Du lịch chậm: Qua đôi mắt người lữ hành chậm rãi

Nhân vật Keith trong bộ phim cùng tên đã nói: “Sao lại vội vã? Chúng ta đang ở đây, trong chiếc xe tải màu vàng, con đường ở phía trước, và sẽ chẳng có gì ngoài những cơ hội cả”. Đúng vậy, sao phải vội vã khi chúng ta có tất cả thời gian và sự tự do trên đời?

DU LỊCH TRONG MỘT THẾ GIỚI VỘI VÃ

Từ năm 2013, Paul Salopek, một nhà báo từng đoạt giải Pulitzer, đã thực hiện hành trình mang tên “Out of Eden”. Trong hơn một thập kỷ qua, Paul đã đi bộ mỗi ngày, men theo dấu chân 80.000 năm tuổi của tổ tiên loài người trên một lộ trình di cư dài 24.000 dặm từ Ethiopia đến cực Nam của Nam Mỹ. Hành trình phi thường của Paul vẫn đang tiếp diễn và được xem là trải nghiệm cao nhất của “du lịch chậm”, một thuật ngữ đang được sử dụng ngày càng phổ biến, nhất là sau đại dịch, khi con người dừng lại và suy ngẫm về mục đích, ý nghĩa của sự dịch chuyển.

Như Paul Salopek chia sẻ, “đi chậm” chính là cách con người kiến tạo nên lịch sử. Mở mang bờ cõi, khai hoang những vùng đất mới, khám phá sắc tộc, truyền bá tôn giáo, giao thương kinh tế, kết nối văn hóa… càng đi, con người càng hiểu thêm về thế giới; càng đi, con người càng hiểu thêm về chính mình. Từ chuyến thám hiểm giúp Columbus tìm ra châu Mỹ đến chuyến bay đầu tiên sau khi lệnh phong tỏa được gỡ bỏ, từ những chuyến đi góp phần xây dựng văn minh nhân loại đến kỳ nghỉ Hè để lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong ký ức tuổi thơ một đứa trẻ, du lịch đã trở thành một phần không thể thiếu trong xã hội loài người, hay ít nhất, khiến cho cuộc đời mỗi người trở nên ý nghĩa theo những cách riêng.

Giờ đây, cùng với sự phát triển của kinh tế và giao thông vận tải, công nghệ cũng giúp mọi người tiếp cận du lịch dễ dàng hơn. Thế giới ngày càng phẳng và dường như không còn nơi nào trên Trái đất mà con người chưa đặt chân tới. Facebook, Instagram có rất nhiều tài khoản giới thiệu những điểm đến đẹp nhất trên thế giới. YouTube, TikTok giúp những tâm hồn xê dịch chia sẻ chuyến phiêu lưu của họ với hàng triệu người. Airbnb, Agoda, Booking. com luôn sẵn sàng cung cấp hình ảnh đẹp của nơi lưu trú bên kia địa cầu với mọi mức giá. Thế nhưng, sự thuận tiện luôn mang theo nhiều cám dỗ. Đó cũng là lúc FOMO (Fear Of Missing Out, hay nỗi sợ bị bỏ lỡ) ra đời.

Du lịch chậm qua đôi mắt người lữ hành chậm rãi 1

Nhiều người đi du lịch như một cách để bắt kịp xu hướng và không bỏ lỡ những điểm đến mới nổi trên mạng xã hội. Việc cố gắng check-in càng nhiều nơi càng tốt có thể ngăn chúng ta trải nghiệm giá trị thật sự của chuyến đi.

Một số khảo sát đã chỉ ra rằng, nhiều người đi du lịch như một cách để bắt kịp xu hướng và không bỏ lỡ những điểm đến mới nổi trên mạng xã hội. Việc cố gắng check-in càng nhiều nơi càng tốt có thể ngăn chúng ta trải nghiệm giá trị thật sự của chuyến đi. Hơn nữa, thói quen ghi lại hình ảnh, video và chủ ý chia sẻ trên trang cá nhân cũng khiến không ít người bị phân tâm bởi chiếc điện thoại mà không thực sự tận hưởng hành trình. Bên cạnh đó, với đời sống bận rộn và quỹ thời gian hạn chế như hiện nay, phần lớn du khách đều muốn nhồi nhét lịch trình dày đặc vào một kỳ nghỉ, vô tình dẫn đến cảm giác mệt mỏi khi lên kế hoạch và ngay cả khi chuyến đi kết thúc. Trớ trêu thay, du lịch lẽ ra phải là phương thức giúp con người mở rộng tầm mắt, thay đổi tư duy, nuôi dưỡng cảm xúc và tái tạo tinh thần, nhưng với nhịp điệu vội vã của đời sống hiện đại, những chuyến đi vô hồn đôi khi khiến người lữ hành kiệt quệ mà chính họ cũng không hiểu vì sao.

Nếu bạn đã chán những chuyến ghé thăm chớp nhoáng tại các điểm dừng chân được thiết kế theo một lộ trình có sẵn, thời gian ngồi trên phương tiện di chuyển còn nhiều hơn thời gian thưởng ngoạn, ngụp lặn trong đám đông và kiệt sức sau khi trở về; nếu bạn đang khao khát một trải nghiệm chân thực hơn – một trải nghiệm khiến bạn có thêm hiểu biết về vùng đất, con người và nền văn hóa nơi mình đặt chân đến, một trải nghiệm khiến bạn kết nối được với chính bản thân mình, một trải nghiệm đúng với ý nghĩa ban đầu của du lịch – có lẽ, đã đến lúc bạn nên lựa chọn một nhịp điệu mới cho chuyến đi tiếp theo: Nhịp điệu của sự từ tốn.

TỪ PHONG TRÀO XÃ HỘI ĐẾN PHƯƠNG THỨC TẬN HƯỞNG NHỮNG CHUYẾN ĐI

Du lịch chậm (slow travel) là một nhánh của phong trào thức ăn chậm (slow food) do nhà báo và nhà hoạt động Carlo Petrini khởi xướng năm 1986 tại Piedmont, Ý – một phản ứng mạnh mẽ trước sự xâm lăng của thức ăn nhanh tại các khu vực văn hóa. Các nhà sản xuất thực phẩm địa phương đã cùng Petrini kêu gọi bảo tồn ẩm thực khu vực, nông nghiệp bản địa và phương pháp nấu ăn truyền thống khi một cửa hàng McDonald’s được đề xuất xây dựng gần Bậc thang Tây Ban Nha tại Rome. McDonald’s đã thực sự mở cửa và vẫn còn ở đó, nhưng bằng việc đấu tranh với khái niệm thức ăn nhanh, Petrini đã giúp mọi người nhận ra rằng sự phát triển du lịch quá nhanh có thể thay đổi cách du khách lựa chọn bữa ăn, mang các chuỗi nhà hàng lớn đến những thành phố di sản và phá vỡ bầu không khí địa phương. Phong trào thức ăn chậm không chỉ đưa con người quay trở về với vẻ đẹp độc đáo trong hồn túy của ẩm thực ở mỗi vùng đất, mà còn khiến mọi người nhìn lại tác động của du lịch và đi tìm một phương thức trải nghiệm bền vững, có ý thức hơn.

Cốt lõi của du lịch chậm chính là “đưa ra quyết định có ý thức”. Những quyết định này tác động đến quá trình trải nghiệm và tái tạo cảm xúc của chính bản thân du khách, góp phần bảo tồn văn hóa địa phương và giúp ích cho hệ sinh thái thông qua nỗ lực giảm dấu chân carbon. Nói cách khác, du lịch chậm có mối liên hệ mật thiết với du lịch trải nghiệm, du lịch bền vững và du lịch chữa lành.

Du lịch chậm qua đôi mắt người lữ hành chậm rãi 2

Du lịch chậm sẽ khiến chúng ta trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình nếu chúng ta cởi mở với môi trường xung quanh, xây dựng mối quan hệ với những người xa lạ và cho phép bản thân học hỏi, trưởng thành từ những điều bất ngờ.

Lựa chọn có trách nhiệm

Vào năm 2010, một thập kỷ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, chứng kiến sự quan tâm tăng vọt đối với các chuyến đi bộ xuyên rừng, dịch chuyển bằng xe đạp và du lịch tại chỗ, hai nhà nghiên cứu du lịch ở Vương quốc Anh, Janet Dickinson và Les Lumsdown, nhận định rằng “du lịch chậm là một khung khái niệm mới, cung cấp giải pháp thay thế cho du lịch bằng đường hàng không và ô tô, nơi mọi người di chuyển đến các điểm đến trên đất liền chậm hơn, ở lại lâu hơn và đi lại ít hơn”.

Ít di chuyển hoặc di chuyển gần cho phép người du hành lựa chọn các phương tiện thân thiện với môi trường hơn như xe lửa, xe bus, xe đạp, đi thuyền, đi bộ… Để thuận tiện cho việc ở lại lâu hơn tại một địa điểm và hòa mình vào đời sống bản địa, nhiều người chọn ở các homestay, farmstay, nhà của người bản xứ để có thể tự chủ trong sinh hoạt và hạn chế các dịch vụ không cần thiết. Ngoài ra, thay vì đến thăm các thành phố đông đúc, người lữ hành nhàn rỗi có xu hướng chọn các hoạt động gần gũi với thiên nhiên hơn như cắm trại, trekking, leo núi, chèo thuyền kayak, làm vườn… Với sự chú tâm và tĩnh tại, chậm lại chính là cơ hội để người du hành đưa ra những lựa chọn có chủ đích, trải nghiệm sâu sắc hơn chuyến đi của mình.

Phần thưởng là hành trình

Là một phản ứng tất yếu trước nỗi ám ảnh thời hậu công nghiệp, khi sự tiện lợi lên ngôi và con người muốn sử dụng ít thời gian nhất có thể để di chuyển từ nơi này sang nơi khác, du lịch chậm tập trung vào hành trình chứ không chỉ là điểm đến. Hào hứng về nơi ta sắp đến, nhưng cũng phấn khích không kém về cách ta đến đó, về những người ta gặp, khung cảnh ta nhìn và những gì ta có được trên đường đi. Monisha Rajesh, tác giả của ba cuốn sách về du lịch đường dài bằng tàu hỏa, cho rằng di chuyển chậm hơn sẽ cho bộ não của chúng ta thời gian cần thiết để xử lý trải nghiệm. “Khi đi máy bay, bạn rời khỏi một nơi và đáp xuống điểm đến. Nhưng với một chuyến tàu, hành trình bắt đầu ngay khi bạn lên tàu. Tôi không biết ai sẽ bước vào câu chuyện của mình và sự thay đổi của môi trường xung quanh cũng là một phần của cuộc phiêu lưu”.

Tất nhiên, đường hàng không là một lựa chọn khả dĩ khi di chuyển giữa các lục địa xa xôi và giúp chúng ta tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, khi có cơ hội lựa chọn khác đi, đừng ngần ngại lấp đầy khoảng trống giữa hai đầu chuyến đi bằng những bất ngờ của cuộc sống. Với triết lý tương tự, thuyền trưởng của du thuyền Maine Windjammer (Mỹ) đã nảy ra ý tưởng đưa du khách đến bất kỳ nơi nào tùy theo hướng gió và thủy triều mà không có một lộ trình chính xác. Khởi hành từ cảng Camden thuộc tiểu bang Maine, du khách có 4 ngày trở thành thủy thủ thực sự, thong thả chiêm ngưỡng khung cảnh của những đảo nhỏ hoang sơ dọc Vịnh Penobscot, lười biếng tắm nắng trên boong tàu, nhấm nháp tách trà trong khi đọc một cuốn sách, lắng nghe tiếng trò chuyện của động vật hoang dã và âm thanh của chiếc thuyền nhẹ nhàng cọt kẹt trên vịnh nhỏ hẻo lánh giữa đêm yên tĩnh… Bạn còn nhớ không, trong phim Titanic, Jack đã nói: “Tôi thích được thức dậy vào buổi sáng, không biết điều gì sẽ xảy ra, sẽ gặp ai và ngọn gió sẽ thổi tôi đi đến đâu”. Tận hưởng hành trình mà không cần phải quan tâm tới đích đến, du lịch chậm chính là như vậy.

Kết nối sâu sắc với thế giới

Du lịch chậm không phải là vấn đề của tốc độ mà là mức độ và khả năng kết nối: kết nối với người bản xứ, với văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, âm nhạc, thiên nhiên… Quan điểm này dựa trên ý tưởng ban đầu rằng một chuyến đi có thể mang lại nhiều giá trị về hiểu biết và mở rộng thế giới quan của người lữ hành. Mà để có hiểu biết thực sự, Chyanne Trenholm – trợ lý tổng giám đốc của Tour du lịch văn hóa và động vật hoang dã Homalco có trụ sở tại Đảo Vancouver – cho rằng chúng ta phải biết “dừng lại và kết nối đúng cách với địa điểm và con người ở đó, dành thời gian để tạo mối liên hệ – với vùng đất và với nhau”. Ở Ý có một khái niệm gọi là “Km Zero”, nghĩa đen là “0km”, đề cập đến việc ở lại một nơi để trải nghiệm ẩm thực địa phương, rượu vang và hàng hóa thủ công một cách sâu sắc và trọn vẹn nhất. Tránh xa những điểm đến đông đúc, ồn ào và đón nhận tất cả vẻ đẹp bình dị của một vùng đất mới, “Km Zero” đã chứng minh rằng, không cần quá nhiều thời gian để có thể trải nghiệm một hành trình thong dong, tất cả phụ thuộc vào cách chúng ta tương tác với thế giới.

Qua đôi mắt người lữ hành chậm rãi 1

Những tựa sách cho ta cảm hứng khám phá thế giới một cách từ tốn hơn.

Helene D’Souza, tác giả và người sáng lập trang web về ẩm thực và du lịch Masala Herb, rất thích tìm hiểu văn hóa ẩm thực bản địa vì “mỗi món ăn lại kể một câu chuyện độc đáo về cuộc sống ở đó”. “Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là khi phát hiện một ngôi làng tên Nako ở vùng cao nguyên Himalaya của Ấn Độ, cạnh biên giới Tây Tạng. Sau một chuyến đi bộ dài, chúng tôi ở lại với người dân địa phương. Họ tự trồng đậu xanh và lúa mạch. Chúng tôi được mời đến nhà họ để dùng một bữa ăn tự nấu, bao gồm bánh bao momo nhân đậu xanh khoai tây và bia lúa mạch tự làm. Tôi có cảm giác mình đang du hành ngược thời gian vì cuộc sống ở đó quá chậm”, cô chia sẻ.

Trong khi đó, chuyến đi đáng nhớ nhất với nhà thám hiểm Steph Dyson là khi được sống cùng cộng đồng nông dân Llaguepulli gần Lago Budi, một trong những điểm thu hút khách du lịch bí ẩn nhất Chile. “Tại đây, bạn có thể ở với một gia đình người Mapuche bản địa, tham gia các lớp học nấu ăn, tìm hiểu về thuốc thảo dược cũng như niềm tin tâm linh và vũ trụ của họ, thậm chí ở trong một ngôi nhà ruka truyền thống – một túp lều bằng gỗ giống với lều yurt của người Mông Cổ”, Steph Dyson hào hứng kể lại.

Tìm về bình yên nội tại

Phạm Thùy Dương, một người thường xuyên đi du lịchchậm, cho biết du lịch chậm giúp cô giảm mức độ căng thẳng của việc lên kế hoạch quá nhiều trước một chuyến đi. “Khi đi chậm, chúng ta bình an và điềm tĩnh trong khi tận hưởng từng khoảnh khắc. Chúng ta không bị thất vọng vì đặt quá nhiều kỳ vọng vào nơi mình đến. Đó là một lựa chọn rất cần thiết để cân bằng lại năng lượng trong một cuộc sống hiện đại và quá vội vã”. “Chậm” chính là kim chỉ nam của tư duy và cảm xúc. Với quan điểm “chất lượng quan trọng hơn số lượng”, đi chậm lại cho phép chúng ta cảm nhận rõ ràng, sâu sắc hơn sự có mặt của chính mình trên đường đi, ngay trong hiện tại, để ta có cơ hội trở về và tái khám phá thế giới nội tâm.

