Tạo “khác thường” trên gốm cho nghệ thuật ý niệm

Đa dạng trong tạo hình, tinh sắc trong chi tiết, nước men… chất nghề của di sản gốm thật rõ nét, nhưng sau vẻ ngoài mang tính trình diễn ấy, gốm vượt trên cả giá trị sử dụng, được nghệ sĩ Bùi Công Khánh biểu đạt thành ý niệm, nơi di sản và đương đại tìm được tiếng nói chung.

Có cơ duyên tiếp cận với gốm khá sớm trong hành trình hoạt động nghệ thuật, nghệ sĩ Bùi Công Khánh nhận xét: “Gốm là chất liệu đòi hỏi nghệ sĩ phải học hỏi và rút tỉa kinh nghiệm mỗi ngày. Sự phức tạp của kỹ thuật gốm lại thành lợi thế giúp ta có được nhiều cách thể hiện, từ chất đất, men, màu, nhiệt độ, gốm vuốt tay hay đổ khuôn, nung gas, điện hay củi… đều cho ra kết quả khác lạ mà chất liệu khác không có được”.

gốm 1

Nghệ sĩ Bùi Công Khánh. | Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong, Xê Ra Mít Studio.

Có thể thấy rõ trong nhiều chất liệu được dùng thể hiện nghệ thuật ý niệm mà nghệ sĩ Bùi Công Khánh theo đuổi như điêu khắc, hội họa, sắp đặt, video art… riêng gốm được sử dụng đầy trân trọng: “Trong sáng tác, các chất liệu khác có thể làm nền, nhưng gốm trong tác phẩm của tôi luôn đóng vai chính bởi sự phức tạp và tính độc lập của gốm khó kết hợp với chất liệu khác thành tác phẩm hoàn chỉnh. Trước đây tôi cũng đã thấy việc gắn cườm vào đất nung, kết hợp sơn mài với gốm… cá nhân tôi không đánh giá cao điều đó, sự kết hợp gốm với các chất liệu khác bằng keo hoặc sơn hay bất cứ phụ gia nào… chứng tỏ gốm chỉ để làm nền cho lớp áo bên ngoài thì không nên gọi tên gốm vào làm gì, thiệt thòi cho gốm biết bao nhiêu”.

gốm 2

Sự “thừa mứa” những “huy chương sứ” – biểu tượng chiến tranh, chiến thắng, tôn vinh, thứ bậc… nhưng cũng rất mong manh, trống rỗng. | Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong, Xê Ra Mít Studio.

gốm 3

Nghệ thuật sắp đặt tạo hiệu ứng thị giác mạnh cho tác phẩm “huy chương sứ”. | Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong, Xê Ra Mít Studio.

GỐM VIỆT CÓ LỊCH SỬ HƠN 4.000 NĂM, NHƯNG KỲ LẠ LÀ XƯA NAY CHƯA TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÀO Ở VIỆT NAM CÓ KHOA GỐM VÀ MỞ LỚP ĐÀO TẠO BÀI BẢN VỀ GỐM.

gốm 4

Dị Bản – một tác phẩm đậm chất trình diễn, khó ở tạo hình, tinh ở chi tiết, đa tầng ở ngữ nghĩa. | Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong, Xê Ra Mít Studio.

Trở lại câu chuyện gốm ý niệm, việc tạo hình, tạo thành phẩm gốm đã là khó, huống hồ lấy gốm làm phương tiện chuyển ý niệm lại càng là một chặng dài. Nghệ sĩ Bùi Công Khánh chia sẻ: “Thực hiện tác phẩm gốm đương đại, tôi bị hạn chế về kinh nghiệm và kỹ thuật, trước đây tôi chỉ vẽ những chiếc bình gốm cốt tạo sẵn thì nay phải tự chủ tất cả các khâu từ việc quyết định chọn đất, tạo hình cho tác phẩm, đổ khuôn, chọn men, nung ở lò nào và ở mức nhiệt bao nhiêu… Tác phẩm Dị Bản là ví dụ, tôi mất nhiều thời gian cùng người làm nghề ở Bát Tràng, sau rất nhiều thất bại mới có thể hoàn thiện. Tuy nhiên, những trở ngại trên gốm không khiến tôi nản, mà là động lực để học hỏi và đúc kết thêm kinh nghiệm quý báu từ nghề gốm”.

gốm 5

Gốm ở đây, không chỉ mang giá trị, chức năng, mà còn chuyển tải ý niệm, trong đó có sự đổi mới. | Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong, Xê Ra Mít Studio.

“TẢ VỀ GỐM CỦA TÔI, MỘT NGƯỜI BẠN, CHỦ LÒ TRUYỀN THỐNG CỦA BÁT TRÀNG TỪNG NÓI: KHÁC THƯỜNG! XIN HIỂU THEO NGHĨA ĐƠN GIẢN THÔI, CHỈ LÀ: KHÁC BÌNH THƯỜNG”.
– Nghệ sĩ Bùi Công Khánh

gốm 6

Bàn tính, một di sản được “gốm hóa” tạo nên sự hòa hợp, đồng nhất giữa đồ vật và ý niệm. | Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong, Xê Ra Mít Studio.

gốm 7

Bàn tính, một di sản được “gốm hóa” tạo nên sự hòa hợp, đồng nhất giữa đồ vật và ý niệm. | Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong, Xê Ra Mít Studio.

Quan sát trong ngôn ngữ gốm của Bùi Công Khánh, nét “nghề” của tác phẩm ở chất liệu, hoa mỹ, cả hiệu ứng khó bởi giới hạn kết cấu… được hóa giải. Định hình một “đẳng” cao chế tác, nhưng ở đó còn một vẻ đẹp khác của “nghệ thuật ý niệm”, với đa tầng, đa nghĩa, đa lời, đa cảm. Sự liên kết ấy được người nghệ sĩ lý giải: “Trong gốm, ta có thể dễ dàng nhìn ra giai cấp mà các món đồ được sản xuất ra để phục vụ. Tầng lớp càng cao, nhu cầu sử dụng gốm càng tinh tế hơn, đòi hỏi người chế tác phải tìm tòi và sáng tạo cái mới, đậm chất nghệ thuật và độc đáo. Và cũng qua đó chúng ta thấy được sự liên quan giữa gốm thủ công truyền thống và các tác phẩm gốm nghệ thuật”.

gốm 8

Truyền tải ý niệm vào gốm cũng là cách người nghệ sĩ làm hồi sinh và tôn vinh di sản. | Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong, Xê Ra Mít Studio.


Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình.

Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong, Xê Ra Mít Studio.


Xem thêm:

Gấm lụa Hoàng triều

Áo dài xưa qua bưu ảnh cổ