5 Không gian nhà ở kết hợp công việc

5 không gian nhà ở tạo dựng không chỉ dành riêng cho việc nghỉ ngơi, thư giãn mà còn được lồng ghép công năng làm việc một cách tinh tế vào giữa cuộc sống thường nhật.

Không gian đồng quê yên bình

Toạ lạc trên đỉnh ngọn đồi thấp giữa khu đất 20 mẫu thuộc vùng đồng bằng và rừng rậm trung tâm Victoria, Úc, Nhà dài Longhouse là công trình với cách thức bố trí toàn bộ công năng sử dụng trải dọc theo chuỗi mặt bằng không gian. Đây là nơi gói gọn những sinh hoạt thường nhật vùng đồng quê với các khu vực bao gồm nhà bếp, sân vườn, trang trại, cửa hàng, lớp dạy nấu ăn và một số không gian riêng tư. Toàn bộ chiều dài 110 mét của khối nhà như một hệ sinh thái thu nhỏ với các hoạt động nông nghiệp, dịch vụ, giải trí và nhà ở.

không gian 1

Ảnh: Rory Gardiner.


Khối nhà bê tông

Arhitektura d.o.o – studio thiết kế tại Slovenia là những người đã lên ý tưởng và hoàn thiện khối kiến trúc bê tông tầm thấp thuộc vùng ngoại ô Ljubljana. Công trình vừa là không gian sống, vừa là nơi kết nối với xưởng gốm làm của chủ sở hữu, biến công trình trở thành tổ hợp vận hành tự do, cảm hứng.

Khối bê tông tuy được bao quanh kín kẽ bởi hệ tường bê tông hoàn thiện nhẵn mặt nhằm tạo sự riêng tư, nhưng mở ra bên trong là khoảng sân lát đá cùng một vài khu vườn thu nhỏ vô cùng thông thoáng.

không gian 2

Ảnh: Miran Kambič.


Những viên gạch bay

Toạ lạc ở ngoại ô Quito, Ecuador, dự án được biết đến với tên gọi Casa de la Tejas Voladoras (Ngôi nhà của những viên gạch bay) là công trình được xây dựng cho một hoạ sĩ minh hoạ. Sở dĩ ngôi nhà có tên gọi khá kỳ lạ như thế vì nơi đây được tạo nên từ cùng một loại vật liệu, từ các bệ mặt ốp lát cũng như những tấm khung che chắn, đó là gạch.

Lọt thỏm giữa những viên gạch được treo lơ lửng bên ngoài ngôi nhà là lối đi chính dẫn vào không gian bên trong. Tuy được bao phủ bởi nhiều hệ vách ngăn nhưng điểm nhìn của thị giác vẫn không bị che chắn hoàn toàn vì độ che phủ của gạch đã được cố tình để hở, tạo nên sự thông thoáng mà vẫn đủ riêng tư cần thiết. Ngoài ra, ngôi nhà cũng được thiết kế theo hình thang với một bên mái nghiêng, nước mưa theo đó mà được đổ dồn về hướng lưu vực gần đó.

không gian 3

Ảnh: JAG Studio.


Thung lũng trời & tranh

Câu chuyện về cặp vợ chồng họa sĩ bỏ Hà Nội lên vùng cao Sapa để sinh sống và sáng tác vốn được truyền tai khá nhiều trong giới trẻ ưa du lịch khám phá. Giới mê tranh cũng giới thiệu rằng phải đến đây khi ghé thăm Sapa. Ở thời điểm ELLE Decoration đến thăm, căn nhà đã được cải tạo khá nhiều so với khởi đầu của họ vài năm trước, và vẫn đang trong giai đoạn chỉnh sửa thêm. Tuy vậy, sự mộc mạc tự nhiên vẫn được giữ một cách rất ý tứ trong từng cách sắp đặt góc ngồi, hướng sáng, khiến không gian căn nhà vừa đủ sự đóng – mở hợp lý, khai thác được trọn vẹn lợi thế của tầm nhìn được xem là đẹp nhất nhì Sapa.


Thuyền mây của khách thơ

Quyết định “tìm nơi vắng vẻ” của họa sĩ Bùi Đức nhen nhóm từ 6 năm trước; và bởi một chuỗi cơ duyên khó ngờ, anh tìm được một mảnh đất cheo leo bên sườn đồi, nơi người ta bán tháo với giá rất rẻ để lên chốn phố núi lao xao. Từ thế đất ngặt nghèo này, anh dựng chiếc “thuyền mây” thơ mộng của cuộc đời mình.

Một phòng tranh nho nhỏ tại Sapa được dùng làm nơi sáng tác và sinh hoạt, sau khi đã hoàn thành một “tổ kén” có kiến trúc khá thú vị và tầm nhìn bao quát thung lũng Mường Hoa phía dưới. Nhường tổ kén ấm áp cho khách, họa sĩ Bùi Đức vẫn mãn nguyện vì anh sở hữu cả một bầu trời với sương sớm và mây trôi lững thững ngang tầm mắt mỗi ngày qua.

Sapa 6


Xem thêm:

Icari House – Nhà hướng biển yên bình

Viện nghiên cứu ven kênh đào