Vật liệu bền vững và cấp tiến

Thông qua việc áp dụng các nguyên liệu mới phối hợp với nguồn tài nguyên truyền thống, 10 dự án thiết kế sản phẩm được giới thiệu dưới đây đang tái định nghĩa về vật liệu chế tác theo cách chưa từng có, đánh dấu một cuộc cách mạng trong thời đại mới.

Trong bối cảnh xã hội và môi trường hiện đại, các thiết kế phải liên tục phát triển để đáp ứng thử thách về tính hiệu quả và trách nhiệm với môi trường. Chính vì vậy, vật liệu đóng vai trò then chốt trong guồng máy sản xuất đang thay đổi ngày càng lớn. Từ việc sử dụng vi tảo để tạo ra năng lượng và bột giấy thay thế cho đá cẩm thạch, cùng với nỗ lực phục hưng các kỹ thuật thủ công truyền thống và phương pháp tái chế, các NTK dần khám phá tầm quan trọng của việc tạo ra vòng đời tiếp theo cho sản phẩm mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ, hấp dẫn về thị giác.

BST làm từ vật liệu nhựa phân hủy sinh học và thảm tái chế Tatami của Honoka Design Lab

Là một nhóm NTK tình nguyện tại Nhật Bản, Honoka Design Lab đã trưng bày những món đồ nội thất có tên gọi “TATAMI ReFAB project”. Đổi mới thông qua nghiên cứu và sử dụng các kỹ thuật sản xuất tiên tiến, nhóm đã giới thiệu BST tập trung sử dụng chất liệu làm từ chiếu Tatami tái chế và kết hợp với nhựa sinh học để tạo ra sản phẩm có màu xanh đặc trưng.

Vật liệu bền vững và cấp tiến 1

“Sori” và “Mukuri” được in 3D bằng nhựa Tatami của Ryo Suzuki.

Honoka Design Lab

Nhóm thiết kế của Honoka Design Lab.

Điểm khởi đầu cho dự án là thảm Tatami được làm từ cỏ Igusa vốn được sử dụng rộng rãi ở Nhật Bản trong nhiều thế kỷ để cải thiện độ ẩm và mùi hôi. Sự chuyển đổi từ vật liệu cũ quen thuộc thành các thiết kế ánh sáng và nội thất gây ấn tượng sâu sắc. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia in 3D ExtraBold Inc., nhóm phát triển sản phẩm hy vọng dự án này sẽ mang đến nguồn cảm hứng mới về Tatami cho thế hệ trẻ.

honoka-lab.jp

Sofa quán quân về vật liệu tái chế và tuần hoàn, của Patricia Urquiola cho Cassina

NTK, Giám đốc Nghệ thuật của Cassina – Patricia Urquiola – đã thiết kế sofa “Moncloud” dựa trên các giá trị bền vững không chỉ ở vật liệu tái chế mà còn ở cấu trúc của sản phẩm. Hình dạng tròn trịa giống như đám mây được tạo nên từ khung kim loại được bọc và điêu khắc bằng tấm lót PET tái chế, đồng thời giảm thiểu sử dụng polyurethane thông qua việc bổ sung Circularrefoam®, một loại bọt polyurethane được tạo thành từ một phần trăm polyol tái chế.

Vật liệu bền vững và cấp tiến 2

Patricia Urquiola

Ảnhh: Valentina Sommariva/Francesco Dolfo/Luca Merli

Urquiola cho biết: “Sofa này là kết quả của quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, và cốt lõi của dự án là giải quyết phần vật liệu bên trong của chiếc ghế”. Sofa có thể được tháo rời hoàn toàn khi không còn sử dụng để tái chế tất cả các vật liệu riêng lẻ một cách dễ dàng.

patriciaurquiola.com & cassina.com

Chiếc bàn có thể tùy chỉnh bằng khung nhôm tái chế của Stefan Diez cho HAY

Lấy cảm hứng từ thiết kế tre truyền thống của Nhật Bản, NTK người Đức Stefan Diez đã sử dụng nhôm, một loại vật liệu có thể tái chế hoàn toàn để tạo ra chiếc bàn “Boa” cho thương hiệu HAY của Đan Mạch. Kết hợp kỹ thuật gấp độc đáo mô phỏng nghệ thuật thủ công nguyên bản, NTK đã hợp tác với NSX nhôm Hydro của Na Uy để sản xuất chân bàn với 75% nguyên liệu tái chế từ phế liệu sau tiêu dùng.

