Không gian văn hóa Việt qua những tác phẩm điện ảnh kinh điển

Một Hà Nội thanh lịch và trang nhã trước 54 trong “Kiếp hoa”; vẻ đẹp của làng quê và những làn điệu quan họ Kinh Bắc trong “Đến hẹn lại lên”; không gian văn hóa làng xã của nông thôn Bắc bộ trong “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Thương nhớ đồng quê”; những hồi ức đẹp đẽ về Sài Gòn những năm 50, 60 trong “Mùi đu đủ xanh”… Đó là một vài bộ phim điện ảnh tiêu biểu của điện ảnh Việt Nam có công lớn trong việc phục dựng không gian sống và văn hóa của người Việt trong gần một thế kỷ qua.

Hà Nội thanh lịch và hào hoa

Do đặc trưng của khí hậu, địa lý và cả đặc tính của vùng miền mà ba miền Bắc, Trung, Nam có những đặc trưng riêng biệt trong việc kiến tạo không gian sống, không gian văn hóa, kiến trúc của những người dân nơi đây… Và thậm chí ngay trong mỗi miền cũng có những nét riêng. Cũng là miền Bắc nhưng không gian sống đồng bằng chiêm trũng khác xa không gian sống của vùng núi cao, không gian thành thị khác nông thôn, không gian văn hóa của chiếu chèo vùng đồng bằng chiêm trũng khác không gian văn hóa của những làn điệu hay câu hát giao duyên miền Kinh Bắc.
Một trong những cách để khám phá sự khác biệt của các không gian sống, không gian văn hóa hay kiến trúc của mỗi miền đất nước Việt là qua ngôn ngữ điện ảnh. Các đạo diễn đã phục dựng lại những không gian sống đó qua những thước phim. Khi khảo cứu điện ảnh Việt để hoàn thành dự án 101 bộ phim Việt Nam hay nhất, tôi có cơ hội được đắm chìm trong những không gian sống khác nhau của người Việt ở mỗi vùng miền đất nước.

Vẻ đẹp của Hà Nội đã được tái hiện trong rất nhiều bộ phim điện ảnh, từ Kiếp hoa của giai đoạn trước 54, Hà Nội mùa chim làm tổ trong thời bao cấp, Mùa ổi của những năm sau đổi mới hay một Hà Nội vừa quen thuộc vừa khác lạ qua Mùa Hè chiều thẳng đứng của đạo diễn Trần Anh Hùng. Kiếp hoa là bộ phim điện ảnh có thể nói là hoàn chỉnh nhất trong giai đoạn đầu của điện ảnh Việt Nam. Bộ phim còn mang nặng sự ước lệ của sân khấu cải lương, kể về cuộc đời sóng gió của hai chị em gái, vừa ảnh hưởng từ tác phẩm Truyện Kiều, vừa mang hơi hướng của những tiểu thuyết lãng mạn của nhóm Tự Lực Văn Đoàn vốn đang rất thịnh hành lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, trong giai đoạn còn sơ khai về công nghệ và kỹ thuật làm phim, các nhà làm phim rất kỹ lưỡng trong phục trang, bối cảnh, thiết kế mỹ thuật. Những bối cảnh ngoại như làng quê khi hai chị em đưa mẹ đi tản cư, cảnh đêm trăng của ba nhân vật Thiện, Ngọc Lan, Ngọc Thủy được dàn dựng khá cầu kỳ. Bối cảnh nội được thiết kế trau chuốt, công phu, tỉ mẩn; mang đến một không gian của giới tư sản giàu có, tinh hoa của Hà Nội lúc bấy giờ. Một trong những trường đoạn ấn tượng nhất là tiệc cưới của Thiện và Ngọc Lan ở gần cuối phim. Một đoàn xe hơi Peugeot cổ rước dâu trên đường phố rồi dừng lại bên ngôi biệt thự mang kiến trúc kiểu Pháp. Những nhân vật nữ, trong đó nổi bật là chị em Ngọc Lan, Ngọc Thủy mặc áo dài trắng chiết eo; những nhân vật nam mặc tuxedo, thắt bowtie (nơ) lịch lãm. Họ bước xuống xe rồi dìu nhau vào tiệc cưới được trang hoàng tao nhã. Chú rể ngồi đệm đàn piano, hai chị em Ngọc Lan, Ngọc Thủy song ca bản Dư âm với giọng hát du dương thánh thót. Bài hát kết thúc, đám đông quan khách đứng lên ùa lại chúc mừng cô dâu chú rể. Và chuyển cảnh sang một điệu nhảy trên nền nhạc cổ điển. Vẻ trang nhã của Kiếp hoa khó tìm thấy ở những bộ phim cách mạng sau này của Việt Nam.

