Bước chân kiến tạo của kiến trúc bền vững

Cùng nhìn lại các công trình và triết lý của những KTS tiên phong theo đuổi kiến trúc bền vững, được giám tuyển và giới thiệu bởi hội đồng giải thưởng EDIDA thường niên.

Biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên trở thành mối quan tâm hàng đầu ở khắp nơi trên thế giới. Đối diện với tình trạng chung này, các KTS và NTK là những nhân tố quan trọng trong bối cảnh phát triển bền vững, thông qua nỗ lực chuyển hướng kiến tạo nên những công trình tồn tại vững chãi và thân thiện hơn với môi trường. Có thể xem họ là những nhà tiên phong trong quá trình hình thành các công trình không chỉ đẹp, hiện đại, tiện nghi mà còn giảm thiểu tác động, thậm chí thúc đẩy tốc độ phục hồi của hệ sinh thái tự nhiên.

Mario Cucinella

Mario Cucinella

Kiến trúc sư – nhà thiết kế Mario Cucinella. Ảnh: Mario Cucinella Architects

Mario Cucinella là một KTS và NTK tài năng người Ý. Ông được biết đến bởi những cống hiến không ngừng nghỉ trong lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch đô thị bền vững. Sau khi tốt nghiệp Đại học Genoa vào năm 1986, từ những ngày đầu làm nghề, Mario Cucinella đã được cộng tác với KTS Renzo Piano huyền thoại, người ảnh hưởng sâu sắc đến tư duy thiết kế độc đáo của ông. Sáu năm sau, ở tuổi 32, Mario có bước phát triển ngoạn mục trong sự nghiệp bằng việc thành lập văn phòng Mario Cucinella Architects (MCA) có trụ sở tại Paris, tập trung xây dựng các công trình xanh, kết hợp đổi mới công nghệ với nâng cao ý thức xã hội về môi trường.

Bên cạnh những thành công của mình, Mario Cucinella đã và đang thực hiện cam kết đào tạo nên thế hệ KTS kế nhiệm thông qua hệ thống School of Sustainability – SOS do chính ông thành lập vào năm 2015. Chương trình nghiên cứu sau đại học tập trung vào việc trang bị cho các chuyên gia, NTK, KTS những kiến thức và kỹ năng cần thiết để giải quyết thách thức môi trường toàn cầu.

Nha module Tecla

Ảnh: Iago Corazza

Dự án nhà ở dạng mô-đun Tecla

Tại Massa Lombarda, ngoại ô Ravenna miền Nam nước Ý, ngôi nhà được tạo ra bằng kỹ thuật in 3D tiên tiến trên đất thô, dưới sự phối hợp của WASP – World’s Advanced Saving Project và Mario Cucinella Architects đã định nghĩa lại một đơn vị nhà ở sinh thái theo góc độ hoàn toàn mới. Chỉ trong 200 giờ, tốc độ in có thể đạt đến 60m2 , thiết kế hoàn chỉnh bao gồm phòng khách có bếp, khu vực ngủ và phòng tắm. Ngay cả đồ đạc cũng được tích hợp vào cấu trúc, tuân thủ chặt chẽ quy tắc tái sử dụng và tái chế dễ dàng, tạo nên một dự án toàn diện và tuần hoàn. Công trình này còn xuất sắc giành chiến thắng hạng mục Sustainable Achievement trong khuôn khổ giải thưởng Thiết kế Quốc tế do EDIDA 2022 do mạng lưới ELLE Decoration tổ chức.

Fondazione Luigi Rovati ben vung

Ảnh: Duccio Malagamba

Bảo tàng nghệ thuật Fondazione Luigi Rovati

Đây cũng là một trong những công trình được ca ngợi nhất của Mario Cucinella tại Milan, Ý. Bảo tàng ngầm giảm thiểu năng lượng tiêu thụ thông qua việc áp dụng hiệu quả các chiến lược thiết kế thụ động. Bằng cách sử dụng hệ thống thông gió bằng đá tự nhiên, tòa nhà duy trì nhiệt độ ổn định mà không cần điều hòa không khí.

Studio Ossidiana

Studio Ossidiana ben vung

Bộ đôi KTS Alessandra Covini và Giovanni Bellotti. Ảnh: Studio Ossidiana

Studio Ossidiana, được thành lập vào năm 2015 bởi bộ đôi KTS người Ý Alessandra Covini và Giovanni Bellotti, nổi tiếng bởi cách tiếp cận mang tính thử nghiệm với vật liệu và không gian, tạo ra các thiết kế đầy chất thơ và kích thích tư duy, nhấn mạnh đến tính toàn diện và ý thức về môi trường. Trước khi hợp tác, cả Alessandra và Giovanni đều sở hữu nền tảng chuyên môn cá nhân ấn tượng, góp phần định hình nên phương pháp thiết kế của riêng họ.

Alessandra Covini phát triển tầm nhìn nghệ thuật từ rất sớm, thông qua quá trình học tập và thực hành kiến trúc. Cô theo học tại Politecnico di Milano, sau đó hoàn thành chương trình đào tạo của Đại học Công nghệ Delft ở Hà Lan. Những thách thức của việc tích hợp bảo tồn thiên nhiên với bảo toàn trải nghiệm của con người đã thu hút cô đến với kiến trúc bền vững. Bên cạnh đó, Giovanni Bellotti cũng trau dồi kỹ năng thiết kế của mình tại các học viện danh
giá, góp phần hình thành vốn hiểu biết sâu rộng và nền tảng vững chắc cho giai đoạn thực hành nghề nghiệp sau này. Sự sáng tạo trong thực hành kiến trúc của Giovanni rất phù hợp với phương pháp tiếp cận nghệ thuật của Alessandra. Họ gặp gỡ và cùng chia sẻ cam kết sâu sắc trong việc thử nghiệm các vật liệu và cảnh quan để vượt qua ranh giới của kiến trúc truyền thống. Sự đồng điệu này đã dẫn đến việc thành lập Studio Ossidiana, nơi họ làm việc tại giao điểm của kiến trúc, nghệ thuật và các vấn đề môi trường.

Các dự án của Studio Ossidiana luôn phản ánh tầm nhìn của họ trong việc định nghĩa lại kiến trúc, xem nó như một công cụ quản lý và thúc đẩy phục hồi môi trường. Bộ đôi sáng tạo thúc đẩy việc sử dụng các vật liệu bền vững, chẳng hạn như đá tái chế, gỗ và bê tông ít lưu trữ carbon, đồng thời cho phép hệ sinh thái tự nhiên phát triển mạnh cùng với việc khai thác và sinh hoạt của con người.

Art Pavilion M. ben vung

Ảnh: Studio Ossidiana

Art Pavilion M. 

Một trong những dự án được đánh giá cao nhất của Studio Ossidiana là Art Pavilion M. tại Floriade Expo 2022 ở Almere, Hà Lan. Lấy cảm hứng từ đặc điểm địa lý của vùng Flevopolder, gian hàng được thiết kế như một hòn đảo nổi, sử dụng vật liệu tái chế và giả lập cảnh quan thiên nhiên để tạo ra một không gian vừa siêu thực vừa gắn kết. Thiết kế nhấn mạnh tầm quan trọng của môi trường sinh thái tự nhiên, cộng sinh phát triển thay vì chống lại luôn là phương pháp để con người tìm thấy sự yên bình.

Pigeon Tower ben vung 1

Ảnh: Studio Ossidiana

Pigeon Tower ben vung 2

Ảnh: Studio Ossidiana

Pigeon Tower tại Triển lãm kiến trúc Venice Biennale 2021

Một dự án nổi bật khác là Pigeon Tower . Tác phẩm điêu khắc này tái hiện không gian đô thị như những địa điểm tương tác không chỉ dành cho con người mà còn dành cho cả động vật. Bằng cách tạo ra trạm chứa thức ăn cho chim tại các không gian công cộng, Pigeon Tower mời gọi công chúng tham gia vào việc bảo vệ nơi ở và nguồn thức ăn cho động vật hoang dã. Các vật liệu sử dụng trong dự án cũng được tuyển chọn kỹ lưỡng, khống chế tác động môi trường của chúng ở mức tối thiểu.

Tsuyoshi Tane

Tsuyoshi Tane

Kiến trúc sư Tsuyoshi Tane. Ảnh: Britt Roelse

Archaeology of the Future ben vung

Triển lãm Archaeology of the Future do Atelier Tsuyoshi Tane Architects tổ chức. Ảnh: Mark Niedermann

Tsuyoshi Tane là một KTS nổi tiếng người Nhật Bản, hiện đang sinh sống và làm việc tại Paris, Pháp. Ông được giới chuyên môn đánh giá cao bởi triết lý thiết kế dung hòa tính bền vững và lịch sử văn hóa vào kiến trúc. Theo Tsuyoshi Tane, “bất cứ địa điểm nào cũng luôn có những ký ức ăn sâu vào lòng đất, vào lịch sử và những ký ức này sẽ trở thành nền tảng để xây dựng tương lai”. Suy nghĩ sâu sắc này đã góp phần hình thành nên tư duy thiết kế độc nhất, được chính ông ví von là “Khảo cổ học của tương lai”. Các tác phẩm của Tane không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn có khả năng cắt lớp quá khứ, nỗ lực thể hiện mối liên hệ sâu sắc giữa những tòa nhà với văn hóa cộng đồng nơi chúng tọa lạc.

Sự nghiệp kiến trúc của Tsuyoshi Tane bắt đầu tại Tokyo, nhưng việc được tiếp cận với nền giáo dục quốc tế đã định hình nên góc nhìn toàn cầu của ông. Sau đó, Tane tiếp tục mài giũa triết lý thiết kế và thu thập cho mình kinh nghiệm chuyên môn đa dạng thông qua sự hợp tác với các công ty nổi tiếng: David Adjaye và Kengo Kuma, cũng như qua những chuyến công tác trên khắp châu Âu, châu Á và Trung Đông. Sự tôn trọng sâu sắc của Tsuyoshi Tane đối với lịch sử, kết hợp với những ý tưởng tiên tiến về tính bền vững, đã cho phép ông tạo ra những không gian tôn vinh quá khứ, đồng thời đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng đương đại. Trong mọi tác phẩm của mình, Tsuyoshi Tane chứng minh rằng kiến trúc có thể đóng vai trò như cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, kết hợp tính bền vững với lịch sử văn hóa để tạo ra những công trình không chỉ mang chức năng vật lý mà còn lưu trữ giá trị của các nền văn minh.

Estonia Museum ben vung 1

Ảnh: Takuji Shimmura

Estonia Museum ben vung 2

Ảnh: Takuji Shimmura

Công trình Bảo tàng quốc gia Estonia

Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Tsuyoshi Tane là công trình Bảo tàng quốc gia Estonia, được xây dựng trên nền đất của một căn cứ không quân Liên Xô cũ. Hoàn thiện vào năm 2016, bảo tàng vừa là một di tích văn hóa, vừa là một địa danh kiến trúc độc đáo, xóa nhòa ranh giới giữa quá khứ và hiện tại thông qua cấu trúc tuyến tính và khí động học.

Tane Garden House ben vung

Ảnh: Julien Lanoo

Tane Garden House

Tác phẩm mới nhất của ông – Tane Garden House (tạm dịch: Nhà vườn Tane), vừa được ra mắt vào năm 2023 tại khuôn viên Vitra ở Weil am Rhein, Đức, là minh chứng cho sự tận tụy của Tsuyoshi Tane đối với tính bền vững và nghề thủ công địa phương. Với cấu trúc hình bát giác nhỏ, chỉ rộng 15m2, Tane Garden House có chức năng như phòng họp và không gian lưu trữ dụng cụ cho những nghệ nhân làm vườn. Điểm nổi bật của dự án này nằm ở những vật liệu được sử dụng, chẳng hạn như đá hoa cương, gỗ, rơm và dây thừng có nguồn gốc tại địa phương, giúp giảm thiểu chi phí môi trường do khai thác mỏ và vận chuyển đường dài.

Tổng hợp: Thùy Như


Xem thêm

EDIDA 2022 Nomination | Mario Cucinella – Tư duy bền vững

Kiến trúc sư “lấn sân” nội thất: Hành trình chuyển biến và thăng hoa trong sáng tạo

Lát đá sân vườn: Lớp nền bền vững cho không gian ngoại thất