Giữ miền ký ức du lịch thông qua ký họa

Bút vẽ, giấy, màu nước, giá vẽ… Một tình yêu, lắng nghe và cảm nhận thiên nhiên, lịch sử văn hóa bản địa thông qua ký họa.

Chia sẻ trải nghiệm với người dân chính là những bản vẽ ký họa, bản sketch những hình ảnh về ngôi nhà của họ, chân dung những đứa trẻ, công việc họ, đó chính là sự kết nối nhân văn đầy thú vị.

Mỹ Sơn | Du lịch ký họa

Mỹ Sơn có lẽ được bắt đầu xây dựng vào thế kỷ IV. Trong nhiều thế kỷ, thánh địa này được bổ sung thêm các ngọn tháp lớn nhỏ và đã trở thành khu di tích chính của văn hóa Chăm Pa tại Việt Nam.

ký họa 1

ký họa 2

Ngoài chức năng hành lễ, giúp các vương triều tiếp cận với các thánh thần, Mỹ Sơn còn là trung tâm văn hóa và tín ngưỡng của các triều đại Chăm Pa và là nơi chôn cất các vị vua, thầy tu nhiều quyền lực. Đây là nơi các vị vua đã xây dựng một thánh đường để thờ cúng Linga và Shiva. Mỹ Sơn chịu ảnh hưởng rất lớn của Ấn Độ cả về kiến trúc, điêu khắc, hình họa, các nét trang trí, văn hóa thể hiện qua các dòng bia ký bằng chữ Phạn cổ trên các tấm bia.

ký họa 3


Hội An | Du lịch ký họa

Hội An là nơi giao thương tấp nập, là thương cảng cho các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Chăm Pa và các nước lân cận… và là cảng thị từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XVIII. Đầu thế kỷ XIX Hội An là nơi giao thoa, tập trung sự đa dạng văn hóa, du nhập, kết nối và phát triển. Với lịch sử phát triển lâu dài, các cư dân sinh sống ở Hội An đã dần dần phát triển những ngành nghề đa dạng như nghề mộc, làm gốm mỹ nghệ, trồng rau, nghề thuốc, làm lồng đèn… để phục vụ nhu cầu đời sống của mình, đồng thời cũng làm nên sự phồn thịnh.

Hầu hết các kiến trúc cổ kính của Hội An
đều
do bàn tay tài hoa của cha ông dựng nên
từ
những ngày vàng son THƯƠNG CẢNG DĨ VÃNG
| Du lịch ký họa |

ký họa 4

Làng mộc Kim Bồng

Làng mộc Kim Bồng thuộc xã Cẩm Kim nằm bên kia sông Hội An. Làng Kim Bồng đã nổi tiếng rất lâu với nghề chạm trổ, điêu khắc gỗ. Nghề mộc của làng có nguồn gốc từ miền Bắc. Qua quá trình giao lưu, các nghệ nhân mộc Kim Bồng đã tiếp thu một số nét tinh hoa của các truyền thống điêu khắc chạm trổ Chiêm Thành, Trung Hoa, Nhật Bản… kết hợp với tài hoa điệu nghệ của mình đã làm nên những sản phẩm mang đầy tính mỹ thuật và triết học. Làng vốn rất nổi tiếng về nghề mộc vì hầu hết các kiến trúc cổ kính của Hội An đều do bàn tay tài hoa của cha ông dựng nên từ những ngày vàng son của thương cảng mậu dịch quốc tế Hội An.

ký họa 5

Làng gốm Thanh Hà

Với quá trình phát triển 500 năm, làng gốm Thanh Hà là làng nghề truyền thống, sản xuất và phát triển những sản phẩm phục vụ sinh hoạt, buôn bán, kinh doanh và giao thương, nơi có rất nhiều sản phẩm được các nghệ nhân truyền thống làm nên, bảo tồn gìn giữ và truyền đạt cho các thế hệ sau.

ký họa 6

ký họa 7

Làng rau Trà Quế

Làng rau Trà Quế nổi tiếng vì có trên 20 chủng loại rau ăn lá và rau gia vị, đặc biệt có nhiều loại rau không nơi nào thơm ngon bằng như húng, é, tía tô… Khi trộn lẫn các loại rau với nhau sẽ hội đủ 5 vị cay, chua, ngọt, đắng, chát. Đây là địa chỉ văn hóa đặc sắc, thân thiện với môi trường và đầy sắc màu văn hóa đặc trưng.

