Sức mạnh đức tin trong kiến trúc Baroque

Ấn tượng, giàu cảm xúc, sống động… những điểm mạnh trong phong cách Baroque khi ứng dụng xây dựng giáo đường đã làm nên những tuyệt tác ở Thụy Sĩ.

Trong kiến trúc giáo đường Công giáo La Mã, phong cách Gothic với vẻ ngoài bề thế, tháp chuông cao vút, chế ngự không gian và là tâm điểm cảnh quan nơi công trình tọa lạc. Trong khi đó, phong cách Baroque mang chiều hướng đối lập, với vẻ ngoài không quá đồ sộ, ít chi tiết, nhưng nội thất lại tưng bừng như một “dàn hợp xướng” với sự tham gia của kiến trúc, hội họa, điêu khắc, ánh sáng, không gian, chất liệu… đều được đẩy đến giá trị cực đại về kỹ thuật, mỹ thuật và hiệu ứng thị giác.

Baroque 1

Nhà thờ Dòng Tên Lucerne (Lucerne Jesuit Church) kiến trúc Baroque vĩ đại ở trung tâm Lucerne, Thụy Sĩ.

Baroque 2

Tráng lệ và tinh tế đến từng chi tiết nhỏ là nét đặc trưng trong trang trí ở kiến trúc Baroque.

Baroque 3

Cây đại phong cầm lộng lẫy với các trụ đá cẩm thạch đỏ nơi gác đàn.

Ở thánh đường kiến trúc Baroque, độ phức tạp được giản lược ngay phần mặt tiền, không nhiều đường hình học đan xen, không chi tiết cầu kỳ làm điểm nhấn trang trí. Chi tiết nhận dạng thánh đường thuộc phong cách kiến trúc Baroque là đỉnh tháp chuông được thiết kế thường gồm bốn mặt chụm lại thành hình chóp nhọn, tựa dáng củ hành hoặc trái lê.

Không gian nội thất, vòm trần phân chia tỷ lệ, theo kiểu thức bố trí cột trụ tiêu biểu như kiến trúc Gothic được xóa bỏ, thay vào đó là sự xuyên suốt, liền mạch, tạo cảm giác thênh thang cả về chiều rộng lẫn chiều sâu công trình.

Nhìn lại bối cảnh ra đời, phong cách kiến trúc Baroque như một sự khẳng định niềm tin tuyệt đối vào đấng tối cao của giáo hội Công giáo. Cũng là kiến trúc giáo đường, nhưng ở phong cách Baroque, các chi tiết trang trí, đặc biệt là bích họa cuộc đời gia đình thánh gia, các thánh Công giáo, những chuyện trích dẫn từ Phúc Âm… được chú trọng tối đa, sử dụng kỹ pháp hội họa, bố cục chặt chẽ, tiết chế, phân mảng rõ rệt, tạo hiệu ứng thị giác mạnh khi chiêm ngưỡng bích họa trong thánh đường Baroque.

Baroque 4

Cuộc đời tu sĩ Dòng Tên, Thánh Phanxicô Xaviê qua nét họa trên vòm trần do hai anh em nghệ sĩ Giuseppe Antonio Torricelli và Giovanni Antonio thực hiện.

Baroque 8

Kỹ thuật điêu khắc trên nền chất liệu đá quý hiếm là cẩm thạch vân gỗ, tạo hiệu ứng thị giác mạnh trong trang trí.

Baroque 10

Nhà thờ Biển Đức (Benedictine) ở thung lũng các thiên thần Engelberg dưới chân núi tuyết Titlis.

Trong các thánh đường mang kiến trúc Baroque,
chi tiết trang trí nổi bật, ấn tượng
và không thể thiếu là các tác phẩm hội họa.

Baroque 7

Kỹ thuật điêu khắc trên nền chất liệu đá quý hiếm là cẩm thạch vân gỗ, tạo hiệu ứng thị giác mạnh trong trang trí.

Baroque 11

Gian cung thánh của nhà thờ Biển Đức, Engelberg với tác phẩm Chúa lên trời ở vị trí trung tâm.

Niềm tin của người Kitô hữu là lòng trung tín và kính sợ đấng tối cao. Kính là thờ kính, sợ không phải là ghê sợ đức Chúa mà là sợ những lỗi lầm con người đã gây ra khi phải đối diện trước uy linh Ngài. Không gian để thể hiện lòng trung tín và kính sợ ấy của người Kitô hữu lúc đương thời được phong cách Baroque đảm nhiệm một cách hoàn hảo. Không còn cảm giác trầm mặc, thâm nghiêm, diệu vợi như ở kiến trúc La Mã, Gothic hay Phục Hưng, thay vào đó là sự tưng bừng mừng vui, của ánh sáng chan hòa, sự khải hoàn, mang lại cho con người cảm giác thăng hoa, bay bổng với niềm kính tin vào đấng sáng thế.

Tích truyện Mẹ Maria dâng chúa Giêsu vào đền thờ và Tiệc cưới Cana trên vòm trần nhà thờ Biển Đức ở Engelberg.

Phong cách Baroque du nhập từ Ý vào Thụy Sĩ,
được các tu sĩ thuộc Dòng Biển Đức,
Dòng Tên, Dòng Anh Em Hèn Mọn…
hưởng ứng và áp dụng trong xây dựng thánh đường.

Nét tươi vui trong không gian Baroque thể hiện qua đường cong, ánh sáng, hội họa.

Ở các kiến trúc Baroque Thụy Sĩ kể đến trong bài, có thể thấy những chi tiết trang trí tỉ mỉ, tinh tế, phức tạp trong kiến trúc thánh đường đến giai đoạn Baroque vẫn được ứng dụng, nhưng với cách tiết chế hợp lý hơn. Các mảng tranh tường trên vòm trần được vẽ mang kích cỡ lớn, bố cục thành từng tác phẩm tách biệt, dễ quan sát, cảm nhận, đồng thời làm nổi bật nội dung muốn truyền tải. Hệ cửa sổ lấy sáng được tận dụng tối đa, trải dọc theo chiều dài thánh đường. Nổi bật trên tông màu trắng chủ đạo là những phối kết chất liệu đá cẩm thạch, đá hoa cương với những chạm khắc tinh tế, tạo thành các điểm nhấn đẹp và hài hòa trước gian cung thánh. Đường nét liên kết cột trụ, bích họa, sử dụng nhiều chi tiết đắp nổi, tỉa khắc cầu kỳ, nhưng không quá sa đà đến mức rối mắt.

Chỉ có sức mạnh của niềm tin mới khiến con người vượt qua khuôn phép, để có thể tạo ra một phong cách kiến trúc Baroque tráng lệ, nghiêm cẩn, đẹp mãi theo dòng chảy thời gian.

Những tương phản cực đại của màu sắc, chất liệu, đường nét là điểm nhấn xuyên suốt ở kiến trúc Baroque.

Bài & Ảnh: Nguyễn Đình.


Xem thêm:

Nghe sắt kể chuyện xưa

Gốm Việt cổ và những gam màu thần diệu