Trong cuốn sách The Idle Traveller: The Art of Slow Travel, tác giả Dan Kieran cho rằng người du hành nhàn rỗi sẽ có nhiều thời gian hơn để suy nghĩ về hành trình của mình so với người du hành vội vã. Khi thế giới mở ra, sự tiếp nhận chậm rãi cho phép chúng ta thu nhận hình ảnh, mùi vị, màu sắc, cảm xúc với tốc độ mà chúng ta có thể dễ dàng “tiêu hóa”. Kieran cũng khẳng định rằng du lịch chậm sẽ khiến chúng ta trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình nếu chúng ta cởi mở với môi trường xung quanh, xây dựng mối quan hệ với những người xa lạ và cho phép bản thân học hỏi, trưởng thành từ những điều bất ngờ xảy ra ngoài kế hoạch.

Qua đôi mắt người lữ hành chậm rãi

Tác giả Dan Kieran khuyến khích sự trưởng thành từ những bất ngờ.

Khi thoát khỏi áp lực “ghé thăm mọi nơi, nhìn thấy mọi thứ”, bạn có thể thư giãn và tận hưởng kỳ nghỉ theo nhịp điệu của riêng mình. Bạn chỉ cần lên kế hoạch cho ngày đầu tiên và ngày cuối cùng của hành trình, và để dành khoảng trống cho phần còn lại của chuyến đi, vì đó là nơi niềm vui thực sự bắt đầu. Khoảng trống trong lịch trình đồng nghĩa với sự tự do trong mọi quyết định. Khi không có một kế hoạch cứng nhắc, bạn cũng sẽ cảm thấy thoải mái hơn nếu có điều gì đó không diễn ra như ý muốn và dễ dàng đón nhận những ý tưởng mới mẻ. Thong thả dạo quanh một khu chợ địa phương và trò chuyện với người bản xứ, tự do tự tại trên những ngõ phố xa lạ, dừng lại ngẫm ngợi trước một tác phẩm nghệ thuật trong bảo tàng, nán lại lâu hơn ở một tiệm sách cũ… chuyến du lịch có thể trở nên nhẹ nhàng, “dễ thở” hơn khi bạn dịu dàng với chính mình và hiểu rõ giá trị của từng khoảnh khắc trải nghiệm.

Du lịch chậm qua đôi mắt người lữ hành chậm rãi 3

Bạn chỉ cần lên kế hoạch cho ngày đầu tiên và ngày cuối cùng của hành trình, và để dành khoảng trống cho phần còn lại của chuyến đi, vì đó là nơi niềm vui thực sự bắt đầu.

Cuối cùng, ý tưởng du lịch chậm không chỉ áp dụng cho một chuyến viễn du. Một khi đã nắm bắt được “nghệ thuật đi chậm”, ta có thể thực hiện nó ở đây, bây giờ. Hãy xem bản thân như khách du lịch trong chính thành phố của mình. Đây có thể là cơ hội để bạn tìm thấy vẻ đẹp mà bạn chưa từng thấy trước đây, cũng như thiết lập những kết nối cảm xúc mới với nơi mà bạn tưởng đã quen thuộc. Không cần quá nhiều nỗ lực, chỉ cần thay đổi tư duy và cởi mở với mọi khả năng, có thể bạn sẽ bất ngờ với những cảm hứng mới mẻ của chính mình.

Với sự chuyển đổi tinh tế và chậm rãi, du lịch một lần nữa mang ý nghĩa thật đặc biệt. Những chuyến đi có thể tạo ra ký ức lâu dài hơn trong một thế giới tức thời, thoáng qua, bị chi phối bởi hội chứng FOMO và mạng xã hội. Tất nhiên, du lịch chậm sẽ hấp dẫn đối với một số người, nhưng với số khác thì không. Không có gì sai khi tận hưởng một kỳ nghỉ truyền thống. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, bạn luôn có thể lựa chọn lại bất cứ lúc nào. Chậm lại, rất đơn giản, chỉ là cho bản thân nhiều thời gian hơn để được sống và trải nghiệm, xem tận mắt, nghe tận tai, tiếp nhận thế giới như nó vốn là. Khi bạn đi chậm lại, mọi thứ đều là cơ hội. Và ai biết được, có thể bạn sẽ yêu sự nhàn nhã này không chừng.

Bài: Đoàn Trúc | Minh họa: Left Studio


Xem thêm

Thiết kế chậm: Nối lại liên kết con người – thiên nhiên

Đọc chậm: Permaculture, một kỹ thuật nông nghiệp hay một lựa chọn lối sống?

Giữ miền ký ức du lịch thông qua ký họa