Hoa hồng và lịch sử tiến hóa đầy quyến rũ

Với lịch sử tiến hóa kéo dài từ các nền văn minh cổ đại, những bông hoa hồng giúp tô điểm cho các khu vườn và không gian sống lẫn đóng vai trò làm biểu tượng trong thần thoại, chính trị và văn hóa.

Hoa hồng được biết đến như đại diện tiêu biểu nhất cho tình yêu và khát vọng. Loài hoa này còn được yêu thích bởi sự đa dạng trong màu sắc và hình dạng tùy theo giống – thành quả của hàng thế kỷ nỗ lực lai tạo. Để có được sự phong phú như ngày nay, nó đã trải qua một hành trình phát triển thú vị. Từ nguồn gốc cho đến sự hiện diện trong thần thoại Hy Lạp, La Mã và chính trị, hoa hồng đã len lỏi vào cuộc sống của chúng ta một cách nhẹ nhàng, tinh tế nhưng cũng đầy bất ngờ. 

hoa hong rose chi rosa

Ảnh: Tiffany Chan

Nguồn gốc

Hoa hồng có lịch sử vô cùng lâu đời. Văn bản khoa học đầu tiên ghi nhận sự xuất hiện của loài hoa này là bài báo Contribution to the Fossil Flora of the Western Territories được viết bởi nhà cổ thực vật học Charles Leo Lesquereux vào năm 1883. Trong đó, ông đã mô tả và đặt tên cho hoa hồng là Rosa hilliae, sau khi nghiên cứu các mẫu vật nhận được từ Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ của Hayden và Đoàn thám hiểm khoa học Princeton thu thập năm 1877. 

rose chi rosa

Ảnh: ameenfahmy

Sau đó, trải qua một quá trình không ngừng tìm tòi, các nhà khoa học đã chứng minh được rằng tổ tiên của hoa hồng hiện đại có nguồn gốc từ Châu Á và đã xuất hiện cách đây khoảng 35 triệu năm. Từ một loài cây mọc dại, theo thời gian, hoa hồng được các tộc người thuộc những nền văn minh cổ đại như Trung Quốc, Trung Đông… nhân giống và mang về trồng trong vườn vào 5.000 năm trước Công nguyên, với mục đích chế tạo nước hoa và tinh dầu thơm, dùng làm thuốc và trang trí cho các lễ kỷ niệm cũng như nghi lễ tôn giáo. Ba Tư cổ đại (ngày nay là Iran) và Trung Quốc được xem là nơi khai sinh ra nghề trồng hoa hồng. Cuối cùng, loài hoa này du nhập vào Châu Âu thông qua các tuyến đường thương mại và rất được coi trọng trong văn hóa Hy Lạp và La Mã cổ đại.

Sự hiện diện trong thần thoại

Theo thần thoại Hy Lạp, nữ thần hoa Chloris đã tạo ra hoa hồng bằng cách thổi sự sống vào một nàng tiên rừng đã chết. Giống loài mới này được Dionysus – vị thần của rượu vang và thực vật ban cho hương thơm quyến rũ và được Aphrodite – nữ thần sắc đẹp đặt tên là “Rose” bằng cách sắp xếp lại các chữ cái trong tên con trai của bà – Eros. 

rose chi rosa

Bức tranh “The Roses of Heliogabalus” của Alma-Tadema (1888). Ảnh: Lawrence Alma-Tadema

Sau đó, Eros đã tặng một bông hồng cho Harpocrates – vị thần của sự im lặng, như một khoản hối lộ để ông giữ kín, không tiết lộ cho bất kỳ ai về những sai sót của các vị thần. Từ đây, hoa hồng trở thành biểu tượng của sự bí mật, im lặng và tình yêu. Câu chuyện tương tự cũng đã xuất hiện trong thần thoại La Mã với sự đổi tên của các nhân vật thành: Flora, Venus, Cupid và Bacchus.

