Những không gian trưng bày nổi bật tại triển lãm nghệ thuật Venice Biennale 2024

Các không gian trưng bày tại triển lãm Venice Biennale lần thứ 60 kể câu chuyện văn hóa bằng những sáng tạo tuyệt vời, thể hiện quan điểm nghệ thuật độc đáo của các nhà thiết kế bản địa.

Venice Biennale – sự kiện quốc tế uy tín được thành lập từ năm 1895, tổ chức theo chu kỳ hai năm một lần tại Venice, Ý, thể hiện những lát cắt cuộc sống qua nhiều lĩnh vực như: kiến trúc, phim ảnh, sân khấu, âm nhạc và khiêu vũ… Trong đó, nổi bật nhất là triển lãm Venice Biennale of Art trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đương đại. Năm nay, với chủ đề “Foreigners Everywhere” do nhà thiết kế Adriano Pedrosa đề ra, Venice Biennale lần thứ 60 đã thành công thu hút khoảng 89 quốc gia tham dự, tạo ra các không gian mang bản sắc riêng, thúc đẩy đối thoại đa văn hóa, phản ánh xu hướng phát triển và tác động của những biến động chính trị lên các ngành nghề sáng tạo trên toàn cầu.

trien lam nghe thuat venice biennale 2024

Ảnh: Marco Cremascoli

Úc

Trong danh sách những không gian trưng bày nổi bật, Úc hoàn toàn xứng đáng với vị trí đầu tiên và xuất sắc đoạt giải thưởng Golden Lion của Venice Biennale năm 2024. Đại diện quốc gia, nghệ sĩ Archie Moore trưng bày tác phẩm “Kith and Kin” (tạm dịch: Bạn bè và những người thương yêu) như lời ca ngợi dành cho thổ dân châu Úc trước tác động tiêu cực và lâu dài của chủ nghĩa thực dân. Trong vòng hai tháng, Archie đã bao phủ các bức tường và trần nhà của khu vực triển lãm bằng một sơ đồ phả hệ vẽ tay với chiều dài lịch sử hơn 65.000 năm và tổng hợp 2.400 thế hệ. Sự chi tiết và tỉ mỉ đã thu hút người thưởng lãm, thể hiện mối liên kết tuyệt đẹp giữa các thế hệ và dân tộc, giống như một chòm sao được cấu thành từ tên của tổ tiên.

ban trang tuong den

Ảnh: Andrea Rossetti

ten to tien

Ảnh: Andrea Rossetti

Trái ngược với sự tự hào trên những bức tường, Archie Moore đã hợp tác với kiến trúc sư Kevin O’Brien để thiết kế những chiếc hộp đặt trên một bàn trắng lơ lửng ở khu vực trung tâm, nơi lưu giữ hồ sơ về cái chết của 557 thổ dân vì sự tàn bạo và biện pháp giam giữ vô lý của cảnh sát kể từ năm 1991. Bao quanh chiếc bàn là một hồ nước màu đen, biểu thị cho bạo lực, lạm dụng và lịch sử thuộc địa đen tối của Úc. “Bạn phải nghiêng người qua mặt nước để nhìn và khi đó bạn sẽ nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của bản thân trong bối cảnh mất mát của đất nước.” NTK chia sẻ.

so do pha he phan trang

Ảnh: Andrea Rossetti

ho so trang

Ảnh: Andrea Rossetti

Estonia  

Người Estonia quan niệm “hora lupi” (tạm dịch: Giờ của sói) là thời điểm về đêm mà hầu hết mọi người được sinh ra hoặc sẽ chết đi. Bởi vậy, khi dùng thuật ngữ này làm chủ đề cho triển lãm, không gian trưng bày của Edith Karlson đưa chúng ta đi tìm hiểu những khoảnh khắc tang tóc, u sầu và sợ hãi của con người. 

