Đông Dương và những lịch sử liên tục được tái hình dung

Trong đô thị toàn cầu hóa với những tòa nhà hiện đại bọc kim loại – kính, những mái nhà từ thời Pháp đôi khi bảng lảng hiện ra với sự phong kín tháng năm, hay núp mình trong những cải tổ và chuyển di trở thành bảo tàng, cửa hàng hay quán cà phê… Sống ở thời đại giữa vô số sự sắp đặt, giống nhau trên toàn thế giới người ta lại mong muốn tìm kiếm những nét đẹp bản địa, những bộc lộ lịch sử, kết nối – thừa nhận rồi phủ định quá khứ lại hiện lên và rơi lạc mất, trong đó có những góc nhìn vào thời Đông Dương.

Đông Dương như một ý niệm hàm chứa nhiều cách diễn dịch, liên tục đổi thay theo thời gian và hơn hết, gợi cho chúng ta một vài cách hiểu về hiện tại.

Một câu hỏi nảy lên khi tôi theo dõi những thảo luận về Đông Dương: Vì sao chúng ta lại nói về một thời kỳ mà hầu hết chúng ta chưa bao giờ trải qua với tất cả nhiệt huyết, tình yêu và cả ghét bỏ nhiều đến thế? Chúng ta yêu và ghét, ca ngợi và phê phán, nhặt nhạnh và phá hủy kèm theo thật nhiều tình cảm và ý hướng. Tưởng như đã trôi xa, Đông Dương vẫn đọng lại trong suy tư của người hiện đại, nằm vắt giữa lằn ranh của lưỡng nan yêu – ghét. Đủ độ lùi để trở thành một huyền thoại trong tâm tưởng, đủ nguồn dữ liệu để có thể tiến hành đánh giá một cách khách quan. Giữa sự thật và huyễn tưởng, Đông Dương liên tục được hình dung và tái hình dung thành vô vàn diện mạo…

Đông Dương như một hình dung

Qua lớp kính của các loại hình nghệ thuật khác nhau, Đông Dương hiện lên trong giấc mơ của người Việt Nam hiện đại với một vẻ đẹp mơ màng. Đó là xứ sở lùi xa trong ký ức mỏi mệt của Marguerite Duras, nơi mọi vật bạc màu dưới nắng và ký ức về người tình Á Đông được phủ đầy ảo vọng của hoài nhớ. Đông Dương được khéo léo ướp giữa những lớp mùi hương, thanh sắc trong điện ảnh của Trần Anh Hùng. Qua những tác phẩm hội họa Đông Dương lần lượt được hồi hương, dáng hình mảnh mai, thanh tao của những thiếu nữ phương Đông thuở xưa làm nức lòng người xem hiện đại và tiếp tục mở nguồn cảm hứng cho sáng tạo đương thời.

Góc nhìn thời Đông Dương phim Mùi đu đủ xanh

Chồng lớp giữa sự thật và huyễn tưởng, Đông Dương liên tục được bồi đắp để trở thành cái Đẹp. Phân cảnh trong phim Mùi Đu Đủ Xanh (1993) của Trần Anh Hùng. Ảnh: Tư liệu

Đông Dương, hiện lên giữa tâm tưởng kiêu sa, không thể nào là một Đông Dương của lịch sử. Thay vì thế, qua sự phản chiếu của nghệ thuật, tôi nhìn thấy một Đông Dương được khu biệt và cô đặc thành niềm hoài nhớ, một ký ức được gạn lấy những điều đẹp nhất. Phải chăng tình yêu ấy được bồi đắp như phản ứng của người hiện đại trước cảm giác khô khan và phân cách mà thời đại đang mang lại? Khát khao một tình yêu lãng mạn không thể tìm được nơi hiện thực, ta trở về trong quá khứ. Tình yêu Đông Dương như một chuyến du hành trong tâm trí, để tìm đến cảm giác đón chào và vỗ về trong một trú xứ kiêu kỳ, trác tuyệt. Và bởi là cái đẹp được dựng nên bằng tâm tưởng, Đông Dương đã rời bỏ những vùng xám của một thời kỳ lịch sử đầy biến động để trở thành một hình dung tuyệt đẹp và hư ảo vô chừng.

Giữa thế gian vật chất

Trong những lần thong thả tản bộ trong trung tâm thành phố, tôi thi thoảng bắt gặp những mảnh gạch vụn khiêm tốn nằm đợi những công trình cao tầng đến thế chỗ. Sự yêu ghét dành cho Đông Dương trở nên sống động trong cách người đô thị giằng co trước những thực thể kiến trúc hữu hình. Đông Dương như thể là vật chất để bảo tồn và để phá hủy. Một thời kỳ lịch sử tựu lại trong gạch đá, sắt thép, được khuôn đúc từ sức mạnh của công nghệ khai minh, hàm chứa sự hợp tác lẫn áp đặt, tham vọng và sụp đổ. Đối diện với tất cả lịch sử đọng lại trong vật chất, con người đương thời tìm cách phản ứng. Gọi những công trình xưa cũ là tàn dư và chướng ngại, người ta phá bỏ để tìm đến tương lai. Xem chúng là di sản, người ta bảo tồn và tìm cách đưa chúng đan cài vào đời sống hiện tại. Phá bỏ, giữ lại hay chuyển đổi ý nghĩa, cách cư dân đô thị ứng xử với những hiện hữu vật chất còn lại từ quá khứ phản ánh những đối thoại trong tâm tưởng đương thời, trong cách thị dân nghĩ về chính họ.

Góc nhìn thời Đông Dương chợ Bến Thành 1920

Vốn là những nỗ lực mang tính định khuôn của những nhà chiến lược thời thuộc địa, chợ Bến Thành được người dân uốn nắn theo thói quen, vốn sống và tập tục của họ, để giờ đây khu chợ nhập vào ý niệm truyền thống. Trong cái nhìn đó, di sản thời thuộc địa từ xa lạ đã trở thành một phần của ký ức địa phương. Ảnh trên do Léon Ropion thực hiện khoảng những năm 1920, thuộc BST C Neykov.

Góc nhìn thời Đông Dương chợ Bến Thành 1938

Eli Lotar thực hiện năm 1938, nguồn ảnh từ Mạnh Hải.

Khi nói về di sản vật chất từ thời thuộc địa, một hướng tiếp cận thường được lựa chọn là phân biệt giữa “của ta” và “của họ”. Ta và họ nhiều lúc lại đan cài vào nhau. Nhiều lần tôi ghé vào những khu chợ cũ do người Pháp xây dựng trong những năm đầu thế kỷ 20, đến nay vẫn còn rải rác khắp các đô thị lớn. Nhà lồng chợ kiểu Pháp là một nỗ lực phân bổ không gian duy lý để tìm cách chuẩn hóa sự ngẫu nhiên của đời sống. Thế rồi khi tiểu thương người Việt chiếm cứ những phân tổ duy lý ấy, sự ngẫu nhiên và sinh động lại cứ tràn đầy ra. Để khi thời gian trôi chảy, những giấc mơ hiện đại hóa lại trở thành “truyền thống”, chợ nhập vào dòng chảy đời sống Việt không ngừng nối dài. Không chỉ những công trình chợ mà bất cứ kiến trúc công cộng nào cũng trải qua quá trình chuyển nghĩa như thế. Mặc cho những ý hướng nhằm thuyết phục hay định đặt, cư dân bản địa luôn đóng vai trò chủ động trong cách tạo dựng thứ mà kiến trúc trở thành. Và giờ đây chúng là những dấu mốc chứa đầy ký ức của đời sống cư lưu nơi đô thị.

Trường Nguyễn Thị Minh Khai

Khi những mảnh gạch ngói cũ xưa rơi xuống nhường chỗ cho nhà cao tầng, người ta bắt đầu quan tâm hơn về tương lai của di sản. Khi ấy, cư dân thành phố nhận ra những mảnh vật chất Đông Dương đã trở thành phần không thể thiếu trong sự hình dung về thành phố. Hình ảnh: Trường Nguyễn Thị Minh Khai, ảnh do Tản Mạn Kiến Trúc thực hiện.

