Danh họa Edgar Degas từng nói: “Nghệ thuật không phải là những gì bạn thấy, mà là thứ bạn làm cho người khác thấy.” Quan điểm này phần nào khẳng định vai trò của người họa sĩ trong việc truyền tải cái đẹp trong thế giới quan của họ đến công chúng. Trong thế giới bao la của nghệ thuật, tranh phong cảnh với khả năng tái hiện chân thực hoặc đầy tính biểu cảm những khung cảnh thiên nhiên, đã trở thành một trong những dòng hội họa được nhiều danh hoạ lựa chọn để sáng tác.
Thiên nhiên trong một tác phẩm tôn giáo của họa sĩ thời Phục Hưng Titian. Ảnh: zvetnoe
Tranh phong cảnh mô tả vẻ đẹp của thiên nhiên, từ những cánh đồng lúa bát ngát, những rặng núi hùng vĩ đến những dòng sông thơ mộng hay bờ biển trải dài. Khác với tranh chân dung tập trung vào con người, dòng tranh này lấy thiên nhiên làm chủ đề chính, thể hiện cái nhìn và cảm xúc của người họa sĩ trước vẻ đẹp của thế giới xung quanh.
Lịch sử phát triển của tranh phong cảnh phương Tây trải qua nhiều giai đoạn, phản ánh sự thay đổi trong cách nhìn nhận và thể hiện thiên nhiên và cảnh sắc của con người. Bắt đầu từ những bức tranh hang động sơ khai mang tính biểu tượng và tín ngưỡng, đến những bức tranh phong cảnh được vẽ theo các trường phái Cổ điển, Lãng mạn, Ấn tượng, hay Thể hiện…, tranh phong cảnh có mặt trong hầu hết mọi giai đoạn của lịch sử nghệ thuật.
“Phong cảnh thung lũng sông Arno” (1473) của Leonardo da Vinci được xem là một trong những tác phẩm phong cảnh độc lập đầu tiên mà không hề có sự hiện diện của con người. Ảnh: zvetnoe
Các bức tranh phong cảnh nổi tiếng của hội họa phương Tây
“Le printemps” của Nicolas Poussin (1660 – 1664) là một ví dụ điển hình về tranh phong cảnh lý tưởng hóa theo phong cách Baroque cổ điển. Những năm cuối đời, Nicolas Poussin vẽ loạt tranh “Les Quatre Saisons” (tạm dịch: Bốn mùa) cho Công tước Richelieu, lấy cảm hứng từ kinh Cựu Ước, với phong cảnh chiếm vị trí trung tâm. Bức “Le printemps” (tạm dịch: Mùa xuân) tái hiện câu chuyện Adam và Eva trong vườn địa đàng, với cây táo nổi tiếng trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, dù màu sắc ấm áp và ánh sáng dễ chịu, bức tranh lại ẩn chứa một bi kịch, dự báo về một tội lỗi sắp xảy ra khi Chúa trời xuất hiện ở góc trên bên phải, như thể đang rời đi để chuẩn bị cho sự trừng phạt. Bức tranh thể hiện sự cân bằng, hài hòa và trật tự, với các yếu tố thiên nhiên được sắp xếp một cách có chủ ý, tạo chiều sâu cho không gian, đồng thời truyền tải một cảm giác tĩnh lặng và trầm ngâm.
Ảnh: Tư liệu
Tác phẩm “The Grand Canal at the Church of La Salute” của Canaletto (1740) là một tác phẩm phong cảnh veduta – một loại hình vẽ đô thị chính xác đến từng chi tiết. Để tái hiện chân thực thành phố Venice, tác giả đã dùng cả những dụng cụ hỗ trợ như camera obscura tiền thân của máy ảnh. Bức tranh toát lên chất thơ với ánh sáng trong trẻo phủ khắp thành phố, tạo nên không khí ấm áp của buổi chiều muộn bên dòng kênh lớn với những người lái thuyền gondola, các thương nhân, nhà ngoại giao từ phương Đông.
Ảnh: Tư liệu
“Der Wanderer über dem Nebelmeer” của Caspar David Friedrich (1818): Bức “Der Wanderer über dem Nebelmeer” của Caspar David Friedrich là một biểu tượng của chủ nghĩa Lãng mạn Đức. Tác phẩm phong cảnh mang những suy tư sâu sắc về vị trí của con người trong vũ trụ. Hình ảnh người đàn ông quay lưng về phía người xem, đứng trên một mỏm đá chênh vênh, nhìn ra biển sương mù vô tận, gợi lên cảm giác nhỏ bé, cô đơn của con người trước sự hùng vĩ của thiên nhiên. Bức tranh không có những chi tiết rực rỡ, chỉ tập trung vào sự tương phản giữa bóng tối của con người và ánh sáng mờ ảo của sương mù, tạo nên một không gian tĩnh lặng, khơi gợi sự chiêm nghiệm về sự tồn tại, về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.
Ảnh: Tư liệu
“The Hay Wain” của John Constable: Tác phẩm chủ nghĩa Tự nhiên được John Constable vẽ năm 1821, thể hiện tình yêu sâu sắc của hoạ sĩ với thiên nhiên và cuộc sống nông thôn. Ông đã dành nhiều năm nghiên cứu và vẽ lại phong cảnh quê hương mình ở Suffolk bằng kỹ thuật white highlights để tạo hiệu ứng ánh sáng lấp lánh trên mặt nước và tán lá, mang đến sự sống động và chân thực cho bức tranh. Tuy “The Hay Wain” mô tả công việc hằng ngày của những người nông dân, nhưng họa sĩ lại nhấn mạnh vào phong cảnh xung quanh hơn, thể hiện một dấu ấn đặc trưng trong các sáng tác của ông đó là con người luôn nhỏ bé trước thiên nhiên rộng lớn.
Bức tranh “The Hay Wain” của John Constable. Ảnh: The National Gallery
“Impression, Sunrise” của Claude Monet (1872): Tác phẩm khai sinh ra trường phái Ấn tượng, vẽ lại khoảnh khắc bình minh của cảng Le Havre với ánh sáng mặt trời rực rỡ và những con thuyền trôi lững lờ trên mặt nước. Bức tranh nằm trong loạt sáu tác phẩm về cảng tàu vào các thời điểm trong ngày và ở các góc nhìn khác nhau. Hoạ sĩ đã sử dụng những nét vẽ nhanh, rời rạc, tập trung vào việc nắm bắt ánh sáng và màu sắc thay đổi theo thời gian. Kỹ thuật “broken color” được sử dụng để tạo hiệu ứng ánh sáng lấp lánh, mang đến sự sống động và cảm xúc cho bức tranh phong cảnh. Vì được vẽ sau thất bại của Pháp trong Chiến tranh Pháp-Phổ năm 1870–1871, các nhà sử học nghệ thuật cho rằng bức họa là biểu tượng cho sự tái tạo của đất nước sau chiến tranh.
Bức tranh “Impression, Sunrise” của Claude Monet. Ảnh: Fine Art America
“The Starry Night” của Vincent van Gogh (1889): Tác phẩm mô tả cảnh đêm đầy sao ở Saint-Rémy-de-Provence, với vầng sáng toả ra từ những vì sao và mặt trăng cuộn tròn như những con sóng. Khung cảnh ẩn chứa sự đối lập trong cảm xúc, khi cây hoàng đàn đại diện cho nấm mồ và cái chết dưới địa ngục còn những ngôi sao tượng trưng cho ước mơ và thiên đàng. Xa xa, hình ảnh nhà thờ tối với ngọn tháp xây theo kiểu Hà Lan là biểu tượng cho sự mất kết nối với tôn giáo hay mối quan hệ phức tạp của họa sĩ với đức tin. Qua bức tranh phong cảnh được vẽ từ phòng bệnh của mình trong viện tâm thần, van Gogh muốn dùng thiên nhiên để thể hiện đồng thời nỗi cô đơn, tuyệt vọng và khát khao được sống, được tự do.
Có một sự thật thú vị về bức tranh này đó là van Gogh vẽ nó vào ban ngày qua ô cửa sổ có chắn song.
“Le Chemin, Paysage à Meudon” của Albert Gleizes (1911): Ngoài là một họa sĩ, Albert Gleizes còn là một nhà lý luận, dùng hình khối để tái hiện thiên nhiên và tạo nên một góc nhìn hoàn toàn mới về nghệ thuật lẫn nhân sinh quan. “Le Chemin, Paysage à Meudon” là một bước chuyển mình của tranh phong cảnh truyền thống sang thế giới của lập thể, loại bỏ những đường nét mềm mại để nhường chỗ cho các mảng hình học chồng chéo lên nhau, tạo nên một không gian đa chiều. Con đường, những ngôi nhà, cây cối – tất cả đều được đơn giản hóa thành các hình khối. Màu sắc được giới hạn, tập trung vào sự tương phản giữa sáng và tối, nhấn mạnh cấu trúc hình học của bức tranh.
Albert Gleizes không vẽ một phong cảnh cụ thể mà ông đang khám phá khả năng của hình khối trong việc biểu đạt không gian và cấu trúc.
“Sicily (View of Agrigento)” của Nicolas de Staël (1954): Hoạ sĩ người Pháp Nicolas de Staël thể hiện vẻ đẹp của phong cảnh một cách khác biệt với những danh hoạ trước đó. Các bố cục hình học, lớp màu dày và nhiều màu sắc tươi sáng khiến sáng tác của ông trở thành những tác phẩm trừu tượng xuất sắc của hội hoạ hiện đại. Trong một chuyến đi đến Ý năm 1953, ông đã đem lòng yêu mến cảnh sắc Sicily và đã vẽ một loạt tác phẩm. Bức “Sicily (View of Agrigento)” sử dụng các đường nét thuần khiết và màu sắc gắt, vẽ lại khung cảnh khô cằn và chói chang của đồng lúa mùa hè khi Nicolas đặt chân đến đây vào giữa tháng 8.
Ảnh: Tư liệu
“The Scream” của Edvard Munch (1983): Không phải phong cảnh trong tranh luôn thể hiện vẻ đẹp hay sự lãng mạn. “The Scream” là một biểu tượng của nỗi sợ hãi và hoảng loạn trong thời kì đen tối tại Munich, khi hoạ sĩ đối mặt với căn bệnh tâm thần và chấn thương. Bức tranh lấy cảm hứng từ một buổi chiều khi Edvard Munch đi dạo và nhận thấy bầu trời chuyển sang màu đỏ như máu. Ông đã sử dụng những đường nét cong vênh, màu sắc rực rỡ và tương phản để tạo hiệu ứng thị giác mạnh mẽ, thể hiện sự nỗi sợ và sự cô đơn. Phong cảnh trong “The Scream” hiện lên một cách đầy ám ảnh, khiến người xem như đang đối diện một tiếng thét từ sâu thẳm tâm hồn trong xã hội đang phát triển nhanh chóng và phức tạp.
Bầu trời đỏ trong bức “The Scream” có nhiều lý giải. Giới thiên văn Mỹ nhận định nguồn gốc của nó đến từ hình ảnh bụi đỏ nhuộm trời từ trận phun trào của núi lửa Krakatoa năm 1883. Giới khoa học Đại học Rutgers-New Brunswick lại cho rằng màu trời trong tranh đến từ những đám mây xà cừ lóng lánh.
Thực hiện: Quốc Huy
Xem thêm:
Những bức tranh sơn dầu nổi tiếng của mỹ thuật Việt Nam
Tranh tường: Lịch sử, kỹ thuật và sự hồi sinh của một di sản nghệ thuật
Tranh trúc chỉ: Nét đẹp truyền thống trong ngôi nhà Việt hiện đại