Luxury of Slow – Cây viết Huyền Đan

“Ý niệm ẩn dụ về việc kiến trúc không phải sinh ra là chỉ để tôn vinh sự sinh tồn ( being) của con người mà ở đây tôn vinh hồn nơi chốn (spirit of space)” – Huyền Đan.

Huyền Đan 1

KTS Huyền Đan | Minh họa: KTS Trương Gia Việt & NVCC.

Trong nghề nghiệp của anh, công đoạn nào và kỹ thuật nào cần nhiều thời gian nhất – một quy trình không thể lướt qua dù cho có bao nhiêu năm kinh nghiệm?

Có hai thứ làm tôi mất khá nhiều thời gian cho một dự án (dù lớn hay dù nhỏ): Một là, tôi mất khá nhiều thời gian để ghi chép về Thực địa (bao gồm Bối cảnh đô thị, nông thôn; Dân cư và Văn hóa; những Tiếp biến đã, đang, và có thể sắp diễn ra; Thiên nhiên gồm cây cỏ, mặt nước, trên thinh không, dưới lòng đất…).  Tôi phải dành nhiều thời gian để thâm nhập vào những tầng thức sâu nhất của Hồn thực địa. Việc cảm thấy, rồi xúc động hay thấu hiểu Hồn thực địa, với tôi đều quá khó và càng cần nhiều thời gian.

Hai là, lựa chọn vật liệu cho công trình. Tôi bị ám ảnh bởi không chỉ tính chất về thị giác của vật liệu, mà còn là sự chạm vào, bằng tay và nhiều giác quan khác. Tổng hòa nhiều yêu cầu về vật liệu ấy, cốt là để tôi muốn gửi gắm một hàm ý về thời gian vào công trình, dù là góc nhìn nhỏ nhất.

Giai đoạn nào trong hành trình nghề nghiệp mà anh thấy mình cần chậm lại, và vì sao?

Thật ra vì tôi vẫn đang làm nghề, chưa một ngày nào gọi là nghỉ ngơi. Tôi làm việc hòa cùng dòng Thời gian, cứ hễ thời gian chuyển động thì tôi vận động. Não, chân tay, và trái tim tôi liên tục làm việc bất kể ngày và đêm. Bạn đừng nghĩ rằng khi bạn ngủ thì mọi thứ dừng lại, không phải vậy, cơ thể vẫn hoạt động theo cách riêng của nó. Chỉ có điều, càng có tuổi hơn, tôi thấy mình càng chậm rãi hơn, kỹ lưỡng và thâm trầm hơn trong công việc. Tôi nhận ít công trình hơn, nhưng năng suất làm việc vẫn vậy (hoặc có khi năng suất hơn, vì có nhiều kinh nghiệm hơn). Chậm rãi ở đây là, cùng một vấn đề nhưng tôi dành nhiều thì giờ hơn cho nó, chứ không phải là tôi được nghỉ ngơi. Thiết nghĩ, tôi chỉ thật sự nghỉ ngơi khi tôi mất sức lao động, hoặc khi tôi chết (hoặc chết cũng chưa chắc là nghỉ). Tựu trung, càng già thì thấy mình càng chậm rãi, chứ không chờ một giai đoạn nào của đời sống.

Những trải nghiệm chậm rãi nào mà anh tâm đắc nhất mỗi ngày?

Ngắm thời gian chuyển động. Nhưng không phải là ngồi im để ngắm một thứ chuyển động lướt qua mình. Mà tôi chuyển động cùng dòng thời gian, có thể tốc độ của tôi nhanh hơn hay chậm hơn. Giống như là cảm giác hai người bạn cùng nhau chạy bộ và trò chuyện với nhau, hoặc chỉ lặng im để chạy cùng nhau. Tôi hay nghĩ, tôi là hình và thời gian là cái bóng của tôi. Chúng tôi cứ như vậy với nhau, trong bất kỳ mọi việc: vẽ, viết, làm thơ, trồng cây, ăn ngủ, hội hè…


Minh họa: KTS Trương Gia Việt & NVCC.


Xem thêm:

Hiện sinh trong một lối kiến trúc sinh thái

Những suy ngẫm về giá trị bền vững