Đọc chậm: Permaculture, một kỹ thuật nông nghiệp hay một lựa chọn lối sống?

“Permaculture” là một thuật ngữ được đưa ra lần đầu vào khoảng giữa thập niên 70 bởi hai người Úc là David Holmgren và Bill Mollison, nhằm miêu tả một hệ thống được thiết kế tiên phong trong việc phản ứng lại với những chuyển biến của khí hậu và môi trường. Đó là một thách thức đối với sự tồn vong của tất cả chúng ta.

Khủng hoảng sinh thái là hậu quả của lối sống tiêu thụ vật chất. Permaculture là quá trình nhận thức rõ điều này và chịu trách nhiệm với hành tinh này, thay đổi lối sống tiêu thụ để chúng ta có thể tái tạo lại một thế giới giảm dần sự phá hủy và ô nhiễm, nơi chúng ta có thể tận hưởng không khí trong lành, nước sạch, thức ăn chất lượng tốt và niềm vui, công việc có ý nghĩa.

PERMACULTURE LÀ GÌ?

Xuất phát từ cụm từ “Permanent Agriculture”, Permaculture đã đi xa khỏi những phương pháp kỹ thuật trồng thực phẩm bền vững, trở thành một trào lưu toàn cầu bao gồm khám phá các khía cạnh để loài người chúng ta có thể sống hòa hợp với Trái đất và nguồn tài nguyên hạn hẹp của nó. Là một nền văn hóa vĩnh cửu, Permaculture bây giờ chắc hẳn có rất nhiều định nghĩa. Tựu trung, Permaculture xây dựng một môi trường sống bền vững cho con người bằng cách đi theo mô hình của tự nhiên, thuận theo những chuyển động của tự nhiên.

Tranh minh họa Permaculture

Minh họa: Luongdoo

LUÂN LÝ PERMACULTURE

“Permaculture một cách cuốn chiếu” (Rolling Permaculture) là thuật ngữ thường dùng để mô tả sự tích hợp từng chút của một thiết kế bền vững trong một khoảng thời gian. Nền nông nghiệp bị công nghiệp hóa đang làm xói mòn và ô nhiễm nguồn đất, nhưng đồng thời chính nó cũng cung cấp công việc và lương thực cho người dân. Những thị trấn và thành phố hiện đại bao bọc và tạo ra việc làm, cung cấp tiện ích cơ bản cho hàng triệu người, nhưng điều đó lại dựa trên sự vận hành những cơ sở hạ tầng gây hại cho môi trường. Hiển nhiên ta cần phải thay đổi hệ thống, nhưng sẽ không thể hoàn thành công cuộc này trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, ta có thể bắt đầu từ những việc ngoài rìa; một nông dân có thể sử dụng kỹ thuật của Permaculture áp dụng vào vùng đất hoang/thửa ruộng thừa, sau đó từ từ đem mô hình này vào những phần đất còn lại, với khối lượng thu hoạch bền vững dần dần thay thế lượng sản phẩm từ những tập quán phá hoại. Tương tự, những dự án Permaculture được thực hiện ở những khu nghèo trong thành phố có thể là ví dụ và nguồn cảm hứng, truyền tải ý tưởng về cách mà chúng ta có thể cùng phát triển tương lai bền vững…

Permaculture là một phương pháp với nền tảng rộng lớn và toàn diện, khả thi với nhiều thực địa địa lý, và trên nhiều nền văn hóa khác nhau. Trung tâm của tất cả các thiết kế Permaculture và ứng dụng bền vững là một hệ thống nền tảng gồm “các giá trị cốt lõi” hay luân lý (tinh thần) không đổi trong bất kỳ tình huống nào, dù cho chúng ta đang xây dựng hệ thống hoạch định đô thị hay giao thương, dù cho vùng đất chúng ta chăm sóc chỉ là chậu đất bên cửa sổ hay là một khu rừng 2.000ha.

Kỹ thuật trồng thực phẩm bền vững tranh minh họa Luongdoo

Thay vì sử dụng một lượng lớn các hóa chất để kiểm soát sâu bệnh, tại sao không khuyến khích các loài thiên địch như chim sẻ và để chúng làm thay công việc của chúng ta?

