Giữa cuộc sốn bộn bề, những câu chuyện thần tiên hư cấu như những chuyến tàu đưa ta rời khỏi thực tại dù chỉ trong giây phút ngắn ngủi. Điện ảnh và văn chương đã mở ra một thế giới hoàn toàn mới cho người đọc với nhiều cảm quan khác nhau mà ở đó, nhiều thứ khác biệt được pha trộn để tạo ra một tổng thể lôi cuốn. Lối kiến tạo chiết trung ấy đang dần được áp dụng vào thực tiễn tại nhiều công trình dịch vụ với các bảng màu và đồ nội thất đậm chất thơ. Một loạt các dự án khách sạn và nhà hàng đã tạo ra những không gian nội thất lãng mạn, cầu kỳ pha trộn giữa thực tế, hư ảo, những khía cạnh mới lạ mang tính điện ảnh và đậm đà hơi thở lịch sử của địa phương – được gọi tắt là chủ nghĩa Tối đa Chiết trung.
Khách sạn Ulysses
Nằm trong tòa nhà có tuổi đời từ năm 1911 tại khu phố Mount Vernon, khách sạn Ulysses được thiết kế bởi ASH NYC mang thiên hướng điện ảnh như những không gian khác trong cùng hệ thống. Tại đây, mỗi khu vực đều thu hút sự chú ý của người sử dụng đến từng chi tiết nhỏ. Từng góc độ, chuyển động mang tính liên tục. Bố cục và ánh sáng ấn tượng, góp phần tạo nên cảm giác xa hoa và hào nhoáng.
Một trong những không gian nổi bật nhất của khách sạn là Bloom’s, sảnh cocktail sang trọng được bài trí những ghế bọc nhung, các bề mặt được tráng gương và những cây cọ mạ chrome theo phong cách Hans Hollein. Tất cả các chi tiết gợi lại kiến trúc từ những rạp xiếc thế kỷ XXI, sòng bạc Las Vegas và các gian phòng nghỉ dưỡng trăng mật những năm 50 tại vùng Poconos.
Khách sạn Dorchester London
Thông qua sự kết hợp giữa đồ nội thất và chất liệu, kiến trúc sư Martin Brudnizki đã kết tinh được sự cân bằng giữa chất nghệ thuật và tính trải nghiệm tại khách sạn Dorchester nổi tiếng ở London. Ông quan niệm rằng: “Ký ức và cảm giác thoát ly là những phần quan trọng của thiết kế.” Thiết kế và lịch sử của Dorchester đặc biệt nhấn mạnh những hưởng thụ và chủ nghĩa thoát ly của giới quý tộc trẻ tự do. Khai trương vào năm 1931, Dorchester nhanh chóng trở thành điểm đến nổi tiếng cho giới thượng lưu Hollywood và giới văn học London thời bấy giờ. Với dấu ấn Art Deco rõ nét, nơi này vô cùng thu hút du khách bởi các buổi biểu diễn nhạc jazz, trình diễn tạp kỹ và cả những buổi thảo luận văn học uy tín được tổ chức đến tận ngày nay.
Mối quan hệ mật thiết giữa văn học và thiết kế nội thất đã hiện diện ở Dorchester kể từ khi khai trương. Khi mở cửa, khách sạn đã xuất bản riêng cuốn truyện “A Young Man Comes to London” – một tác phẩm lãng mạn châm biếm dài 49 trang của Michael Arlen kể về những trải nghiệm tại chính Dorchester. Không chỉ lấy cảm hứng từ câu chuyện này, kiến trúc sư còn khai thác rất nhiều khía cạnh khác của văn học để áp dụng vào nội thất khách sạn. Ở tầng trệt, thiết kế Vesper Bar của ông được truyền cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết “Casino Royale” năm 1953 của Ian Fleming, trong đó James Bond tỉnh dậy trong một căn phòng ở Dorchester. Trong khi đó, sảnh cocktail lấy cảm hứng từ “007” với trần lá palladium ấn tượng mang lại một tầng cảm giác thoát ly khỏi hiện thực.
Khách sạn The Ned NoMad
Stonehill Taylor và Soho House Design Group đã bắt tay hợp tác biến khách sạn NoMad trước đây thành câu lạc bộ và khách sạn tư nhân có tên The Ned NoMad. Công trình nằm bên trong tòa nhà Beaux Arts Johnston gần hẻm Tin Pan, được lấy cảm hứng từ mối liên kết của khu phố với thời kỳ hoàng kim của âm nhạc. Không nơi nào thể hiện điều này rõ ràng hơn Magic Room – tên gọi của khu vực sảnh đón đỏ thẫm với cách bài trí hệt như một câu lạc bộ cabaret mang hơi hướng Art Deco.
Nhóm thiết kế giải thích: “Vị trí của căn phòng tạo nên cảm giác bí mật. Nằm ẩn sau bức tường, bạn sẽ thấy thật đặc biệt khi được dẫn lối tới không gian này. Sân khấu và cửa sổ hướng ra đường 28 trên ngõ Tin Pan. Khi show diễn bắt đầu, toàn bộ con phố này sẽ vang vọng tiếng nhạc.”
Nhà hàng Bad Roman
Đôi lúc, không nhất thiết phải vẽ nên câu chuyện thiết kế từ một tòa nhà có niên đại hàng chục năm tuổi mới có thể khiến bạn đắm say trong thế giới hoài niệm, mà việc xây dựng một công trình mới hoàn toàn cũng có thể. Đây là những gì GRT Architects đã làm với Bad Roman, một nhà hàng Ý hiện đại nằm ẩn mình giữa các cửa hàng Manhattan tại vòng xoay Columbus. Cùng với menu đậm vị truyền thống, nhà hàng như giúp khách hàng tách khỏi trung tâm mua sắm nhộn nhịp và bước vào vùng sáng đỏ đầy mê hoặc trải khắp nhà hàng.
Tương tự khách sạn Ulysses, nhà hàng Bad Roman pha trộn giữa chủ nghĩa cổ điển và du mục, nơi hội tụ sự cân bằng giữa vật liệu, bối cảnh, ánh sáng và những món đồ trang trí độc đáo như tượng lợn rừng đội nón, tay nắm cửa hình rắn, bát gốm Majolica và những mảnh gạch lát từ thế kỷ XIX. Đơn vị thiết kế GRT đã chia sẻ: “Hoàn toàn không tối giản, quan điểm thiết kế của Bad Roman được định nghĩa bằng các món đồ mỹ nghệ tinh xảo và vật liệu bắt mắt.”
Thực hiện: Vân Thảo | Theo: Metropolis
Xem thêm
Nhà hàng San Carlo: Chất Ý lịch duyệt