Huyền Đan – Đi tìm cái Đẹp trong “Màu trời đó”

Là một KTS vốn sinh sống tại Sài Gòn, Huyền Đan cùng một nhóm bạn hữu và đồng nghiệp quyết định tìm về vùng đất cao và tĩnh lặng hơn để tập trung sáng tạo ra những tác phẩm thiết kế, thiết lập cách sắp xếp cuộc sống khác vốn bất khả ở chốn đô thị đông đúc. Mái nhà đơn sơ đã che chở những mái đầu xanh nhiều mộng mơ nhưng cũng rất biết cách nghĩ, cách làm. ELLE Decoration đã nhờ anh chia sẻ câu chuyện về chốn nương trú của mình.

HUYỀN ĐAN

Chuyên môn: KTS Quy hoạch

Đối tượng quan tâm: Dân tộc học, Thị tứ nông thôn, và Permaculture gắn với hình thái học nông thôn (ở châu Á và Việt Nam).

Quan điểm nghề: Cuộc mưu sinh, nghề nghiệp và lối sống là một nhất thể. Tôi không thể thiết kế một sản phẩm thuận tự nhiên (hay cảm hứng với tự nhiên) mà nhốt mình trong bốn bức tường kín của đô thị. Tôi chọn sống ở nơi mà nó cho tôi nhiều cơ hội về không gian, thời gian và tâm thức để giao tiếp với tự nhiên(gần nhất). Nên nhà của tôi ở ngay bìa rừng, trên núi cao. Tôi làm nghề mà vẫn ra vườn, ra suối, ra rừng cây, thích thú với những điều gần tôi khi ấy.


Về nơi chốn
Có những nơi mình thương mến vô cùng mà đến lúc phải ra đi, vì đất và người
không còn dung dưỡng mình nữa
Có những nơi mình phải ở lại vì nó là tuổi trẻ mưu sanh và trưởng thành của mình
Có những nơi mình đã rời đi, rồi thật lâu mình trở lại mới biết rằng ấy là nơi chốn
của mình. Nhưng chỉ còn gói lại trong trí nhớ xa xăm
…Và có những nơi mình chưa kịp thương yêu thì nó cũng khắc vẽ nỗi buồn,
những chông chênh xa lạ

Về nỗi nhớ
Không biết khi nhớ về một nơi chốn, mình nhớ không gian ấy, thời gian ấy,
hay mùi vị, hay nóng lạnh trên da thịt mình?
Cũng không biết mình sẽ nhớ về ai đó, chim muông
hay cỏ hoa đã cùng mình nơi chốn ấy
Nỗi nhớ nơi chốn luôn bao la, không hình hài, không đường biên giới
Nhớ thì dễ sinh sầu hơn là vui
Nhưng nhớ một nơi chốn, thì ấy là một quê hương đã lớn lên tự bên trong mình

Ps: Viết cho nỗi nhớ và quê hương miên man trên một cuộc di cư trường kỳ nhất
bán đảo Đông Dương”.

Tôi đã từng viết như vậy trong một ghi chép vụn vặt nào đó của mình. Một tập ghi chép về cuộc di cư trường kỳ và cam go nhất lịch sử hơn trăm năm trên bán đảo Đông Dương (tôi tự nói ngoa nói nguẩy, nói cho vui miệng về một riêng tư cuộc đời mình).

Cuộc di cư về trên đỉnh Bạch Đà Sơn – một chốn “Linh sơn” trong tâm hồn của chúng tôi (mà tôi xin giấu tên thật của nó).

Cuộc di cư không còn là một chuyến đi.

Cuộc di cư từ bỏ phố để về sống gần bìa rừng, trên núi cao.

Cuộc di cư là đoạn ghép lại những cuộc cam go về mơ và thực, sống và chết.

Cuộc di cư quyết định tuổi trẻ của mình phải tắm mình trong suối nguồn cái Đẹp.

