Kiến trúc gắn liền với triều Nguyễn (1802 – 1945), từ di tích Hoàng thành, cung điện, đến đền đài, lăng tẩm, chùa miếu, phủ đệ, đều mang vẻ thâm trầm, uy nghiêm, cổ kính theo kiểu kiến trúc truyền thống. Nhưng trong số ấy, ngoài các kiến trúc mang âm hưởng Tây Âu rõ rệt và dễ nhận, như cung An Định, lầu Tịnh Minh, công trình mang nét khác biệt phá cách phải kể đến chính là lăng Khải Định. Mất đến 11 năm xây dựng, lăng Khải Định trở thành công trình kỳ công nhất trong số lăng tẩm triều Nguyễn khi sử dụng nguồn vật liệu sắt thép, ngói Ardoise nhập khẩu từ Pháp, đồ sứ, đồ thủy tinh nhập từ Trung Hoa, Nhật Bản để hoàn thiện công trình. Kiến trúc lăng là sự kết hợp rất nhiều chi tiết khác lạ với những đường nét mang âm hưởng Hindu giáo, Phật giáo, La Mã, Gothic, thuộc địa… tạo cho công trình một dấu ấn rất riêng, giống với phong cách và lối sống vua Khải Định lúc đương triều.
Khám phá kiến trúc Huế cũng không nên bỏ qua Lê Lợi – con đường đẹp nhất xứ Huế chạy dọc sông Hương, cũng là điểm kết nối các công trình kiến trúc đặc biệt. Đó là một nhà ga Huế mà nét đẹp từ hơn trăm năm qua vẫn không hề thay đổi, là các căn biệt thự đậm phong cách Tây Âu, vừa mang nét cổ kính theo thời gian, vừa thể hiện lối ứng dụng mỹ thuật phương Tây vào không gian kiến trúc bản địa, tạo thành các điểm nhấn đẹp bên dòng sông Hương, đối lập với nét cổ kính mang văn hóa Á Đông của Hoàng thành ở bờ đối diện. Đường Lê Lợi cũng là nơi một trong ba khách sạn cổ nhất Việt Nam tọa lạc, đó chính là Morin do ông Bồ Ghè (phiên từ tên tiếng Pháp Henri Bogaert) xây dựng từ 1901 – cùng tuổi với cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba, trường Quốc Học.
Hai ngôi trường nổi tiếng liền kề nhau là Đồng Khánh xưa, nay là Hai Bà Trưng và trường Quốc Học cũng là đại diện cho vẻ đẹp kiến trúc mang phong cách Tây Âu nhưng rất Huế.
Huế cũng nổi tiếng về ứng dụng các công trình kiến trúc theo quan niệm phong thủy, tiêu biểu trong đó là bình phong, vừa ngăn tà khí, vừa tạo vẻ kín đáo, uy nghiêm kiểu cung đình. Một trong những kiến trúc bình phong độc đáo ở Huế là Bia Quốc Học – cũng trên đường Lê Lợi. Công trình này gợi đến bậc thầy của nền mỹ thuật hội họa và kiến trúc Huế dưới triều Nguyễn là Tôn Thất Sa (1882 – 1980), người đã kết hợp cùng một nhà “Huế học” đến từ Pháp là linh mục dòng Thừa sai Léopold Michel Cadière giới thiệu những nét đẹp Huế từ cung điện, lăng tẩm, chùa chiền, đến các kiểu thức, hoa văn trang trí tứ linh, quốc phục hoàng triều… trong cuốn Nghệ thuật Huế (L’Art à Hué) thuộc tập san Đô Thành Hiếu Cổ ra đời trong giai đoạn 1914 – 1944, mà cho đến nay, nhờ những hình vẽ lưu lại của Tôn Thất Sa mà nhiều công trình phục chế kiến trúc, chi tiết trang trí của Huế trở nên thuận lợi và dễ dàng hơn.
Đối diện Bia Quốc Học là ngôi trường dạy khoa học phương Tây bằng tiếng Việt đầu tiên của Việt Nam – Trường Quốc Học, với dấu ấn nổi bật là cổng tam quan đậm nét kiến trúc Huế, còn được gọi là lầu chuông trường Quốc Học, đây cũng là công trình do Tôn Thất Sa thiết kế khi ông đã 74 tuổi (1956), hoàn thiện 1958. Tìm gặp nét Huế xưa bao giờ cũng là một hành trình đầy ắp những khám phá thú vị về mỹ thuật, văn hóa, lịch sử, chuyện kể đầy hấp dẫn như thế, để khi đi xa lại hơn một lần nhớ và mong có ngày trở lại.
Ảnh: HẢI ĐÔNG – Thực hiện chuyên đề: NGUYỄN ĐÌNH