Nhìn lại những mối quan hệ khác với Đông Dương

Các cộng đồng cựu thuộc địa thường trải qua trạng thái khó xử khi tìm cách xác định lại mối quan hệ với thời kỳ thuộc địa. Tình huống khó xử dễ nhận thấy khi người ta đề xuất đặt tên đường phố theo những nhân vật thời thuộc địa. Khuynh hướng ủng hộ lập luận rằng công trạng của những trí thức thời thuộc địa cần được thừa nhận, ngược lại hướng phản bác chỉ ra những mảng tối trong cách tri thức bị sử dụng cho những quan hệ bất công. Tại thành phố Hòa Bình, một con đường đặt tên theo tên nhà khảo cổ học Madeleine Colani như một dấu hiệu tiến bộ về thái độ thừa nhận.

Tranh luận về chuyện đặt tên đường cho thấy những cách tiếp cận trái ngược nhau trong vấn đề tri thức thời thuộc địa. Vài năm gần đây, một lượng lớn điều tra, du ký, tài liệu dân tộc học thời kỳ Pháp thuộc được dịch sang tiếng Việt. Những thông tin này có thể được tiếp cận với hai hướng: thứ nhất là đón nhận chúng như những thông tin khảo tả giàu giá trị để tìm hiểu về quá khứ, thứ hai là phân tích định kiến để đề ra cách hiểu về quyền lực, bất công và những di chứng còn lại đến ngày nay. Bên trong hệ tri thức ấy còn có cả phản ứng của trí thức Việt Nam sống trong lòng của thời đại, cách họ trở nên chủ động khi nắm bắt và tạo dựng những cơ hội cho cộng đồng mình.

Tết xưa Léon Busy (1915)

Như bất cứ tri thức nào được sản sinh trong thời thuộc địa, nhiếp ảnh được xem lại bằng nhiều cách thức: bóc tách những dàn dựng và khu biệt trong cái nhìn của các nhiếp ảnh gia về một phương Đông xa lạ, lẫn thừa nhận những giá trị tư liệu phong phú để ta hình dung về quá khứ của chính cộng đồng mình. Ảnh: Léon Busy (1915), nguồn ảnh từ Mạnh Hải.

Cái tên Đông Dương gợi nên nhiều lớp nghĩa, phản chiếu sắc lóng lánh của tình yêu và cái đẹp, đồng thời cũng hàm chứa những lớp màu xám úa hơn của một giai đoạn lịch sử nhiều xáo trộn. Trong tính chất đan cài ấy, sau thời thuộc địa chúng ta nên hiểu theo cách nào về các mối quan hệ trong quá khứ giữa các quốc gia với nhau, hay các giá trị giữa hiện tại và quá khứ, để ta suy tư và nhìn nhận lại, đánh giá những di sản tích cực lẫn hậu quả mà thời kỳ ấy mang lại. Xoay trở giữa tình yêu và ghét bỏ, Đông Dương không khi nào là một khái niệm cố định, nó luôn chuyển dịch khi cộng đồng không ngừng suy tư, giằng co và thương thảo.

Đông Dương được bao bọc bởi nhiều tầng diễn dịch đan cài chồng lớp, khiến cho việc nhìn Đông Dương không thể tiến hành theo một chiều hướng cụ thể. Đông Dương như một khu vực địa lý, một chế độ thuộc địa, một thời kỳ lịch sử, một nền văn hóa chiết trung của các nguồn ảnh hưởng sống động, một phong cách kiến trúc và nội thất, Đông Dương hơn hết đã trở thành một ý niệm trôi dạt theo thời gian. Trong tuyển tập Giải huyễn tưởng Việt Nam: Những sự thật, Hư cấu và Kỳ ảo (2018) do nhà nhân học Catherine Earl biên tập, huyễn tưởng được xem như những thực tại có sức mạnh ảnh hưởng đến cách nhìn, cách nghĩ và cách sống. Như một ý niệm trôi dạt, Đông Dương tiếp tục khuôn đúc nên hiện thực của thời hiện đại, vừa tiếp tục được chuyển di không ngừng khi cư dân suy tư và tìm lời giải cho từng hoàn cảnh mà họ trải qua.

Bài: Hiếu Y | Hình ảnh: Tư liệu

Xem thêm:

Áo dài xưa qua bưu ảnh cổ