Sự liên tưởng đến những bí mật đã khiến hoa hồng trở thành biểu tượng trực quan của sự kín đáo. Chúng được chạm khắc trên trần nhà, tường của các phòng xưng tội tại các nhà thờ lớn, phòng xử án và tòa giải tội Công giáo như một lời nhắc nhở rằng mọi cuộc trò chuyện đều phải được giữ bí mật. Từ thời Trung cổ, một bông hồng thường được treo trên trần nhà của phòng hội đồng chính phủ để đảm bảo tính bảo mật của các thủ tục. Do đó, sub rosa (tạm dịch: dưới bông hồng) đã trở thành một thuật ngữ bán hợp pháp để chỉ điều gì đó tốt nhất nên giữ kín.

rose chi rosa

Ảnh: Tư liệu

Sự xuất hiện trong chính trị

Từ việc chỉ dùng để trang trí và tạo hương thơm, hoa hồng dần mang nhiều ý nghĩa sâu sắc hơn khi xuất hiện trong các biểu tượng của giới quý tộc. Vào thế kỷ 13, hoa hồng trắng Rosa alba được lấy làm biểu tượng huy hiệu của Éléonore xứ Provence – một nữ quý tộc người Pháp, người đã trở thành Vương hậu Anh của Vua Henry III từ năm 1236 cho đến năm 1272. Sau này, con trai của bà là Edmund – Bá tước xứ Lancaster, đã sử dụng huy hiệu hoa hồng đỏ Rosa gallica, đưa hoa hồng trở thành biểu tượng chính thức của gia tộc Lancaster.

hoa hong rose chi rosa

Hình ảnh mô phỏng hoa hồng trắng trên huy hiệu của giới quý tộc Anh. Ảnh: Tư liệu

Hơn 200 năm sau, Richard – Công tước xứ York cũng chọn hoa hồng trắng làm huy hiệu của mình. Dẫn đến, khi quyền kế vị ngai vàng của nước Anh bị tranh chấp bởi hai gia tộc Lancaster và York (giai đoạn 1455-1487), cuộc xung đột này được gọi là Chiến tranh Hoa hồng. Để giải quyết cuộc nội chiến này, Henry Tudor – người được chọn làm vua đến từ nhà Lancaster đã kết hôn với công nương Elizabeth của nhà York và hợp nhất hoa hồng trắng cùng đỏ thành hoa hồng Tudor. Biểu tượng bông hồng kép Tudor được khắc rộng rãi trên các tòa nhà, đồ nội thất của thời đại đó, đồng thời được vẽ như một ấn ký trên tất cả các bức chân dung để tượng trưng cho sự thống nhất mãi mãi của đất nước.

Tudor rose chi rosa

Hoa hồng kép Tudor. Ảnh: Sodacan

hoa hong rose chi rosa

Bức tranh được công bố năm 1908 của Henry Payne về cảnh bầu chọn phe phái trong Cuộc chiến Hoa hồng bằng cách hái hoa đỏ hoặc trắng. Ảnh: Henry Payne

Bên cạnh đó, vào năm 1986, hoa hồng đã được chọn là quốc hoa chính thức của Mỹ theo hình thức bỏ phiếu phổ thông. Trong một buổi lễ đặc biệt, Tổng thống Ronald Reagan đã ký thành luật nghị quyết chung do Thượng viện và Hạ viện ban hành với nội dung: “Thường xuyên hơn bất kỳ loài hoa nào khác, chúng ta trân trọng hoa hồng như biểu tượng của sự sống, tình yêu và sự tận tụy, của vẻ đẹp và sự vĩnh cửu…, có thể thấy bằng chứng về điều này ở khắp mọi nơi trên nước Mỹ.

rose chi rosa

Ảnh: Shannon Baldwin

Quá trình tiến hóa và các chủng loại 

Ngày nay, chi Rosa gồm khoảng 150 loài cây thân thẳng, leo hoặc rủ với hàng nghìn giống. Sự phong phú này đạt được nhờ vào quá trình lai tạo liên tục giữa lượng nhỏ hoa hồng nguyên bản Châu Á và các loài hoang dã bản địa ở Châu Âu và Châu Mỹ.

