Cây kim ngân được biết đến với vẻ ngoài đặc trưng, có tính chất dễ chăm sóc và ẩn chứa nhiều thông điệp tượng trưng sâu sắc. Chính vì vậy, chúng rất được ưa chuộng và trồng trong không gian sống của người Việt như một yếu tố trang trí, bất kể đó là nhà ở hay văn phòng.
Tên gọi đặc biệt và nguồn gốc
Cây kim ngân có tên tiếng Anh là Pachira Money Tree và tên khoa học là Pachira Aquatica. Loài cây nhiệt đới này có nguồn gốc từ các đầm lầy và vùng đất ngập nước ở Trung và Nam Mỹ, đặc biệt sinh trưởng mạnh ở các khu vực như Mexico, miền bắc Brazil và một số quốc gia thuộc Trung Mỹ.
Trong cái tên kim ngân, “ngân” có nghĩa là ngân lượng, tiền bạc, vậy nên loài cây này thường gắn liền với sự may mắn, thể hiện mong cầu về sự trù phú trong cuộc sống. Cũng bởi vì tên gọi của mình mà cây kim ngân rất hay bị nhầm lẫn với cây kim tiền, tuy nhiên, chúng là hai loài cây với các đặc điểm hình thái vô cùng khác nhau, chỉ cùng bắt nguồn từ điểm chung là niềm tin vào sự thịnh vượng và may mắn về tài chính mà chúng mang lại.
Đặc điểm
Có thể nói, trong số những loài cây trồng trong nhà, cây kim ngân sở hữu nhiều đặc điểm riêng biệt vô cùng bắt mắt. Nổi bật nhất là phần thân xoắn độc đáo, được tạo ra khi nhiều thân cây đan lại với nhau thành hình thái giống như những bím tóc, thể hiện sự mềm dẻo nhưng vẫn kết nối và mạnh mẽ. Lá của cây kim ngân có hình chân vịt, thường gợi liên tưởng đến hình tượng bàn tay với các ngón tay xòe rộng. Mỗi thân thường có năm đến bảy lá chét màu xanh bóng và trong quan niệm phong thủy, số năm gắn liền với sự cân bằng về âm dương ngũ hành, truyền tải năng lượng tích cực.
Mặc dù cây kim ngân hiếm khi nở hoa trong nhà, nhưng trong môi trường sống tự nhiên, sau khi trưởng thành, chúng sẽ cho ra những bông hoa lớn, thơm, màu trắng hoặc xanh lục hơi vàng. Vào giai đoạn kết quả, cây tạo thành những quả lớn hình trứng, đôi khi dài tới 30cm. Bên trong chứa từ 10-20 hạt, ăn được và có thể rang hoặc nghiền để tạo thành bột thuốc.
Ý nghĩa phong thủy
Cây kim ngân có dáng đứng vững chãi hiên ngang, thân bện xoắn vào nhau tượng trưng cho sự đoàn kết, mạnh mẽ trước sóng gió. Lá cây xòe quanh thân thành 5 nhánh là biểu tượng cho sự cân bằng giữa kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Vì vậy mà loài cây này hầu như không tương khắc với bất kỳ mệnh nào trong phong thủy, thậm chí chúng còn khắc phục những nhược điểm về tính cách của người tuổi Tuất, Thân và Tý. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, đa số những người mang một trong ba cầm tinh trên đều có tấm lòng chân thành, tốt đẹp nhưng cũng vì vậy mà họ hay bị lợi dụng. Trồng cây kim ngân trong nhà giúp mang lại sự hài hòa, chỉ đường dẫn lối cho công việc đi đúng hướng, tránh gặp phải những kẻ tiểu nhân và dễ dàng đạt đến thành công.
Số cây kim ngân được trồng trong cùng một chậu cũng biểu trưng cho những mong muốn khác nhau. Chẳng hạn, đối với thế “trụ thiên”, nghĩa là một chậu chỉ trồng một cây duy nhất thì thân cây phải to và mập mạp, đại diện cho vị thế vững vàng, kiên định của một gia tộc. Thế “phúc – lộc – thọ” – một chậu trồng ba cây với thân xoắn vào nhau, thể hiện mong ước rằng 3 phước lành: phúc – lộc – thọ sẽ luôn bền chặt và song hành cùng gia chủ. Tương tự, trong thế “phúc – lộc – thọ – an – khang”, một chậu sẽ chứa 5 cây, biểu tượng cho sự hiện diện của cả 5 yếu tốsẽ phù hộ cho từng thành viên trong gia đình.
