “Phi long tại thiên” (rồng bay trên trời) mang khí thế hiên ngang, như một lời cầu chúc cho một năm mới tốt lành, đại diện cho quá trình chuyển mình của Cố đô.

linh vat xuan giap thin rong hue

Nguồn: Đăng Tuyên

Rồng là linh thú đặc trưng với lớp vảy phủ toàn thân, chất liệu và tạo hình bề mặt rồng cũng được nghiên cứu mô phỏng ngói thanh lưu ly Huế, loại ngói được sử dụng phổ biến cho các công trình cung điện, lăng tẩm và đền chùa Cố Đô, là biểu tượng cho sự hòa hợp giữa đất và trời, đặt vào đó hy vọng về một cuộc sống mưa thuận gió hòa, êm ấm và ổn định. 

Hơn 14.000 chiếc vảy với 3 loại chất liệu khác nhau được cắt, dán rồi may chồng lên nhau bằng tay bởi các nghệ nhân Huế, sau đó lại được sắp xếp thủ công như cách lợp mái ngói, nâng tổng thời gian hoàn thiện bề mặt linh vật lên tới hàng trăm giờ, vậy nên mỗi chiếc vảy là độc nhất, tinh xảo và rất kỳ công.

linh vat xuan giap thin

Nguồn: AGS Landscape

Tính sáng tạo trong ứng xử không gian nghệ thuật tạo hình của lễ hội còn đến từ cách phối hợp hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Được bao bọc bởi một không gian đậm chất di sản với Bia Quốc Học, với dòng sông hương trìu mến làm nền, Rồng Huế có tông màu đỏ/vàng và họa tiết truyền thống dù có đường nét hiện đại nhưng lại dung hòa với những cảnh quan sẵn có, lại có hiệu ứng như đạp những ngọn nước ở đài phun nước mà bay lên, đem đến những sắc thái biểu đạt mới, đồng thời tôn vinh lên vẻ đẹp tinh tế, nghệ thuật của kiến trúc Huế. 

Có thể nói, Rồng Huế dù là cổ kính hay hiện đại, cũng đều làm người ta nao lòng với vẻ đẹp và duyên dáng, xứng danh là “vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được.”


Xem thêm

Đón Tết nay ngắm tranh Tết xưa

Phong vị Tết Á Đông

Cảm xúc cùng hình tượng Nghê