Mãi đến năm 2000, Trần Anh Hùng một lần nữa mang lại vẻ đẹp thanh lịch và quyến rũ của Hà Nội qua Mùa Hè chiều thẳng đứng. Khác với hai bộ phim trước đó lấy bối cảnh ở Sài Gòn, với bộ phim thứ ba trong “tam bộ” (trilogy) về Việt Nam, Trần Anh Hùng chọn Hà Nội hiện tại để kể một câu chuyện đời thường và những bí mật ẩn giấu về ba chị em gái.

điện ảnh 5

Phim Mùa hè chiều thẳng đứng.

Cả hai bộ phim đều có công lớn khi phục dựng một Hà Nội
thật trang nhã, tinh tế và quyến rũ –
vẻ đẹp mà chúng ta khó tìm thấy
trong Hà Nội đang phát triển mạnh mẽ nhưng xô bồ hiện nay

điện ảnh 4

Phim Trăng nơi đáy giếng.

Bộ phim mở đầu với cảnh Liên (Trần Nữ Yên Khê), cô em gái út và Hải (Quang Hải), anh trai kế của cô thức dậy trong căn nhà cổ của cha mẹ họ để lại. Trên nền nhạc của ca khúc Pale blue eyes của Lou Reed, do nhóm The Velvet Underground hát một cách khoan thai chậm rãi, không gian trong ngôi nhà cổ như thuộc về thế giới của hai anh em họ. Ánh sáng chiếu vào nhà, những tấm rèm vải hoa đung đưa; Hải tập thể dục trong khi Liên múa vài điệu Thái cực quyền và trò chuyện vô thưởng vô phạt về chuyện tối qua.

Mạch phim được tiếp nối với cảnh ba chị em gái chuẩn bị cho bữa cỗ ngày cúng giỗ mẹ của họ. Máy quay đặt từ một góc trên cao, xuyên qua vòm lá để ghi hình ba chị em Sương (Như Quỳnh), Khanh (Lê Khanh) và Liên trò chuyện về cách bày biện bữa giỗ theo kiểu truyền thống. Hùng (Chu Hùng), chồng của chị cả Sương là một nhiếp ảnh gia về thực vật và Kiên (Mạnh Cường), một nhà văn đang bế tắc với cuốn tiểu thuyết đầu tay trò chuyện ở nhà trên. Một không gian rất truyền thống và cũng rất Hà Nội: phụ nữ lo chuyện bếp núc và bàn những câu chuyện đàn bà vô thưởng vô phạt, trong khi đàn ông đàm đạo về nghề nghiệp, về niềm đam mê của họ hay ý nghĩa của sự tồn tại. Không gian văn hóa của Hà Nội từ Kiếp hoa đến Mùa Hè chiều thẳng đứng rất khác biệt, cũng như ngôn ngữ điện ảnh ước lệ của bộ phim sản xuất năm 1953 khác xa so với ngôn ngữ điện ảnh duy mỹ, chú trọng hình thức biểu đạt của bộ phim sản xuất năm 2000; nhưng cả hai bộ phim đều có công lớn khi phục dựng một Hà Nội thật trang nhã, tinh tế và quyến rũ – vẻ đẹp mà chúng ta khó tìm thấy trong một Hà Nội đang phát triển mạnh mẽ nhưng xô bồ hiện nay.

điện ảnh 3

Phim Bao giờ cho đến tháng mười.

Không gian văn hóa Bắc Bộ qua những bộ phim kinh điển

Làng quê Bắc bộ là một bối cảnh đặc biệt và xuất hiện trong rất nhiều bộ phim điện ảnh Việt Nam. Các đạo diễn điện ảnh đã phục dựng lại không gian văn hóa đặc sắc này từ những bộ phim được chuyển thể từ những tác phẩm văn học thời hiện thực phê phán như Chị Dậu, Làng Vũ Đại ngày ấy đến những bộ phim của thời chiến tranh, hậu chiến, bao cấp và thời đổi mới như Đến hẹn lại lên, Bao giờ cho đến tháng Mười, Giải hạn, Thương nhớ đồng quê, Bến không chồng…

Những ngôi nhà vùng nông thôn Bắc bộ 3 hay 5 gian lợp tranh hay ngói âm dương, khu vườn rộng bao quanh là không gian sống quen thuộc của những người nông dân vùng đồng bằng chiêm trũng. Và thế giới bên ngoài là cổng làng, cây đa, bến nước, chiếu chèo, sân đình, cánh đồng làng… Đó là một không gian sống vừa thân thuộc vừa tù hãm bởi định kiến, nơi những người phụ nữ đôi khi cả đời không ra khỏi cánh đồng làng, như tự sự của chàng thanh niên tên Nhâm trong bộ phim Thương nhớ đồng quê của đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Khác với những bộ phim tuyên truyền hay mang âm hưởng anh hùng ca được lặp đi lặp lại trong điện ảnh Việt thời chiến tranh hay hậu chiến, Đặng Nhật Minh thường hướng ống kính của ông đến những thân phận của con người bình dị trong xã hội dưới tác động của thời cuộc, của lịch sử. Kịch bản Bao giờ cho đến tháng Mười được ông viết từ những trải nghiệm thực tế, diễn ra ở một làng quê nghèo, với dòng sông chảy qua làng, với cánh đồng lúa thẳng tắp, với sân đình, chiếu chèo, miếu Thành Hoàng… thấm đẫm không gian văn hóa Bắc bộ.

Dù là một bộ phim mang hơi hướng bi kịch, đạo diễn Đặng Nhật Minh tiết chế kịch tính tối đa và dẫn dắt người xem đi vào thế giới nội tâm và nỗi đau cố nén của một người phụ nữ Việt Nam. Nhẹ nhàng và đầy xúc cảm, bộ phim là nỗi lòng của Duyên (Lê Vân) trước sự trớ trêu của số phận. Nhưng đồng thời, tác phẩm này cũng mô tả như vẻ đẹp nhuần nhị, vừa đầy chất thơ vừa mang màu sắc truyền thống, tâm linh của làng quê.

Đặng Nhật Minh sử dụng chất liệu tâm linh mang tính dân gian cho cảnh phiên chợ Âm Dương ở miếu Thành Hoàng, nâng bộ phim lên một tầm cao mới. Ở chốn linh thiêng của làng này, Duyên được Thành Hoàng cho biết, nếu muốn gặp chồng, hãy đợi đến rằm tháng 7 sẽ có phiên chợ Âm Dương, nơi một năm một lần người sống và người chết sẽ được gặp nhau. Trong màu sắc bảng lảng khói sương huyền bí, Duyên đã được gặp lại chồng, lúc này đã là một vong hồn giữa một phiên chợ âm phủ đông đúc. Cảnh tái diễn phiên chợ Âm Dương này là một trong những cảnh siêu thực đặc sắc nhất trong điện ảnh Việt Nam đến nay, đồng thời cũng nâng tầm tư tưởng và tính nhân bản của Bao giờ cho đến tháng Mười.

Phong cách tác giả của Đặng Nhật Minh được thể hiện qua cách ông chọn khai thác những đề tài về con người bình thường trong cuộc sống trước những biến động của thời cuộc hay lịch sử. Dấu ấn Việt Nam được thể hiện đậm nét trong phim của ông qua những tập tục, tín ngưỡng hay văn hóa truyền thống, và thường được lồng ghép khéo léo vào mạch tự sự của câu chuyện. Vẻ đẹp trong phim ông tự nhiên, nhuần nhị mà giàu cảm xúc trong kể chuyện; góc nhìn khách quan, ít can thiệp, sắp đặt nhưng chi tiết sống động, ngồn ngộn sức sống. Chính những điều này làm nên sự riêng biệt và xác lập một vị thế không thể trộn lẫn của Đặng Nhật Minh trong điện ảnh Việt Nam. Thương nhớ đồng quê một lần nữa làm đậm thêm phong cách tác giả của ông.

Bức chân dung làng quê yên ả và bình dị được thể hiện đầy tinh tế trong phim, gợi lên hình ảnh đồng quê trong tâm thức của nhiều người Việt Nam với những cánh đồng làng xanh ngắt, dãy núi xa xa án ngữ, cảnh đi bắt ếch đêm, tổ chim non trong ruộng mía, hay cảnh múa rối nước và những làn điệu dân ca truyền thống. Nhưng sự bình yên đó bắt đầu đứng trước những thách thức khi kinh tế thị trường tràn về làng quê hay sự tha hóa của một vài người nông dân trước biến động của đời sống…

điện ảnh 2

Phim Mùa hè chiều thẳng đứng.