Loài đầu tiên có năm cánh đơn Rosa hilliae đã hình thành nên các đặc điểm di truyền nền tảng cho hoa hồng hiện đại. Chúng bao gồm các giống nhỏ như: The Dog Rose, Rosa canina…, nhiều gai nhọn, thường được trồng để bảo vệ hàng rào. Ngoài ra, còn có các giống hoa hồng Scotland cùng họ, ví dụ như: Rosa pimpinellifolia với tính bụi rậm, cứng cáp, sống tốt ở những khu vực ven biển; Rosa gallica từ miền Nam châu Âu ấm áp và Rosa blanda sinh trưởng tốt ở các thảo nguyên châu Mỹ.

gai hoa hong rose chi rosa

Cận cảnh gai hoa hồng. Ảnh: JJ Harrison

rose chi rosa

Hoa hồng Rosa rubiginosa, giống bản địa sinh trưởng mạnh ở châu u và Tây Á. Ảnh: Stan Shebs

Một loài khác cũng rất được ưa chuộng vào thời trung cổ là Rosa damascena hay hoa hồng Damask, sở hữu những bông hoa kép tươi tốt và mùi thơm nồng nàn. Chúng được các thương lái cùng những chiến sĩ Thập tự chinh mang từ Syria về châu Âu  vào thế kỷ 12 hoặc 13.

Trong thế kỷ 15 và 16, những chuyên gia về hoa hồng bắt đầu quá trình lai tạo và thay đổi đặc tính, chẳng hạn: kết hợp Rosa damascena và họ hàng Trung Đông của nó – Rosa centifolia. Hà Lan là quốc gia tiên phong trong việc thực hiện và quan sát các thí nghiệm này. Sau đó, kết quả nghiên cứu thành công của họ được công bố qua các bức tranh mô tả những bông hoa kép lớn có hình dạng tương tự bắp cải – đặc trưng của R. centifolia và cánh hoa phẳng trông như thể bị cắt ngang bởi một con dao – đặc trưng của R. damascena.

hoa hong rose chi rosa

Nghiên cứu hiện đại đã chỉ ra rằng có ít nhất  bốn loài hoa hồng dại được tìm thấy trong mã gen của R. centifolia. Ảnh: Tư liệu

Khi giống hoa hồng đặc biệt của Trung Quốc xuất hiện lần đầu tiên ở châu Âu vào khoảng năm 1790, chúng đã mang đến cho những ai đang dấn thân vào công cuộc lai tạo loài hoa này một bước tiến lớn: khả năng nở rộ không chỉ một lần mà luôn rực rỡ trong suốt mùa sinh trưởng. Sau đó, quá trình phát triển của hoa hồng lại ghi dấu một cột mốc mới khi giống Trung Quốc cổ đại – Rosa chinensis được lai tạo cùng Rosa gigantea của châu Âu. Kết quả tạo ra những bông hoa là có mùi hương như một tách trà hảo hạng, được đặt tên là “hoa hồng trà”.

rose chi rosa

Hoa hồng trà. Ảnh: Bernard Spragg

Những bông hồng lai tiến vào thị trường Mỹ trong những năm 1800 ở Nam Carolina. Trong một lần tình cờ, John Champneys đã lai tạo giống hoa Trung Quốc với một loại hồng xạ hương leo – Rosa moschata và thành quả sáng tạo được đặt tên là “Champneys’ Pink Climber”. Sau đó, hạt giống từ loài mới này được gửi trở lại Pháp, tiếp tục tiến trình lai tạo và phát triển thành một loài cây leo có tên gọi là Noisette Carnée.

hoa hong rose chi rosa

Hoa hồng Noisette. Ảnh: Tư liệu

rose chi rosa

Vườn hồng đa dạng tại Thư viện Huntington ở Pasadena, California, Mỹ. Ảnh: Steve Shelokhonov

Tuy không ngừng tiến hóa nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia, phải đến tận đầu thế kỷ 19 mới là thời kỳ hoàng kim của hoa hồng, được thúc đẩy bởi Joséphine de Beauharnais – vợ của Napoleon Bonaparte. Khi mua Château de Malmaison ở ngoại ô Paris, bà đã lấp đầy khu vườn của mình bằng tất cả các loại hoa hồng có thể được tìm thấy vào thời điểm đó. Chúng được gửi đến từ các nhà cung cấp hoa trên khắp châu Âu. Đồng thời, để lưu lại bộ sưu tập rực rỡ của mình, Joséphine đã giao cho họa sĩ Pierre-Joseph Redouté nhiệm vụ vẽ mô phỏng từng giống hồng. Tác phẩm này sau đó được xuất bản với cái tên Les Roses, là điểm khởi đầu cho nhiều nghiên cứu khoa học hiện đại về hoa hồng. Vườn hoa của Joséphine de Beauharnais cũng đã giúp khơi dậy sự yêu mến của người Pháp đối với loài hoa này, tạo ra cơn sốt bùng nổ trong việc lai tạo chúng. Bằng chứng là trên thực tế, hầu hết các giống hoa hồng mà chúng ta đang trồng ngày nay đều được lai tạo ở Pháp.

hoa hong rose chi rosa

Bức tranh mô tả Rosa hemisphaerica do Pierre-Joseph Redouté thực hiện. Ảnh: Tư liệu

rose chi rosa

Bức tranh mô tả Rosa gallica purpuro-violacea magnado do Pierre-Joseph Redouté thực hiện. Ảnh: Tư liệu

Sau cùng, thời kỳ hoa hồng hiện đại bắt đầu với các giống trà lai, floribundasgrandifloras. Chúng sở hữu những đặc tính chung là bụi cây cao, khỏe mạnh với những bông hoa nở rộ có hình dạng chuẩn và màu sắc tươi sáng, đa dạng. Đôi khi nếu được lai với hoa hồng lùn Trung Quốc thì các bụi cây thành phẩm sẽ nhỏ gọn hơn và có nhiều cụm hoa kép.

hoa hong rose chi rosa

Cánh đồng hoa hồng tại Phần Lan. Ảnh: Kallerna

Ngày nay, các giống lai vẫn tiếp tục được tạo ra tại nhiều nơi trên khắp thế giới, công cuộc tìm kiếm những bông hoa hoàn hảo nhất vẫn đang tiếp diễn. Trong khi đó, các giống duy trì nguồn gen và diện mạo ban đầu vẫn giữ được lượng người ưa thích trung thành nhờ vào khả năng sinh trưởng mạnh mẽ và hương thơm nồng nàn. Nói cách khác, lịch sử liên tục được viết trong thế giới của hoa hồng. 

Chính sự can thiệp mạnh mẽ và liên tục của các nhà thực vật học đã biến hoa hồng từ cây cảnh dại thành một loại cây trồng trong nhà. Một trong những sự thật vô cùng bất ngờ về loài hoa này đó chính là nếu hoa được gieo từ hạt thì sẽ không giữ được đặc điểm của cây bố mẹ, buộc phải sử dụng phương pháp giâm cành để duy trì giống. Vì vậy, một bông hồng già ngày nay có thể được coi là mắt xích sống, liên kết trực tiếp với một chủng loại từng mọc trong những khu vườn thời trung cổ. Hoa hồng già thường không nở lâu như những cây con, màu sắc cũng nhạt và ít rực rỡ hơn. Tuy nhiên, chúng rất cứng cáp và không đòi hỏi mức độ chăm sóc phức tạp như một số giống lai hiện đại.

rose chi rosa

Ảnh: Jason Leung

Thực hiện: Thùy Như 


Xem thêm: 

Hoa ly: Biểu tượng cho sự tinh khiết vượt thời gian

Hoa giấy: Mạnh mẽ và rực rỡ

Hoa lay ơn: Vẻ đẹp mang tính biểu tượng