Hiện sinh trong một lối kiến trúc sinh thái

Tôi không muốn bắt đầu câu chuyện bằng một luận điểm nghiên cứu chuẩn mực về (cái tạm gọi) kiến trúc sinh thái. Tôi muốn cắt trích một dòng chảy rất hiện sinh trong dòng chảy của lối sống này. Tôi khẳng định kiến trúc sinh thái phải là một lối sống chứ không nên là một trào lưu cho bất kỳ thứ mục đích nào ngoài biểu hiện của lối sống.

Về định nghĩa của kiến trúc sinh thái, sẽ có nhiều nhà Khái niệm học, nhà Ngôn ngữ học hay nhà Nghiên cứu sinh thái học định nghĩa kỹ càng và tròn trịa “chữ” hơn tôi. Có hai thứ mà tôi muốn nhấn mạnh ở kiến trúc sinh thái: Một là dùng gì để làm kiến trúc, dùng nó như thế nào? Hai là khi kiến trúc ấy không còn tồn tại nữa, cái cách nó tan rã trong tự nhiên như thế nào?

kiến trúc 1

Vật liệu nhà đất có vẻ đơn giản, nhưng đi theo phương pháp chịu lực chính bằng tường nên vẫn có thể làm được nhà 2-3 tầng. làm cho khả năng sáng tạo không ngừng trong các không gian và công năng kiến trúc.

kiến trúc 2

Triết lý làm nhà dễ dàng, luôn là tôn chỉ cho những ai đến tham gia học tập và cùng làm nhà cửa ở Pun Pun, Thái Lan.

Vì lẽ ấy, tôi mượn một kinh nghiệm nghề (kiến trúc – xây dựng) có thật, về một ngôi làng nông nghiệp thuận tự nhiên có thật để mô tả về lối kiến trúc sinh thái, mà họ đang theo đuổi gần 20 năm nay. Tôi cũng tạm gọi đó là một hiện sinh của dòng chảy kiến trúc này. Trước khi biết nó hiện sinh ra sao, vì sao là hiện sinh, tôi sẽ kể sơ lược về ngôi làng để các bạn tìm hiểu.

kiến trúc 3

Ngôi làng  có tên Pun Pun (hay trang trại nông nghiệp hữu cơ Pun Pun). Ngôi làng nằm ở miền Bắc đất nước Thái Lan. Có ba hoạt động chính của ngôi làng: 

1. Trồng trọt nông nghiệp: Bao gồm trồng thực phẩm tự cung tự cấp cho chuỗi thức ăn trong làng và vùng lân cận; trồng cây lâm nghiệp để phục hồi khu đồi đá, đất nghèo kiệt. Đồng thời là trung tâm lưu trữ các hạt giống bản địa, giống không biến đổi gen (non-GMO).

2. Nơi truyền dạy về kỹ thuật làm nhà đất bằng phương pháp xây dựng với gạch đất không nung (Adobe Building). Triết lý dẫn dắt là: kỹ thuật dễ dàng, ai cũng có thể làm được từ người già đến trẻ em, từ đàn ông đến đàn bà, làm nhà phải dễ dàng và vui vẻ dựa trên nguyên vật liệu ở vùng đất ấy.

3. Nơi đây còn là trung tâm học thuật, nghiên cứu, gặp gỡ của nhiều bạn bè khắp nơi trên Trái đất; cũng là nơi phục hồi sức khỏe bằng các lối sống: ăn uống thực phẩm thanh lành, cân bằng lao động trí óc và chân tay, các liệu pháp khác như: thiền, yoga, nghệ thuật…

kiến trúc 4

Ngôi làng này được ra đời gần 20 năm, từ ngày mảnh đất ấy chỉ là đồi đá, không một bóng cây ngọn cỏ, tất cả khô khốc. Bây giờ nó đã trở thành nơi chốn xanh tươi, bình yên và nhiều tiếng chim ca. 

Đương nhiên, tôi sẽ quay lại với cách họ suy nghĩ và thực hành kiến trúc, tức là cách họ dựng nhà cửa, chuồng trại như thế nào. Xuất phát từ Jon Jandai, một con người từng học và tham gia vào lối sống đô thị nhộn nhịp hối hả ở thành phố Bangkok. Ông trăn trở về nơi quê nhà ở vùng Chiang Mai, về bản thân ông và về cái cách con người ứng xử với tự nhiên. Ông quyết định rời bỏ những thành phố lớn, về quê nhà để lập nên dự án Pun Pun. Nói đúng hơn là lựa chọn một lối sống ở nông thôn. Ông bắt đầu bằng việc thực hành làm nhà đất, tham gia vào các dự án phi lợi nhuận làm nhà đất cho dân nghèo ở vùng biên giới miền Bắc Thái Lan.