Ngoài việc mang trong mình những ý nghĩa tốt đẹp, tán lá của cây kim ngân cũng rất sum suê và xanh tốt, vừa hàm chứa sức sống mãnh liệt vừa thu hút sự thịnh vượng về tiền bạc. Chính vì thế mà nhiều người cho rằng đặt cây kim ngân ở góc đông nam của ngôi nhà (góc phong thủy gắn liền với sự giàu có) hoặc trên bàn làm việc sẽ giúp thu hút nhiều may mắn, tiền tài cho gia chủ.
Lợi ích của cây kim ngân
Giống như nhiều loại cây trồng trong nhà khác, cây kim ngân giúp thanh lọc không khí bằng cách loại bỏ độc tố và tăng mức oxy, mang đến chất lượng không khí cao và lành mạnh hơn. Ngoài chức năng loại bỏ độc tố, loài cây này còn có khả năng đuổi muỗi rất tốt nhờ vào hàm lượng tinh dầu và hợp chất tự nhiên giải phóng mùi gây khó chịu cho côn trùng, có trong các tế bào lá. Đồng thời, là một loài cây ưa nước, cây kim ngân cũng hấp thụ tốt độ ẩm tự nhiên. Muỗi thường bị thu hút bởi nước đọng và những khu vực có độ ẩm quá cao vì chúng cần nước để sinh sản. Thế nên, bằng cách giảm độ ẩm dư thừa trong môi trường xung quanh, cây kim ngân giúp hạn chế các điều kiện thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của muỗi.
Tuy nhiên, khi trồng cây kim ngân trong nhà, cần lưu ý rằng nhựa do chúng tiết ra có chứa độc tố gây hại cho sức khỏe, nên tránh ngắt lá, cào cấu lên thân cây khiến nhựa bắn vào da, mắt.
Những điều cần lưu ý khi chăm sóc cây kim ngân
Mặc dù tương đối dễ chăm sóc nhưng cây kim ngân cũng có một số điểm cần lưu ý để đảm bảo cung cấp cho chúng môi trường sinh trưởng thuận lợi nhất. Đầu tiên, cây kim ngân phát triển mạnh trong điều kiện ánh sáng gián tiếp, nghĩa là bạn được khuyến khích hãy đặt cây ở những nơi có ánh sáng yếu, lý tưởng nhất là gần cửa sổ có dán phim lọc sáng và hạn chế sự chiếu rọi trực tiếp của mặt trời bởi điều đó có thể làm cháy lá của cây.
Tuy xuất thân từ đầm lầy – nơi có môi trường vô cùng ẩm ướt nhưng cây kim ngân lại kị tưới nước nhiều. Để đảm bảo cây thật sự khỏe mạnh, bạn cần sắp xếp lịch tưới tiêu một cách hợp lý, thường xuyên kiểm tra để chắc chắn rằng 2,5cm của lớp đất trên cùng phải khô giữa các lần tưới để tránh thối rễ. Đồng thời, theo lời khuyên của các chuyên gia, bạn nên sử dụng đất bầu gốc than bùn với khả năng thoát nước tốt, chọn các loại chậu có lỗ thoát nước và thay chậu hai đến ba năm một lần để cung cấp không gian cho rễ cây phát triển.
Cuối cùng, nếu như bạn trồng cây kim ngân ở những vùng khí hậu có mùa đông lạnh, nhiệt độ hạ thấp hơn mức lý tưởng cho sự phát triển của cây (từ 18°-24°C) trong vài tháng, thì bạn không nên bón phân cho cây vào những tháng này bởi khi đó cây đang trong thời kỳ ngủ đông. Việc bón phân không đúng mùa sinh trưởng sẽ khiến cho cây bị dư thừa, dẫn đến ngộ độc chất dinh dưỡng.
Thực hiện: Thùy Như
Xem thêm:
Hoa hồng và lịch sử tiến hóa đầy quyến rũ