Con người đang sống trong thời đại của công nghệ với sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo, ngành xây dựng và thiết kế liên tục tăng tốc để bắt kịp với sự phát triển này. Nhằm đáp ứng cho nhu cầu gia tăng về chất lượng cuộc sống, công nghệ xây dựng thiết kế ngày càng được chuẩn hóa; nội thất sản xuất hàng loạt và các chi tiết kiến trúc được lắp ghép sẵn rất tiện lợi cho việc xây dựng. Nhưng chính sự tiện lợi đó đã tạo nên những môi trường sống rập khuôn, đồng nhất về quy cách nhưng lại thiếu hụt đi cá tính và tinh thần. Chưa kể sự phát triển quá nhanh quét qua như cơn bão, để lại sau đó là hàng loạt vấn đề môi trường, sức khỏe và sự xói mòn văn hóa dần làm đứt gãy liên kết giữa người với người. Bằng việc tạo nên môi trường sống chậm rãi, ta tái kết nối sự hiện diện của con người vào trong từng khoảnh khắc, để nhà lại thực sự là nơi chở che, tiếp truyền cho ta năng lượng và động lực sống mỗi ngày, chứ không chỉ là khối bê tông trơ lì, chất chồng nhiều đồ đạc nhưng lại khô khan vô nghĩa. Một căn nhà đẹp sẽ chẳng là gì ngoài một không gian trưng bày nếu ta chẳng có đủ thời gian để tận hưởng nó. Và liệu đó có phải nơi ta thuộc về khi nó chẳng hề mang chút dấu ấn cá tính của chính bản thân ta.
SỐNG CHẬM – SLOW LIVING – KHÔNG CHỈ LÀ MỘT PHONG TRÀO NHẤT THỜI
Sống chậm hiểu đơn giản là sống từ tốn và sâu lắng. Lối sống đề cao sự tập trung vào từng việc một, khuyến khích ta sống đúng nhịp của cuộc đời, trọn vẹn từng khoảnh khắc trong hiện tại. Sống chậm đặt chất lượng lên trên số lượng và giúp xác định điều gì thực sự mang lại bình yên hạnh phúc cho con người. Khi lựa chọn lối sống này, chúng ta ưu tiên cho những khía cạnh quan trọng, bao gồm: cảm xúc, hành vi, sự kết nối giữa người với người và vạn vật xung quanh, đặc biệt là việc tận hưởng các giá trị văn hóa tinh thần giúp làm phong phú đời sống nội tâm.
Phong cách sống chậm được cho là bắt nguồn từ một cuộc cách mạng văn hóa của người Ý, mang tên “slow food” – thực phẩm chậm. Nó được xem như một phản đề của văn hóa thức ăn nhanh mà người Mỹ định du nhập vào nước Ý trong thập niên 1980. Phong trào này đề cao giá trị truyền thống và là cách người Ý thể hiện quyết tâm bảo vệ nền ẩm thực của mình trước sự xâm lăng mạnh mẽ của lối sống công nghiệp. Bước đi này như một hồi chuông thức tỉnh, kéo theo đó là những động thái kêu gọi nhận thức về phong cách sống đề cao chất lượng, thoát khỏi sự nô dịch của thời gian và thói sinh hoạt hời hợt, kém lành mạnh.
Phong cách sống chậm được cho là bắt nguồn từ một cuộc cách mạng văn hóa của người Ý, mang tên “slow food” – thực phẩm chậm.
Trên thực tế, sống chậm có thể xuất hiện dưới hình hài của các tư tưởng như: sống chánh niệm theo Phật giáo, sống tối giản. Ở một khía cạnh nào đó, sống chậm chính là sự tôn vinh cho nếp sinh hoạt truyền thống vốn rất được ưu tiên thực hành trong đời sống phương Đông. Qua cách tiếp cận chậm rãi, có ý thức, ta có thể tập trung vào những yếu tố giá trị thay vì lãng phí thời gian để chạy đua với những áp lực vô hình của lối sống công nghiệp. Theo phong cách sống này, mỗi không gian là sự đầu tư tâm sức, có sắc thái đặc trưng riêng để kết nối con người với xung quanh và về với chính họ.
