Kiến trúc như một bức gương phản ánh nhiều khía cạnh của một địa phương, từ văn hóa, thẩm mỹ cho đến những đặc điểm tự nhiên và khí hậu. Tại Mernoca thuộc vùng Địa Trung Hải, một nhà kho có niên đại từ những năm 1800s đã được Atelier du Pont cải tạo thành khu nghỉ dưỡng Son Blanc – một khách sạn boutique mang đặc trưng kiến trúc đá Marés của hòn đảo này.
Theo chia sẻ của chủ sở hữu Benedicta Linares Pearce và Benoît Pellegrini, vật liệu trong các công trình cổ xưa từ nền văn hóa Talayotic còn sót lại và những trang trại trên đảo hiện nay thường có màu đất son và trắng. Vì vậy khi mua khu nhà rộng 50 ha này, cả hai mong muốn liên kết yếu tố đá Marés và đan xen sự hiện đại vào không gian thông qua quá trình cải tạo công trình. Cặp đôi tìm đến kiến trúc sư Anne-Cécile Comar và Philippe Croisier – những đối tác sáng lập của Atelier du Pont, khi khám phá rằng giữa họ có cùng niềm đam mê chung đối với thiên nhiên, kiến trúc truyền thống và mối liên kết mạnh mẽ với hòn đảo Mernoca.
Hướng đến việc tạo ra những không gian lấy cảm hứng từ chính bối cảnh xung quanh, về mặt địa lý và văn hóa, các kiến trúc sư đã thiết kế công trình từ sự kết hợp giữa xây dựng truyền thống và sáng tạo tập thể. Với mục tiêu hướng khu đất về lại thành một trang trại như trước nhằm cung cấp thực phẩm cho nhà hàng, văn phòng kiến trúc đã làm việc với công ty địa phương ARU Arquitectura bao gồm các kỹ sư, thợ thủ công, nhà thiết kế cảnh quan lẫn các chuyên gia nông nghiệp để thực hiện dự án cải tạo này vào năm 2018.
Không gian hoàn chỉnh được bao phủ bởi đá Marés, phần lớn là đá nguyên khối tự nhiên và các chi tiết trang trí chạm khắc. Bên cạnh việc ứng dụng các thiết bị hiện đại như máy bơm nhiệt địa nhiệt và pin năng lượng mặt trời, quy trình xây dựng truyền thống cũng được áp dụng, lớp cách nhiệt gồm đá và nút chai phủ hoàn thiện bằng một lớp vôi trắng. Ngoài ra, vì lượng nước trên đảo khá hạn chế, các biện pháp tái sử dụng nước được tăng cường áp dụng vào dự án, hàng năm có gần 60.000 lít nước mưa được lưu trữ trong các bể chứa, hệ thống nước sẽ xử lý nước thải tại chỗ và tái sử dụng cho mục đích tưới tiêu.
Sự tôn trọng thiên nhiên được thể hiện trong tác phẩm nghệ thuật của khách sạn. Nhiều món trang trí được làm thủ công từ các vật liệu như mây, gỗ và gốm. Đáng chú ý là phòng tập yoga, nơi trưng bày một tác phẩm được làm từ sợi thực vật và các quả cầu chamotte. Bản sắc của khách sạn được tiết lộ trong thiết kế khối Boyera – gồm khu vực lễ tân, nhà hàng và phòng thể thao, các dầm gỗ trong không gian này đan xen nhau, kết hợp với vách ngăn nội thất cong giúp phân định thành những khu vực khác nhau. Hệ kết cấu này như một bức bình phong phá vỡ nguyên tắc hình học trong không gian, ẩn giấu các khu vực kỹ thuật và nhấn mạnh kiến trúc hữu cơ của công trình.
Thực hiện: Vân Thảo | Theo: Interior Design | Ảnh: Maria Missaglia
Xem thêm:
Khách sạn Casa Yuma: Thiên nhiên thân thuộc