Trong một cuộc hành trình xa vạn dặm (đúng nghĩa tường minh), tôi gồng gánh có, đèo bồng có, ấu trĩ có, bảo thủ có… và tôi cũng thấy mình dũng cảm có, lì đòn có, quý mến có, nhớ nhớ quên quên có. Tôi cùng với các em ở INDIgo Home (tạm gọi là những người trẻ theo đuổi cái Đẹp thuần khiết và tĩnh lặng), đã mang đi theo “phần xác” hai ngôi nhà của chúng tôi (ở Đà Lạt): Một là căn bếp dưới ngọn thông già. Hai là ngôi nhà trên mặt hồ Tuyền Lâm ở trang trại INDIgo Farm. Chúng tôi mang theo “phần xác” của kiến trúc đi về đỉnh Bạch Đà Sơn. Nhưng cũng bằng mọi cách tôi phải tìm lại phần hồn thực địa (không gian vật lý lẫn không gian của nhiều chiều tâm thức). Hiện vật được giữ chỉ là một phần của “di sản” (tạm gọi vậy). Tôi phải tìm lại ánh nắng, màu trời, cây cối cỏ hoa, sương khói, cơn mưa, và cả cơn gió thổi qua trên da thịt mình, tóc tai mình. Thời gian phải được gói lại trong những chiều kích, và đặt lại y thinh xưa.

Huyền Đan 1

Xưởng INDIgo Workshop đang làm các tác phẩm (đồ thủ công và mỹ thuật), và thiết kế để mưu sinh | Huyền Đan.

Việc ấy tôi phải cố tâm và sức, đề ra đủ các chương trình gói ghém, di chuyển, bảo quản, và phục dựng…

Vừa tròn một năm sau, tôi đã tìm lại bảy trên mươi phần của các căn nhà được phục dựng. Có lẽ trời thương nên cho mình hai thứ: học và làm cái nghề về di sản không uổng công. Giờ lại được làm thiệt trên “di sản” của đời mình, một công trình với đời sống thường thức, không có các dữ kiện, hiện vật, dấu ấn bình thường của cái “di sản” được định nghĩa trong môi trường từ chương. Tôi có niềm tin trong một nguyên lý phục dựng “di sản” lâu nay mình theo đuổi. Cái nguyên lý về “Khắc họa thời gian” và “tìm lại Hồn thực địa”, nó sẽ được thực thi khi mình phải ở bên trong nó, sống cùng nó. Không gian kiến trúc về vật lý chỉ là một dữ liệu. Các chiều kích không gian tâm thức gói trong một biên độ thời gian (tính được), ấy mới là phục dựng (lịch sử, văn hóa, hay đời sống thường thức). Ấy cũng là cách tôi và các bạn nghệ sĩ trẻ mong muốn sống trong một tổ ấm đúng nghĩa, với bối cảnh là những cái Đẹp thuần khiết, tĩnh lặng ôm ấp mình. Ôm ấp bằng hoài niệm về một ký ức đẹp đẽ nên thơ, ôm ấp bằng một hiện thực trong lành hiền lương, để chúng tôi tiếp tục sống và đi tìm những cái Đẹp chân phương. Như cái cách tôi đi tìm…

Huyền Đan 2

Cái đẹp trong đời sống thường nhật của chúng tôi | Huyền Đan.

“Màu trời đó bữa nay về trở lại…
Một mùa xưa người nhớ chứ năm kia…”(*)

Bạch Đà Sơn và thung lũng Têu Y Pot là chốn thâm u, tịch lặng nhưng mong manh. Mọi thứ cũng chỉ là mây trắng xóa của một buổi chiều mưa giông chớp lạch đùng đoàng, đến cũng nhanh mà đi cũng nhanh… rồi tan rã. Chúng tôi vừa mang một Đà Lạt (ở bên trong mình) về đây, lại vừa ngồi xuống với mộng cỏ cây của chốn thâm sơn này.

“Chờ cây non trên núi đầu thai,
Trong từng giọng nói có màu tàn phai” (**)

Rừng cây nơi mảnh đất này sẽ đầu thai. Chúng tôi đã ngồi xuống đây, sống và tìm kiếm cái Đẹp. Nơi đây có bếp, thư viện, xưởng thủ công (gỗ, vải và gốm), phòng vẽ, những căn gác nhỏ và có cả nơi chè chén (với âm nhạc) sau một cuộc tàn dư nào đó. Vẫn làm việc thiết kế, vẫn tạo tác ra những tác phẩm để mưu sinh thường nhật. Chúng tôi ít thu nhập hơn, nhưng bền bỉ chậm rãi thong dong và vui vẻ hơn so với những xô bồ ngày trước ở phố.

