Cây hương thảo là loại thảo mộc thơm có lịch sử lâu đời và có mặt trong cả nhà bếp và vườn tược, được yêu thích bởi khả năng biến hóa đa dạng trong cách sử dụng, dược tính mạnh mẽ, hương thơm đặc trưng và sức sống dẻo dai. Cùng với đặc tính dễ chăm sóc, dễ thích nghi, có thể trồng ở những không gian nhỏ như ban công, loài cây này đang được nhiều người ưa chuộng bởi chúng vừa mang mảng xanh vào không gian sống, vừa là gia vị giúp một số món ăn thêm ngon.
Nguồn gốc
Hương thảo thuộc họ hoa nhà môi, được biết đến như một loại cây gia vị truyền thống với nhiều tên gọi khác nhau tùy theo địa phương như: mê điệt hương hoặc cây dương chổi. Nó còn có tên khoa học là Rosmarinus officinalis, đọc ngắn gọn trong tiếng Anh là Rosemary. Tên của loài cây này – Rosmarinus, bắt nguồn từ tiếng Latin: “ros” (sương) và “marinus” (biển), có nghĩa là “sương của biển”, phản ánh môi trường sống tự nhiên và xuất xứ Địa Trung Hải.
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, cây hương thảo được tìm thấy lần đầu tiên ở khu vực Địa Trung Hải và đặc biệt sinh trưởng mạnh mẽ dọc theo bờ biển Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp và Pháp. Sau đó, loài cây này du nhập sang các châu lục khác và được trồng nhiều ở phía Nam châu Âu, Tây Á và Bắc Phi. Tại Việt Nam, cây hương thảo được trồng ở một số tỉnh miền Trung và miền Nam.
Đặc điểm
Hương thảo là một loài cây bụi thường xanh có lá hình kim. Mép lá hơn gập xuống, khá nhẵn ở mặt trên và có lông tơ ở mặt dưới. Tán lá phân tầng rõ rệt, từ màu xanh đậm chuyển dần sang trắng bạc về phía gốc. Cây trưởng thành thường cao từ 1 đến 2 mét, tùy vào giống. Lá cây có mùi thơm nồng đặc trưng, gần giống với cây thông, tuy vị hơi đắng và chát nhưng ăn được nên thường được dùng để trang trí hoặc làm nguyên liệu thức ăn.
Cây hương thảo cho hoa nhỏ màu xanh nhạt hoặc trắng vào cuối mùa xuân cho đến đầu mùa hè. Những bông hoa này sẽ thu hút các loài thụ phấn như ong, bướm…, giúp cây phát triển một cách tự nhiên và xây dựng hệ sinh thái trên toàn cầu.
Lợi ích
Con người đã biết đến và sử dụng hương thảo trong hàng nghìn năm. Những ghi chép sớm nhất chỉ ra rằng, từ các nền văn minh cổ đại, cây hương thảo đã được đánh giá cao trong lĩnh vực y học và tôn giáo. Chẳng hạn, người Ai Cập đã trồng nó vào năm 5000 trước Công nguyên, trong khi ở Hy Lạp, hương thảo gắn liền với khả năng cải thiện trí nhớ và sự tập trung nên thường được học sinh bện thành vòng hoa, đeo lên đầu mỗi khi học bài. Người La Mã thì tin rằng hương thảo tượng trưng cho sự biết ơn và lòng chung thủy nên họ thường dùng loài cây này để trang trí đám cưới, đám tang và những nghi lễ linh thiêng khác.
Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để chứng thực công dụng phát triển tư duy và trí nhớ của cây hương thảo. Nhóm hợp chất terpene trong tinh dầu hương thảo có thể ngăn chặn sự phân huỷ của acetylcholine – một chất tham gia vào quá trình dẫn truyền xung thần kinh trong cơ thể, chất này tồn tại càng lâu thì khả năng ghi nhớ, tư duy của con người càng tăng.
Ngày nay, cây hương thảo được nhiều chuyên gia làm vườn khuyến khích trồng trong nhà bởi nó chứa nhiều tinh dầu và tanin và là nguồn cung cấp vitamin B6, canxi và sắt dồi dào, mang đến lợi ích xoa dịu tinh thần và phát triển thể chất. Mùi hương nhẹ nhàng của lá cây có tác dụng giảm căng thẳng, mệt mỏi và thanh lọc tâm trí. Rất nhiều liệu pháp điều trị các vấn đề liên quan đến tâm lý sử dụng tinh dầu hương thảo như một liều thuốc để kích thích và giải tỏa tâm trạng.
