Những sắc màu chiết trung

Cảm giác đầu tiên khi bước chân vào phòng khách của một nhà sưu tập – collector – luôn là một trải nghiệm đặc biệt. Khi đã mời bạn đến nhà, họ cũng hé mở cánh cửa mời bạn nhìn vào tâm hồn đầy màu sắc và trải nghiệm của mình.

Là những công dân toàn cầu bởi tính chất công việc, đam mê du lịch trải nghiệm, bản thân hai vợ chồng chị Marion và anh Sanjay cũng đến từ hai đất nước và nền văn hóa khác nhau. Những năm tháng sống tại New York, Singapore, Thái Lan làm dày thêm lớp trầm tích văn hóa của không gian ngôi nhà mà họ sinh sống, không nhất thiết chỉ qua số lượng và độ đa dạng của các món sưu tầm, trang trí, mà còn ở cách họ có thể tiện tay cầm lên bất cứ đồ vật nào và có hẳn một kỷ niệm, câu chuyện vô cùng thú vị đi kèm. Khi dọn đến khu nhà ở cao cấp giữa trung tâm Sài Gòn, họ giành luôn danh hiệu “Cuộc chuyển nhà vĩ đại nhất” mà hàng xóm tếu táo gán cho.

không gian 1

PHONG CÁCH CHIẾT TRUNG NGHIỄM NHIÊN TRỞ THÀNH CẢM HỨNG CHÍNH BAO PHỦ TOÀN BỘ KHÔNG GIAN CỦA CĂN VILLA GIỮA TRUNG TÂM THÀNH PHỐ NÀY. VỚI LỐI SỐNG VÀ TRẢI NGHIỆM CỦA NHỮNG CÔNG DÂN TOÀN CẦU, MỖI CUỘC CHUYỂN NHÀ VỚI HỌ LÀ MỘT DỰ ÁN ĐẶC BIỆT.

không gian 2

Chiếc bàn phòng khách chính là chiếc phản mô phỏng từ nội thất Trung Quốc cuối triều đại Thanh để người ta có thể nằm trong những ngày Hè nóng. Cái rương đựng tiền của người Trung Quốc ngày xưa dùng để đựng thỏi vàng của nhà giàu đã được Marion tận dụng như bàn bên trong phòng khách. Ấn tượng nhất là những chiếc gối nhỏ sofa được làm từ lông bò. Một số tấm vải phủ trên ghế bành là áo poncho của con trai Marion từ khi còn nhỏ, gợi nhắc về quê hương Chile của bà.

Những lần di chuyển cả gia đình sang quốc gia mới với tất cả thử thách và phiền toái có thể đem lại cũng không làm nản lòng họ, mà còn như một dự án đầy thử thách và hào hứng Marion dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm giải pháp bày trí. Là một chuyên gia về truyền thông và tác giả sách, những dự án trước đây của cô bao gồm cả việc chấp bút cho sách chuyên khảo về trang trí nội thất. Ảnh hưởng sâu sắc bởi cảm hứng của nền văn hóa phương Đông, đặc biệt là những thành phố có sự pha trộn giữa nhiều nền văn hóa khác nhau, nghiễm nhiên phong cách chiết trung trở thành cảm hứng chủ đạo của căn nhà.

không gian 3

không gian 4

HẠN CHẾ CẢI THIỆN KHÔNG GIAN CỦA CĂN NHÀ KHI DỌN VỀ KHU VILLAS NÀY, NHỮNG GÌ MARION LÀM MANG ĐẬM DẤU ẤN CỦA CÔ, ĐÓ CHÍNH LÀ PHONG CÁCH SẮP ĐẶT THÔNG THÁI, TÌNH CẢM VÀ TINH TẾ.

Ta có thể bắt gặp cái tủ sập đến từ Hàn Quốc, một bộ ghế đọc sách từ Mỹ, giữa phòng là tủ trang trí đặc sắc đến từ Nội Mông, rất nhiều poster phong cách propaganda từ Ấn Độ, Nam Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan… Tất cả các sắp đặt ấy, chắc chắn phải được tiến hành tuần tự, với sự kiên nhẫn và một tình cảm trìu mến khó chối bỏ. Đó cũng là lý do căn nhà toát lên cảm giác ấm cúng, thân thiện, sang trọng nhưng không cảnh vẻ cao vời.

không gian 5

Tấm gương lớn đóng vai trò trang trí và đón ánh sáng tự nhiên cho khu vực sảnh vào của căn nhà được bọc bằng vỏ dừa.

không gian 6

Chiếc tủ trang trí đến từ khu vực Nội Mông với màu sắc và hoa văn cực kỳ ấn tượng.

“Cõi riêng” của Marion khi làm việc được thu xếp và sắp đặt rất chủ ý.

GÓC LÀM VIỆC ĐƯỢC ĐẶT Ở KHOẢNG HÀNH LANG CẠNH CẦU  THANG, LÀ MỘT LỰA CHỌN THÚ VỊ, KHIẾN CHO KHÔNG GIAN KHÔNG BỊ GÒ BÓ TÙ TÚNG.

Anh Sanjay là người yêu âm nhạc và thích sưu tầm đĩa than. Điển hình phòng khách lẫn phòng ngủ đều có những kệ từ lớn tới nhỏ để đựng đĩa than. Máy quay đĩa than và hệ thống âm thanh được “giấu” cẩn thận trong chiếc tủ màu đỏ kiêu hãnh nơi góc phòng. Ở Trung Quốc, tủ cưới theo truyền thống được tặng như một món quà hồi môn được nhà gái trao cho nhà chú rể với hàm ý chúc phúc cho một gia đình hạnh phúc và phát tài. Toàn bộ tầng trên của villa là khu vực phòng ngủ được lấy sáng từ nhiều hướng nhà, với góc làm việc khiêm tốn nhưng được chăm chút kỹ lưỡng, nơi Marion chứa BST sách và tư liệu đặc biệt của mình.

Một bức tranh tâm đắc do gia chủ sưu tầm được lấy làm điểm nhấn cho căn phòng, giúp cân bằng thị giác với hệ sàn gỗ màu tối vốn là kết cấu cơ bản của căn nhà từ trước.

Chiếc tủ ở trong phòng ngủ được gọi là Tansu từ Nhật Bản, là tủ lưu trữ di động truyền thống từ thời kỳ Edo.

TRÁI VỚI CẢM QUAN CHUNG CỦA PHÒNG KHÁCH, PHÒNG NGỦ CHÍNH LẠI GIẢN LƯỢC CHI TIẾT, MỞ RA VỚI KHÔNG GIAN BÊN NGOÀI THÔNG QUA HỆ CỬA SỔ RỘNG, THOÁNG.

Cần nhiều hơn một buổi thăm viếng để khám phá hết các câu chuyện mà hai vợ chồng chủ nhân căn nhà này đã và đang góp nhặt, và rất có thể lần tới, khi đến chơi với họ, những thiết kế và trang trí đậm văn hóa Việt Nam sẽ xuất hiện thêm đâu đó trong không gian đẹp đẽ này.


Bài: Thùy Dương | Ảnh: Phú Đào | Trợ lý: Đức Nguyên – Duy Thanh – Nam Võ – Minh Khánh – Minh Thy.


Xem thêm:

Di sản đương đại

Soho bừng sức sống