Art Toy Việt Nam – một cộng đồng non trẻ nhưng đầy tiềm năng

Art toy được cấu thành từ “art” và “toy”. Vì là “art” nên có câu chuyện sáng tạo của người nghệ sĩ. Vì là “toy” nên có câu chuyện tâm thức của người mua. Hai yếu tố này đồng hành và tạo nên tính chất độc nhất vô nhị, khiến art toy khác với những tác phẩm trang trí thông thường và cũng khác với đồ chơi phổ thông.

Mặc dù đã du nhập vào thị trường Việt Nam từ khá lâu nhưng trong khoảng 3 năm trở lại đây, sân chơi art toy mang bản sắc văn hóa Việt mới bắt đầu phát triển. Đặc biệt, từ sự ra đời của CƠM HỘP Sài Gòn với chuỗi sự kiện Cơm Thập Cẩm, dự án Số Dzách (series phim tài liệu bỏ túi về art toy Việt Nam), Cơm Thême (art toy theo chủ đề xuyên suốt) hay gần đây là showcase Chơi Chung Cho Vui của Iku. Toys Studio, cộng đồng giao lưu, nghệ sĩ và người sưu tầm art toy có nhiều cơ hội để tìm thấy nhau hơn. Dòng chảy văn hóa này chủ yếu đang âm ỉ tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn, những nơi có môi trường nghệ thuật năng động và phong phú. Ngày càng có nhiều studio thiết kế và nghệ sĩ độc lập phát triển giá trị nghệ thuật qua hình thức “đồ chơi” như Bakia Toys, Rise Saigon, The O Room, Oleander Workshop, Bùi Thế Hiển, Jopus, Evergreen, De CLAY Studio, Toy Gem, Thảo Xeko… Tất cả đều đang cùng nhau vẽ nên một bức tranh sinh động và đa sắc về văn hóa đồ chơi nghệ thuật tại Việt Nam, với nhiều ý tưởng độc đáo và chỉn chu không kém các dòng sản phẩm ngoại nhập.

Art Toy VN 5

Rồng cơ khí Kiba của Rise Saigon

Art Toy VN 6

Không gian showcase Chơi Chung Cho Vui tại Rei Atspace

Art Toy VN 7

Sự kiện Cơm Thême – Coi Cọp do CƠM HỘP Sài Gòn tổ chức

Tuy vậy, cộng đồng sáng tạo art toy ở Việt Nam vẫn đang trong quá trình học hỏi thế giới về kỹ thuật chế tác cũng như phong cách trình bày. Hiện vẫn còn khá ít tác phẩm độc đáo và riêng biệt. Các sự kiện cũng đang dừng lại ở quy mô showcase hay triển lãm pop-up hiếm hoi. Chất lượng về mặt ý niệm vẫn còn hạn chế để có thể mở ra một buổi triển lãm đúng nghĩa.
Quan sát các nhóm cộng đồng trao đổi art toy trên mạng xã hội, không khó để thấy đa số người sưu tầm tại Việt Nam vẫn chủ yếu mua art toy từ các thương hiệu nổi tiếng ở nước ngoài. Lý giải điều này, đại diện Iku. Toys Studio cho rằng Việt Nam mặc dù có nhiều studio và nghệ sĩ làm đồ chơi đẹp, thậm chí chất lượng không hề thua kém sản phẩm nước ngoài, nhưng đa phần đều làm nghệ thuật đơn thuần, chưa giỏi về tài chính và thiếu kinh nghiệm sản xuất. Bên cạnh đó, việc sáng tạo và phát hành art toy tại Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là sự thiếu hụt thị trường cung cấp vật liệu và một số thiết bị, công cụ trong nước. Ngoài ra, do các nghệ sĩ Việt Nam vẫn chuộng làm thủ công và phát hành số lượng ít nên việc tìm studio gia công hay xưởng sản xuất với giá tốt cũng rất khó, dẫn đến chi phí sản xuất và giá thành cao, khó tiếp cận được khách hàng phổ thông. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài từ lâu đã xây dựng được quy trình sản xuất chuyên nghiệp, chi phí hợp lý mà vẫn đảm bảo chất lượng, nên có nhiều ưu thế cạnh tranh so với sản phẩm nội địa. Đặc biệt, để số đông có thể xem trọng, hiểu đúng giá trị của art toy và hòa mình vào dòng chảy văn hóa mới mẻ này tại Việt Nam vẫn là một thách thức.

Tuy nhiên, là một trong những cầu nối quan trọng của cộng đồng art toy trong nước, CƠM HỘP Sài Gòn vẫn bày tỏ niềm lạc quan: “Chúng ta có lợi thế của người đi sau khi hoàn toàn có thể tiếp cận những quy trình, kỹ thuật, tiêu chuẩn đã được kiểm chứng trên thế giới. Ngoài ra, nền văn hóa phong phú và lâu đời của Việt Nam là một kho ý tưởng rất đặc sắc vẫn đang chờ các nghệ sĩ khai thác. Nếu chúng ta chịu khó học hỏi và tận dụng những phương tiện có sẵn của thế giới, đồng thời xem văn hóa Việt Nam như nền tảng để sáng tác, đây chắc chắn sẽ là một sân chơi đầy tiềm năng, nhiều cơ hội để thể hiện bản sắc, thậm chí là mang văn hóa Việt Nam ra thế giới”.