Huyền Đan 3

Nếu có mỏi cái lưng, nhức cái đầu, chúng tôi bước ra vườn với niềm vui cỏ cây. Thời nay nói về chuyện mất rừng, trồng cây và trồng rừng đừng nghĩ là chuyện ở tầm vóc vĩ mô, đao to búa lớn hay mộng ước viễn du. Chuyện trồng cái cây, khu vườn, tái sinh một miếng rừng hãy là chuyện trên bàn ăn, trăn qua trở lại trong giấc ngủ của chúng tôi, như cái cách chúng tôi sáng tạo nghệ thuật và đi kiếm tìm cái Đẹp vậy. Đó là cách chúng tôi chọn sống cuộc đời mới bên một vạt rừng, từ bỏ những thói quen xa xỉ (trọng vật chất lợi danh) của người ở phố. An trú trong cái Đẹp, ngôi nhà nhỏ và một rừng cây.

Chúng tôi chỉ mượn một bìa rừng hiếm hoi còn sót lại (và đếm từng ngày, nó có thể bị mất luôn) để lấy làm niềm an ủi mà đứng lên ngồi xuống tiếp tục trồng cây trên chính mảnh đất của mình.

Huyền Đan 4

Lùi lại một chút, tôi nhận ra (từ nhiều năm trước), nhóm ngành Quy hoạch – Kiến trúc – Xây dựng là cái ngành xả rác cho quả đất nhiều nhất, là nguyên do để rừng cây bị mất đi nhiều nhất, đồng tiền chi tiêu cũng chua xót và khủng hoảng nhất hành tinh này. Nên, chúng tôi chỉ dám làm ít ít trong khả năng và triết lý tự thân. Biết rõ mình kiếm tiền từ đó để làm gì? Còn nếu, làm nhà cho mình và khách của mình, ráng dặn lòng đưa cây cối len lén tràn vào hiên nhà, tràn vào ô cửa, phủ lên cái mái nhiều nhất có thể. Làm sao mà ở trong nhà cũng mát, bên ngoài cùng dịu nhẹ, có bông hoa để ngắm nghía, chim chóc về ca hát suốt ngày.

Cái đẹp trong đời sống thường nhật | Huyền Đan.

Đà Lạt, thành phố nhiều mộng mơ đã từng, giờ Đà Lạt đi quá nhanh, quá xa. Nhanh và xa hơn nhiều so với trí tưởng tượng và sự hiểu biết của mình. Đà Lạt đã đổi thay nhiều, xác xơ, và ít đi màu xanh. Ngày trước, khi mới về đây, một vườn hồng, bên dưới là cà phê, bên trên là thông già vi vu reo, trên nữa là một bầu trời xanh mát. Hôm nay, nhìn góc nào, hướng nào cũng thấy tim mình quặn thắt, như cơ thể mình chết đi từng ngày. Có hai loại cảm giác khi tri thức mình đi sau hiện tượng. Một là đột ngột, bất ngờ, thảng thốt. Hai là thấy nhục và hèn khi sự biết của mình quá nhỏ bé. Với Đà Lạt, tôi có cả hai thứ cảm giác ấy. Cộng với thứ tình yêu là lạ, giờ thêm một nỗi đớn đau mục ruỗng. Tôi từng ngồi xuống biên ký về Đà Lạt nhiều. Nhưng tôi không muốn đem ra bày tỏ, vì tôi thấy lòng mình rối rắm muôn trạng khi ở trong Đà Lạt và chuẩn bị rời xa Đà Lạt. Nên tôi gói ghém lại, tự mặc nhiên xếp loại như một cuộc tình đã chết. Tôi muốn quên Đà Lạt đi, như quên một cánh hoa đã úa tàn, nhường phần đóng vai “người lãng mạn” cho những ai khác sẽ còn đến nơi đây.

Huyền Đan 5

Cái đẹp trong đời sống thường nhật | Huyền Đan.

