Từ Pavia tới Borgo Ticino: Bảo tàng 200 ngày đi bộ

Những ký ức cá nhân về những gì được nhìn thấy mỗi ngày trên hành trình được lặp đi lặp lại có thể trở thành những vật phẩm được trưng bày trong “bảo tàng” cá nhân.

Điều gì khiến bảo tàng trở thành bảo tàng? Người đi dọc tuyến đường hành hương El Camino de Santiago dài 500 dặm có thể viết một cuốn sách, hay làm một cuốn phim tài liệu bởi quãng đường, sự hiểm trở và tính đặc trưng địa lý-văn hoá của khu vực. Nơi tôi làm việc nằm ở ngoại ô thành phố Pavia, một thành phố nhỏ cách Milan chỉ 30 phút đi tàu, nằm bên con sông Ticino. Hành trình đi bộ mỗi ngày từ ga tàu đến công ty của tôi mất khoảng 25 phút. Tổng quãng đường tôi đi hơn một năm vừa rồi bằng phân nửa tuyến Santiago, chẳng hề có hoang mạc hiểm trở, cũng chẳng được UNESCO hay tổ chức nào công nhận.

Cá nhân tôi hứng thú với sự nhàm chán thường nhật. Nếu như sản xuất hàng loạt, kiến trúc quốc tế tạo ra một dạng thẩm mỹ lặp lại, có tiêu chuẩn chung nhưng vẫn có khoảng trống cho tính bản sắc và nhận diện địa lý; thì liệu sự đơn điệu của những chặng đi bộ hàng ngày có thể tạo nên một sản phẩm không gian? Hay qua những chuỗi ngày đi bộ, tôi có thể tái hiện thành phố lại bằng ngôn từ và hiểu biết cá nhân hay không? Nếu bảo tàng thông thường lưu trữ ký ức tập thể, “bảo tàng” trong bài viết này lưu trữ cho cá nhân; và nếu giá trị của bảo tàng truyền thống nằm ở vật thể và tính xác thực, “bảo tàng” của tôi xây dựng trên nền tảng nhận thức và sự phản ánh. Tôi không sở hữu thành phố, nhưng sở hữu ký ức trên đôi chân của tôi về thành phố.

 

 

ban do hanh trinh canh quan du lich chau au

Bản đồ các chặng đi trong 200 ngày tại Pavia. Xem thêm tại bản đồ Felt.

ga tau pavia canh quan du lich chau au milanGa tàu Pavia

Hành trình xuyên thành phố

Như bao thành phố châu Âu khác, Pavia tồn tại một dáng vẻ cổ kính đánh dấu sự hiện diện của người Roman với trục Cardo và Decumano cắt qua những kiến trúc quan trọng của thành phố như chợ, nhà thờ, cung điện còn trục còn lại kéo thẳng từ lâu đài của ra phía cây cầu cũ; bao bọc bởi hệ thống tường thành phát triển hơn hai ngàn năm, gồm bốn phân đoạn, từ thời Roman, dưới thời công quốc Milano, vượt qua thời điểm người Tây Ban Nha xâm chiếm và tới đầu những năm 1900. Dạng cảnh quan này được hình thành và phát triển trong thời gian dài, có sự chuyển tiếp liền mạch, đặc trưng bởi những ngõ nhỏ, lát sỏi đá, hai bên là những ngôi nhà gạch từ ba tới bốn tầng.

cho pavia milan du lich di bo hanh trinh

Chợ trung tâm Pavia

Ở một lớp thời gian khác, có thể thấy sự ngăn cách, phân chi rạch ròi của hiện đại hóa. Quy hoạch hiện đại là sản phẩm của công nghiệp hóa, được hình thành bởi quy trình công nghiệp, nhưng đông thời tiêu chuẩn hóa các không gian khác. Những sản phẩm không gian này bành trướng lãnh thổ, làm mờ ranh giới vùng địa lý, văn hóa và lịch sử, phân chia lại theo chức năng đơn thuần: ở – làm việc – giải trí. Trên những vết thành cũ, những con đường đá sỏi, được trải lên nhựa asphalt, đều tăm tắp.

Có ba tuyến đường tôi đã từng đi tới nơi làm việc, mỗi tuyến đường cắt cảnh quan của Pavia theo góc độ khác nhau. Mỗi lát cắt, các lớp thời gian hiện lên đan xen qua từng chi tiết. Không chỉ thị giác, từng nhịp bước , từng hơi thở của các góc thành phố, từng bề mặt phẳng/dốc dường như kể vọng lại những câu chuyện của nơi đây. 

Lần đầu tiên, tôi lựa đi dọc tuyến đường cơ giới thẳng qua chiếc cầu mới, qua sông, ghé qua một công viên rừng, men theo đường đê ven sông để tới nơi. Tuy bước trên con đường thẳng băng êm ái, tôi nhận ra đi như vậy mình không hề đi qua được trung tâm cổ của Pavia một phần nào. Một tuyến đường lý tính.

Những lần tiếp theo, tôi đi thẳng đường ga theo trục hoành của thành phố qua chợ rẽ ở con dốc thẳng theo chiếc cầu có mái để sang sông. Con phố trung tâm hiện lên với nhà thờ cùng vòm mái gạch, phố đi bộ lát viên gạch nhỏ bằng lòng bàn tay, khoảng chợ rộng mà thi thoảng người ta dựng sạp nhân các ngày lễ. Các diện nối tiếp nhau như thanh âm, phẳng nối tiếp dốc rồi lại phẳng, tán cây đến mặt tiền nhà, tiếp đến là khoảng trống rồi mái che. Ánh sáng, gió trời và cả mùi hương, chúng đóng mở qua từng không gian. Tuyến đường có nhiều xúc cảm hơn, dẫu thiếu đi sự hiệu quả di chuyển.

ngo ngach duong pho trai soi thanh pho milan italy hanh trinh du lich di bo

Đường trải sỏi cuội trong một con ngõ nhỏ.

Sau cùng, tôi tự thiết kế lại tuyến đường dạo của mình, men theo đường lớn, rẽ vào một con đường nhỏ đi vào trong vòng thành. Tới một đoạn thì rẽ ra đi đường ven sông để tới cây cầu mái gỗ. Lối đi đan xen giữa màng bitum, gồ ghề sỏi đá; hè đường rộng có hàng hiên nhỏ hẹp khiêm tốn bên lề đường; chỗ có dốc thoải nối liền với đường bằng. Ở chính điểm giao giữa đường nội thành và ven sông, tàn dư của một phần cổng thành hiện ra…

duong pho hanh trinh di bo canh quan italy

Đường dạo ven sông Ticino

Tàn dư

Mỗi lớp lang phát triển của một cảnh quan, tồn tại một phần du nhập, một phần biến đổi và một phần để lại. Tàn dư là hình hài của sự bỏ lại. Cổng thành hiện diện như một vết tích rõ rệt về thời kỳ Tây Ban Nha trị, nằm thấp hơn so với đường giao thông với ba phía quây lại bằng rào tạm thời, cỏ mọc um tùm, biệt lập so với bối cảnh. Lớp tường vốn được cho là nối liền với cổng, bao quanh thành phố cũng đã vụn vỡ, thay thế bởi đường cơ giới và những dãy công trình liền tiếp. Có lẽ trong trường hợp này, thời gian giống như một chiếc đồng hồ cát, nhưng từng lớp lại dị biệt với nhau, lớp đất đá, lớp gạch nung, lớp nhựa đường, và khi xoay ngược chiếc đồng hồ lại, vật chất sẽ lẫn lộn trong nhau. Tàn dư không có tính đảo ngược.

cong thanh di tich du lich italy hanh trinh

Tàn dư cổng thành Pavia

Trên đường đi ven sông tới cây cầu có mái, một phần cầu cũ bị phá hủy bởi bom được giữ lại. Hoá ra cây cầu trước mắt là phiên bản hiện đại, tái tạo lại hình ảnh chiếc đã mất. Nếu nhìn cận sẽ thấy các lớp gạch, mạch vữa, khối đá được xếp tương đối mạch lạc về hình học. Cá nhân tôi dự đoán đây là một sản phẩm công nghiệp hóa mô phỏng ký ức về công trình cũ, nằm trên một bối cảnh gần tương đồng, gợi cảm giác hoài cổ. Tàn dư không có tính đảo ngược, nhưng giữ trong mình mã gien, manh mối ký ức nơi chốn.

di tich cau duong italy pavia du lich di bo

Cây cầu có mái mới bên cạnh tàn dư cây cầu cũ

Tàn dư thú vị bởi sự giới hạn trong hình dạng vật lý. Chúng để lại một khoảng trống để chúng ta tưởng tượng về một khoảng thời gian đã mất. Dẫu những vết tích ấy được ghi chép cặn kẽ, đây đủ tới đâu, ta vẫn có thể nhận ra quy trình “tự bổ sung” vật chất ấy vẫn là hoạt động sáng tạo. Sự không hoàn chỉnh của di sản để lại cho chúng ta một không gian đa chiều. Tôi vẫn tưởng tượng xem liệu tàn dư của lớp tường thành là một pháo đài nhỏ hay chỉ là chòi quan sát có mái để ngắm đường dạo ven sông các mùa qua cổng vòm ở cầu.

Phía bên sông

Sang tới bên cầu là kết thúc hành trình. Nhìn lại quãng đường đã đi có thể thấy đường nét của thành phố, từ nhà ở xây bằng kết cấu bê tông hiện đại chuyển dần tới dạng kết cấu gạch cùng điểm nhấn nhà thờ ở trung tâm. Dòng sông chảy phía dưới cùng khoảng bồi đủ lớn để đi dạo hay picnic. Trước mắt tôi giờ là cây cầu cùng tàn tích của nó và dưới chân là nhựa đường trải trên mặt con đê. Tại sao nơi đây lại tên Borgo Ticino (Làng Ticino – Ticino là tên của con sông chảy qua)? Tôi nhớ lại lời của anh bạn đồng nghiệp sử gia, “nếu Pavia ngập, bên này sông sẽ ngập trước”…

canh quan thanh pho chau au italy pavia

Cảnh quan phía bên sông

Bài: Quang Huy | Ảnh: NVCC


Xem thêm

Cảnh quan Lignano Sabbiadoro: Tĩnh lặng và sự cô đơn

Ngắm cảnh qua con mắt số

Du lịch chậm: Qua đôi mắt người lữ hành chậm rãi