Thương hiệu vải nội thất nổi tiếng Kvadrat đã hợp tác với nhà thiết kế Teruhiro Yanagihara để ra mắt Ame – loại vải polyester đầu tiên được tái chế từ chất liệu thải thay vì xử lý chai nhựa thông thường, tạo nên bước tiến vượt trội, hướng đến khép kín vòng đời của chất liệu.
Trước đây, chai nhựa PET sau sử dụng sẽ được tái chế thành polyester, trong khi lượng polyester có sẵn thải ra từ quá trình dệt may lại được dùng để chế tạo thành các sản phẩm khác. Quá trình này thường là “tái chế hạ cấp” vì vật liệu sẽ bị suy giảm chất lượng sau mỗi lần tái chế.
Vì thế, để tận dụng và duy trì chất lượng vật liệu một cách tối ưu nhất, Kvadrat quyết định chuyển đổi phương pháp tái chế, từ cơ học thành hóa học. Trong đó, quan trọng nhất là bước khử trùng, phân hủy polyester thành các khối cấu tạo phân tử và tái tạo theo đúng tỷ lệ ban đầu, cho phép vật liệu tạo ra giữ nguyên được chất lượng vốn có. Cuối cùng, thành quả là các mảnh polyester kéo sợi, cho phép tiến hành đan dệt để tạo ra loại vải mới.
Đây là giải pháp thay thế đầy hứa hẹn, mở ra nhiều tiềm năng ứng dụng cho nhựa thải, nhưng đồng thời dấy lên tranh cãi. Công nghệ tái chế hóa học tạo ra lượng lớn chất thải, khiến nhiều người tin rằng nó gây hại nhiều hơn là mang lại lợi ích. Thương hiệu Kvadrat cũng thừa nhận rằng mức sử dụng năng lượng và hóa chất trong suốt quá trình khử trùng vẫn còn cao. Tuy nhiên, điều này sẽ được cải thiện theo thời gian: “Luôn cần rất nhiều năng lượng để thúc đẩy bất kỳ cải tiến bền vững nào, đặc biệt là trong giai đoạn đầu cho đến khi đạt được khối lượng và lưu lượng phù hợp.” – Stine Find Osther, Phó Chủ tịch thiết kế của Kvadrat khẳng định.
Để tạo ra chất lượng thẩm mỹ cho Ame, Kvadrat tìm đến Yanagihara, tác giả của những nghiên cứu thú vị về Con đường tơ lụa và kỹ thuật vá sashiko của Nhật Bản – thường được sử dụng để sửa kimono. Thiết kế của Yanagihara đan xen hai màu sợi và độ dày khác nhau để tạo ra chuỗi họa tiết tinh tế, gợi nhớ đến kỹ thuật khâu tay đặc trưng. Bảng màu thiết kế được lấy cảm hứng từ trang phục truyền thống Nhật Bản được gọi là “kasane no irome”- nổi tiếng nhờ cách xếp nhiều lớp kimono theo cách kết hợp màu sắc chính xác để tạo ra trang phục độc đáo và sống động.
Thực hiện: Thùy Như | Theo: Dezeen
Xem thêm:
Sport: Vải nội thất tái chế từ 100% rác thải biển
Vật liệu tái chế mới từ rác thải thực phẩm
Bọt xốp UPS – Giải pháp vật liệu bền vững mới cho thiết kế đồ nội thất