trien lam venice biennale of art lan thu 60

Edith Karlson đã tạo ra một căn phòng chứa đầy những hộp sọ động vật được tìm thấy từ khắp nơi trên thế giới tráng men bóng mượt, cùng các tác phẩm điêu khắc bằng đất nung về quái vật do con trai của cô thực hiện. Ảnh: Anu Vahtra

Diễn ra tại Chiesa di Santa Maria delle Penitenti – một nhà thờ cổ đổ nát từ thế kỷ 18, hiện trạng và nội thất có sẵn tạo nên bầu không khí đầy cảm xúc. Nơi đây trưng bày hàng trăm bức tượng điêu khắc khổng lồ bằng đất sét và bê tông. Đồng thời, trong các tác phẩm của Edith, bên cạnh con người, chúng ta còn thấy sự xuất hiện của những giống loài lai tạo giữa người và động vật, khắc họa nỗi bất hạnh không thể tránh khỏi và bản chất luôn nỗ lực của con người. 

con co

Ảnh: Anu Vahtra

Để mang đến cảm giác hy vọng và ấm áp hiếm hoi giữa không gian u ám, Edith Karlson đã sắp đặt một căn phòng nhỏ treo hàng trăm chiếc mặt nạ gốm, được thắp sáng bởi những ngọn nến lung linh. Trong giai đoạn thực hiện dự án, Edith đã mời những ai đến thăm quan xưởng vẽ của mình tham gia điêu khắc khuôn mặt của họ bằng đất sét – loại vật liệu mà họ chưa từng tiếp xúc để tạo ra những tác phẩm mang tính thể nghiệm cá nhân, thể hiện tinh thần phát triển của Estonia trong giai đoạn mới.

tuong be tong khong lo

Ảnh: Anu Vahtra

Pháp 

Không gian triển lãm của Pháp gửi đến du khách lời mời tham dự một bữa tiệc hoang dã dưới nước với nhạc nền truyền thống của cộng đồng người Caribbean. Nghệ sĩ đa ngành Julien Creuzet được chọn là người da đen đầu tiên chịu trách nhiệm cho gian hàng, mang đến cho Venice Biennale lần thứ 60 tác phẩm sắp đặt lấy nước làm cầu nối giữa di sản Martinique – một vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp và Venice. 

trien lam gian hang phap

Ảnh: Shawn Ghassemitari

Julien bắt đầu những diễn giải của mình thông qua một màn hình LED cỡ lớn được lắp đặt tại mặt trước của tòa nhà, chiếu thước phim về các nhân vật trừu tượng bay lơ lửng trên những cây cột Tuscan – một trong những đặc trưng kiến trúc của La Mã cổ đại, nhằm bày tỏ sự tưởng niệm và phản ánh mức độ khắc nghiệt của lịch sử nô lệ tại đảo Martinique. Nơi đây từng có rất nô lệ người châu Phi bị bóc lột và buộc phải sản xuất đường, có giá trị cao hơn vàng trong vòng 174 năm.

mat tien man hinh LED

Ảnh: Shawn Ghassemitari

Khu vực triển lãm bên trong gồm những căn phòng chứa đầy các tác phẩm điêu khắc về thế giới dưới nước như: một khu rừng rong biển hay rạn san hô dưới đại dương. Chúng được chế tác từ sáp và những sợi tóc nhiều màu, sau đó cố định bằng cách treo một đầu lên trần nhà, tạo thành mê cung để điều hướng trải nghiệm không gian. Tổng thể kết hợp với hệ thống âm thanh điện tử mang đến cảm giác như lạc vào một vũ trụ tưởng tượng, nơi thần thánh và các sinh vật biển của vùng Caribbean tụ hội.

the gioi duoi nuoc

Ảnh: Shawn Ghassemitari

sap toc nhieu mau

Ảnh: Shawn Ghassemitari

Vatican

Vatican là không gian được mong đợi nhất trong triển lãm nghệ thuật Venice Biennale năm nay vì chuyến ghé thăm của Đức Giáo hoàng dự kiến diễn ra vào ngày 28 tháng 4. Địa điểm tổ chức là nhà tù dành cho nữ Casa Reclusione Femminile Venezia trên đảo Giudecca, nơi có các hành lang lát gạch trưng bày tác phẩm của tù nhân và bức tranh tường sống động do Maurizio Cattelan vẽ tại mặt tiền. 

trien lam venice biennale 2024 vatican

Tất cả điện thoại của du khách bị yêu cầu khóa và thu giữ khi cần thiết. Ảnh: Marco Cremascol

Điểm nhấn trong cuộc hành trình khám phá một địa điểm tương đối nhạy cảm phải kể đến những ô gạch có thơ do các tù nhân viết, được tổng hợp bởi Simone Fattal; một bức tường treo 23 bức tranh đóng khung về trẻ em, mô tả hình ảnh của các tù nhân khi còn là thanh thiếu niên hoặc con cái của họ hay phim ngắn của Marco Perego ghi lại trải nghiệm đầy xúc động của một người phụ nữ khi được trao trả tự do, rời khỏi nhà tù. Theo bộ đôi giám tuyển Chiara Parisi and Bruno Racine: “Trải nghiệm tại gian hàng Vatican sẽ được nâng cao bởi tính cá nhân và sự đồng cảm với những người phụ nữ bị cả xã hội xem thường.

Nigeria 

Aindrea Emelife, người phụ trách chính đã phát biểu về ý tưởng triển lãm của Nigeria: “Chủ đề ‘Nigeria Imaginary’ (tạm dịch: Nigeria trong tưởng tượng) xuất phát từ mong muốn thấu hiểu những khoảnh khắc lịch sử vĩ đại và lạc quan của Nigeria, hướng đến tương lai dùng nghệ thuật để tái tạo lại quốc gia.” 

trien lam venice biennale nigeria

Ảnh: Marco Cappelleti

Với sự tham gia hợp tác của tám nghệ sĩ: Tunji Adeniyi-Jones, Ndidi Dike, Onyeka Igwe, Toyin Ojih Odutola, Abraham Oghobase, Precious Okoyomon, Yinka Shonibare CBE RA và Fatimah Tuggar, các tác phẩm được trưng bày thể hiện sự bùng nổ sáng tạo trong giai đoạn hậu thuộc địa, sau khi Nigeria giành được độc lập từ Vương quốc Anh vào năm 1960. Những tác phẩm đáng chú ý bao gồm bức tranh trần động với tông màu vàng và cam rực rỡ của Tunji Adeniyi-Jones và các bức tranh theo chủ nghĩa hiện đại của Ben Enwonwu.

nghe thuat duong dai

Ảnh: Marco Cappelleti

Ngoài ra, tác phẩm điêu khắc tái tạo lại những hiện vật đã bị cướp phá trong cuộc xâm lược chết chóc năm 1897 của quân đội Anh vào thành phố Benin do Yinka Shonibare thực hiện trên vật liệu đất nung cũng gây ấn tượng bởi khả năng gợi liên tưởng đến việc mất đi những di sản và tác động của việc này lên sức sáng tạo của những nghệ sĩ nước nhà.

tac pham dieu khac dat nung

Ảnh: Marco Cappelleti

Vương quốc Anh 

Nghệ sĩ người Anh gốc Ghana Sir John Akomfrah đã khai thác những vấn đề cấp thiết như: nạn diệt chủng sinh thái, sự bất công giữa các chủng tộc người và hiện tượng biến đổi khí hậu làm chủ đề cho không gian trưng bày tại buổi triển lãm nghệ thuật Venice Biennale 2024. 

Với tựa đề “Listening All Night To The Rain” (tạm dịch: Lắng nghe mưa thâu đêm), hướng tham quan bắt đầu tại sảnh tầng dưới với một loạt màn hình LED nhỏ chia thành nhiều ô, mỗi ô chiếu những hình ảnh khác nhau, từ các bức vẽ Holbein trong thời kỳ Tudor cho đến ảnh tưởng niệm David Oluwale, một người đàn ông Anh gốc Nigeria bị hai sĩ quan cảnh sát dìm chết ở Leeds vào năm 1969.

man hinh LED nho

Ảnh: Shawn Ghassemitari

Phong cách nghệ thuật đặc trưng của Sir John Akomfrah là âm thanh đóng vai trò dẫn dắt chính. Trong tám căn phòng hoạt động cùng nhau như một bức tranh ghép, âm thanh của các sắc thái dòng chảy, từ vũng nước và suối cho đến mưa và lũ lụt, sẽ điều hướng cảm xúc của con người. Màn hình LED nhỏ nhường chỗ cho các màn chiếu xuyên tường khắc họa vấn đề xã hội trên khắp thế giới thông qua những câu chuyện về sự tàn bạo của cảnh sát ở miền bắc nước Anh, tác động của biến đổi khí hậu ở Nam Mỹ lên một con sư tử biển và tiếng kêu cứu giải phóng ở khu vực Tây Phi. Sau khi xem hết triển lãm, bạn sẽ không phân định được mình là nạn nhân hay kẻ thủ ác trong những câu chuyện về bất ổn sinh thái và chính trị toàn cầu.

van de xa hoi

Ảnh: Shawn Ghassemitari

khong gian trien lam anh

Đặc trưng của Sir John Akomfrah là áp dụng lý thuyết tiến bộ về âm thanh học vào thực hành nghệ thuật. Ảnh: Shawn Ghassemitari

Hàn Quốc 

Nếu âm thanh là trọng tâm trong gian hàng của Vương quốc Anh thì mùi hương là điều mà  nghệ sĩ Koo Jeong A muốn nhấn mạnh khi đại diện cho Hàn Quốc tại triển lãm Venice Biennale. Thông qua nghiên cứu của các nhà khoa học thần kinh về khứu giác, đây là giác quan mạnh mẽ nhất gắn liền với trí nhớ, vì mùi hương sẽ trực tiếp đi vào hồi hải mã, nơi đảm nhận nhiệm vụ xử lý cảm xúc và trí nhớ. Ngoại trừ các biểu tượng vô cực được gắn vào gỗ sồi sáng màu và ba tác phẩm điêu khắc möbius, Koo Jeong A còn chỉ định thay đổi mùi hương được khuếch tán khoảng 10 phút một lần để mang đến một không gian trưng bày ấn tượng và đáng nhớ.

trien lam venice biennale lan thu 60 han quoc

Ảnh: Shawn Ghassemitari

Khi nhận được khung khái niệm và xác định chủ đề trưng bày “Odorama Cities”, bên cạnh quá trình sắp đặt các tác phẩm, Koo Jeong A đã thông qua truyền thông xã hội và thông cáo báo chí để kêu gọi mọi người đóng góp ý kiến cho mùi hương gợi nhớ về quốc gia. Hơn 600 câu trả lời với các từ khóa cụ thể đã được đích thân người nghệ sĩ và Hội đồng nghệ thuật Hàn Quốc lựa chọn, chuyển giao cho 16 chuyên gia nước hoa ở Paris, Thượng Hải và Singapore để tạo ra 16 mùi hương riêng biệt, đóng vai trò như những tác phẩm nghệ thuật trong gian hàng.

mui huong tac pham dieu khac

Ảnh: Shawn Ghassemitari

Thực hiện: Thùy Như


Xem thêm: 

Triển lãm Design Space AlUla: Tôn vinh thẩm mỹ bản địa

Triển lãm “Gio Ponti – Villa Planchart” của Saint Laurent

Triển lãm “Lời thì thầm của tự nhiên” của Nendo