Không gian bán lẻ kiến tạo cộng đồng thương hiệu

Thiết kế của các cửa hàng bán lẻ có thể vượt ra khỏi việc trưng bày sản phẩm thông thường, trở thành một công cụ mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng cộng đồng tiêu thụ.

Khi các phương pháp tiếp thị truyền thống không còn thu hút khách hàng và tạo ra quá nhiều tương đồng trong thị trường cạnh tranh là lúc các thương hiệu nổi tiếng cần nhận ra phải thay đổi cách tiếp cận, chú trọng vào mức độ sáng tạo của kiến trúc và thiết kế cửa hàng bán lẻ để mang đến những không gian tăng cường tương tác và khơi gợi cảm giác thân thuộc. 

Cộng đồng thương hiệu và cốt lõi của kiến trúc bán lẻ cộng đồng

Thuật ngữ “cộng đồng thương hiệu” mô tả một nhóm người tiêu dùng yêu thích sản phẩm, mục đích và thông điệp của thương hiệu, tận hưởng cảm giác thân thuộc khi liên kết với những người có cùng đam mê khác, từ đó tích cực tham gia vào hệ sinh thái và các chiến dịch của thương hiệu đó. Ví dụ phổ biến nhất là cộng đồng những người đam mê Apple thường sẽ sử dụng toàn bộ đồ điện tử thuộc hệ điều hành iOS hoặc sẽ thay đổi điện thoại mỗi khi thương hiệu công bố dòng cải tiến mới. Chính vì khả năng thúc đẩy doanh số đáng kinh ngạc mà “cộng đồng thương hiệu” từ lâu đã được công nhận là một tài sản trong việc kinh doanh và xây dựng thương hiệu.

kien truc ban le cong dong Apple Jing'an shanghai

Cửa hàng Apple tại Jing’an, Thượng Hải. Ảnh: Nigel Young

Cốt lõi của các kiến trúc bán lẻ cộng đồng là không gian vật lý gắn kết với nền kinh tế và cộng đồng địa phương, thêm thắt các hoạt động trải nghiệm, tương tác cá nhân hóa cho từng khách hàng như: trưng bày, giới thiệu sản phẩm và khu vực tư vấn chuyên môn. Bên cạnh đó, các cửa hàng bán lẻ còn mang vẻ đẹp hấp dẫn về mặt thị giác, khuyến khích khách hàng chia sẻ trải nghiệm của họ lên các nền tảng và thúc đẩy truyền thông xã hội. Những dấu ấn cá nhân sẽ giúp xây dựng mối quan hệ tốt với các khách hàng, khiến họ cảm thấy được trân trọng, trong khi sự sáng tạo kiến trúc sẽ tạo ra tiếng vang, thể hiện thông điệp và thẩm mỹ thương hiệu một cách rõ ràng, mạnh mẽ.

kien truc an tuong mau nau kim loai Starbucks flagship store

Starbucks Reserve Roastery. Ảnh: Starbucks

Nhãn hàng cũng thường xuyên tổ chức các sự kiện như: gặp gỡ, tiệc tùng và ra mắt sản phẩm tại những địa điểm này, cho phép người hâm mộ kết nối trực tiếp với thương hiệu, với nhân viên và với nhau. 

Các thương hiệu đang làm gì trong kiến trúc bán lẻ cộng đồng của mình?

Hiện nay, các thương hiệu toàn cầu rất ráo riết trong việc biến không gian bán lẻ thành những trung tâm trải nghiệm. Điển hình, cửa hàng flagship của Nike ở SoHo, New York được trang bị sân bóng rổ, bóng đá mini, máy chạy bộ mô phỏng các đường chạy ngoài trời, khu vực để thiết kế những đôi Air Force 1 và huấn luyện viên hướng dẫn khách hàng trong các buổi luyện tập thử nghiệm sản phẩm. Camera được lắp đặt xuyên suốt cửa hàng để ghi lại các trận đấu từ nhiều góc độ và phân tích dáng đi để đưa ra đề xuất giày thể thao phù hợp với cơ địa của mỗi khách hàng.

cua hang trai nghiem nike soho USA

Nike tại SoHo, Mỹ. Ảnh: Nike

kien truc ban le doc dao san bong ro nike

Nike tại SoHo, Mỹ. Ảnh: Nike

Tương tự, thương hiệu mỹ phẩm đình đám của Mỹ Glossier cũng tận dụng các cửa hàng của mình như một dấu ấn của việc xây dựng cộng đồng. Ví dụ, “Glossier Canyon” ở chi nhánh Miami với các khối đá màu hồng rực rỡ đã cung cấp địa điểm chụp ảnh ấn tượng cho những bạn trẻ tại địa phương. Hay phòng trưng bày ở Seattle của thương hiệu sở hữu tác phẩm sắp đặt “Moisture Truck”, một chiếc xe tải cổ điển chứa đầy các sản phẩm chăm sóc da và chuyên viên tư vấn trang điểm của Glossier, hứa hẹn mang đến trải nghiệm cá nhân hóa tối đa cho mỗi khách hàng.

vach da hong glossier Glossier Canyon miami

Glossier Canyon. Ảnh: Glossier

kien truc ban le cong dong glossier seattle

Moisture Truck. Ảnh: Glossier

cua hang trung bay glossier seattle

Cửa hàng Glossier ở Seattle. Ảnh: Glossier

Những ví dụ này chứng minh kiến trúc bán lẻ cộng đồng sáng tạo có thể vượt xa trải nghiệm mua sắm thông tường để tạo ra môi trường nơi khách hàng cảm thấy có giá trị và gắn bó. Với sự chú trọng ngày càng tăng vào trải nghiệm cá nhân hóa, các thương hiệu toàn cầu thúc đẩy xây dựng cộng đồng có sự khác biệt nhất định với thị trường kỹ thuật số, góp phần mang lại những tác động tích cực cho nền kinh tế địa phương. 

Thực hiện: Thùy Như | Theo: ArchDaily


Xem thêm: 

Boutique: Chất nghệ của ngành bán lẻ

Boutique thời đại số: Tìm sự cân bằng giữa vật lý và trực tuyến

Bảo tàng thiết kế Red Dot: Điểm nhấn nghệ thuật trong không gian thương mại