Một trong những công dụng tuyệt vời khác của cây hương thảo là trở thành gia vị kết hợp với thức ăn, đặc biệt là các món Âu. Lá cây hương thảo có khả năng khử mùi hôi tanh của các loại thịt như: thịt cừu, thịt nai và thịt heo mọi rất tốt, được sử dụng nhiều trong các món nướng hoặc món hầm. Đặc biệt, khi nấu ăn, nếu trên tay có mùi hương khó chịu từ nhiều loại thực phẩm lưu lại, bạn có thể vò lá cây hương thảo trong khoảng 1-2 phút, tinh dầu từ lá sẽ giúp khử mùi trên đôi bàn tay, khiến cho quá trình chế biến thức ăn trở nên dễ chịu hơn.
Cách trồng và những lưu ý khi chăm sóc
Trồng cây hương thảo khá đơn giản, lại không mất nhiều thời gian chăm sóc. Có hai phương pháp nhân giống phổ biến: nhân giống bằng cách giâm cành hoặc gieo hạt. Tuy nhiên, trồng từ hạt có thể khiến cây nảy mầm chậm nên đa số mọi người sẽ chọn giâm cành để sở hữu hương thảo một cách nhanh chóng.
Về nhiệt độ, hương thảo không chịu được những nơi quá nóng hoặc quá lạnh. Cây sinh trưởng tốt trong khoảng nhiệt dao động từ 20 đến 30 độ C. Đây cũng là loài cây ưa sáng nên thỉnh thoảng bạn sẽ cần mang chậu cây hương thảo của mình ra sân tắm nắng.
Muốn cây hương thảo phát triển tốt, bạn cần bón phân và tưới nước thường xuyên. Tuy nhiên, lưu ý rằng hương thảo là loài cây ưa nước nhưng cũng rất dễ bị úng, đòi hỏi điều chỉnh tần suất và lượng nước tưới liên tục. Một tuần tưới khoảng 2 – 3 lần, trời hanh khô có thể tăng lên 3 – 4 lần là chu kỳ tưới hợp lý. Nếu kỹ hơn, bạn có thể ước chừng bằng cách quan sát và cảm nhận độ ẩm, khi 2,5 cm đất trên cùng khô chính là lúc cây cần được tưới nước. Để giảm nguy cơ úng rễ, bạn nên chọn loại đất trồng mùn tơi xốp, thoát nước tốt và thiết lập kế hoạch cung cấp thêm dinh dưỡng cho đất bằng phân chuồng, phân vi sinh hoặc một ít nấm trichoderma.
Tuy dễ trồng nhưng cây hương thảo cũng dễ bị sâu bệnh tấn công. Biểu hiện bệnh phổ biến của cây là lá bị sâu ăn hoặc lá có nhiều đốm trắng. Khi gặp phải tình trạng này, bạn nên sử dụng thuốc trừ sâu (với những cây trồng ngoài trời) hoặc bình xịt muỗi (với những cây đặt trong nhà), để bảo vệ cho cây mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân.
Một mẹo phòng tránh sâu bệnh hiệu quả cho cây hương thảo là cắt tỉa thường xuyên. Sau mỗi mùa ra hoa, bạn nên cắt đi 1/3 phần trên cùng của các ngọn cây, vừa giúp thúc đẩy sự phát triển, vừa duy trì hình dáng gọn gàng, tránh việc cây quá rậm rạp dẫn đến sự tích tụ của mầm bệnh.
Một điều nữa bạn cần lưu ý là hoa hương thảo sẽ hấp dẫn ong, bướm vào cuối mùa xuân cho đến đầu mùa hè, vì vậy, hãy thật sự cẩn thận và trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ khi làm vườn nếu bạn sở hữu cả một vườn cây hương thảo. Nếu chỉ có khoảng 1-2 cây đặt trong nhà, hãy cân nhắc mang cây ra gần ban công hoặc cửa sổ để quá trình thụ phấn diễn ra suôn sẻ và dễ dàng hơn.
Thực hiện: Thùy Như
Xem thêm: