Phong cách chiết trung trong nội thất: Đa dạng nhưng thống nhất

Phong cách Chiết trung là sự kết hợp của nhiều đặc điểm khác nhau ở mọi thời đại để mang đến một không gian nội thất đa sắc màu và độc đáo.

Phong cách thiết kế Chiết trung nhận được sự hưởng ứng ngày càng mạnh mẽ trong ngành thiết kế nội thất hiện đại bởi nó không bó buộc trong những quy tắc cứng nhắc, mang đến hơi thở tươi mới, phá vỡ những rào cản truyền thống để tạo nên những không gian sống sinh động, mang đậm dấu ấn cá nhân. Là sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố khác biệt tương phản nhau, chiết trung là chìa khóa mở ra một thế giới đa sắc và đầy bất ngờ. 

phong cach chiet trung eclectic style

Căn hộ ở London được thiết kế bởi Holloway Li. Ảnh: Edmund Sumner

Khái niệm phong cách Chiết trung

Theo từ điển Cambridge, “eclectic” có nghĩa là chọn lọc và sử dụng những yếu tố ư tú nhất từ mọi hệ thống. Điều này phải ánh đúng đặc điểm của phong cách thiết kế Chiết trung được sử dụng trong kiến trúc và nội thất. Nó xoay quanh sự kết hợp mượt mà giữa những phong cách khác biệt, sự chồng chéo của các chất liệu phong phú, và sự tương phản của màu sắc lẫn hoa văn để tạo nên một không gian thống nhất có tính thẩm mỹ và không hề lạc lõng. Vì vậy, đây là một xu hướng thiết kế đòi hỏi sự tinh tế, kinh nghiệm và gu thẩm mỹ nhất định. Bạn có thể bắt gặp những món đồ nội thất cổ điển được sắp đặt một cách tinh tế trong những cấu trúc nhà hiện đại, những họa tiết hoa phương Đông trở thành điểm nhấn trong không gian phong cách châu Âu cổ điển hay Scandinavian tối giản hiện đại. Những ví dụ này cho thấy tiềm năng vô hạn của Chiết trung vốn mang tinh thần phóng khoáng và tự do.

eclectic style

Phong cách Chiết trung có thể được xem như một sự đối lập có chủ ý từ những lựa chọn kĩ lưỡng các bảng màu, chất liệu và họa tiết, gợi lên ảo giác về một không gian như được sắp đặt ngẫu hứng nhưng thực tế, mọi thứ đều được cân nhắc cẩn thận. Dự án cải tạo nhà ở theo phong cách Chiết trung của Tobias Partners. Ảnh: Justin Alexander

Sự ra đời của phong cách Chiết trung

Khởi nguồn từ triết học: Nguồn gốc của phong cách Chiết trung bắt đầu từ thế kỷ 18, với thuật ngữ “eclecticism” xuất phát từ tiếng Hy Lạp “eklektikos”, mang ý nghĩa là “lựa chọn.” Trong triết học, khái niệm này khuyến khích việc chọn lọc những học thuyết ưu tú nhất từ các trường phái khác nhau, sau đó kết hợp chúng để tạo ra một hệ tư tưởng độc đáo, cá nhân hóa theo quan điểm của người chọn lọc.

Ảnh hưởng đến kiến trúc: Sang thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, tư tưởng triết học này được áp dụng trong lĩnh vực kiến trúc. Cũng như sự đa dạng trong các phong cách thiết kế ngày nay, thời kỳ này chứng kiến sự phát triển của hàng loạt trào lưu kiến trúc như Gothic Revival, Byzantine, và Tân cổ điển. Các kiến trúc sư giống như những nhà triết học, đã chọn lọc và kết hợp những yếu tố ưu việt từ các phong trào này để sáng tạo nên các công trình mang dấu ấn độc bản, vượt thời gian.

Di sản sống động trong thiết kế nội thất: Qua thời gian, sự kết hợp giữa nhiều phong cách không đơn thuần dừng lại ở kiến trúc mà đã lan tỏa vào lĩnh vực thiết kế nội thất. Các nhà thiết kế hiện đại tiếp nối tinh thần chiết trung bằng cách khám phá sự phối hợp táo bạo giữa màu sắc, họa tiết và vật dụng trang trí. Kết quả là những không gian sống đầy cá tính và độc đáo ra đời, phản ánh sâu sắc gu thẩm mỹ riêng biệt của từng cá nhân.

phong cach chiet trung eclectic style

Phong cách chiết trung vừa là một xu hướng thiết kế, vừa là minh chứng cho sự sáng tạo không giới hạn, nơi quá khứ gặp gỡ hiện tại, và nghệ thuật kể câu chuyện của những không gian sống mang đậm dấu ấn cá nhân. Nhà Atwater ở Los Angeles được thiết kế bởi Rebecca Rudolph và Colin Thompson. Ảnh: Yoshihiro Makino

Các phong cách Chiết trung trong nội thất

Chiết trung Tối giản (Eclectic Minimalism): Khác với chủ nghĩa tối giản truyền thống, Chiết trung Tối giản mang đến nhiều màu sắc hơn và kết hợp tinh tế các tác phẩm từ nhiều thời kỳ khác nhau. Những món đồ nội thất cùng các điểm nhấn đều mang đến kết cấu, hoạ tiết và màu sắc sống động cho các không gian theo phong cách này. 

eclectic style

Căn hộ ở Sweden được thiết kế bởi Historiska Hem. Ảnh: Sylwan

Chiết trung Boho (Boho Eclectic): Thiết kế này chủ yếu theo phong cách Bohemian, đặc trưng bởi các yếu tố giàu tính kết cấu, đồ nội thất thấp và sự kết hợp của các họa tiết và màu sắc. Thông thường, các nhà thiết kế sẽ tích hợp đồ nội thất và trang trí từ các phong cách khác nhau để đạt được thẩm mỹ của phong cách chiết trung này.

phong cach chiet trung eclectic style

Montesol Experimental ở Ibiza được thiết kế bởi Dorothée Meilichzon. Ảnh: Ambroise Tézenas

Chiết trung Hiện đại (Eclectic Modern): Trong thiết kế nội thất Chiết trung Hiện đại, phong cách chủ đạo là hiện đại, với đồ nội thất bóng bẩy, bảng màu trung tính và trang trí tối giản. Các nhà thiết kế thường giới thiệu các tác phẩm phối hợp từ nhiều phong cách và thời đại khác nhau để tạo nên một sự pha trộn chiết trung trên tinh thần hiện đại.

eclectic style

Khách sạn Walker của Bridgeton Holdings. Ảnh: Adrian Gaut

Những lưu ý khi thiết kế nội thất với phong cách Chiết trung

Bảng màu chủ đạo

Trong thiết kế nội thất, việc xác định một bảng màu chủ đạo là bước khởi đầu cho những ai yêu thích phong cách Chiết trung. Đây vừa là kim chỉ nam giúp bạn điều chỉnh, chọn lọc các yếu tố trong không gian, vừa tạo nên sự cân bằng giữa sự đa dạng và kết nối, mang lại tổng thể hài hòa và nhất quán.

Bạn nên bắt đầu với một tông màu trung tính làm nền tảng, kết hợp cùng một màu khác để làm điểm nhấn nổi bật. Tông trung tính với tính chất nhẹ nhàng và dịu mát sẽ đóng vai trò như lớp nền, giúp giảm bớt cảm giác quá tải trong không gian. Đồng thời, màu nhấn khi được ứng dụng đúng chỗ sẽ làm nổi bật các chi tiết quan trọng, tạo nên sự kết hợp nhịp nhàng giữa các yếu tố thiết kế. Một bảng màu được xây dựng cẩn thận là yếu tố giúp hiện thực hóa ý tưởng phong cách Chiết trung, tạo nên một không gian vừa phá cách vừa sang trọng, đúng tinh thần của nghệ thuật sống hiện đại.

phong cach chiet trung eclectic style

Văn phòng của Tangible Space trưng bày nội thất nằm trong bộ sưu tập hợp tác với Pern Baan. Ảnh: Jonathan Hokklo

Phông nền đơn giản

Khi bắt đầu hành trình sáng tạo không gian theo phong cách Chiết trung, việc giữ cho các bức tường đơn giản và tinh tế là điều cần phải cân nhắc. Các loại giấy dán tường quá phức tạp hay hoa văn cầu kỳ có thể cản trở việc kết hợp thêm các họa tiết khác. Thay vào đó, những bức tường sơn màu trơn sẽ là nền tảng vững chắc để chủ nhà có thể thỏa sức sáng tạo và thêm thắt các chi tiết độc đáo ở những khu vực khác nhau trong không gian. Bên cạnh đó, việc sử dụng các phụ kiện rực rỡ trên nền tường đơn giản luôn dễ dàng và hiệu quả hơn so với việc cố gắng thêm phụ kiện đơn sắc vào một không gian đã quá phức tạp. Đây cũng là cách giúp bạn tối đa hoá khả năng lựa chọn và phối hợp các yếu tố trang trí.