Art Toy VN 8

The Burrow và No.1 (Wind Bay Studio)

Art Toy VN 9

Tác phẩm của Thảo Xeko tại Cơm Thập Cẩm #4 và không gian sự kiện

Art Toy VN 10

Art Toy VN 11

Sino & Mega (Vomao Sculpt) và Tò Vò Hổ (De CLAY Studio – CamAnh Ng Illustration – The O Room) tại showcase Chơi Chung Cho Vui

Kho tư liệu văn hóa bản địa – Nguồn cảm hứng dồi dào

Đúng với nhận xét trên, nhiều studio và nghệ sĩ art toy tại Việt Nam đã sử dụng kho tàng văn hóa bản địa, nguồn tư liệu dân gian, các nhân vật trong truyện cổ hoặc tìm cảm hứng từ chính đời sống Á Đông hằng ngày để xây dựng vũ trụ nhân vật của riêng mình. Năm 2020, Oleander Workshop từng gây tiếng vang với nhân vật Chú Tễu Múa Lân, lấy cảm hứng từ nghệ thuật múa rối nước. Biểu tượng mang màu sắc truyền thống này được tái cấu trúc trong một thiết kế hiện đại với các chi tiết khớp nối đặc trưng của robot, chỉ sản xuất giới hạn 50 mẫu, đã nhanh chóng “sold out” và có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hay gần đây nhất, nghệ sĩ DAES (Lưu Đoàn Duy Linh) đã ra mắt art toy Niên, chú Kỳ Lân mang tính cách “Gen Z” độc đáo, bụi bặm, phóng khoáng và rất thời trang, đại diện cho tinh thần tuổi trẻ Việt Nam. Chỉ có 20 phiên bản Niên được phát hành và không sản xuất lại, mở đầu cho hành trình mới của dòng sản phẩm mang tên Niên’s Adventure.

Một trong những thương hiệu art toy Việt khá ấn tượng dù chỉ mới ra đời được 2 năm là Bakia Toys, cái tên mang nghĩa “bất kỳ ai cũng đều đặc biệt và bạn có thể là “bất kỳ ai” bạn muốn”. Với tinh thần đó, những art toy phôi thai của Bakia là nền tảng để người chơi tự do sáng tạo nhân vật của riêng mình. Dòng sản phẩm Genesis của Bakia gồm các bộ phận lắp ráp, có các khớp xoay để cử động và có nhiều kích thước, phối màu khác nhau, thậm chí có thể custom theo yêu cầu. Bakia Genesis có tạo hình hiện đại và khá “cyperpunk” nhưng ẩn đằng sau lại là câu chuyện về mã gen của người Việt và nền văn minh Văn Lang. Bakia đã nghiên cứu rất nhiều về văn hóa Việt, đặc biệt là những giai đoạn không có trong lịch sử và nguồn gốc thật sự của chúng ta. Trong khi đó, hướng đi mới của thương hiệu lại dựa trên nguồn cảm hứng từ vật lý lượng tử, rằng “không có quá khứ, tương lai hay thời gian, mọi thứ đều tồn tại đồng thời và liên kết chặt chẽ với nhau”. Vì vậy, có thể nói, Bakia hướng đến tương lai để hiểu hơn về quá khứ, rằng “với sự tiến bộ trong tương lai, những gì đã mất trong lịch sử trống của Việt Nam sẽ hiện rõ trở lại”.
Bên cạnh đó, các hình ảnh quen thuộc trong bối cảnh đương thời cũng là nguồn cảm hứng sáng tạo của nhiều nghệ sĩ. Là một người có xu hướng tìm về nơi trú ngụ bên trong mình, nhà cửa là thứ có thể phản ánh được rõ nhất những yên bình giản dị mà Wind Bay Studio tìm kiếm. Với những mô hình mang tính chủ đề, cảm hứng của Wind Bay bắt nguồn từ đời sống thường nhật gắn liền với đường phố. Chất bình dân gần gũi được đưa vào mô hình cũng rất dễ nhận ra từ các màu sắc nhà Việt, hoa văn bông gió đặc trưng, các loại cây cảnh bản địa và có thể pha trộn một chút văn hóa phương Đông trong đó. Hay với Rise Saigon, cảm hứng để phát triển nhân vật thợ Rồng cơ khí Kiba đến từ sự quan sát các phương tiện di chuyển cá nhân trong cuộc sống hiện đại.

ArtToy VN 12

Bakia Genesis (Bakia Toys)

ArtToy VN 13

Chú Tễu Múa Lân (Oleander Workshop)

ArtToy VN 14

Niên (DAES)

Nhiều studio và nghệ sĩ art toy tại Việt Nam đã sử dụng kho tàng văn hóa bản địa, nguồn tư liệu dân gian, các nhân vật trong truyện cổ hoặc tìm cảm hứng từ chính đời sống Á Đông hằng ngày để xây dựng vũ trụ nhân vật của riêng mình.

Có thể nói, nhịp điệu phát triển và lan tỏa văn hóa art toy tại Việt Nam vẫn còn chậm rãi nhưng lại rất giàu bản sắc và đa dạng về ý tưởng. Điều này có nghĩa là còn rất nhiều diễn biến thú vị đang chờ chúng ta ở phía trước. Dù đang phát triển ở mức độ phong trào, nhưng at toy Việt Nam có thể trở thành một văn hóa vững vàng nếu có sự quan tâm và đầu tư nghiêm túc, dài hạn.

Bài: Đoàn Trúc | Ảnh: Bảo Nguyễn/Rei Artspace, Cơm Hộp Sài Gòn, Daes, Oleander Workshop, Wind Bay Studio


Xem thêm:

Art Toy Việt Nam – Ký ức, tương lai và bản sắc

Windbay Studio – Vịnh Gió bao la gom nhặt những mộng ảo tí hon