Art Toy Việt Nam – Ký ức, tương lai và bản sắc

Art toy được cấu thành từ “art” và “toy”. Vì là “art” nên có câu chuyện sáng tạo của người nghệ sĩ. Vì là “toy” nên có câu chuyện tâm thức của người mua. Hai yếu tố này đồng hành và tạo nên tính chất độc nhất vô nhị, khiến art toy khác với những tác phẩm trang trí thông thường và cũng khác với đồ chơi phổ thông.

Art Toy VN 1

Tác phẩm OT BOY của The O Room

Art Toy – Ngôn ngữ sáng tạo của thời đại mới

Cơn sốt art toy bắt đầu vào giữa những năm 90 tại Hồng Kông, khi nhà thiết kế đồ họa Michael Lau sử dụng nhựa vinyl để tạo ra những món đồ chơi phiên bản giới hạn. Được mệnh danh là “Godfather” của đồ chơi thiết kế, Michael Lau cùng với BST Gardener được trưng bày tại Trung tâm Nghệ thuật Hồng Kông năm 1999 đã thay đổi cách nhìn nhận của công chúng về đồ chơi như một sản phẩm sản xuất hàng loạt, chi phí và chất lượng thấp, thay vào đó, định vị chúng như các vật phẩm nghệ thuật hiếm có. Không giống như các sản phẩm thương mại ăn theo thương hiệu phim ảnh hay truyện tranh, các thiết kế của Michael Lau đại diện cho thế giới quan của riêng anh, từ ý tưởng, nguyên mẫu cho đến thành phẩm; tất cả đều được sản xuất thủ công tại studio chứ không phải nhà máy. Điều này khuyến khích những người đam mê đồ chơi đánh giá cao giá trị nghệ thuật của chúng. Từ đó, khái niệm “art toy” ra đời và truyền cảm hứng cho rất nhiều nghệ sĩ trên khắp thế giới để thiết kế nhân vật của riêng họ.

Art toy nhanh chóng được xem như một phương tiện sáng tạo lý tưởng, cho phép các nghệ sĩ thành thị mang quan điểm nghệ thuật đến với đại chúng dưới một hình thức mới. Sự bùng nổ của màu sắc, hình dáng, kích thước, chất liệu… khiến art toy trở thành một vũ trụ độc đáo với cơ hội sáng tạo không giới hạn. Sau đó, phong trào này được thúc đẩy bởi sự ra đời và phát triển của Medicom Toy, Kidrobot hay Pop Mart – các công ty chuyên sản xuất và phát hành đồ chơi sưu tầm từ nhiều nghệ sĩ khác nhau. Khởi đầu với một khái niệm mới về đồ chơi, art toy nhanh chóng tìm thấy vị trí trong cả thế giới nghệ thuật lẫn thương mại. Từ những tác phẩm cá nhân như Companion của KAWS, Miss Ko2 của Takashi Murakami hay MC Supersized của Ron English cho đến cơn sốt collab với người nổi tiếng trên nguyên mẫu chú gấu Bearbrick của Medicom Toy, art toy đã đi một hành trình dài để trở thành những tác phẩm có giá trị không chỉ trong phòng trưng bày nghệ thuật hay viện bảo tàng, mà còn có doanh số bán ra thị trường thứ cấp đạt mức không tưởng. Có những tác phẩm chỉ mới hơn 20 năm tuổi nhưng đã 3 lần phá vỡ kỷ lục của các nhà đấu giá.

Sự bùng nổ của màu sắc, hình dáng, kích thước, chất liệu… khiến art toy trở thành một vũ trụ độc đáo với cơ hội sáng tạo không giới hạn cho các nghệ sĩ.

Art Toy VN 2

Art Toy VN 3

Từ trái qua, từ trên xuống Dần Ú (Oleander Workshop), Bakia Genesis Chubby (Bakia Toys), “GiGi” the Garden Gnome (WeirdoPotato Studio), Nàng Lá (Nấm Claywork), Nấm MURO (Toy Gem), Kem du hành phương Tây (Daos501)

Nơi thăng hoa của ký ức tuổi thơ

Theo định nghĩa của CƠM HỘP Sài Gòn – một cộng đồng tiên phong trong việc hỗ trợ quá trình sáng tạo art toy của các nghệ sĩ Việt Nam, đồ chơi thông thường (toy) cung cấp giá trị giải trí đơn thuần, đến từ nhu cầu của đời sống, với tạo hình gần gũi, quen thuộc; trong khi đồ chơi nghệ thuật (art toy) mang tính biểu tượng, là phương tiện để nghệ sĩ gửi gắm tâm tư của mình, được sáng tác và nuôi dưỡng theo cách biểu đạt của riêng họ, ẩn chứa quan điểm, tính cách và tầm nhìn của người sáng tạo, thậm chí là thông điệp phản biện xã hội, vì vậy mà giá trị nghệ thuật và giá trị sưu tầm trở nên rõ nét hơn. “Từ những sản phẩm được sản xuất hàng loạt cho đến các mẫu đồ chơi độc bản, tất cả đều đại diện cho một nền văn hóa (Culture), một xu hướng (Movement) và sự cộng hưởng giữa các giá trị khác nhau (Collaboration)”.

Những mô hình vừa đáng yêu vừa tinh xảo này trở thành niềm khao khát của một cộng đồng được gọi là “kidult”. Họ có năng lực tài chính để mua các sản phẩm có giá thành cao hơn đồ chơi trẻ em gấp nhiều lần, có đủ hiểu biết để cảm nhận giá trị thẩm mỹ của một tác phẩm nghệ thuật, đồng thời mang một tâm hồn trong trẻo khi hồi tưởng về thời thơ ấu và tiếp cận thông điệp phía sau món “đồ chơi”. Trong chuyến du hành thuần khiết trở về với hoài niệm, nghệ sĩ art toy giúp những “kidult” tìm lại bóng hình của các nhân vật từng rất được yêu thích hay hiện thực hóa thế giới tưởng tượng thông qua một món đồ nhỏ có thể sưu tầm được. Bên cạnh đó, tính đại chúng của art toy còn nằm ở sự đa dạng của mức giá, từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu, mở ra cơ hội cho những nhà sưu tập mới ở mọi sở thích và khả năng tài chính.

Art Toy VN 4

Tác phẩm Chuột – Hộ thần của mùa vụ (Bùi Thế Hiển) tại Cơm Thập Cẩm #4 của CƠM HỘP Sài Gòn

Người sưu tầm art toy là người sưu tầm những giá trị đồng điệu với bản thân chứ không đơn thuần chỉ sở hữu một món đồ chơi đẹp.

Có nhiều lý do để một người sẵn sàng chi tiền cho một món “đồ chơi”. Đối với Lê Hoàng Vũ – người sưu tầm và sáng lập Iku. Toys Studio, đã là “toy” thì phải chơi được, phải vui khi tương tác và phải đẹp khi ngắm nhìn. Nó giúp anh nhớ lại tuổi thơ vui vẻ, giàu trí tưởng tượng và tìm thấy năng lượng tích cực giữa đời sống bộn bề. Trong khi đó, Thanh Mustang – Art Director của Rise Saigon và cũng là một người sưu tầm – cho rằng sức hút của art toy đến từ ấn tượng thị giác: tạo hình và màu sắc phải thú vị, gây tò mò và hình thành kết nối tinh thần ngay từ cái nhìn đầu tiên; sau đó mới đến câu chuyện của tác giả. Còn theo cảm nhận của Wind Bay Studio – xưởng thiết kế mô hình nhà cửa thu nhỏ, giá trị của một món art toy nằm trong câu chuyện và tinh thần tạo nên nó: “Người sưu tầm art toy là người sưu tầm những giá trị đồng điệu với bản thân chứ không đơn thuần chỉ sở hữu một món đồ chơi đẹp. Cho nên art toy chính là tiếng nói chung, một sự gắn kết tự nhiên giữa người nghệ sĩ và người sưu tầm”.

Ngoài ra, art toy cũng có thể xem là một loại tài sản tương tự với các nghệ phẩm khác. Người sưu tầm ngoài việc tìm kiếm các giá trị tinh thần hay thẩm mỹ còn quan tâm đến các giá trị khác như: tính giới hạn/độ hiếm, tính trao đổi/giao lưu, tính tăng giá trị theo thời gian (gắn liền với tên tuổi nghệ sĩ/thương hiệu), chất liệu, mức độ hoàn thiện (mỹ thuật/kỹ thuật). Riêng ở Việt Nam, để các nghệ sĩ tạo nên nhiều giá trị hơn cho thương hiệu của mình, điều quan trọng nhất vẫn là xây dựng những sân chơi thường niên cho phép mọi người có thể tiếp cận nhiều hơn với các nghệ sĩ và tác phẩm của họ.

Bài: Đoàn Trúc | Ảnh: Bảo Nguyễn/Rei Artspace, Cơm Hộp Sài Gòn, Daes, Oleander Workshop, Wind Bay Studio


Xem thêm:

Đồ chơi trẻ thơ – Ký ức rực rỡ

Artkey Artisan Keycap – Tác phẩm điêu khắc trên bàn phím