Navigator Studio và những tác phẩm dung dị từ thiên nhiên

Trong thiết kế tạp chí hay website, “navigation” là nguyên tắc điều hướng, giúp người đọc xác định vị trí chương hay chuỗi thao tác tiếp nối. Trong tự nhiên, “navigation” là hệ thống định vị được đúc rút từ kinh nghiệm của người xưa, như nhìn sao trời để xác định hướng đi, nhìn luồng nước để biết nơi có nhiều cá, nhìn rêu bám trên thân cây để tìm lối ra khỏi rừng.

Trên tinh thần đó, Navigator Studio tự xác định mình là một “hoa tiêu” khi cùng khách hàng bắt đầu một cuộc phiêu lưu mới, đồng thời dựa vào những “tín hiệu” từ thiên nhiên để “vén cỏ tạo lối đi riêng” mà không sợ lạc khỏi mục đích ban đầu. “Khi vẽ về một loài côn trùng, tôi thấy được vẻ đẹp của sự sống và cái chết. Hoa văn trên cơ thể hay sự lấp lánh của đôi cánh có thể tạo ra rất nhiều cảm hứng cho tôi. Dù côn trùng đã rời bỏ thân xác, vẻ đẹp của nó vẫn mãi mãi tồn tại trong một đời sống khác”. – Võ Huỳnh Phú (họa sĩ minh họa tại Navigator Studio).

Navigator Studio tác phẩm cảm hứng từ thiên nhiên

Một bản in cyanotype trên vải sử dụng họa tiết của cỏ thật.

Navigator Studio tác phẩm cảm hứng từ thiên nhiên 2

Một bản in cyanotype trên vải sử dụng họa tiết của cỏ thật.

Các thành viên của Navigator Studio

Các thành viên của Navigator từ trái qua: Diễm Trinh (account), Công Trọng và Phương Anh (thiết kế đồ họa), Huỳnh Phú (họa sĩ minh họa).

Khởi nguồn của Navigator Studio

Navigator là một studio thiết kế đồ họa chuyên xây dựng hệ thống định vị thương hiệu cho các doanh nghiệp có câu chuyện văn hóa và màu sắc, tinh thần liên quan đến yếu tố thiên nhiên. Bản thân các thành viên sáng lập nên Navigator cũng bắt đầu từ những họa sĩ minh họa từng “bỏ phố về rừng”, chọn câu chuyện của thiên nhiên và văn hóa làm chất liệu sáng tác đặc trưng. Tuy nhiên, chủ thể thiên nhiên không chỉ là đối tượng minh họa đơn thuần khi thiết kế bộ nhận diện thương hiệu mà còn là động lực để studio sáng tạo nên các hình thức bao bì mới, dựa trên sự cân nhắc các tác động ngược lại đối với môi trường tự nhiên. Làm sao để tạo ra một hình thức đóng gói tối giản, ít dư thừa vật liệu nhất mà vẫn hiệu quả? Làm sao để bao bì có thể tái sử dụng với công năng khác? Dùng chất liệu gì thì thân thiện với môi trường, cắt làm sao để ít gỗ vụn, in ấn như thế nào thì phù hợp với nhu cầu kinh tế mà vẫn phát huy được kỹ thuật truyền thống… Những câu hỏi đặt ra suốt quá trình thiết kế, tính bền vững có thể xem là “hoa tiêu” để thực hành của studio không bao giờ bị “lạc” khỏi triết lý ban đầu.

Đôi khi, những concept về thiên nhiên không chỉ biểu hiện trên câu chuyện hình ảnh mà còn trở thành triết lý về mặt quy luật ẩn đằng sau thiết kế mang tính vòng lặp. Vòng tuần hoàn của đất, của cây, của nước… không xuất hiện ở hình dáng hay công năng mà ẩn trong vòng tuần hoàn của bao bì. Bao bì giấy vốn là kiếp sống khác của những cái cây đã ngã xuống. Bên trong nó là một đời sống đang ngủ yên. Navigator tìm cách tái sinh đời sống đó bằng thiết kế có thể tái sử dụng, tái mục đích hay có thể ươm một hạt mầm, trồng một cái cây trên chính vỏ hộp, từ đó thay đổi hành vi và nâng cao nhận thức của người dùng. Nói như Trần Công Trọng, người sáng lập studio, “làm cái nghề này là mắc nợ với thiên nhiên, còn dùng giấy, còn in ấn thì còn lấy từ nhiên nhiên, nên phải làm sao để ít gây hại nhất có thể và trả về cho thiên nhiên phần nào”. Ngoài ra anh còn chia sẻ: “Người ta thường quan tâm chuyện công trình này bị phá hủy, nét văn hóa kia bị mai một mà quên mất rằng, một khi yếu tố nền tảng – thiên nhiên – bị tác động thì nền văn hóa cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Vậy nên, bảo tồn thiên nhiên cũng chính là bảo tồn văn hóa”.

