Di sản trên vách đá: Wat Phou – Đền thiêng trên núi Voi

Giữa lưng chừng núi Phou Kao (núi Voi) thuộc tỉnh Champasak miền Nam Lào có ngôi đền Wat Phou thâm nghiêm, là nơi thờ Phật, nhưng từ trước thế kỷ 13, Wat Phou là đền Hindu giáo thờ thần Shiva. Đây là một trong những ngôi đền thiêng của đế chế Khmer trước khi dời về Angkor để xây nên Angkor Wat nổi tiếng.

Trong số các đền, chùa ở miền đất Triệu Voi, Wat Phou có niên đại cổ xưa nhất. Dựa trên các di chỉ và hiện vật khai quật ở Wat Phou, giới khảo cổ đã xác định đền hình thành từ thế kỷ 5, có tên gọi là Shreth Borak. Hình thái kiến trúc hiện hữu hôm nay ở Wat Phou có niên đại muộn hơn, ước tính vào khoảng thế kỷ 9 – 11, mang phong cách kiến trúc đền đài thời Angkor.

Hành lang dẫn lối lên đền chính với hàng trụ Linga, biểu tượng thờ phụng thần Shiva.

Một trong những dấu chỉ khiến Wat Phou trở nên linh thiêng trong tâm thức người bản địa chính là vị trí toạ lạc đặc biệt, tựa lưng vào núi Voi ở hướng Tây, và quay mặt ra dòng Mekong theo hướng Đông. Trên đỉnh núi Voi có phiến đá tự nhiên mang dáng hình tựa chiếc Linga khổng lồ – biểu trưng của thần Shiva, (đền Wat Phou cũng được xây nên để thờ thần Shiva), nên núi Voi còn có tên gọi khác là núi Linga. Dòng Mekong phía đồng bằng trải dài trước cửa đền tượng trưng cho sông Hằng – con sông linh thiêng trong tâm thức người Hindu giáo.

Đền chính Wat Phou nằm ở lưng chừng núi Phou Kao.

Phế tích cung điện ở phía Bắc với kiểu tường bao phỏng theo nguyên bản của đền Preah Vihear.

Đồng bằng dưới chân núi Phou Kao ở thế kỷ 5 từng là kinh thành Shrestapura hoa lệ, thuộc Lục Chân Lạp. Núi Phou Kao – tượng trưng đỉnh núi thần Meru – nơi thần linh ngự trị, dưới đồng bằng là dòng Mekong – nguồn sống nền văn minh lúa nước. Sự kết hợp giữa yếu tố thần linh và nguồn sống là những điều kiện cần và đủ để người xưa hình thành các vùng kinh đô với hạt nhân là những ngôi đền phục vụ việc thờ tự, cảm tạ thần linh, cầu mong an lành, thịnh vượng. Những kiến trúc đầu tiên ở Wat Phou được vị vua cuối cùng của Lục Chân Lạp là Jayavarman I (người được thần chiến thắng phù hộ) thực hiện.

Mảng điêu khắc tiên nữ Devatar và thần bảo vệ Dvarapala ngay lối vào ở đền chính.

Từ cổng vào của Wat Phou, để lên được đền chính, phải qua một dãy hành lang dài dẫn lối đến chân núi, dọc theo hành lang là các hàng trụ dáng hình Linga. Lối trang trí này rất giống với kiểu thức ở hai ngôi đền trong khuôn viên Angkor là Banteay Srey và Preak Khan. Đoạn gần cuối hành lang có hai cung điện ở phía Nam – Bắc đối xứng nhau, hai tòa kiến trúc này có công năng sử dụng làm nơi chuẩn bị lễ vật, chỉnh đốn trang phục và tâm thế trước khi lên núi viếng đền. Phía sau cung điện hướng Bắc là ngôi đền thờ bò thần Nandin – một linh vật sinh ra từ tích truyện Khuấy biển sữa tìm thuốc trường sinh, và là vật cưỡi của thần Shiva. Các nhà khảo cổ khi tiến hành khai quật công trình này và xâu chuỗi những khảo cứu về thời kỳ Angkor đã chỉ ra những dấu chỉ ngôi đền nằm trên con đường thiên lý nối từ Wat Phou đến kinh đô của đế chế Khơme là Angkor. Bia ký trong ngôi đền Preak Khan ở công viên Angkor (do vua Jayavarman VII xây dựng ở thế kỷ 12) có đề cập đến 121 trạm dừng chân (Dharasala) xuyên suốt con đường cổ đại này.

Từ thế kỷ 13, Wat Phou chuyển thành đền thờ Phật, và là ngôi đền Phật giáo cổ xưa nhất ở Lào.

Hình tượng voi tạc trên đá núi ở phía sau đền Wat Phou

Bố cục kiến trúc Wat Phou trải dài đến 1.400m theo trục Đông – Tây, gồm 6 trường lang kết nối nhau, được lát đá phiến dẫn lối lên đền chính nơi thờ Phật. Thế nhưng trong trang trí kiến trúc, hình ảnh các vị linh thần Hindu giáo như Vishnu, Shiva, Brahma, Indr, cùng các tiên nữ Devatar, thần giữ cửa Dvarapala, các linh vật bò Nandin, ngỗng Hamsa, voi ba đầu Airavata… vẫn hiện hữu, là những chi tiết đẹp của một công trình kiến trúc độc đáo, một di sản văn hóa thế giới nơi đất bạn Lào ven dòng Mekong.

Vách núi phía sau đền Wat Phou có mảng điêu khắc ba vị thần tối cao của Hindu giáo là Brahma, Vishnu và Shiva.

Bài và ảnh NGUYỄN ĐÌNH