SỐNG CHẬM KHI ỨNG DỤNG VÀO KIẾN TRÚC VÀ THIẾT KẾ
Không gian sinh hoạt không chỉ là nơi bảo vệ thân thể mà còn là chốn bao bọc, bồi đắp cho tinh thần con người. Công trình kiến trúc có thiết kế chậm – slow design – là nơi khuyến khích sống chánh niệm, tận hưởng trải nghiệm không vội vã. Lấy sự bền vững làm trọng tâm, không gian sống ấy kết nối mật thiết với thiên nhiên, hướng đến sự tồn tại lâu dài cùng giá trị bồi đắp theo thời gian. Ở đó, con người không chỉ cảm thấy an toàn mà còn có thể tự do xây dựng nội tâm phong phú. Quá trình thiết kế cũng sẽ được bám sát với nhu cầu của gia chủ, ưu tiên tính cá nhân hóa và phù hợp với điều kiện tự nhiên. Kiến trúc chậm tôn vinh tinh thần bản địa và sự hoà hợp với thiên nhiên, hệ quy chiếu thẩm mỹ của phong cách này là sự hòa hợp giữa nét đẹp truyền thống và tinh thần tinh giản hiện đại. Không phô trương hào nhoáng bằng những hình dạng kỳ dị hay lớp hoàn thiện sáng bóng, kiến trúc chậm bắt nguồn từ sinh hoạt thực tế, từ lịch sử nơi chốn và văn hóa sở tại. Chỉ khi hòa hợp về bản chất và hình thái với môi trường ngoại cảnh, công trình đó mới có thể tồn tại vững vàng và giúp ta tận hưởng trọn vẹn trải nghiệm cuộc sống, đúng theo tuyến tính thời gian.
Kiến trúc dân gian Việt Nam có thể được xem là một trong những ví dụ thú vị cho kiến trúc sống chậm bởi có phong cách nhẹ nhàng khiêm tốn nhưng đầy sinh động…
Trong thiết kế chậm, vật liệu địa phương luôn được ưu tiên, các yếu tố đời sống văn hoá được ứng dụng để thể hiện bản sắc dân tộc, song song đó là giúp tối ưu về chi phí, đảm bảo tính bền vững trước tác động của môi trường. Kiến trúc dân gian Việt Nam có thể được xem là một trong những ví dụ thú vị cho kiến trúc sống chậm bởi có phong cách nhẹ nhàng khiêm tốn nhưng đầy sinh động, kết hợp chặt chẽ với cảnh quan và lan tỏa cảm giác thong thả an yên. Ngôi nhà truyền thống Việt Nam có sân vườn, cửa cao rộng đón chào nắng gió với khả năng lưu thông khí tốt, mặt sàn trải dài và các buồng riêng có tầm nhìn đẹp. Không gian sinh hoạt chung như bếp, phòng khách hay hiên nhà vẫn được chú trọng đầu tư để các thành viên trong gia đình gắn kết thông qua những hoạt động thường nhật. Tất cả tạo điều kiện cho con người sống “đủ” và “đầy”, nhẹ nhàng nhưng vẹn tròn ý nghĩa.
Các thiết kế nội thất chậm cũng lưu tâm đặc biệt đến sự thoải mái của người dùng, chất liệu bền vững theo năm tháng, kiểu dáng “không tuổi” đặc sắc, đủ để có thể đứng ngoài sự thải loại liên tục của cuộc chạy đua xu hướng. Mỗi chiếc bàn chiếc ghế đều gửi gắm cảm giác an yên và câu chuyện ý nghĩa, với mong muốn tạo ra người bạn đồng hành cùng gia chủ qua những thăng trầm của cuộc sống. Từng món đồ trong nhà đều có thể là sự gợi nhắc về ký ức tuổi thơ, những giây phút thành bại, những buổi sum vầy ấm áp làm nên hạnh phúc của một gia đình. Thiết kế chậm không khuyến khích con người sống buông thả và lười biếng mà học cách trân trọng khoảnh khắc, kiến tạo nên hồn sống cho không gian bằng bản sắc của mỗi cá nhân. Khi ta sống chậm lại, những nét sinh hoạt sẽ thẩm thấu vào từng ngóc ngách của căn nhà, hiện diện không chỉ qua tiếp nhận thị giác mà còn lan tỏa nhờ những xúc cảm trải nghiệm. Một ngôi nhà có thiết kế chậm sẽ luôn gắn chặt với những giá trị sống quý báu và độc nhất của gia chủ, nơi họ tìm thấy sự an yên và tận hưởng thời gian quý báu của mình, tự do khỏi lo lắng đua tranh với cuộc đời.
ỨNG DỤNG SLOW DESIGN (THIẾT KẾ CHẬM) VÀO TỔ ẤM
Một tổ ấm mang thiết kế chậm sẽ giúp bạn tìm thấy niềm vui trong những điều giản dị thường nhật, đó là nơi bạn có thể tự do là chính mình, một ốc đảo bình yên trước những giông tố của cuộc đời.
Một môi trường bình yên phản ánh cá tính của gia chủ
Xây dựng không gian tĩnh lặng và bình yên là một trong những trọng tâm của slow design. Chỉ khi an tĩnh chúng ta mới có thể suy nghĩ và cảm nhận thông suốt. Theo đó, một căn nhà ngập tràn ánh sáng tự nhiên, mang gam màu thiên nhiên thư giãn và có điểm xuyết năng lượng sống của cây xanh sẽ tạo nên bầu không khí trong lành, đẩy lùi căng thẳng và khiến thời gian ở nhà trở nên chất lượng hơn. Nhà cũng nên là nơi phản ánh những giá trị riêng của gia chủ, cách bài trí và trang trí nên được cá nhân hóa để gây dựng cảm giác thân thuộc và tin cậy. Thay
vì chạy theo các phong cách thời thượng, hãy để không gian đó là tác phẩm độc nhất được “vẽ” chân thật theo cung cách sinh hoạt của gia đình.
Thiết kế chậm khuyến khích trải nghiệm, vì thế, nhà nên là nơi lưu giữ những điều ý nghĩa trong hành trình trưởng thành và liên tục được bồi đắp theo dòng chảy không ngừng của cuộc sống. Cảm giác “ở nhà” đôi khi chỉ đơn giản là được ngả lưng trên chiếc ghế dài ưa thích, thưởng thức cà phê nóng hổi thơm lừng được pha bằng moka pot hay tự tay nấu bữa cơm trong căn bếp đầy những món đồ đáng yêu mà bạn đã sưu tầm trong suốt nhiều năm tháng. Có được một thứ của riêng mình, tận hưởng những niềm vui nho nhỏ sẽ là ánh lửa hun đúc cho sự vững vàng nội tại. Có được một nơi để trở về và luôn chấp nhận ta chẳng phải là một điều rất tuyệt vời sao.
Lựa chọn vật liệu hữu cơ và hạn chế chất liệu công nghiệp
Thiết kế chậm ưu ái chất hơn lượng và đặc biệt gần gũi với lối sống xanh. Việc lựa chọn vật liệu hữu cơ như gỗ, đá, gốm, vải bông, vải lanh, sợi mây sẽ giúp bạn xây dựng được một không gian mang hơi thở thiên nhiên, bền bỉ với thời gian và kích hoạt các giác quan qua những cái chạm tay, ngắm nhìn. Ngoài ra, độ trầm, tĩnh của các vật liệu thiên nhiên giúp cân bằng cảm giác dồn dập, choáng ngợp của các loại thiết bị điện tử, từ đó định hình nên một không gian sống ấm cúng hài hòa về mặt thẩm mỹ. Ngoài ra, việc lựa chọn nội thất bền bỉ cũng chính là thực hành sống chậm bởi nó giúp giảm thiểu rác thải, từ chối sự nhanh chóng tạm bợ để trải nghiệm sâu và giá trị hơn.
Ưu tiên thiết kế có ánh sáng tự nhiên
Ánh mặt trời dồi dào năng lượng và có khả năng chữa lành mạnh mẽ. Ánh sáng tự nhiên giúp khử khuẩn, sưởi ấm không gian và tạo ra những bước nhảy của nắng tuyệt đẹp theo từng giờ trong ngày. Thay vì lệ thuộc vào những thiết bị hiện đại như đèn, điện thoại và đồng hồ báo thức, hãy tái kết nối đồng hồ sinh học của bạn với ánh mặt trời để rèn luyện nếp sống lành mạnh và có được tinh thần vui tươi sảng khoái. Các ô cửa sổ nên được hé mở thường xuyên và đừng quá lạm dụng rèm chắn nắng, thay vào đó hãy tích cực chào đón nguồn sinh khí tự nhiên này để cải thiện chất lượng sống. Trong thiết kế nội thất, ánh sáng là một trong những yếu tố chủ đạo kiến tạo nên phông nền thẩm mỹ của không gian. Nắng giúp căn nhà trở nên thoáng rộng và có cảm giác chào đón hơn, một góc nhà nhỏ liêu xiêu nắng cũng đủ để biến thành nơi thư giãn riêng tư tuyệt đẹp. Vừa có khả năng xoa dịu mà cũng dâng trào năng lượng, ánh nắng mặt trời là một trong những món quà quý giá nhất mà thiên nhiên ban tặng chúng ta. Thay vì trốn tránh, hãy tìm cách hòa mình vào nhịp sống đất trời để không hoài phí cái đẹp tuyệt mỹ của thiên nhiên.
Khuyến khích các trải nghiệm của giác quan
Sự nhanh chóng tiện lợi của cuộc sống hiện đại dường như giăng bẫy ta rơi vào nếp sống qua loa, hời hợt trong cảm nhận và quá dư thừa về vật chất. Khi không gian sống được tinh tuyển, thiết kế chậm trong sự cân nhắc, ta dần định hình được các yếu tố làm nên sự “giàu có” trong trải nghiệm. Nhà không chỉ có nội thất mà còn bao gồm bầu không khí, ánh sáng, mùi hương
và xúc giác. Một căn nhà có sự lưu thông khí tốt tạo nên cảm giác thoáng đãng dịu dàng, ánh sáng đủ đầy tôn lên các khối hình kiến trúc và sưởi ấm không gian; bề mặt chất liệu phong phú kể nên câu chuyện thẩm mỹ giá trị. Mỗi chất liệu lại kích hoạt cảm xúc khác biệt, sự mát lạnh của đá, ấm áp của tường gạch, trơn dịu của gỗ và bồng bềnh của vải sẽ đem đến sự xoa dịu khuây khỏa khi ta tiếp xúc. Những món nội thất mang thiết kế chậm, thấu đáo sẽ luôn là người bạn đồng hành đáng tin cậy. Định hướng thẩm mỹ thăng hoa trên nền tảng của công năng đem đến sự hài lòng trên mọi phương diện, con người được chăm sóc cả về thân và tâm.
Chọn lọc nội thất, tạo khoảng trống thư giãn
Để có thể tập trung trải nghiệm sâu, bạn nên cân nhắc về số lượng nội thất trong nhà. Việc bài trí đồ đạc dày đặc có thể gây xao nhãng và tạo cảm giác bức bối, chật chội. Một bí kíp nhỏ chính là chỉ sắm những vật dụng tối cần thiết, phục vụ hiệu quả cho sinh hoạt thường ngày.
Nhà không chỉ có nội thất mà còn bao gồm bầu không khí, ánh sáng, mùi hương và xúc giác.
Bên cạnh đó, việc bài trí thoáng tay sẽ tạo ra các khoảng trống giúp xoa dịu đôi mắt và cho tâm trí một quãng nghỉ ngơi. Một căn nhà chẳng thể yên bình khi đầu óc bạn liên tục bị làm phiền bởi sự bừa bộn. Khi cần sắm đồ mới, hãy đảm bảo bạn chi những khoản đầu tư thích đáng. Những vật dụng trang trí đẹp nhất là những vật mang ý nghĩa gắn bó cá nhân, mỗi món đồ trong nhà đều nên có mục đích rõ ràng hoặc đem lại niềm vui đặc biệt cho những người sinh sống ở đó.
Trải nghiệm chân thực
Khi có một căn nhà có thể giúp ta hoàn thành hầu như tất cả mọi việc, mức độ cảm nhận chân thực của bạn cũng sẽ bị giới hạn. Một bữa cơm gia đình luôn đem lại cảm giác khác biệt so với đồ ăn nấu sẵn, khi ta dũng cảm từ chối những tiện lợi sẵn có và bắt tay vào hoàn thành những công việc chăm sóc nhà cửa, đó cũng là cơ hội tận hưởng những niềm vui nho nhỏ. Song song đó, bạn cũng nên có một khu vực hạn chế đồ công nghệ, đó có thể là phòng ngủ hoặc phòng ăn. Đồ dùng công nghệ như điện thoại, tivi và laptop có thể trở thành một mối xao lãng lớn, khiến bạn lãng phí nhiều thời gian để giải trí thay vì tham gia vào các hoạt động ý nghĩa như kết nối với gia đình hoặc trau dồi bản thân.