Ngoài ra, sơn tường cũng đòi hỏi ít công sức hơn so với việc dán giấy dán tường phức tạp mà vẫn mang lại hiệu ứng thẩm mỹ đáng kể. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bạn chỉ có một lựa chọn duy nhất là màu trắng. Các gam màu tối và sáng đều có thể hoạt động hiệu quả trong việc tạo nên phong cách chiết trung. Bằng cách chọn phông nền đơn giản, bạn vừa có thể tối ưu hóa khả năng phối hợp màu sắc và họa tiết, vừa làm nổi bật những điểm nhấn độc đáo trong không gian, tạo nên một tổng thể hài hòa và cuốn hút.

eclectic style

Nhà Moore ở Mỹ được thực hiện bởi Woods + Dangaran. Ảnh: Biderbost

Thỏa sức sáng tạo với họa tiết

Họa tiết đa dạng cho phép bạn phối hợp và đối chiếu các phong cách để khám phá sự hòa hợp hoặc thậm chí là những điểm đối lập thú vị giữa chúng. Bằng cách tiếp tục sử dụng các tông màu tương đồng với bảng màu chủ đạo, bạn có thể duy trì sự kết nối trong tổng thể thiết kế. Tuy nhiên, đừng ngần ngại phá vỡ sự đơn điệu bằng cách kết hợp những họa tiết bất ngờ và không nhất thiết phải ăn khớp với nhau. Sự đối lập giữa các họa tiết sẽ tạo nên nét độc đáo và giúp không gian mang đậm dấu ấn cá nhân.

noi that chiet trung

Phòng khách do văn phòng Black Lacquer Design thiết kế. Ảnh: Nate Cook

Một số đồ dùng mang hoạ tiết như thảm, gối tựa và rèm cửa có thể được sử dụng để lồng ghép khéo léo những phong cách từ các thời kỳ khác nhau vào cùng một không gian. Những họa tiết hình học, hoa văn cổ điển châu Âu hay thậm chí là chấm bi đều có thể mang lại sự hấp dẫn thẩm mỹ khi được kết hợp cùng những họa tiết khác.

Phối hợp cùng chất liệu

Trong phong cách chiết trung, sự tương phản chính là chìa khóa tạo nên sức hút đặc biệt. Một trong những cách thể hiện rõ nét sự đối lập này là kết hợp chất liệu đa dạng trong không gian nội thất. Các bề mặt như đá cẩm thạch bóng loáng, da trơn mượt, gỗ và thép khi đặt cạnh những chất liệu như chăn lông mềm mại, thảm dệt thô hay đá và gạch thô ráp sẽ tạo nên câu chuyện thẩm mỹ đầy cuốn hút, đặc trưng của ngôi nhà mang phong cách Chiết trung.

Cách tiếp cận thông minh với chất liệu là mang lại những trải nghiệm xúc giác thú vị cho không gian. Hãy thử nghiệm và kết hợp các chất liệu tương phản để tạo nên hiệu ứng thị giác đáng nhớ. Bí quyết là phải có đủ sự đa dạng để thu hút ánh nhìn, nhưng vẫn đảm bảo tổng thể không bị rối mắt hay mất cân đối. Bạn có thể khéo léo đặt cạnh nhau các chất liệu nhẵn mịn và thô ráp, điển hình như bề mặt đá cẩm thạch bóng bẩy bên cạnh vân gỗ tự nhiên, hoặc mềm mại và cứng cáp như sofa bọc vải sang trọng đi cùng bàn cà phê kiểu công nghiệp.

eclectic style

Nhà Atherton Contemporary được thiết kế bởi Pacific Peninsula Architecture và Leverone Design. Ảnh: Trevor Mein and Sharyn Cairns

Tường tranh nghệ thuật

Sự kết hợp ngẫu hứng giữa các khung tranh đa dạng về kích thước, màu sắc và phong cách hoàn toàn phù hợp với tinh thần tự do, sáng tạo của phong cách Chiết trung. Một bức tường tranh giúp làm nổi bật cá tính, mang đến niềm vui khi gia chủ tự tay sắp xếp với các yếu tố trong thiết kế để hoàn thiện không gian phòng khách chiết trung mang đậm dấu ấn cá nhân.