ký họa 8

ký họa 9


Đà Lạt | Du lịch ký họa

Thành phố ngàn hoa, với điều kiện khí hậu, cảnh quan nên thơ và lãng mạn, Đà Lạt được ví như một bảo tàng kiến trúc phương Tây đầu thế kỷ 20 với nhiều công trình nổi tiếng và những biệt thự xinh đẹp. Những công trình xây dựng dưới thời thuộc địa đều có cơ sở thiết kế phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và điều kiện sinh hoạt của cư dân. Trải qua một thời gian dài xây dựng thành phố, phong cách kiến trúc đã có nhiều thay đổi, từ phong cách kiến trúc thuộc địa tiền kỳ đơn giản với những cửa cuốn vòm và hành lang bao quanh, tới phong cách Tân cổ điển với những trang trí phong phú, đến phong cách kiến trúc địa phương Pháp của những ngôi biệt thự, và phong cách kiến trúc Hiện đại với nhiều hình khối, bố cục phi đối xứng ở các dinh thự.

ký họa 10

Tuy Đà Lạt mang đậm dấu ấn của những kiến trúc sư người Pháp, nhưng các nhà kiến trúc này khi thiết kế những công trình cho Đà Lạt cũng đã chịu ảnh hưởng của đặc điểm thiên nhiên, đặc biệt là các điều kiện về khí hậu thời tiết, cảnh quan môi trường nơi đây. Hiện tượng giao thoa này đã đem lại cho Đà Lạt một phong cách kiến trúc riêng độc đáo và nhiều bản sắc. Không ít công trình kiến trúc giá trị do không được bảo tồn tốt phải hứng chịu sự tàn phá của thời gian.

ký họa 11

ký họa 12

Trong thời điểm hiện tại và trong tương lai gần, các dự án liên quan đến nghệ thuật cộng đồng đang hoạt động tích cực để mong muốn đưa Đà Lạt thành điểm đến văn hóa và di sản, để cùng chung tay gìn giữ di sản và hướng đến một thành phố di sản, nhân văn hơn.

Đà Lạt được ví
như một bảo tàng kiến trúc phương Tây đầu thế kỷ 20

ký họa 13


Đắk Lắk | Du lịch ký họa

Đắk Lắk là vùng đất Tây Nguyên, nơi những bản trường ca vang vọng núi đồi, nơi có văn hóa đặc trưng với những dân tộc cư trú, mang lại nhiều sự đa dạng văn hóa mà không nơi nào ở Việt Nam có được.

Đắk Lắk có bản sắc văn hóa đa dạng với các bản trường ca truyền miệng lâu đời như Đam San, Xinh Nhã dài hàng nghìn câu, như các ngôn ngữ của người Ê Đê, người M’Mông… như các đàn đá, đàn T’rưng, đàn K’lông pút… Đắk Lắk được xem là một trong những cái nôi nuôi dưỡng Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại.

ký họa 14

ký họa 15

Các lễ hội đáng chú ý gồm có Lễ mừng lúa mới, Lễ bỏ mả, Lễ hội đâm trâu, Lễ cúng Bến nước, Lễ hội đua voi, Lễ hội Cồng chiêng và Lễ hội cà phê… được tổ chức đều đặn hằng năm như một truyền thống. Các di tích lịch sử tại Đắk Lắk như Đình Lạc Giao, Chùa sắc tứ Khải Đoan, Nhà đày Buôn Ma Thuột, Khu Biệt điện Bảo Đại, Tòa Giám mục tại Đắk Lắk, Hang đá Đăk Tuar và Tháp Yang Prong…

ký họa 16


Quảng Bình

Quảng Bình như một bức tranh, có rừng, có biển với nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, thắng cảnh nổi tiếng: Đèo Ngang, Đèo Lý Hòa, bãi biển Nhật Lệ, bãi biển Đá Nhảy, Phá Hạc Hải, Cổng Trời… Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới và là Khu du lịch quốc gia Việt Nam. Tháng 1 năm 2009, báo Los Angeles Times của Mỹ đã chọn Đồng Hới và vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng vào danh sách 29 điểm đến trong năm 2009.