Kỹ thuật làm nhà đất ông lựa chọn là sự kết hợp kỹ thuật truyền thống ở miền Bắc nước Thái, với lối kỹ thuật xây dựng bằng phương pháp làm gạch đất không nung (Adobe Building). Triết lý làm nhà của ông thông qua một quá trình dài thực hành và sản phẩm thực tế do ông đúc kết lại: Làm nhà là phải luôn vui vẻ, hạnh phúc và cảm thấy dễ dàng. Dễ dàng trong mọi ý nghĩa: chi phí đầu tư, kỹ thuật thi công, nguồn nhân công, thời gian xây dựng, tính công năng lẫn thẩm mỹ trong công trình.

kiến trúc 6

Một ngôi nhà đang trong quá trình dựng và tạo tác tường vách.

Với triết lý xương sống trên, ông chọn lựa kỹ thuật, cách thức làm nhà đơn giản nhất: 

– Vật liệu đất có sẵn trên đồi, kết hợp với rơm rạ, trấu từ những cánh đồng lúa của ngôi làng. Cột kèo, mái làm từ những vật liệu cũ, đồ bỏ đi của dân cư trong làng.

– Kỹ thuật làm gạch đất không nung giúp lưu trữ gạch để làm nhà quanh năm mà không sợ thiếu. Khi có đông người cùng làm vừa hiệu quả, lại vừa vui, lại mang ý nghĩa mọi người cùng học cùng thực hành.

– Mỹ thuật theo lối tự do tạo tác, vẻ đẹp trong sự bất toàn.

– Tuổi thọ ngôi nhà từ 10 đến 30 năm tùy theo sự trau chuốt và ý muốn của chủ nhà. Sau đó mọi thứ sẽ tan rã ra trên mặt đất mà không để lại bất kỳ sự nguy hại nào cho thiên nhiên.

– Nơi đây thường xuyên tổ chức những khóa học ngắn hạn, dài hạn (workshop) để truyền dạy và động viên cho mọi đối tượng làm nhà, từ người già đến trẻ em, từ đàn ông đến đàn bà, từ nghệ sĩ đến người làm kỹ thuật, từ chuyên nghiệp đến không chuyên. Ai ai cũng thấy việc làm nhà trở nên bình thường, dễ dàng như việc mình đi lại, hít thở, ăn uống. Mọi thứ đều lan tỏa, ai cũng có thể làm được.

– Ngôi nhà của con người khi ấy cũng tương tự như con chim làm tổ, con chuột đào hang. Sống đủ vòng đời cơ bản của một kiếp nhân sinh.

Tất thảy những ý niệm trên, những giải pháp trên, tôi tạm quy ước là một biểu hiện của chủ nghĩa hiện sinh trên lối sống ứng xử với kiến trúc sinh thái. Hiện sinh vì khi ấy việc dựng nhà dựng cửa ở Pun Pun đã bỏ qua hết mọi quy ước chung về nghề kiến trúc – xây dựng, bỏ qua hết mọi quy trình kỹ thuật khắt khe, bỏ qua hết cả tâm thế của nhân loại về đời sống vật chất. Ở Pun Pun tôn trọng những “cá nhân tính”, động viên và khích lệ mọi người thực thi “cá nhân tính” ấy. Nhưng tựu trung lại, trọng tâm là để trả lời được hai câu hỏi đã nêu trên: làm kiến trúc bằng thứ gì và khi kiến trúc không tồn tại nữa nó sẽ đi về đâu? 

kiến trúc 9

Quá trình phơi gạch. chờ gạch khô.

Đó là một lối kiến trúc tôi xem là bền vững và trọn vẹn ý nghĩa hơn là trào lưu của giới nghề luôn mượn chữ kiến trúc sinh thái để sử dụng vì các ý nghĩ khác nhau. Hiểu được bản chất khởi sinh và tan rã của tự nhiên thì việc mình làm (dù là với kiến trúc hay việc gì khác) cũng sẽ thuận theo dòng chảy tự nhiên hơn. Ấy là lối sống, kiến trúc nên là một lối sống để bảo vệ cả những thứ nằm bên ngoài ranh giới vật lý của kiến trúc.  

Thực hiện: Huyền Đan.
Ảnh chụp trong quá trình học và thực hành ở trang trại Pun Pun – Thái Lan.


Xem thêm:

Trồng rừng có phải giải pháp đương đầu biến đổi khí hậu?

Nhà tái chế làm từ những khối gỗ bần