Trong số tạo hình linh vật thuộc tín ngưỡng dân gian, hiếm linh thú nào mang nhiều sắc thái biểu cảm đa dạng như Nghê. Vị trí ngự trị của Nghê cũng cực kỳ biến đổi, khi trên nóc mái tàu đao, khi mọn hèn dưới đất đội cột cổng làng, lúc uy nghiêm thành kính trước lăng tẩm vua quan… Khám phá thế giới linh thú kỳ lạ này mới thấy hình tượng Nghê không chỉ đẹp trong mỹ thuật tạo hình, mà còn ẩn chứa tình cảm, suy nghĩ, tính cách con người cùng thời cuộc.
Nghê từ đâu mà có? Trong tín ngưỡng dân gian, mỗi linh thú đều bắt nguồn từ con vật có thực trong đời sống. Ở khía cạnh địa lý, người phương Nam (trong trường hợp này là người Việt), thường mang bản tính ăn ở hiền cuộc sống thân thương, chan hoà, gần gũi. Từ yếu tố đó, trong tín ngưỡng, người phương Nam bắt được khởi hình của Nghê là con chó trong nhà. Cũng như rồng có khởi hình từ rắn.
Nhìn hiện vật điêu khắc Nghê trên các chất liệu gốm, gỗ, đá, đồng,…lưu lại suốt chiều dài phát triển lịch sử từ thời Lý đến thời Nguyễn, có thể thấy trong dáng Nghê hình tượng chó (Khuyển Nghê) chiếm số lượng phong phú và đa dạng biểu cảm.
Từ thời Lý (1009 – 1225) mới thấy bắt đầu có sự xuất hiện linh vật Nghê. Một số hiện vật Nghê đá, Nghê gốm men lục đặc trưng của thời Lý là minh chứng về điều này. Trước đó từ thời Phùng Nguyên, Đông Sơn, qua Hán – Việt… chưa hề thấy sự xuất hiện của Nghê.
Trong tín ngưỡng dân gian, tục thờ chó đã có từ ngàn đời, nhà Lý lên ngôi cũng gắn liền với nhiều tích truyện liên quan đến hình ảnh con chó. Từ việc vua Lý Công Uẩn sinh năm Giáp Tuất (974), đến những huyền tích về đền Cẩu Mẫu – Cẩu Nhi… Câu chuyện phát triển từ tục thờ chó trong dân gian, tạo ra linh vật mới, nhưng không ngoại lai bởi lòng tự tôn của đất nước vừa trải qua ngàn năm Bắc thuộc, vậy là Nghê ra đời.
Nghê mang khởi hình nền từ chó,
trong tín ngưỡng dân gian có nhiều nơi thờ chó
như đền Cẩu Nhi ở Hồ Trúc Bạch,
thờ chó đá là quan lớn Hoàng Thạch, ở làng Địch Vĩ,
nhưng không một đình – đền nào thờ Nghê.
Cùng ở thời Lý, Phật giáo hưng thịnh, trở thành quốc đạo, nhiều công trình chùa chiền xây dựng kiểu thức trang trí từ kiến trúc, đồ gia dụng (đặc biệt là gốm) sử dụng chi tiết liên quan đến văn hóa Phật giáo như hoa sen, chim vẹt, sư tử… những hình tượng gắn liền với cuộc đời đức Phật từ tiền kiếp (bản sinh kinh) cho đến lời thuyết pháp của đức Phật mệnh danh như tiếng rống sư tử (Sư tử hống).
Hình tượng Nghê là sự kết hợp yếu tố bản địa và văn hóa ngoại lai, từ thân hình của cho trong tín ngưỡng dân gian ráp với phần đầu sư tử ý nghĩa Hoằng Dương Phật Pháp trong giáo lý nhà Phật. Sự kết hợp thú vị ấy khiến Nghê trở thành linh thú đặc biệt, hội tụ đủ sự đơn sơ, chân thành, bình dị như tính cách của chó trong nhà, nhưng cũng đầy nghiêm cẩn, vương giả, uyên thâm, minh triết như một vị hành giả. Quan trọng hơn, sự ra đời của Nghê cũng khẳng định vị thế vương triều Lý đương thời, đã thoát khỏi kiềm tỏa mọi mặt từ đời sống xã hội đến tín ngưỡng sau ngàn năm Bắc thuộc.
Điều thú vị hơn nữa ở Nghê là qua mỗi thời kỳ, hình dáng, kiểu thức, cảm xúc của Nghê lại mang nhiều nét khác biệt. Nhưng một chi tiết đặc biệt dễ nhận, ấy là linh thú này không có biểu hiện của sự đe dọa, trấn áp, dữ tợn, dọa nạt như nhiều linh thú bốn chân khác. Nghê cũng không phải linh vật được bái thờ như hai khởi hình ban đầu của nó là chó và sư tử. Nghê được xem như một dấu chỉ để phân định không gian tín ngưỡng (đền chùa), không gian cư ngụ (cổng làng nhà quyền quý), không gian linh thiêng (lăng tẩm vua quan), cả trong đồ sử dụng, tế tự (lư hương, văn phòng tứ bảo)… và ở mỗi không gian ấy, sự xuất hiện của Nghê đều khác biệt.
Sách nghệ thuật Huế (1925) có tả về Nghê:
“Nghê có hình thức đứng cong lưng, gồng người,
có lông, có móng, mồm nhe nanh,
hướng chồm về phía trước, tư thế mạnh mẽ, oai vệ,…”.
Nhìn trong dáng Nghê, từ thời Lý, thân chó được biểu đạt rõ nét, với dáng đứng bốn chân, thân trơn, đầu hơi ngẩng như quan sát, ngưỡng vọng. Tiếp sau đó, Nghê bắt đầu có dáng ngồi, hai chân trước chống thẳng, rồi đến phủ phục cả bốn chân, có khi lại mọp người, đầu đuôi xoắn xuýt với gương mặt biểu lộ sự mừng rỡ, hân hoan.
Các chi tiết trang trí trên mình Nghê cũng được tiếp biến qua các triều đại. Ở thời Trần, Lê là thời kỳ Nghê phát triển tối đa về mặt tạo hình. Độ thiêng hóa linh vật này thể hiện rõ qua các kiểu dáng, với sự kết hợp không chỉ riêng thân chó, mà còn có cả rồng, lân… tạo thành Long Nghê, Lân Nghê đầy vương giả, quyền uy. Sang đến triều Nguyễn, dáng Nghê dần dần chuyển gần về dáng kỳ lân, nguyên do sự thay đổi này là những hội nhập văn hóa với láng giềng. Sau thêm nhiều biến cố thời cuộc, hình tượng Nghê trong dân gian từng bị lãng quên, thậm chí bị thay thế bởi linh vật ngoại lai, âu cũng là điều đáng tiếc.
Bài & Ảnh: Nguyễn Đình.
Xem thêm: