Trong triết lý phong thủy phương Đông, bếp ăn không chỉ đơn thuần là nơi chế biến thực phẩm mà còn được xem là trung tâm năng lượng của cả gia đình. Đây là không gian quy tụ sự ấm áp, nuôi dưỡng sức khỏe và tạo nên những khoảnh khắc gắn kết thiêng liêng giữa các thành viên. Chính vì thế, việc bố trí hướng bếp phù hợp với nguyên tắc phong thủy không chỉ ảnh hưởng đến vận khí của không gian sống mà còn góp phần quan trọng trong việc duy trì sự thịnh vượng và hạnh phúc cho tổ ấm.
Ảnh: Serfio Pradana
Theo quan niệm phong thủy, mỗi hướng bếp sẽ mang đến những tác động khác nhau đến dòng chảy năng lượng trong nhà. Sự lựa chọn hướng bếp phù hợp sẽ giúp tối ưu hóa khí tích cực, đồng thời hạn chế những yếu tố bất lợi có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tài vận của gia đình. Cùng ELLE Decoration khám phá một số nguyên tắc cơ bản để tạo nên một không gian bếp hài hòa, nơi khí lành luôn được giữ gìn và nuôi dưỡng.
Vị trí lý tưởng của nhà bếp
Ngũ hành là nền tảng để duy trì sự hài hòa của trường khí trong nhà. Gian bếp là nơi hội tụ đầy đủ cả năm yếu tố này, nên cách bố trí vật liệu, ánh sáng và thiết bị cần được xem xét kỹ lưỡng để các hành không triệt tiêu lẫn nhau, cụ thể: Yếu tố Hỏa được đại diện bởi bếp nấu; Thủy là khu vực bồn rửa; Kim hiện diện qua các thiết bị gia dụng, tay nắm kim loại hoặc ghế bar mạ kim loại; Mộc nằm ở hệ tủ gỗ, bàn ăn, kệ gia vị hoặc các loại cây gia vị trồng trong bếp; Thổ thường được thể hiện qua vật liệu lát sàn, mặt bàn đá, gạch ốp tường hoặc các chi tiết gốm sứ.
Một trong những nguyên tắc cơ bản là tránh đặt nhà bếp ở trung tâm. Vị trí này thường được xem là trái tim của ngôi nhà, phù hợp với các không gian cần sự tĩnh tại, trong khi bếp lại mang tính Hoả, dễ tạo ra sự xung đột. Ngoài ảnh hưởng về năng lượng, khu vực trung tâm cũng không lý tưởng về mặt vệ sinh vì khói dầu, hơi nóng và mùi thức ăn có thể lan rộng sang các không gian khác.
Việc đặt bếp chính bên ngoài nhà không phải là lựa chọn lý tưởng theo phong thủy. Cách bố trí này cũng khó bảo trì hơn và việc sử dụng phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Ảnh: Julie Soefer
Vị trí phía sau hoặc sâu bên trong nhà thường được đánh giá là thuận lợi hơn. Đây là khu vực thích hợp cho việc tích tụ khí tốt, giữ kín dòng tài lộc – điều vốn được xem là quan trọng trong phong thuỷ. Việc đặt bếp quá gần cửa chính hay tại mặt trước của ngôi nhà có thể tạo ra cảm giác “lộ tài”, giảm sự ổn định về tài vận. Tương tự, bếp nằm bên ngoài nhà hoặc được xây tách biệt sẽ khiến năng lượng khó tụ, đồng thời không thuận tiện trong sử dụng hàng ngày.
Ngoài các nguyên tắc tổng quát trên, một số hướng cụ thể cũng được các chuyên gia phong thủy khuyến cáo nên tránh. Khu vực Tây Bắc (khoảng 300–330 độ theo la bàn) được cho là ảnh hưởng đến sức khoẻ của người cha hoặc trụ cột nam trong gia đình. Bếp nằm trong dải hướng Nam (165–195 độ) dễ khiến người trong nhà trở nên nóng tính, khó giữ được mối quan hệ hoà thuận. Vị trí ở hướng Bắc (345–15 độ) có thể gây ảnh hưởng đến hôn nhân và quan hệ gia đình. Tuy nhiên, nếu vị trí tổng thể khó thay đổi, việc đảm bảo bếp nấu không nằm trực tiếp trong các vùng này cũng phần nào giảm thiểu xung khắc.
Tránh các trục đối diện gây xung đột khí
Trong phong thuỷ, sự liên kết trực tiếp giữa bếp và một số yếu tố khác có thể tạo ra dòng khí bất lợi. Một trong những lỗi phổ biến là để bếp hoặc cửa bếp đối diện thẳng với cửa chính. Dòng khí từ ngoài tràn vào sẽ bị “cắt ngang” bởi yếu tố Hoả, gây nhiễu loạn năng lượng tổng thể và ảnh hưởng đến sức khoẻ, tài chính của gia chủ. Nếu gặp phải bố cục này, có thể khắc phục bằng cách đặt bình phong, vách ngăn, hoặc các khối nội thất lớn để giảm giao thoa.
Trong bản thiết kế này, cửa chính hướng thẳng vào khu vực bếp – một cách bố trí không phù hợp với phong thủy. Ảnh: Feng Shui Master Pte Ltd
Nhà bếp cũng nên tránh đặt đối diện với phòng vệ sinh – nơi thuộc hành Thuỷ và chứa năng lượng kém sạch. Sự tương phản giữa hai không gian này có thể tạo ra xung khắc ngũ hành, gây mất cảm giác ngon miệng và mất vệ sinh. Ngay cả khi không đối diện trực tiếp, việc đặt bếp quá sát nhà vệ sinh cũng được xem là không phù hợp. Ngoài ra, bếp đối diện hoặc nằm ngay dưới phòng ngủ có thể khiến người trong nhà bị ảnh hưởng bởi mùi nấu nướng, làm giảm chất lượng giấc ngủ hoặc gặp các vấn đề về hô hấp.
Nên tránh đặt bếp bên dưới phòng ngủ. Ảnh: Decoist
Cân đối bố cục gian bếp để duy trì trường khí ổn định
Theo nguyên tắc phong thủy ứng dụng, khu vực nấu nướng nên được bố trí thành một tam giác công năng gồm bếp nấu, bồn rửa và tủ lạnh – ba điểm này nên tạo thành hình tam giác mở, giúp người sử dụng di chuyển thuận tiện, giảm xung đột giữa các hành trong ngũ hành (Hỏa – Thủy – Kim). Bếp và bồn rửa – đại diện cho hai yếu tố Hỏa và Thủy – cần được bố trí tách biệt, tránh để quá gần hoặc đối diện nhau. Nếu diện tích không cho phép, nên duy trì khoảng cách tối thiểu 60cm, hoặc đặt một đảo bếp hay vật trung gian có yếu tố Mộc ở giữa để trung hoà.
Bố trí gian bếp theo tam giác công năng. Ảnh: Workstead
Nếu diện tích hạn chế, có thể đặt chậu hoa hoặc bất kỳ vật dụng nào màu xanh lá (mang tính Mộc) để trung hoà yếu tố ngũ hành. Ảnh: Douglas Friedman
Bếp nấu nên được đặt tựa vào tường vững chãi, tượng trưng cho sự ổn định và chở che. Một số xu hướng hiện đại ưa chuộng đặt bếp ở đảo giữa, mang lại tầm nhìn bao quát và sự linh hoạt khi nấu nướng. Tuy nhiên, phong thuỷ truyền thống lại cho rằng cách bố trí này dễ khiến năng lượng bị phân tán. Nếu lựa chọn bố cục bếp mở, có thể sử dụng vách nhẹ, tủ cao hoặc thiết bị âm tường để tạo cảm giác chắn lưng mà không ảnh hưởng đến thẩm mỹ tổng thể.
Đảo bếp đặt ở giữa phòng được cho là không tốt theo quan niệm phong thuỷ. Ảnh: Luis Aniceto
Lối lưu thông trong bếp cũng nên thông thoáng, không cắt ngang khu vực bếp nấu hoặc giữa tam giác công năng. Một số không gian hiện đại có xu hướng tích hợp bếp, phòng ăn và phòng khách thành một không gian chung, vì vậy việc giữ cho gian bếp đủ ánh sáng, thoáng khí và tách biệt tương đối với các khu vực còn lại là yếu tố giúp cân bằng phong thủy, đồng thời duy trì cảm giác thoải mái trong quá trình sử dụng.
Ngoài bố cục vật lý, ánh sáng cũng là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến trường khí tổng thể. Trong triết lý âm dương, ánh sáng thuộc dương, giúp không gian bếp thêm sinh động và hỗ trợ người nấu dễ quan sát nguyên liệu cũng như thao tác chính xác. Hệ thống chiếu sáng nên được thiết kế theo nhiều lớp, gồm chiếu sáng tổng, đèn chức năng tại khu vực thao tác, và các nguồn sáng phụ như đèn bàn, đèn tường để điều tiết linh hoạt theo thời điểm trong ngày. Nếu bếp thiếu sáng tự nhiên, có thể dùng đèn ánh sáng trắng ấm hoặc lắp dimmer để dễ điều chỉnh cường độ ánh sáng theo nhu cầu sử dụng.
Ngoài ra, một số chuyên gia còn cho rằng số lượng bếp nấu (số bếp ga hoặc điện) mang ý nghĩa tượng trưng cho khả năng tài chính của gia chủ. Gương treo ở tường bếp nếu được bố trí đúng cách có thể tạo hiệu ứng phản chiếu hình ảnh bếp nấu, tượng trưng cho việc nhân đôi tài lộc. Tuy nhiên, việc này chỉ phù hợp khi gương được đặt ở vị trí không gây rối thị giác hoặc phản chiếu các yếu tố không mong muốn như cửa ra vào hay bồn rửa.
Tương quan giữa bếp và số Kua, Bát quái
Ngoài hướng và vị trí cụ thể, nhiều trường phái phong thuỷ còn dựa vào số Kua (Quái số) của gia chủ và hướng nhà để xác định vị trí đặt bếp. Theo nguyên tắc “dĩ độc trị độc”, bếp có tính Hoả mạnh, nên được đặt tại một trong các cung xấu của ngôi nhà hoặc gia chủ, nhằm khắc chế khí hung. Chẳng hạn, người thuộc Tây tứ trạch có thể đặt bếp tại các khu vực Đông, Nam, Bắc hoặc Đông Nam.
Bản đồ Bát quái cũng là một công cụ phổ biến trong việc xác định hướng bố trí bếp. Khu vực Nam và Tây Nam, vốn mang yếu tố Hoả và Thổ, thường được xem là phù hợp để đặt gian bếp. Ngược lại, nếu bếp nằm tại các khu vực thuộc hành Thuỷ hoặc Mộc như Bắc và Đông, cần áp dụng các biện pháp cân bằng, chẳng hạn như sử dụng vật liệu, màu sắc hoặc cây xanh có yếu tố Mộc để hoá giải xung đột.
Một số lưu ý nhỏ
Cần tránh các yếu tố như xà ngang (dầm trần) nằm ngay phía trên bếp nấu. Trong phong thuỷ, dầm được cho là nơi tích tụ năng lượng nặng, khi nằm ngay trên khu vực nấu nướng có thể gây bất ổn về sức khoẻ và tài lộc. Nếu không thể thay đổi kết cấu, nên hạn chế thời gian đứng nấu dưới khu vực có xà ngang hoặc bố trí ánh sáng và thông gió tốt để giảm bớt áp lực năng lượng.
Nếu phía trên bếp nấu có xà ngang, nên bố trí ánh sáng và hệ thống thông gió tốt cho không gian bếp. Ảnh: Tư liệu
Dao kéo, vật sắc nhọn hoặc chén đĩa sứt mẻ nên được cất gọn. Các thiết bị điện tử như lò vi sóng, nồi cơm hay lò nướng nếu sử dụng thường xuyên cũng có thể được xem là bếp phụ, nên được bố trí hướng thuận theo số Kua cá nhân.
Bố trí bếp theo phong thuỷ không dừng lại ở việc chọn hướng tốt, mà còn liên quan đến cách tổ chức dòng năng lượng trong nhà một cách tinh tế. Trong bối cảnh hiện đại, khi nhu cầu thẩm mỹ và công năng ngày càng cao, việc cân đối giữa các nguyên tắc truyền thống và thực tế sử dụng sẽ giúp không gian bếp trở nên hài hoà, thuận tiện – một nơi giữ lửa đúng nghĩa cho đời sống gia đình.
Thực hiện: Bảo Trân
Xem thêm:
Cửa chính và các nguyên tắc phong thủy quan trọng
Bài trí phòng làm việc theo phong thủy để thu hút thành công