Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế nội thất, khoảng 90% cây trồng trong nhà đến từ các vùng nhiệt đới. Jim Sutton, nhà thiết kế trưng bày thực vật cấp cao tại Longwood Gardens, Pennsylvania khẳng định: “Các loài cây nhiệt đới thường mọc dưới tán của các loài thực vật khác, do đó chúng có thể phát triển mạnh trong điều kiện ánh sáng yếu”. Ngoài sở hữu đặc tính sinh trưởng phù hợp với môi trường trong nhà, các loài cây nhiệt đới còn có khả năng thanh lọc không khí mạnh mẽ, giúp nâng cao cả tính thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống của bạn.
Cùng ELLE Decoration điểm qua 8 loại cây nhiệt đới phổ biến được trồng tại nhà.
Trầu bà lá xẻ
Monstera deliciosa, hay còn gọi là Swiss Cheese Plant, có tên tiếng Việt là Trầu bà lá xẻ. Đây là một trong những loài cây nhiệt đới nổi bật và được ưa chuộng bởi những chiếc lá to, bóng cùng các lỗ và rãnh xẻ tự nhiên. Ngoài vẻ ngoài ấn tượng, nó còn có khả năng loại bỏ độc tố và cải thiện chất lượng không khí trong nhà đáng kể. Tuy nhiên, với nguồn gốc đến từ các khu rừng nhiệt đới Trung Mỹ, loài cây này có nhu cầu ẩm cao, cần được tưới nước từ một đến hai tuần một lần. Khi trồng trong nhà, bạn có thể cân nhắc việc đặt chúng gần máy tạo độ ẩm để giảm thiểu tần suất tưới.
Cây kim tiền
Cây kim tiền có tên khoa học là Zamioculcas zamiifolia và thường được gọi là ZZ Plant hoặc Zanzibar Gem. Chúng trở nên phổ biến và tạo ra cơn sốt trên thị trường cây cảnh nhờ vào khả năng tự phục hồi, sức sống dẻo dai, mạnh mẽ và vẻ ngoài hấp dẫn về mặt thị giác. Có xuất xứ từ những khu rừng Đông Phi, cây kim tiền có lá hình bầu dục, bề mặt sáng bóng và đậm màu như được bôi sáp.
Trầu bà vàng
Cây trầu bà vàng là lựa chọn tuyệt vời cho những ai yêu thích việc trồng cây xanh trong nhà mà không có quá nhiều thời gian chăm sóc. Loài cây này có đặc tính leo bám mạnh mẽ với những chiếc lá hình trái tim nhiều màu sắc: xanh lục, vàng và trắng, thích hợp trồng trên giỏ treo hoặc giàn, mang đến hiệu quả thanh lọc không khí và khả năng thích ứng với các điều kiện ánh sáng, độ ẩm linh hoạt. Tuy đẹp và rất phù hợp để trang trí nhà cửa, nhựa của cây trầu bà vàng có chứa canxi oxalat, nguy cơ gây ra kích ứng môi, lưỡi và miệng, thậm chí là nôn mửa. Vậy nên, bạn cần cẩn trọng và trang bị đầy đủ biện pháp bảo hộ khi cắt tỉa cây.
Nha đam
Nha đam (tên khoa học: Aloe barbadensis miller) là một loại cây mọng nước được đánh giá cao vì dược tính mạnh, sở hữu khả năng làm dịu vết bỏng, vết cắt và kích ứng da, lại dễ chăm sóc và diện mạo tươi tốt. Lá cây nha đam dày, nhiều thịt, màu xanh hoặc xanh xám, thường có viền răng nhỏ màu trắng. Giống như nhiều loại cây trồng trong nhà, nha đam giúp loại bỏ các chất độc như formaldehyde và benzen, cải thiện chất lượng không khí trong nhà. Nhiều người thường lầm tưởng rằng các loài cây mọng nước sẽ cần được tưới nước thường xuyên, tuy nhiên, đó là suy nghĩ vô cùng sai lầm và thực chất, các loài cây này cần ánh sáng nhiều hơn. Vì thế, bạn cần đặt cây nha đam ở bệ cửa sổ đón nắng mặt trời nhằm kích thích quá trình sinh trưởng của cây.
