Là đền thờ thuộc Phật giáo Đại thừa, Borobudur ở Magelang, Yogyakarta, Indonesia được mệnh danh là một trong 27 điểm nên đến trước khi chết bởi vẻ đẹp kỳ lạ do con người tác tạo. Nhìn từ xa, ngôi đền như một quả đồi nhỏ, xám đen màu đá núi lửa, được kiến thiết theo đồ hình vuông – tròn, gồm 8 lớp từ thấp đến cao theo kích thước giảm dần, tất cả đồng tâm với một tháp Phật khổng lồ ở trung tâm. Lối bố cục này ứng dụng hình ảnh mandala trong Ấn giáo và Phật giáo vào kiến trúc xây dựng.
Borobudur được xem là biểu tượng Phật giáo của toàn vùng Java. Nếu nhìn từ trên cao, ngôi đền trông giống một tòa sen khổng lồ gồm các tháp nhỏ liên hoàn quanh tâm điểm là bảo tháp cao đến 35m. Ngôi đền có tầng chân đế mang hình vuông, với 4 lối lên xuống phân theo 4 hướng, trong đó cổng chính nằm ở hướng Đông. Giới nghiên cứu và các nhà khảo cổ phân chia kiến trúc Borobudur thành 3 tầng, như một tiểu vũ trụ, gồm “phàm giới” (Kamadhatu), “tu giới” (Rupadhatu) và “thượng giới” (Arupadhatu). Hình thái kiến trúc của Borobudur giản đơn, bù lại các chi tiết trang trí cho đền càng trở nên cầu kỳ, tinh tế, và điều hấp dẫn nhất là gần như toàn bộ các nét đẹp quý giá ấy đều nguyên vẹn dù đã qua hơn ngàn năm tồn tại. Thống kê ở Borobudur, có đến 2.670 bức điêu khắc trên đá, miêu tả nhiều tích truyện, ý nghĩa khác biệt, gắn liền với văn hóa Phật giáo.
Khi đến Borobudur, bắt đầu từ cổng phía Đông của đền, người xem sẽ du hành vào tầng thứ nhất, thế giới của trần tục – “phàm giới” (Kamadhatu), nơi ngập ngụa thấp hèn đời người thông qua 160 mảng điêu khắc miêu tả về thuyết nhân quả, cùng những sinh – lão – bệnh – tử của kiếp luân hồi trong cuộc sống trần gian. Tầng 2 của Borobudur là “tu giới” (Rupadhatu), gồm 4 tầng với các hành lang chứa đựng hơn 1.300 mẩu chuyện về đời sống các vị chân tu, cùng các tích truyện dẫn từ Bản Sinh Kinh – miêu tả về cuộc đời tiền kiếp của đức Phật.
Đi vào hai không gian “phàm giới” và “tu giới”, những chi chít của điêu khắc trên đá gắn với các tích truyện về nhân sinh quan con người, đủ tiêu tốn một khung thời gian dài mới có thể khám phá được tương đối ý nghĩa các mảng điêu khắc ấy. Thế nhưng khi đặt chân đến tầng cao nhất của ngôi đền, chính là “thượng giới” (Arupadhatu), những băn khoăn, suy nghĩ, trăn trở gần như tan biến hết, bởi không gian kiến trúc ở đây không một mảng điêu khắc trang trí, chỉ giản đơn với các tháp Phật bố cục theo ba vòng tròn đồng tâm, gửi gắm thông điệp ở cảnh giới này không có sự khởi đầu và cũng không có sự kết thúc, đó chính là niết bàn theo quan niệm nhà Phật.
Xuyên suốt ba không gian phân tầng ở Borobudur là 504 tượng Phật tọa, đều có cùng một dáng thức nhưng chỉ khác nhau về đôi bàn tay thủ ấn. Sự đa dạng trong trang trí và kiến trúc của Borobudur – đền thờ Phật độc đáo và vĩ đại nhất thế giới thực là một di sản vô giá cho toàn nhân loại.
Bài và ảnh NGUYỄN ĐÌNH