Vật liệu bền vững và cấp tiến 3

The Boa Table thiết kế bởi Stefan Diez cho HAY. Ảnh: Daniela Trost

Stefan Diez

Nhờ đặc tính nhẹ, cấu trúc phẳng và lợi thế là cơ sở sản xuất được cung cấp nhiên liệu bằng thủy điện, chiếc bàn đã được thiết kế để giảm thiểu lượng khí thải carbon trong toàn bộ quá trình sản xuất. Mặt bàn có nhiều kích cỡ, thành phần với chất liệu khác nhau cho phép người dùng tự tạo ra những thiết kế tùy chỉnh phù hợp với nhu cầu và môi trường tại địa phương, dù đó là nơi thương mại hay khu dân cư.

hay.dk & diezoffice.com

Bột giấy thay thế đá cẩm thạch của Federico Peri cho Bentley Home

Quy trình khai thác nguồn tài nguyên hữu hạn như đá cẩm thạch đòi hỏi tiêu tốn nhiều năng lượng, đặc biệt là để tìm ra giải pháp đáp ứng tính thẩm mỹ vốn được mong đợi từ các thiết kế mới. Sự hợp tác gần đây của Bentley với NTK người Ý Federico Peri mang đến một giải pháp vật liệu mới bằng cách áp dụng chất liệu từ bột giấy cải tiến Paper Factor® (được phát triển bởi KTS và Giám đốc nghệ thuật Riccardo Cavaciocchi) để thiết kế những chiếc bàn trong BST năm 2023 của thương hiệu.

Vật liệu bền vững và cấp tiến 4

Ảnh: Bentley Home

Federico Peri

Quy trình được chế tác bằng tay nghề cao, lớp hoàn thiện như đá cẩm thạch với màu hữu cơ và đường vân phức tạp chạy khắp bề mặt. Với mục tiêu giảm thiểu chất thải và nước trong suốt quá trình sản xuất, đây là một phần trong nỗ lực hướng đến sự bền vững của Bentley. Thương hiệu cũng cho biết vật liệu này cực kỳ bền khi được xử lý bằng lớp phủ bảo vệ.

bentleymotors.com & federicoperi.com

Đèn bàn dùng năng lượng vi tảo của Fengfan Yang

“Light on Lives” là chiếc đèn không cần nguồn điện bên ngoài để hoạt động, là một thiết kế cấp tiến từng đoạt giải của NTK người Trung Quốc Fengfan Yang. NTK đã khám phá khả năng tạo ra năng lượng từ thực vật và từ đó khai thác sức mạnh của vi tảo có trong nước đặt bên trong đế đèn. Đây là sự thay đổi thú vị trong cách tạo ra năng lượng bền vững. Dù vi tảo không tạo ra nhiều điện nhưng vẫn hoàn toàn có thể vận hành một chiếc đèn ngủ nếu thay nước thường xuyên.

Vật liệu bền vững và cấp tiến 5

“Light on Lives” thiết kế bởi Fengfan Yang

Fengfan Yang

Yang giải thích: “Nhiều ứng dụng của vi tảo dường như vẫn còn xa vời với cuộc sống. Một trong những mục tiêu của tôi là trình bày điều này với mọi người một cách nhẹ nhàng và dễ tiếp cận thông qua việc kết hợp công nghệ hiện có với các sản phẩm thông thường hằng ngày, để mọi người nhận ra máy phát điện là một thực tế gần gũi”. Yang cho biết anh cảm thấy rất tích cực về việc mở rộng ứng dụng vi tảo trong những năm tới, thông qua sự hợp tác liên ngành.

fengfanyang.com

Tấm ván tường làm từ rác thải giấy của Berta Julià Sala của Alted Materials

Với thực tế rằng một nửa lượng khí thải C02 của ngành xây dựng đến từ vật liệu, Alted Materials mong muốn đột phá trong lĩnh vực này bằng các sản phẩm kiến trúc được sản xuất theo nguyên tắc tuần hoàn. BST đầu tiên của studio, “Alted H01”, là các tấm ván trang trí tường được làm từ chất thải xenlulo của ngành công nghiệp giấy. Vật liệu có tên Honext® được dùng trong ba thiết kế có hoa văn khác nhau, tất cả đều được làm từ chất thải, có nguồn gốc từ thực vật, không độc hại và có thể tái chế.

Vật liệu bền vững và cấp tiến 6

The Alted H01collection thiết kế bởi Berta Julia Sala.

Berta Julia Sala

Ảnh: Yalga Studio

NTK, người sáng lập Berta Julià Sala cho biết: “Thiết kế theo tính tuần hoàn không còn là một lựa chọn nữa, đó là con đường duy nhất phía trước và tôi tin rằng hầu hết các NTK và công ty sẽ sớm nhận ra điều đó”. Với kế hoạch thu hồi được áp dụng, các tấm ván có thể được gửi trả lại khi hết sử dụng và tái chế trực tiếp theo quy trình sản xuất được lặp lại tương tự.

altedmaterials.com & bertajuliasala.com

Biến rác thải lâm nghiệp thành đồ nội thất hiện đại của Yuma Kano

Sau khi đến thăm vùng Hida ở Nhật Bản, nơi nổi tiếng với rừng bạt ngàn, NTK người Nhật Yuma Kano cho biết ông đã nhận thấy vẻ đẹp của những cành cây, lá và quả nhỏ thường bị bỏ phí đi. Với mong muốn tìm cách kết hợp nguồn tài nguyên thiên nhiên vào công việc sáng tạo của mình, ông bắt đầu tạo ra một loại vật liệu và đặt tên là ForestBank™️, kết hợp các loại rác bỏ đi này với nhựa. Với sự đa dạng về hình thức và quy mô, studio đã khéo léo dùng các phế liệu của khu rừng cho từng mục đích khác nhau.

Vật liệu bền vững và cấp tiến 7

ForestBank™️ thiết kế bởi Yuma Kano. Ảnh: Yuta Sawamura/Saiko Kodaka/Kusk

Syo Ota và Yuma Kano

Syo Ota và Yuma Kano tại triển lãm Touch Wood ở Alcova, trong Tuần lễ Thiết kế Milano.

Để nâng cao nhận thức về khả năng sử dụng vật liệu tự nhiên một cách khôn ngoan hơn, ông cho biết quy cách này cũng có thể tận dụng rác thải hoặc các mảnh vụn trong các xưởng chế biến gỗ để sản xuất. Được áp dụng cho nhiều kiểu dáng khác nhau như mặt bàn hoặc nơi bày thức ăn để nấu nướng, mỗi thiết kế đều là phiên bản độc nhất nhờ các đặc tính hữu cơ của vật liệu.

yumakano.com

Đèn làm từ vật liệu nhựa hữu cơ – Mariana Ramos và Ricardo Innecco của Estudio Rain

Các thiết bị chiếu sáng trong suốt của BST đèn do Đại học São Paulo thiết kế đều sử dụng vật liệu có nguồn gốc thực vật như nhựa từ dầu cây thầu dầu, mang đến một giải pháp thay thế sinh thái cho các sản phẩm làm từ dầu mỏ đang được sử dụng rộng rãi. Studio Brazil được thành lập vào năm 2015, bắt đầu nghiên cứu vào năm 2018 và hoàn thành vào năm 2022. BST này cũng đã được trao giải tại Lễ trao giải EDIDA Brazil năm nay.

Vật liệu bền vững và cấp tiến 8

Ricino Lighting Collection thiết kế bởi Estudio Rain.

Estudio Rain

Ảnh: Alex Batista

Nói về việc khám phá vật liệu mới này, Ramos cho biết đó là một quá trình phi tuyến tính. “Điều quan trọng là duy trì sự tò mò cao độ, sự hứng thú và kiên trì để đạt được kết quả mong muốn. Sự cấp bách của vấn đề môi trường khiến chúng tôi có cách tiếp cận mới và sẽ tiếp tục phát triển những sản phẩm khác với cùng một chất liệu nhưng có màu sắc và kết cấu khác nhau”, Ramos chia sẻ. Được ép lạnh và sản xuất không cần nước, đội ngũ hy vọng rằng vật liệu sáng tạo này sẽ trở nên phổ biến với các NTK toàn thế giới.

estudiorain.com

Thực hiện: Roddy Clarke | Chuyển ngữ: Thúy Hằng


Xem thêm

Gỗ thông – Vật liệu được ưa chuộng trong thiết kế nội thất

Thép không gỉ: Vật liệu trường tồn theo thời gian

Vật liệu tái chế mới từ rác thải thực phẩm