Thài lài tía
Thài lài tía hay còn gọi là trai đỏ, có tên tiếng Anh là Wandering Jew, được miêu tả khoa học lần đầu tiên vào năm 1849. Cây có nguồn gốc từ Mexico, Trung Mỹ và Colombia với đặc tính mọc thành bụi tại các vùng đất ngập nước và rừng mưa nhiệt đới, thường là trên núi đá ở độ cao từ 2000m trở xuống. Nhờ màu sắc rực rỡ của lá, thài lài tía được ứng dụng nhiều trong việc trồng tạo thảm, tạo viền hay tường trang trí. Cây chịu bóng bán phần nên có thể linh hoạt đặt ở phòng làm việc hoặc trên ban công, hiên nhà. Ngoài ra, loài cây nhiệt đới này còn mang tác dụng chữa bệnh, phù hợp với đa dạng phương thuốc chữa thủy thũng, viêm họng, viêm ruột, ho, thổ huyết, mắt đỏ sưng đau…
Cây phong lộc hoa
Phong lộc hoa (tên khoa học: Guzmania Bromeliad) còn có tên gọi khác là cây Dứa cảnh nến, là một loài cây lâu năm có nguồn gốc từ miền Nam Trung Mỹ nhiệt đới, đặc biệt phổ biến ở Costa Rica. Cây thuộc họ Guzmania gồm hơn 120 loài khác nhau với những bông hoa rực rỡ sắc màu như vàng, cam, đỏ, tím… Chúng ưa ánh sáng nhẹ và ánh đèn nội thất nên phù hợp cho cả việc trồng trong nhà và ngoài trời. Mỗi cây chỉ nở hoa duy nhất một lần rồi lụi dần. Sau đó, xung quanh gốc hình thành các cây con, sinh trưởng và bắt đầu quy trình nở hoa như cây mẹ. Tuy khá dễ chăm sóc nhưng cây phong lộc hoa rất nhạy cảm với các hợp chất như clo, flo trong nước. Vì vậy, loại nước phù hợp nhất để tưới là nước mưa, nước giếng hoặc là các loại nước không chứa hai loại hợp chất trên.
Cây lưỡi hổ (tên tiếng anh: Snake plant) được biết đến rộng rãi như một trong những lựa chọn thân thiện với người mới bắt đầu trồng cây cảnh. Chúng có khả năng chịu đựng tốt trong điều kiện khô hạn và ánh sáng yếu, đặc biệt phù hợp cho việc làm đẹp văn phòng cũng như điều hòa không khí bởi khả năng lọc chất độc formaldehyde. Theo báo cáo của NASA, với một căn phòng có diện tích 75m² chỉ cần 4 lá của cây lưỡi hổ là đủ giữ cho căn phòng không bị ô nhiễm. Vì vậy, các chuyên gia khuyên rằng bạn nên đặt một chậu cây lưỡi hổ trong phòng ngủ để tăng oxy khi bật máy lạnh. Ngoài ra, bạn cũng nên trồng loài cây này tại nơi có nhiều máy in và máy tính để giảm thiểu bức xạ.
Hoa thiên điểu
Cây hoa thiên điểu là loài hoa thân thảo thuộc họ Chuối rẻ quạt với tên khoa học là Strelitzia reginae. Loài cây này có nguồn gốc từ Nam Phi và vùng nhiệt đới châu Mỹ, thường được biết đến với tên tiếng Anh là “Bird of Paradise” (Tạm dịch: Chim thiên đường). Cái tên mỹ miều của loài cây này xuất phát từ chính hình dáng đặc biệt của nó. Thân cây có chiều cao khoảng 2m, lá to, hình bầu dục mọc đối xứng nhau. Hoa thiên điểu mọc vuông góc với thân cây, cánh hoa màu cam và lam ánh tím, tạo thành hình dáng tương tự như một chú chim. Tuy nhiên, vì vẻ đẹp đặc trưng của mình mà cây thiên điểu dễ bị côn trùng và sâu hại tấn công. Bạn nên theo dõi thường xuyên và sử dụng phương pháp thủ công hoặc thuốc bảo vệ thực vật để ngăn chặn và xử lý sớm các loại sâu bệnh.
Thực hiện: Thùy Như
Xem thêm:
Hoa lay ơn: Vẻ đẹp mang tính biểu tượng
10 Loại cây trồng trong nhà thanh lọc không khí tốt nhất cho phòng ngủ