Hang Sơn Đoòng là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới, là kỳ quan thiên nhiên và địa chất của nhân loại, thuộc quần thể hang động Phong Nha – Kẻ Bàng, tọa lạc tại xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Nơi đây có những tour khám phá, trải nghiệm về với thiên nhiên hùng vĩ, được đắm chìm vào thiên nhiên, cảnh sắc, tìm hiểu văn hóa, con người, ẩm thực và đặc biệt được hưởng cảm giác trong lòng hang với dòng nước mát lạnh, ngắm trời đêm đầy sao và chia sẻ những góc nhìn mới về sự khám phá cùng với thiên nhiên.

ký họa 17

ký họa 18


Tây Bắc

Vùng núi phía Tây Bắc được nhắc đến là nơi địa đầu của Việt Nam, điểm bắt đầu của dãy Hoàng Liên Sơn, cảnh quan bao la, hiểm trở, hùng vĩ nhưng đầy khắc nghiệt.

Cao nguyên đá Đồng Văn nằm trải rộng trên bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc được công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu vào năm 2010. Đây là một trong những vùng núi đá vôi đặc biệt, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về địa chất, màu sắc, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa như các dân tộc Mông, Lô Lô, Pu Péo, Dao.

ký họa 19

Cao nguyên đá cũng là nơi có nhiều di tích danh thắng quốc gia đã được công nhận như: Di tích kiến trúc nhà Vương, Cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, đèo Mã Pí Lèng, núi Đôi Quản Bạ… Cũng chính ở nơi vùng đất tưởng chừng như núi đá cằn cỗi và khó khăn, nhưng đồng bào người dân tộc vẫn xây dựng cuộc sống, vượt lên những dãy núi đá vôi đầy sắc nhọn, lúa, ngô vẫn sinh ra từ đây và người dân tộc sinh ra từ đá – trở về với đá.

ký họa 20

Sống với điều kiện khắc nghiệt nên bao đời nay, đồng bào đã chọn cho mình những ngôi nhà trình tường “mát vào mùa Hè, ấm áp vào mùa Đông” để sinh sống. Và những ngôi nhà trình tường đã trở thành một phần không thể thiếu trong nét văn hóa đặc sắc của người dân tộc vùng cao Tây Bắc với kiến trúc đặc biệt. Đó cũng là những hình ảnh đại diện cho bản sắc kiến trúc đặc trưng của vùng cao nguyên đá, là điểm nhấn thú vị giữa đại ngàn, giữa những khoảng trời bao la.

ký họa 21

Ấn tượng nhất là mái nhà lợp bằng cỏ dày
qua nhiều năm tháng rêu phủ xanh rì.
Nhìn từ xa, những ngôi nhà như những cây nấm mọc
| Du lịch ký họa |

ký họa 22

Ấn tượng nhất là mái nhà lợp bằng cỏ dày qua nhiều năm tháng rêu phủ xanh rì trông hoang sơ, cổ kính. Nhìn từ xa, những ngôi nhà như những cây nấm mọc giữa bao la bát ngát của đại ngàn. Dinh thự họ Vương thuộc xã Sà Phìn là một công trình kiến trúc đẹp và độc đáo được xếp hạng cấp quốc gia năm 1993. Đường dẫn vào Dinh được lát bằng những phiến đá lớn vuông vức, phẳng lỳ. Dinh được bao bọc bởi hai vòng tường thành xây bằng đá hộc. Dinh thự được xây dựng chủ yếu bằng đá xanh, gỗ pơ mu, ngói đất nung già, các chi tiết được chạm trổ tỉ mỉ, công phu, đẹp mắt với các hình chủ đạo là rồng, phượng, dơi… tượng trưng cho sự quyền quý và hưng thịnh. Dinh thự mang vẻ đẹp bề thế, uy nghi với kiến trúc hình chữ “Vương”, tọa lạc trên quả đồi hình mai rùa. Đây là một điển hình về sự giao thoa nghệ thuật kiến trúc của người Mông và người Hán ở khu vực biên giới Việt – Trung.

ký họa 23

ký họa 24


Xem thêm:

Kiệt tác trú ngụ

Read and Rest – Khách sạn in ấn lạ thường