Sài Gòn qua những hồi ức đẹp của đạo diễn Việt kiều

Các đạo diễn Việt kiều trở về Việt Nam làm phim, đặc biệt là trong thập niên 90 và kéo dài cho tới ngày nay đã góp phần tạo ra một không gian văn hóa đặc sắc, chủ yếu là từ những hồi ức của họ về những năm tháng tuổi thơ. Việt Nam trong những bộ phim của các đạo diễn Việt kiều rất khác lạ, một mặt do họ được tiếp cận phong cách điện ảnh tinh hoa của thế giới, mặt khác ngôn ngữ điện ảnh của họ mang tính chất ngoại lai (exotic).

Một trong những bộ phim đem lại cảm giác khác lạ nhất về Việt Nam, đặc biệt Sài Gòn là bộ phim Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Việt kiều Pháp Trần Anh Hùng, tác phẩm đầu tay ngay từ khi ra mắt tại LHP Cannes năm 1993 đã tạo tiếng vang và sau đó trở thành bộ phim đại diện cho Việt Nam duy nhất đến nay tranh giải Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất.

Bối cảnh phim diễn ra ở Sài Gòn từ năm 1951 đến 1961, một trong những giai đoạn biến động của lịch sử hiện đại Việt Nam. Nhưng phần chủ đạo của bộ phim, với những hồi ức của tuổi thơ, Trần Anh Hùng đã tạo dựng nên một thế giới tuyệt đẹp, đầy màu sắc với từng chi tiết nhỏ nhất qua đôi mắt luôn mở to của Mùi, cô bé đi ở đợ cho một gia đình trung lưu ở Sài Gòn trong những năm tháng đó. Trên cái nền của một câu chuyện có vẻ có nhiều biến động, Trần Anh Hùng giữ cho ống kính của anh không đi xa khỏi đường ray của không gian và không khí mà anh tạo dựng. Một không gian và không khí đậm màu sắc hồi cố, thiên về cảm giác và dường như được quan sát từ một góc nhìn bên ngoài. Trong những cảnh biến động của gia đình, Trần Anh Hùng thường sử dụng những cú máy dài, máy quay thường giữ vai trò trung gian, góc máy đặt từ bên ngoài, di chuyển chậm rãi qua những song cửa sổ, qua khoảng sân dài, qua vòm lá, và thường dừng lại ở vẻ trầm lắng và cam chịu trên gương mặt của người mẹ.

Không gian thu nhỏ trong ngôi nhà của gia đình bà chủ lại trở thành một thế giới rộng lớn qua đôi mắt của Mùi. Cô bé quan sát và thu vào mắt tất cả mọi dịch chuyển và mùi vị của cuộc sống, từ một giọt mủ đu đủ trắng xóa chậm rãi rơi xuống vòm lá, từ một chú ếch nhảy lên lá sen trong hồ, từ những hạt đu đủ trắng xóa khi Mùi bổ đôi quả đu đủ xanh, từ những chú kiến bò hỗn loạn trên mặt đất qua góc máy cận cảnh… Thế giới xung quanh qua đôi mắt của Mùi sống động, rực rỡ màu sắc và tràn ngập mùi vị. Máy quay của Trần Anh Hùng luôn đặc tả một cách âu yếm những biểu hiện trên gương mặt của Mùi, từ ánh mắt mở to, vẻ chịu đựng khi bị cậu con trai út bắt nạt và trêu chọc, hay nụ cười bẽn lẽn khi quay lưng lại sau khi dọn thức ăn lên bàn cho gia đình bà chủ trong ngày có chàng thiếu niên đến chơi mà Mùi cảm mến…

Xem Mùi đu đủ xanh là trải nghiệm một cảm giác điện ảnh khác biệt, với những hình ảnh vừa tráng lệ vừa hút chặt đôi mắt người xem vào cảnh vật. Câu chuyện mỏng manh và cá tính nhân vật không sắc nét – vốn là một chủ ý của Trần Anh Hùng, nhưng thế giới hình ảnh qua ngôn ngữ điện ảnh của anh là một thế giới ma thuật và diệu kỳ, ở lại trong ký ức của người xem rất lâu và có thể mãi mãi. Chúng như những ký ức tuyệt đẹp về mùi và vị, về hương và sắc của Việt Nam vẫn ở lại trong Trần Anh Hùng từ rất lâu, để rồi anh tái hiện lại ký ức ấy bằng như những giấc mơ tuyệt đẹp của mình.

điện ảnh 1

Phim Mùi đu đủ xanh.

Thực hiện: Lê Hồng Lâm | Minh họa: Hải Triều.


Xem thêm:

Chuyên mục nhà ở bachelor pad | Nhà báo Lê Hồng Lâm

Nét Việt trên cốt gốm Lái Thiêu