Navigator Studio_4

Navigator Studio_5

Thiết kế “vườn soi bóng trăng” trong hộp bánh Trung thu 2022 của Cheese Coffee.

Navigator Studio_6

Các thử nghiệm của Navigator Studio trên chất liệu giấy và vải với chủ thể là yếu tố thiên nhiên và văn hóa.

Lấy nền tảng văn hóa để thay lời thiên nhiên

Bên cạnh 70% thời gian dành cho khách hàng, 30% thời gian còn lại được Navigator sử dụng cho các dự án cá nhân. Hiện studio đang thực hiện dự án dài hơi Trùng Ký, bao gồm một chuỗi hoạt động từ sáng tác artwork, thiết kế ứng dụng cho đến triển lãm, với mục đích sử dụng nền tảng văn hóa để thay lời thiên nhiên “nói” lên sự mất mát và quá trình biến mất trong âm thầm của côn trùng. Ngoài ra, nhóm cũng đang trong giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm các chất liệu đa dạng hơn như gốm hoặc vải (với kỹ thuật in cyanotype, kỹ thuật nhuộm chàm, eco-printing, thêu hoa trên lụa…) để mở rộng sang các sản phẩm ứng dụng trong đời sống hằng ngày (lịch, sổ tay, túi xách, pin cài áo…) và tổ chức workshop 2 tháng một lần. Navigator sẽ trích 15% lợi nhuận từ các dự án hoặc thu nhập từ việc bán sản phẩm để tái đầu tư cho các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, các quỹ trồng cây. “Tôi nghĩ đó là giải pháp thực tế và hiệu quả hơn là chỉ giáo dục nhận thức”, Trọng chia sẻ.

Làm việc với thiên nhiên có những niềm vui khó diễn tả bằng lời. Đối với Navigator Studio, thiên nhiên sẽ luôn gắn liền với con người, dù bạn ở thành thị hay nông thôn, từ bữa ăn cho tới không gian thư giãn. Thế nên, dù có những chuyến thực địa đến các vùng quê hay núi rừng, Navigator vẫn tự nhận mình chỉ là “cư dân đô thị nuôi mộng về những khu vườn”. Những khu vườn trong tâm tưởng có thể là mạch nguồn sáng tạo, cũng có thể là nơi trú ẩn an lành. “Tôi biết ơn thiên nhiên vì nó mang lại cho chúng tôi đề tài, cảm hứng sáng tác, mang lại cho chúng tôi công việc, cho chúng tôi gặp những khách hàng có câu chuyện thú vị, cùng tần số và biết lắng nghe”, Trọng chia sẻ. Anh cho rằng những cái cây không thể mọc riêng lẻ, cũng giống như Navigator không thể phát triển nếu chỉ đi một mình: “Dù có vén cỏ tạo lối đi riêng, mình cũng đã vô tình chọn một vùng đất – nơi có sẵn các tệp khách hàng đồng điệu, các cộng đồng nghệ thuật trẻ, để cùng cộng hưởng và lan tỏa nhiều giá trị hơn”.

Vài nét về Navigator Studio

Thiết kế đồ họa/Xây dựng thương hiệu
– Thành lập tháng 3/2020
– Hiện có 4 thành viên
– Làm việc với các thương hiệu: Tu Hú, Innochems, Kihowa, Cheese Coffee, The Green Dots…
– Dự án dài hơi: Trùng Ký (artwork, triển lãm, thiết kế ứng dụng)
– Tổ chức workshop 2 lần/tháng
– Trích 15% lợi nhuận từ các dự án cho các tổ chức trồng cây
– Studio có rất nhiều cây và cá

Bài: Đoàn Trúc | Hình ảnh: Chiron Duong


Xem thêm:

Behalf Studio – Chơi cùng với chữ

Elek Design Studio – Chơi cùng ánh sáng