Ấy là buổi chiều Hai Mươi Tám Tết. Chúng tôi phải mang độc mộc thuyền đi ký gửi nơi chốn của bạn bè. Trong một chiều dưới ánh tà dương, thuyền tôi đi tới, lướt trên sóng nước Tuyền Lâm, mặt trời như đổ lửa ở sau lưng. Tôi không thể thấy mặt trời, tôi chỉ kịp thấy trước mặt là dáng hình Trúc Lâm trên nền thông xanh. Tiếng chuông ngôi cổ tự đổ vào thinh không mặt hồ, và khi tôi vừa kịp thấy bầu trời tắt lửa, chúng tôi đã sang được bên đây bờ. Độc mộc thuyền là kỷ vật với chúng tôi và bạn bè của chúng tôi.

Ấy là một sớm mù sương, lướt đi trên mặt hồ giá lạnh, gợn lên mây trắng bay.

Ấy là những trưa ùm ùm bơi lội tranh đường bay của gia tộc nhà con le le.

Ấy là những chiều đi đơm tép, rận rận mấy con cá, để kịp bữa cơm tối chong đèn u u.

Ấy là một đêm trăng rớt trên mặt hồ, lướt thuyền trên mặt nước đen dát ánh vàng. Ngồi uống chén rượu nồng, đối mấy câu thơ… và ùm, lật thuyền. Thơ đấy, rồi đời đấy.

Ấy là chúng tôi muốn gói thật đầy phần ký ức này, mang đi… mang đi cho hết cuộc di cư trường kỳ trên bán đảo Đông Dương.

Vài tác phẩm nhỏ của xưởng INDIgo Workshop | Huyền Đan.

Giờ thì, đã yên ắng nơi chốn thuộc về mình, mỗi ngày chúng tôi thở và sống như cái Đẹp có tự bên trong mình từ khi cha mẹ hoài thai mình. Nơi mới, trên đỉnh Bạch Đà Sơn này, gọi là một tổ hợp nghệ thuật giữa rừng vắng cũng được, gọi là trang trại cũng được, gọi là xưởng cũng được, gọi là nhà cũng được, và gọi là quê hương đã lớn lên trong mình cũng được. Chúng tôi chọn sống, làm việc, đi tìm cái Đẹp bằng một nơi chốn thổn thức từ tim mình. Cái thứ rung động mà kiến trúc rất khó gọi tên, như cái cách ông Christopher Alexander từng nêu luận điểm: “Một cấu trúc đẹp là cấu trúc chứa đựng mãnh liệt trong mình nó một thuộc tính gọi là sự sống”. Không gian chỉ là một phần, thời gian và cảm giác chúng ta ở trong nó nữa. Cảm giác con người là một thứ dễ thay đổi, nhưng cảm giác với ông là một thế giới khách quan. Bởi vì cái Đẹp nằm ở cảm giác, nó trở thành một khái niệm tùy ý thay vì một tính chất phổ quát. Và chúng tôi chọn lựa theo đuổi cái Đẹp rất riêng tư của mình.

Thí dụ như, có những khi trăng sáng, trời dịu mát, chúng tôi có thể làm việc cả đêm. Với một chút chè đậu đen nấu gừng nóng ấm, một chút âm nhạc, một chút cây lá xào xạc, một chút hương hoa cà phê đương mùa nở rộ. Nhiều chút núi đồi, nhiều chút mây trắng bay, và dĩ nhiên cũng nhiều chút ánh trăng. Chúng tôi làm nghệ thuật trong đẹp đẽ và tĩnh lặng ấy.

Hẹn trăng, hẹn núi, đặng đi tìm bóng lá, bóng mây, và bóng mình giữa cánh rừng vô ưu, vô ưu trên một cuộc di cư trường kỳ của chúng tôi.

Thực hiện: Huyền Đan | Ảnh: Huyền Đan, Indigo Workshop & vài bạn bè của nhà Indigo Home.


(*) Thơ Bùi Giáng, trích trong tập thơ “Mưa nguồn” – 1962

(**) Mượn chữ và nét nhạc Trịnh Công Sơn – Như tiếng thở dài. Christopher Alexander – một KTS người Áo, là cha đẻ của phong trào “Ngôn ngữ mẫu” và Hình thái học trong bảng giá trị của sự sống và vẻ đẹp của Trái đất.


Xem thêm:

Nghệ sĩ trẻ và tâm hồn vị nghệ thuật

Những tên tuổi lớn trong kiến trúc Nhật Bản