Những bức tường đơn sắc chính là phông nền lý tưởng để bạn tự do thể hiện góc nhìn nghệ thuật. Đây cũng là dịp để bạn thêm vào không gian nét hấp dẫn và cá tính, giúp căn phòng trở nên sống động và cuốn hút hơn.

Tường tranh nghệ thuật còn đóng vai trò như một điểm nhấn thị giác đặc biệt trong không gian, giúp thu hút ánh nhìn và tạo sự tập trung. Trong một căn phòng chiết trung vốn dĩ đầy màu sắc và họa tiết, một bức tường tranh được bố trí hợp lý sẽ làm dịu cảm giác nặng nề, cho phép ánh mắt di chuyển một cách hài hòa và thoải mái hơn.

phong cach chiet trung eclectic style

Dự án cải tạo nhà ở theo phong cách Chiết trung của Tobias Partners. Ảnh: Justin Alexander

Kết hợp đa dạng phong cách nội thất

Một trong những cách thú vị và sáng tạo nhất để hoàn thiện phong cách chiết trung là kết hợp các phong cách thiết kế nội thất khác nhau. Phòng khách, phòng ngủ hay thậm chí toàn bộ không gian sống của bạn đều có thể trở nên đặc sắc và gây hào hứng nhờ sự pha trộn khéo léo giữa các món đồ mang hơi thở cổ điển và hiện đại, mới mẻ và truyền thống. Chính sự giao thoa này là tinh thần cốt lõi của phong cách Chiết trung.

Ngoài ra, đừng quên tận dụng những yếu tố sẵn có trong ngôi nhà của bạn như trần nhà với gờ phào cổ kính, sàn gỗ tự nhiên, hoặc các chi tiết kiến trúc đặc trưng, và làm mới chúng bằng cách kết hợp với các món đồ nội thất hiện đại. Sự đối lập giữa cái cũ và cái mới sẽ làm nổi bật tính thẩm mỹ và giúp bạn tối ưu hóa những giá trị vốn có của ngôi nhà.

eclectic style

Căn hộ The Warsaw được cải tạo bởi studio Mistovia. Ảnh: Oni Studio

Thiết kế tạo điểm nhấn

Trong một không gian chiết trung, mỗi món đồ nội thất hay vật trang trí đều có thể mang một câu chuyện riêng, nhưng chính các vật phẩm tạo điểm nhấn mới là những mảnh ghép hoàn hảo để nâng tầm thiết kế của bạn. Những món đồ như tượng điêu khắc, bình gốm, đèn chùm, đèn bàn hay đèn sàn đều có thể trở thành tâm điểm và làm nổi bật cá tính của căn phòng.

Để thành công với phong cách chiết trung, hãy chọn một món đồ đặc biệt và đặt nó ở vị trí nổi bật trong không gian, nơi nó có thể tự mình “tỏa sáng” và thu hút sự chú ý. Ngoài ra, bạn cũng có thể trưng bày một bộ sưu tập các món đồ yêu thích tại một góc phòng để dễ dàng chiêm ngưỡng và kể lại câu chuyện của mình qua những vật phẩm mỗi ngày.

Dù đồ vật tạo điểm nhấn của bạn là gì, hãy chắc rằng nó thực sự nổi bật và gây ấn tượng mạnh mẽ. Lưu ý không nên lạm dụng quá nhiều điểm nhấn trong một không gian. Tùy thuộc vào kích thước căn phòng, chỉ cần một hoặc hai món cũng đủ để gây ấn tượng và khơi gợi câu chuyện.

phong cach chiet trung eclectic style

Căn hộ Turenne ở Paris được thiết kế bởi Alicia Luxem. Ảnh: Amaury Laparra

Thực hiện: Quốc Huy


Xem thêm: 

Khách sạn Palazzo Talìa: Chiết trung xa xỉ

Không gian của những sắc màu chiết trung

Muôn màu phong cách chiết trung