Nhà là nơi để trở về
Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi căn nhà là tổ ấm. Bởi đó là chốn thân thương để trở về sau ngày dài mệt mỏi, là nơi ta lấp đầy tâm hồn bằng tình yêu, sự khát khao và những ước mơ. Một không gian thoải mái và lan tỏa năng lượng bình yên sẽ giúp bạn xua tan tiêu cực, đảm bảo sức khỏe tinh thần. Khi đặt chân vào phòng khách bạn nên được chào đón bởi một bầu không khí cởi mở, thiết kế “khéo khoe” những điều tự hào như gu thẩm mỹ độc đáo, những kỷ niệm gia đình. Những khu vực sinh hoạt thân mật như bếp nên mang thiết kế ấm cúng sạch sẽ, tiện lợi cho việc nấu nướng và kết nối các thành viên trong gia đình. Sẽ tốt hơn cả nếu nơi lưu giữ ánh lửa hồng vẫn phảng phất truyền thống gia đình vì con người chúng ta gắn kết qua những bữa ăn sum vầy và thật hay nếu điều tốt đẹp đó được truyền lại cho những thế hệ tiếp nối. Phòng ngủ mang đậm tính riêng tư nên được giữ ở trạng thái bình ổn và êm ái. Nơi tái tạo năng lượng nên được phủ đầy ánh nắng vào ban ngày và giữ cho ấm áp kín đáo khi về đêm.
Sau cánh cửa phòng ngủ là nơi bạn có thể trút bỏ những gánh nặng, hãy điểm tô khu vực này bằng những điều mà bạn yêu thương và được truyền cảm hứng nhất. Nhà tắm – nơi ta gột rửa mệt mỏi thanh lọc tâm trí, bạn có thể biến khu vực này thành spa tại gia, nuông chiều bản thân bằng những điều xoa dịu tinh tế. Một lưu ý khi trang trí theo phong cách sống chậm, đó là cảm giác sâu sắc của không gian; mỗi sự điểm tô đều hàm chứa ngụ ý và tất cả chỉ dừng lại ở mức vừa đủ để duy trì trạng thái cân bằng, con người làm nên nơi chốn và nơi chốn ấy cũng tạo dựng nên con người. Song song đó, việc duy trì những khoảng lặng trong nhà cũng rất quan trọng để bạn có thể sống bình thản giữa thế gian vội vã. Một góc nhỏ riêng tư với ánh mặt trời và cây cỏ sẽ gia tăng cảm giác an toàn, nơi ta tĩnh lại để soi chiếu và kết nối với chính mình.
Trong guồng quay của cuộc sống hối hả, đôi khi ta giữ bản thân chậm bớt đi một nhịp để thấu tỏ mọi thứ, quay về với bản chất chân thật bên trong con người để thấy đủ thấy lành. Thiết kế chậm giúp tạo ra các công trình mang ý nghĩa nhân văn, có trách nhiệm. Nhiều công trình được kiến tạo dựa trên sự chu đáo sẽ tạo nên một xã hội “giàu có” về chất lượng sống, mở ra con đường tươi sáng cho thế hệ tương lai.
Mỗi sự điểm tô đều hàm chứa ngụ ý và tất cả chỉ dừng lại ở mức vừa đủ để duy trì trạng thái cân bằng, con người làm nên nơi chốn và nơi chốn ấy cũng tạo dựng nên con người.
Thực hiện: Phương Nguyễn | Ảnh: Tư liệu
Xem thêm
Cristian Mohaded: Thiết kế hiện đại mang giá trị truyền thống
Kiến trúc sư Junya Ishigami và mối quan tâm đến tính bền vững và cân bằng trong kiến trúc
Đọc chậm: Permaculture, một kỹ thuật nông nghiệp hay một lựa chọn lối sống?