NHỮNG NGUYÊN LÝ PERMACULTURE

Permaculture không đơn thuần là đâm đầu vào các sự thật phỏng đoán, số liệu, tên tiếng Latin hay các kỹ thuật phức tạp. Hãy bắt đầu nhận diện các dấu hiệu và nguyên lý cơ bản. Permaculture học cách áp dụng “sự thật tự nhiên” (ecological truisms) vào khu vườn và cuộc sống. Chúng ta có thể phát hiện những cấu trúc ẩn dấu được lặp đi lặp lại trong thế giới tự nhiên, học cách hiểu và tận dụng chúng trong hệ sinh thái được thiết kế nhân tạo.

1. Làm việc với tự nhiên

Việc bỏ công sức lớn vào nỗ lực “thuần hóa tự nhiên”, như việc xây đập ở thung lũng, đồng bằng ngập lũ hay việc xày xới đến khi đất trọc… không những tiêu tốn năng lượng, phá hoại tự nhiên, mà đôi khi đơn giản là không cần thiết. Nhu cầu của con người vẫn có thể được thỏa mãn thông qua cách phân bổ hài hòa, hoặc thậm chí tận dụng hệ thống tự nhiên. Thay vì sử dụng một lượng lớn các hóa chất để kiểm soát sâu bệnh, tại sao không khuyến khích các loài thiên địch như chim sẻ và để chúng làm thay công việc của chúng ta? Hay ta có thể xây dựng những ngôi nhà tận dụng được năng lượng mặt trời và sức gió thay vì xây dựng nhà máy điện hạt nhân?

2. Hướng đến giải pháp

Mọi việc đều có lối ra nếu chúng ta quyết tâm đi tìm giải pháp, chứ không phải chỉ chăm chăm vào vấn đề, dẫu nó có trầm trọng đến đâu chăng nữa. Nếu chúng ta dùng tất cả đất đai có sẵn cho một loại nông sản (độc canh) và bị mất mùa, nạn đói sẽ xảy ra. Nhưng nếu trồng đa dạng các giống cây nhiều nhất có thể (đa canh), ta vẫn có thể ăn một ít, nhưng không thu hoạch toàn bộ.

3. Mọi yếu tố nên phục vụ cho nhiều mục đích

Còn một cách khác về mặt đời sống, khi bạn sống trong một khu vườn của riêng mình. Nếu bạn học kỹ năng làm mứt táo, sửa máy tính, chơi đàn guitar, nấu cho một đám đông, mua vui cho thiếu nhi, điều khiển máy in, sửa ống thoát, vẽ và sơn, lái máy cày, dùng chương trình văn bản, lắp một máy phát điện sức gió, mát xa, tung hứng, dạy lớp nhiếp ảnh và làm một thùng rác tự hủy… bạn không chỉ giỏi hơn trong việc kiếm sống trong mọi trường hợp, bạn còn thấy mình mang đến nhiều giá trị hơn từ việc hỗ trợ người khác…

Permaculture triết lý làm vườn tranh minh họa Luongdoo

Nếu chúng ta muốn nuôi bản thân một cách bền vững, chúng ta cần bắt đầu tách khỏi nền nông nghiệp công nghiệp và hướng về triết lý làm vườn.

4. Sản phẩm chỉ bị giới hạn bởi trí tưởng tượng

Theo cách truyền thống, “sản phẩm” (yield) được xem như số lượng vật liệu đầu ra (như sản lượng ngô sắn, khoai tây, lúa gạo…), được tính toán dựa trên tài nguyên và công sức bỏ vào. Tuy nhiên, sao ta không thể mở rộng định nghĩa đó bao gồm thông tin, bài học, kinh nghiệm, sức khỏe thông qua vận động và sinh hoạt ngoài trời, hay đơn thuần chỉ là niềm vui… Theo mô hình Permaculture, chúng ta sẽ liên tục tìm thấy nhiều mắt xích mới để tận dụng, nhiều hướng dẫn có lợi, học được nhiều kỹ thuật mới, thử các ý tưởng mới, thu thập kiến thức. Bằng cách tìm hiểu và bắt chước theo hệ thống tự nhiên, chúng ta có thể phát triển các kỹ thuật nhằm nhân rộng các cơ hội đó một cách có chủ đích.

Không giống như những khu vườn được canh tác đương đại, tự nhiên không phân chia rành rẽ mảnh đất của mình với những cây trang trí ở một nơi, rau củ ở một nơi khác và cây ăn quả ở một nơi thứ ba. Ở trong rừng một vài loại cây như cây chính và các cây phụ, cây bụi, cây leo, cây phủ mặt đất cùng chiếm hữu một không gian. Mỗi loài được sắp đặt để tự đáp ứng những yêu cầu của chúng bên trong những cao độ cụ thể trong hệ thống. Một “khu vườn rừng” (the forest garden) là một nỗ lực nhằm mô phỏng “tầng bậc” (layering) này. Bạn có thể thay thế những loài cây hoang dã trong rừng bằng cây ăn trái, thảo dược, rau củ và những cây khác hữu ích cho con người.

5. Mọi thứ đều là một vòng tuần hoàn bền vững

Trong thế giới tự nhiên, không có cái gọi là “ô nhiễm” (pollution). Trong một hệ thống sinh thái, mỗi “sản phẩm thừa” (waste product) đều có thể trở nên hữu dụng đâu đó trong hệ thống. Khi ném chất thải ra biển, ta vừa gây ô nhiễm và đồng thời lãng phí một nguồn tài nguyên có giá trị. Ta cần biết rằng sự thải loại của chúng ta cũng có thể góp phần hàn gắn vòng tuần hoàn.

Permaculture tranh minh họa Luongdoo

Trong một hệ thống sinh thái, mỗi “sản phẩm” thừa đều có thể trở nên hữu dụng đâu đó trong hệ thống.

6. Sự phân vùng

Sự phân khu là việc bố trí đúng chỗ, đặt mọi vật vào những nơi phù hợp với chúng nhất. Khu vực được đánh số từ 0 đến 5, có thể hiểu là một chuỗi của những vòng hướng tâm di chuyển từ ngoài vào vị trí trung tâm, nơi mà hoạt động của con người và các vấn đề cần được quan tâm được tập trung nhiều nhất, đến nơi mà không cần bất cứ sự can thiệp nào…

Zone ‘O’ – là nhà

Nhà là nơi trái tim thấy bình yên, nơi ta có thể trở về và tập trung vào bản thân mình và có thể cảm thấy an toàn và được bảo vệ. Zone “O” là của riêng chúng ta. Dù đó là một ngôi nhà, một căn lều, một nơi đặt lưng, bất cứ nơi nào ta sống cũng cần được xây dựng và hoạt động trong sự bền vững, hiệu quả về năng lượng và hài hòa về sinh thái… Bạn nên chọn vật liệu địa phương hoặc vật liệu tái chế khi xây dựng. Những căn nhà vững chắc, ấm áp và thoải mái có thể được xây từ gỗ, đất nện hoặc rơm và chỉ ảnh hưởng một phần rất nhỏ đến môi trường so với gạch nung hoặc bê tông. Bố trí hoặc thiết kế những công trình mới với những yếu tố như luồng khí, năng lượng mặt trời hoặc nước có thể được tận dụng một cách hiệu quả nhất nhằm giảm tối đa năng lượng đầu vào không thể tái tạo.

Không phải tất cả chúng ta đều có tài nguyên hoặc cơ hội để tham gia vào ngôi làng sinh thái hoặc tự xây nên căn nhà của mình, hoặc tham gia vào những dự án tái tạo lớn. Thực tế, phần lớn chúng ta, đặc biệt là những người sống trong đô thị, không có nhiều lựa chọn về chỗ ở. Nhưng vẫn có những cách đơn giản khiến ngôi nhà sử dụng năng lượng hiệu ủa hơn, giảm hao phí tài nguyên, giúp cho môi trường sống trở nên thân thiện, khỏe mạnh hơn. Bạn hãy dành thời gian suy nghĩ về những thứ ta tiêu thụ và thải ra. Ví dụ, hãy lập một danh sách về bao nhiêu thiết bị điện bạn sử dụng và độ thường xuyên, bao nhiêu nước bạn dùng trong một ngày hoặc lượng rác bạn thải ra mỗi tuần. Từ đó hãy thống kê mức sử dụng năng lượng này; bao nhiêu là thật sự cần thiết, làm sao để giảm thiểu nó?

Zone ‘1’ & ‘2’ – dạo bước trong khu vườn

Ai cũng cần ăn. Vì thế mà phần lớn trọng tâm của Permaculture là trồng cây lương thực. Nhưng nếu muốn nuôi bản thân một cách bền vững, ta cần bắt đầu tách khỏi nền nông nghiệp công nghiệp và hướng về triết lý làm vườn – giảm thiểu những điền trang độc canh và tăng cường những khu vườn tại nhà và khu vực; những nơi tạo ra những khu vườn đa canh, khu vườn rừng, canh tác có chủ đích với nông sản đa dạng và đa chức năng. Tất nhiên, rất ít người có thể trồng mọi thực phẩm cần để sống, nhưng cùng nhau ta có thể tạo ra hệ thống đóng góp đáng kể thường xuyên cho thực đơn mỗi ngày từ những khu vườn, mảnh đất hoặc thậm chí những ban công và bồn hoa cửa sổ… Đồng thời bằng cách giảm thiểu áp lực đặt lên những nguồn tài nguyên đất quý giá, việc tự trồng trọt tái liên kết con người với những kỹ năng và cảm xúc đã bị đánh mất phần lớn vào cuối thế kỷ XX.

Zone ‘3’ & ‘4’ – những quỹ đất lớn cho một tương lai bền vững

Nền nông nghiệp công nghiệp sử dụng lượng lớn hóa chất, máy móc và năng lượng hóa thạch đang làm giảm dần sự ổn định lâu dài của khu đất màu mỡ. Những kỹ thuật và chiến lược Permaculture trên diện rộng có thể đảo ngược sự phá hủy này, cũng như tận dụng những khu đất từng được cho là không phù hợp để trồng trọt.

Permaculture tối đa hóa khả năng trồng trọt tranh minh họa Luongdoo

Thiết kế thông minh và sáng tạo có thể tối đa hóa khả năng trồng trọt dù chỉ bằng một khu vườn nhỏ nhất…

7. Kinh tế Cộng đồng với Permaculture

Bên cạnh việc cung cấp công cụ để duy trì sự bền vững lâu dài hơn trong lối sống của chính chúng ta, ở môi trường sống, ở những khu vườn và khu đất xung quanh, Permaculture cũng có thể giúp tìm ra những cách thức hàn gắn cộng đồng và tái cấu trúc lại xã hội rời rạc. “Tiền” có thể trở thành một công cụ trao cho con người sức mạnh và sự giải phóng hơn là sự áp bức… Cũng đồng tiền đó, nếu được tiêu cho một người địa phương tạo ra sản phẩm và cung cấp dịch vụ sử dụng những nguyên liệu địa phương – sẽ phần lớn ở lại trong chính cộng đồng đó để được tái đầu tư liên tiếp tạo ra sự thịnh vượng, của cải cho tất cả. Quảng bá những nét đặc trưng địa phương nhắc ta nhớ về những di sản đặc trưng của khu vực, đồng thời đề cao sự đa dạng văn hóa.

Việc tạo ra một “ngân hàng” để bảo tồn các gốc gen của khu vực cho tương lai sẽ cho thấy sự đa dạng và tính đặc trưng một lần nữa được trân trọng hơn tính đồng nhất và nhàm chán của siêu thị. Một vườn cây ăn trái có thể là điểm nối giữa tính truyền thống trong quá khứ, sự thức tỉnh về nhận thức môi trường trong hiện tại và còn là dấu mốc quan trọng hơn về bền vững cho kỷ nguyên mới hơn là những nhà lồng đầy hóa chất.

Sử dụng tài liệu từ các nguồn:
– Introduction to Permaculture by Bill Mollison
– ‘Permaculture: A Beginners Guide’ by Graham Burnett
– PERMACULTURE (Une agriculture pérenne pour l’autosuffisance et les exploitations de toutes tailles by Bill Mollison & David Holmgren)

Bài: Huyền Đan | Minh họa: Luongdoo

Xem thêm:

Luxury of Slow – Cây viết Huyền Đan

Huyền Đan – Đi tìm cái Đẹp trong “Màu trời đó”